Chiều ngày 29 tháng 1 năm 2020, tức Mùng 5 Tết Canh Tý, khi không khí vui Xuân còn chưa dứt thì báo chí loan tin một nghi phạm là công an, công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11, TP.HCM xả súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi. Nghi phạm đã tham gia đá gà, đánh bạc từ sáng đến trưa, thua bạc và có cự cãi với một số người, sau đó bỏ về, vài tiếng sau quay lại gây án.
Hung thủ chưa bị bắt thì đến rạng sáng ngày 30 tháng 1, một vụ bắn chết người, cướp xe lại xảy ra ở huyện Củ Chi được camera người dân ghi lại khiến người dân hoang mang, lo sợ.
Cùng ngày, TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tuyên phạt ba công an phường Thanh Xuân Nam mỗi người 7 năm tù với tội nhận hối lộ, trả lại ma túy cho người nghiện. Trong đó ông Nguyễn Thế Biết từng là Phó trưởng Công an phường, ông Trần Văn Trọng và ông Nguyễn Minh Tuấn là cán bộ thuộc Tổ Cảnh sát hình sự phường.
Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nói với RFA vào tối 30 tháng 1 rằng ông thấy buồn vì những ứng xử như vậy của những người được gọi là ‘công an nhân dân’, nhưng ông không thấy lạ. Ông nói:
“Việc làm của những chiến sĩ công an trong ngành như vậy làm tôi trước hết thấy buồn và sốc. Điều này sẽ xảy ra không sớm thì muộn đối với một số cá nhân thôi vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được chu toàn cho lắm.
Theo chú thì dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm.”
Việc nghi phạm được cho là công an xả súng giết người như vậy gây bàng hoàng cho người dân cả nước vào những ngày đầu năm mới. Người dân hoài nghi về tính nghiêm minh trong việc thực thi các thông tư, nghị định dành cho lực lượng này đã được pháp luật quy định. Chẳng hạn như Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đều có những quy định chặt chẽ các trường hợp được nổ súng và nghiêm cấm hành vi lạm dụng việc sử dụng vũ khí để xâm phạm sức khỏe, tính mạng của công dân.
Cụ thể, điều 22 pháp lệnh năm 2011 quy định rõ rằng, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Ngoài việc nổ súng giết người vừa xảy ra, nhiều sự việc không hay liên quan đến công an làm ảnh hưởng xấu đến ngành này nói riêng và toàn xã hội nói chung bị người dân đưa lên mạng xã hội, điển hình là Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 8 năm 2019; Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền khi bị nhắc nhở tháng 11 năm 2019…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định về hành xử sai trái của nhân viên công lực Việt Nam như vừa nêu:
“Tôi cho rằng tình trạng cán bộ công an vi phạm pháp luật đã được Bộ trưởng công an Tô Lâm nói đến và ngành công an cũng ban hành chỉ thị 64 về học tập tác phong của Hồ Chủ Tịch và phải thưởng xuyên rèn luyện, tu dưỡng, không được vi phạm pháp luật. Ngành công an có 6 điều nhằm ngăn chặn suy thoái về đạo đức. Bản thân những người công an vi phạm là do không có sự rèn luyện. Tình trạng này đến lúc báo động. Tôi cho rằng phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa quy trình đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch cán bộ chiến sĩ công an.”
Một số người dân mà RFA tiếp xúc đều cho rằng thói hành xử côn đồ ‘có sẵn trong máu’ của công an Việt Nam do bản tính, môi trường, tư duy nhận thức. Nếu họ sinh ra, lớn lên được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt hơn thì họ sẽ không có cách hành xử như vậy.
Ông Trần Trọng Nhân, một người dân Sài Gòn nhận định rằng việc công an cư xử như vậy xuất phát từ thể chế. Với kinh nghiệm bản thân, ông thấy hầu hết công an có cách làm việc hết sức thiếu tôn trọng người dân và bạo lực. Ông phân tích rằng, do công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ trường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. Chính vì vậy mà khi ra đời sống, cách hành xử nó bộc phát ra.
Qua sự việc nghi phạm là một công an xả súng bắn người trong sòng bạc ở Củ Chi, anh Nguyễn Văn Quang từ Sài Gòn nêu cảm nhận của mình:
“Bây giờ tôi không còn niềm tin vô luật pháp Việt Nam, không tin vô những người thực thi pháp luật ở Việt Nam nữa. Ở góc độ người dân thì cực chẳng đã mới phải nhờ đến họ thôi. Luật pháp không nghiêm thì cũng nằm trong cái chế độ độc tài, độc đảng, công an được trao quá nhiều quyền lực nên họ đứng trên pháp luật. Bao nhiêu sự việc xử lý bao che thấy rõ.”
Anh nói thêm rằng cảnh sát huy động 500 người bao vây một khu vực không rộng lớn mà sau hai ngày vẫn chưa bắt được nghi phạm chứng tỏ năng lực yếu kém của cơ quan chức năng.
Sự vụ này khiến nhiều người nhớ lại rạng sáng ngày 9 tháng 1, mấy ngàn quân tràn vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm chỉ để giết cho được ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, ngay tại tư gia. Ông là đảng viên cộng sản 58 tuổi đảng và được dân làng tin tưởng giao phó trọng trách đi đầu đấu tranh giữ 59 héc ta đất nông nghiệp của làng.
Theo RFA