logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 02/02/2020 lúc 01:12:25(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trong suốt một thời gian dài, gần như những năm cuối trung học, gia đình tôi không có một kỳ nghỉ hè nào vui vẻ bên nhau. Tất cả đã chấm dứt từ cái mùa nghỉ hè năm lớp chín, khi bố tôi phải lòng cô thư ký của ông. Mà cô thư ký ấy lại chính là cô giáo cũ của tôi, người tôi rất quý mến. Hẳn nhiên là bây giờ tôi không còn quý mến cô ta nữa. Không những chỉ mẹ tôi đau đớn, mà chính tôi cũng cảm thấy bị phản bội. Tôi đã đứng hẳn về phe mẹ, và gây khó khăn cho bố tôi nhiều lần. Cũng có đôi lúc tôi bối rối tự hỏi lòng là ai trong bọn họ đã khiến tôi bị thương tổn: bố tôi, hay cô giáo?
Bây giờ tôi lại đang chuẩn bị đón mùa hè cuối của thời kỳ trung học, và biết chắc rằng chúng tôi sẽ ở yên trong thành phố. Chẳng còn những chuyến Nha Trang, Vũng Tàu chung với nhau nữa. Tuy thế, điều này không còn khiến tôi tức giận như những mùa hè trước, bởi vì sau mùa hè này tôi sẽ bước vào đại học, và biết bao nhiêu điều mới mẻ đang chờ đợi tôi, khiến tôi vừa háo hức, vừa cảm thấy bất an, lo lắng. Tôi đãõ dự định dành suốt ba tháng hè để chuẩn bị cho mình một số điều cần thiết trước khi bước vào đại học. Quyết tâm như thế, nhưng tôi chưa nghĩ ra được “một số điều cần thiết” ấy là gì, đại loại như đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục, mua sắm… Tôi hồi hộp chờ đợi ngày đầu tiên của Đại Học như chờ đợi một anh chàng nào đó, cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, sẵng sàng lao vào mọi thử thách.
Buổi sáng hôm nay, khi tôi ở trong cái trạng thái như hủ rượu đang lên men ấy, thì mẹ tôi vẫn chìm trong cơn tức giận và tuyệt vọng. Mới sáng sớm mẹ tôi đã gọi phone cho bạn bè và than thở về thái độ của bố tôi. Một lát nữa đây họ sẽ sang nhà và khuyên bảo mẹ tôi, dạy cho mẹ tôi thêm nhiều cách để rình mò và đánh ghen. Trước đây thỉnh thoảng tôi cũng dỏng tai nghe và thậm chí đã giúp mẹ rình mò vài lần để “bắt tại trận” bố tôi, nhưng cứ sau những lần như thế tôi lại lấn cấn một điều gì… Phải chăng có những điều ta cho rằng đúng, lại làm ta cảm thấy xấu hổ và chua xót? Chuyện này đã chẳng thể nào giải quyết nổi, dù chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp. Hôm nay thì tôi không còn muốn nghe những chuyện này nữa, tôi đang muốn hít thở một làn không khí mới, muốn mở một cánh cửa mới, cảm thấy cái chuyện của bố mẹ đã làm tôi ngộp thở quá lâu.
Xách theo cái túi đeo vai đựng đầy thứ lỉnh kỉnh, tôi thoát ra khỏi nhà.
Đi lòng vòng ngoài phố, tôi vui vẻ nghĩ đến cách tiêu hết ngày giờ hôm nay. Thật là một ngày rảnh rỗi. Buổi sáng đã nhuốm đầy ánh nắng, báo hiệu một buổi trưa gay gắt của một ngày hè. Giờ này các cửa tiệm mới lục đục mở cửa. Lâu rồi tôi không bát phố vào giờ này, thấy thành phố bỗng nhiên mới mẻ. Tôi đi dọc theo con đường có những tiệm bán đồ cũ. Ngang một tiệm đầy những mặt nạ cũ kỹ sắp hàng nhìn qua khung cửa kính, tôi tò mò đẩy cửa vào. Mùi ẩm mốc xộc thẳng lên mũi tôi, cùng với mùi gỗ, giấy cũ, và mùi bụi bặm… Những thứ mùi vị từ ký ức. Một ông già râu tóc lởm chởm, nhỏ thó ngồi lọt thỏm vào một chiếc ghế bành với một cây kiếm gổ chạm trỗ cầu kỳ gác bên cạnh. Cảm giác như lọt hẳn vào một thế giới khác, tôi cất tiếng chào ông. Lão già có vẻ thân thiện hơn vẻ bên ngoài, ông ta chào lại tôi bằng một lời tiên tri, không cần phải dò hỏi, chứng tỏ vẫn còn minh mẫn lắm.
“Một cô gái trẻ giận người yêu đi lang thang một mình? Này, đừng để cuộc đời hỏng vì những thứ phù phiếm ấy nhé!”
Tôi mỉm cười, gỡ chiếc túi nặng chình ịch khỏi vai, để nó dựa vào một cái thùng Coca Cola cũ, và nhìn quanh.
“Cụ có dĩa nhạc cũ không ạ?”
“Đằng kia. Cô cứ lục trong ấy. Cô đến đúng ngày đấy, ông bạn tôi vừa bước qua thế giới bên kia cách đây không bao lâu, mụ vợ mang hết tất cả kho tàng của bác ấy sang đây cho tôi bán. Lẽ ra con mụ ấy phải đi trước bác ấy mới đúng đạo lý… Nhưng thôi, cô cứ xem đi, đạo lý ở đời thường lộn ngược.”
Có lẽ ông ta nói đúng. Tôi tiến về căn phòng nhỏ theo hướng ông ta chỉ. Một đống dĩa nhạc và băng nhạc cũ, tính nhanh bằng mắt chắc cũng cả ngàn cái, chồng chất lên nhau, chiếm một phần lớn căn phòng, xếp lộn xộn không thứ tự. Đây là gia tài của một người vừa mới chết, người mà, nếu đạo lý không lộn ngược, thì lẽ ra bây giờ đang còn sống, đang còn làm chủ mớ băng dĩa này, và mỗi buổi chiều sẽ chọn một cái, cẩn thận đặt lên máy nghe.
Nhưng đứng trước một núi băng dĩa nhạc không sắp theo thứ tự, thì biết đằng nào mà mò. Lão già kia chắc cũng chẳng bao giờ có ý nghĩ phải sắp xếp lại chúng cho khách hàng dễ tìm. Đành vậy. Tôi bắt đầu lục lọi, thầm cầu nguyện không phải nhìn thấy một con dán nào từ đó nhảy vọt ra.
Cửa hàng im ắng. Ánh nắng xuyên qua đồ đạc trong phòng thành những tia bụi nhỏ li ti, khiến tôi có cảm giác như mình đang chìm trong một màn sương bụi của một thời đại nào đã mất… Kể cũng thú vị, tôi hài lòng vì đã quyết định ra khỏi nhà. Đống băng dĩa ở cái tiệm bán đồ cũ này, cùng với lão già và cây kiếm gỗ, cho tôi một cảm giác phiêu lưu nhưng yên lành thích thú, như một người đang nhẩn nha mò tìm về quá khứ.
Càng đào sâu vào đống băng dĩa, tôi càng cảm thấy gần gũi với lão già đã đi về phía thế giới bên kia, để lại một ông bạn đang ngồi đây nuối tiếc… Đa số băng dĩa là nhạc jazz, blues, và classical. Tôi chọn một vài băng dĩa ưng ý, trong đó có dĩa “Ella in Berlin,” một trong những giọng hát tôi mê nhất. Đúng là một kho tàng vô giá, tôi chắc chắn sẽ trở lại tiệm này một ngày rất gần, và có thể là nhiều, nhiều ngày nữa cũng không chừng.
Mang đống băng dĩa trở lại quầy tính tiền, tôi ngạc nhiên vì lão già đã chìm hẳn vào một giấc ngủ ngon. Một tay đặt lên thành ghế, một tay giữ nhẹ đầu kiếm, lão há hốc mồm và ngủ mê mệt, những cọng râu cứng tua tủa chĩa ra từ cái miệng đang mở lớn hết cỡ. Không biết nên đánh thức ông già dậy hay chờ. Tôi còn đang lưỡng lự thì cánh cửa hé mở, một bà lão bước vào.
Một bà lão cũng kỳ lạ không kém, chỉ thiếu hàm râu, còn lại thì có thể nói rằng khá giống ông già này.
Bà lão dậm chân vào tấm thảm nhỏ ở lối ra vào, như một thói quen làm sạch giày của những người lịch sự trước khi bước hẳn vào nhà, dù rằng điều này chẳng cần thiết ở đây. Xong xuôi, bà tiến về phía tôi, nhìn tôi thản nhiên như nhìn một người quen vẫn lui tới nơi đây thường xuyên, rồi nhìn lão già đang ngủ, nhún vai, nở một nụ cười sún răng rất khôi hài, và cất một giọng vừa cao the thé vừa run rẩy của những người già không còn đủ sức khỏe.
“Lão ngủ rồi à? Ôi dào, khi nào lão dậy thì cô đưa hộ lão gói xôi này nhé! Tôi bận, chẳng nấu được những món lão yêu cầu. Tôi thành thật xin lỗi. Mong cô chuyển lời này đến lão, và nhắc lão ăn gói xôi này. Gói xôi này là tôi nấu theo lối bà Thông dạy hồi bà ấy còn sống đấy nhé, ngon không kém đâu. Ôi, bà Thông quả là một người đàn bà có lòng, một người đàn bà quý phái. Nhờ cô nói lại với lão thế nhé. Còn bây giờ thì già phải đi. Ngày mai là giỗ cụ Vinh đấy, còn khối chuyện phải làm, nhắc ông ấy dùm tôi cả ngày giỗ cụ Vinh nhé, khéo lại quên… Lúc sống thì thân nhau lắm, mà đến giỗ chẳng thấy lão lo việc gì.”
Rồi bà lão đặt gói xôi vào tay tôi, tất tả quay gót, mặt mày nghiêm trọng như đang làm một việc gì hết sức có ý nghĩa.
Bây giờ thì tôi không còn lựa chọn nào nữa. Hoàn toàn kẹt lại cửa tiệm này vì bà già đã giao phó cho tôi biết bao nhiêu là chuyện. Tôi cố tóm tắt lại lời dặn dò của bà lão: đưa gói xôi, nhắc lão già ăn, cho lão biết là gói xôi này được nấu theo lối bà Thông vẫn nấu, một bà quý phái có lòng. Và nữa, ngày mai là giỗ cụ Vinh, còn khối chuyện phải làm…
Thôi được. Tôi thì rảnh rỗi, chẳng có chuyện gì khác để làm. Đặt gói xôi xuống, tôi bắt đầu quan sát cửa tiệm.
Kể ra, đây là một cửa tiệm bán đồ cũ vào bậc thầy chứ chẳng chơi. Ở đây, tất cả mọi thứ đều mang dáng vẻ của một cuộc sống trí thức đã mất, dù tầng lớp trí thức là tầng lớp đã được diệt gần tận gốc rễ sau cách mạng, nhưng chẳng hiểu sao vẫn còn sót lại, lãng đãng ở nơi này.
Tôi để ý kệ sách chật ních sách vở cũ, lẫn với những tấm postcard xưa, những album sưu tập tem thư, những bộ truyện chưởng, tranh vẽ, mấy thằng xìtrum được cắt bằng giấy bọc trong những miếng ny lông đã ngả vàng… Dưới sàn là những thùng gỗ được chất đầy những con dấu và những cuộn chỉ cũ. Màu gỗ cũ đầy thời gian lấm tấm ánh sáng, chỗ nhạt chỗ đậm như được phủ bởi một đàn bướm do ánh nắng vẽ nên, trông thanh bình đến cảm động. Phía quầy tính tiền là một đám rối nước, có con cụt chân cụt tay, có con còn nguyên lành, tất cả đều được làm rất công phu, và cũng phủ đầy bóng thời gian, những con rối ánh lên màu gỗ lâu năm, mỗi con như mang theo mình một câu chuyện, đang cùng lão già nghỉ trưa.
Buổi trưa im lặng như tờ. Lần đầu tiên tôi thật sự lắng nghe sự im lặng, và nhận thấy sự im lặng hóa ra lại gây nên rất nhiều tiếng động đánh thức lòng người.
Lão già bỗng giật mình, bàn tay đặt lên thanh kiếm giật lên, rồi lại rớt xuống, trượt khỏi thanh kiếm, buông thõng xuống thành ghế. Lão vẫn ngủ say, còn có vẻ như sắp sửa mỉm cười. Sao lão không sợ tôi ăn trộm nhỉ. Có lẽ sự tin tưởng phó mặc cửa tiệm vào tay khách hàng như thế này cũng là một thứ cộng thêm vào những thứ lão chọn bán ở đây khiến khách lui tới nơi này cảm thấy dể chịu. Tôi bỗng nhớ lại thái độ của bà lão khi nãy. Bà lão cũng không hề ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây, thậm chí còn giao cho tôi gói xôi và tin cậy nhờ tôi trao lại lão già cùng với những lời nhắn nhủ rất thân tình. Tôi lại nhẩm lại một lần nữa những lời bà lão giao phó. Thật là một công việc buồn cười. Tôi đưa gói xôi lên ngửi. Mùi xôi thơm phức chứng tỏ người nấu xôi quả thật là…quý phái và có lòng.
Bây giờ thì tôi cũng cảm thấy đói bụng. Có lẽ phải ra khỏi đây tìm chỗ ăn trưa. Tôi quyết định gọi lão già dậy. Quái lạ, như đoán được quyết định của tôi, lão bỗng mở choàng mắt. Vừa ngủ dậy, vươn vai xong một cái, lão đã phóng ra những lời tiên tri như lúc tôi mới bước vào cửa tiệm.
“Đã đến lúc phải rời khỏi đây rồi phải không? Chắc là cô để cho tôi ngủ một giấc kha khá hả? Cảm ơn nhiều lắm”.
Tôi đưa vội gói xôi về phía lão.
“Có một cụ bà vào đây gửi cụ gói xôi này, nói là nấu theo lối bà Thông dạy, hồi bà còn sống. Còn nữa, ngày mai là giỗ ông Vinh, cụ đừng quên...”
Nói đến đây tôi bỗng nhận ra tôi vừa nhắc đến tên không phải một người, mà là hai người đã chết. Bây giờ tôi mới ý thức được sự già nua của ông lão này, và cả bà lão vừa đi khuất. Cảm giác như đang làm việc trong nhà dưỡng lão, như một người chăm sóc những người già. Chắc là những người chăm sóc trong nhà dưỡng lão một ngày cũng nhắc đến tên của rất nhiều những người đã khuất.
Lão già nghệt mặt một lúc, rồi đưa tay cầm gói xôi. Cũng như tôi vừa làm, lão đưa gói xôi lên mũi ngửi. Lão giữ gói xôi rất lâu, ngửi thật sâu, hít mạnh gần như thơm vào má của một em bé. Mặt lão ngờ nghệch như vẫn chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra.
“Bà cụ ấy nhắc cụ ăn xôi đi đấy. Bà ấy bận không nấu được những món cụ yêu cầu. Bà ấy gửi lời thành thật xin lỗi cụ”.
Tôi nói một hơi, thở dài nhẹ nhõm. Thế là xong chuyện. Tôi đã làm xong bổn phận bà lão giao phó. Lão già đặt gói xôi xuống, mắt hấp háy.
“Nào tôi có yêu cầu gì. Cái bà ấy lúc nào cũng bịa chuyện. Thế bà ấy đến đây một mình à?”
“Vâng, bà ấy chỉ kịp đưa gói xôi và nhắn chừng ấy chuyện”
“À ra thể.”
Như một lời than thở, mặt lão già bỗng méo xệch. Mà hình như lão chỉ lẩm bẩm một mình, chứ chẳng phải nói với tôi. Tôi ái ngại.
“Cụ ăn xôi đi”.
“Ừ, cô nói phải. Bà ấy gửi xôi thì tôi phải ăn chứ. Nói thế thôi chứ làm gì bà ấy nấu xôi ngon được như bà Thông. Ngày mai giỗ cụ Vinh thì tôi nhớ. Làm sao mà quên được. 49 ngày đấy cô ạ.”
“Vâng”, bỗng nhiên tôi trả lời như một người quen lâu năm, đã chứng kiến cái ngày cụ Vinh mất và chuẩn bị đi ăn giỗ ông ta ngày mai vậy. Tôi vội chữa đi cái chữ vâng xác nhận vô duyên ấy, hỏi “Thế những cái dĩa nhạc này là của cụ Vinh đấy ạ?”
“Tất nhiên rồi. Mụ vợ hắn không biết quý những gì của chồng. Nói cho cô biết nhé, chẳng ai giỏi sưu tầm nhạc và thưởng thức nhạc như cụ Vinh này. Cô may mắn lắm mới mua được những thứ này đấy. Tôi đây cũng chẳng còn bao lâu, rồi cũng theo bác ấy nay mai thôi, chẳng biết có gửi ra ngoài kia bộ sưu tập này của bác ấy được hay không, mà có mấy ai sẽ thưởng thức nó chứ!”
“Vâng”. Lại vâng. Tôi giúp ông cụ bỏ mấy cái dĩa vào một bao giấy. “Bao nhiêu tiền hở cụ?”
“Bao nhiêu cũng được.”
Bây giờ thật là khó khăn cho tôi. Bao nhiêu cũng được là bao nhiêu? Tôi tính nhẩm những dĩa nhạc tôi thường mua ở khu Tây Ba Lô rồi cộng thêm một chút tính tiền công sưu tập của ông cụ Vinh nào đó đã đi qua thế giới bên kia, cũng coi như chút tiền mua nhang giỗ ông ta ngày mai, rồi đưa cho lão già món tiền ấy. Lão già đếm tiền, gật gù.
“Nhiều ra phết. Hóa ra cô cũng cùng gu nhạc với bác ấy nhỉ”.
Điều này thì đúng đấy. Tôi hãnh diện gật đầu. Lão già như tìm được một tri kỷ, bắt đầu thổ lộ với tôi.
“Bà Thông, cái người nấu xôi ngon nhất, là người yêu của cụ Vinh đấy. Bà Thông chẳng bao giờ yêu ai. Bà ấy chỉ yêu mỗi bác ấy thôi. Cô chắc là còn trẻ lắm nhỉ, chẳng hiểu được tình yêu là cái gì. Nhưng mà cô thích các dĩa nhạc của bác ấy. Bác ấy hay thật, ngay cả khi mất đi rồi thì những thứ bác ấy để lại cũng cám dỗ được phụ nữ, ngay cả phụ nữ trẻ như cô đây. Lạ thật.”
Tôi tò mò:
“Có nghĩa là bác ấy được rất nhiều người yêu hả cụ?”
“Hẳn nhiên rồi. Không thế sao mụ vợ gặp ai cũng ghen, sao bà Thông ở một mình cho đến lúc chết.”
Chuyện tình những người già. Không, đúng hơn là những người đã khuất. Giờ đây thì tình yêu ấy, và có lẽ, cả công thức nấu xôi nữa, chỉ sót lại một phần rất nhỏ trong trí nhớ lẩm cẩm của hai ông bà già này, còn lại đã thành tro bụi. Mà ngay cả cái phần ít ỏi trong trí nhớ của những người bạn già còn sống của họ cũng sẽ tan biến nay mai, như ánh sáng của tim đèn đã cạn.
Bước ra khỏi cửa hàng, tôi vào một quán ăn trưa quen thuộc. Đã quá giờ ăn trưa, thành phố đang bước vào giấc nghỉ trưa, quán vắng lặng. Trong lúc ngồi chờ thức ăn, tôi bóc cái dĩa “Ella in Berlin” ra. Dĩa còn rất tốt, chứng tỏ được giữ gìn cẩn thận. Săm soi một hồi rồi cất ngược dĩa vào bao, tôi phát hiện một tờ giấy đã úa vàng, được gấp làm tư, khổ giấy học trò, nằm ép sát sâu trong bao dĩa, và được dán dính vào bao bằng một miếng băng keo nhỏ. Những lời của lão già bật lên trong đầu.
Vốn là người giàu trí tưởng tượng, tim tôi đập rộn lên, thò tay lôi vội mảnh giấy. Lần đầu tiên trí tưởng tượng đã không phản bội tôi. Một bài thơ được viết bằng tay, chữ con gái ngay ngắn nhưng không thuộc loại mềm mại nắn nót. Một nét chữ khiến ta khó đoán nổi người cầm bút. Tôi nhìn vội xuống hàng chót trước hết. Lê Thị Ngàn Thông. Bà Thông. Đúng là bà Thông, nhưng cái tên Lê Thị Ngàn Thông thì ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Khi nghe gọi Bà Thông, tôi cứ nghĩ đến một người đàn bà đã lấy chồng tên Thông và được gọi bằng tên chồng, dù rằng lão già đã xác nhận bà ấy vẫn ở một mình cho đến lúc chết, nhưng cái cảm giác ấy vẫn không rời khỏi tôi cho đến khi cái tên Lê Thị Ngàn Thông hiện ra. Có lẽ bố mẹ bà ta quen nhau ở Đà Lạt chăng, hay bà ta được sinh ra ở đó, và cất tiếng khóc chào đời cùng với tiếng reo vi vu của ngàn cây thông trên một ngọn đồi nào đó…
Lại là trí tưởng tượng. Dù sao cũng chỉ là một cái tên. Không chừng chỉ đơn giản mẹ tên Ngàn, bố tên Thông. Tôi hít một hơi thở thật sâu, và đọc.


Thư Tháng Năm


Tháng Năm
Anh biết không bây giờ là mùa Hạ.
Nếu anh để ý mặt nhựa đường cháy bỏng
Bốc lên thứ mùi vị báo hiệu một cơn giông
Khi anh băng ngang qua em
Ôi mùa Hạ
Đôi lúc em có cảm tưởng chính mình là một mùa Hạ
Ngây ngây sốt
Em hình dung ra anh ngày mới lớn
Ngày mới lấy vợ, sinh con
ngày em chưa đến
Khi em ngửi mùi mặt trời trên tóc anh
Mùi mây trôi mùi đất ẩm ướt
Mùi da thịt đầy mồ hôi
Mùi cô đơn nhắm nghiền mắt.
Phải rồi, khi anh băng ngang qua em
Ngày oi nồng nhuộm vàng dãy phố
Anh biết gì không
Tiếng rỉ rả của bọn côn trùng
Hối thúc em
Tan chảy
Em thích cái nắng chói chang của tháng Năm
Thiêu rọi chúng ta trên những con đường
Đốt cháy thời khắc bên nhau
Và làm dịu đi bằng cơn mưa tầm tả
Ôi, mùa Hạ
Thôi hãy để hơi nóng
Mùi hương ngọt ngào từ cơ thể buông thả
Bốc thành mây
như gặp gỡ
Như ánh nắng xuyên qua tim
Như anh, như em
như tình yêu rạn vỡ
cùng tiếng cười dòn tan.


Và rồi là chữ ký. Lê Thị Ngàn Thông.
Tôi buông lá thư xuống. Một tiếng kêu nhỏ bật lên trong lồng ngực, và tim tôi như vừa thắt lại, sai đi một nhịp đập. Tự nhiên buồn bã, nhưng là một sự buồn bã đẹp đẽ lẫn với niềm vui len lỏi. Thật chẳng làm sao diễn đạt được. Nhìn ra đường, xuyên qua tấm cửa kính, ánh nắng bỗng rực lên đến lóa mắt. Bỗng một giọng nói chậm rãi cất lên sau lưng tôi.
“Tháng Năm nóng quá phải không cô?”
Tôi rùng mình quay lại. Một lão già đã ngồi đấy tự bao giờ. Lúc mới bước vào tiệm, tôi nhớ rằng tiệm vắng ngắt, chẳng có ai. Lão già lại nói tiếp.
“Cái dĩa nhạc cô đang cầm trên tay, tôi cũng đã nghe rất nhiều thuở còn trẻ. Ella in Berlin phải không cô?”
Tôi chìa dĩa nhạc về hướng lão già, lắp bắp:
“Vâng, cụ có thích xem… xem lại không ạ?”
Lão già mỉm cười.
“Không cần đâu, cảm ơn cô. Tôi vẫn nhớ như in mà. Hồi tôi có dĩa nhạc ấy cũng độ tháng Năm như bây giờ. Cũng nắng thế này. Cũng ở ngay con phố này. Thôi cô đọc thư tiếp đi.”
Tôi lạnh cả người. Bây giờ là tháng Năm, nhưng sao trùng hợp thế. Ngày mai là giỗ 49 ngày của cụ Vinh. Tôi ngó trân trân lão già. Tôi muốn nói thêm nhiều chuyện nữa nhưng lão già đã đứng dậy và bước ra cửa. Suýt nữa tôi đã gọi với theo “cụ Vinh”, nhưng lưỡi tôi như đông cứng lại. Sâu trong đầu, tôi dùng tất cả năng lượng của ý nghĩ gọi cái tên ấy hòng gửi được sang phía ông lão, xem lão có quay lại không. Nhưng lão già đã khuất sau tấm cửa kính. Người nhân viên vừa mang đến cho tôi một dĩa bánh cuốn bốc khói. Tôi thẫn thờ nhìn phần ăn trưa và không còn cảm thấy đói nữa. Lẽ ra tôi đã phải đi theo ông cụ ấy mới phải. Có cái gì đó mách bảo với tôi rằng ông ta biết hết.
Tôi đặt bài thơ trở lại bao dĩa. Ella in Berlin. Tôi còn nhớ giọng hát của Ella trong dĩa nhạc này, như một chất nhựa rỉ ra từ một thân cây xanh tươi, nồng nàn và đậm đặc. Lá thư tháng Năm vẫn còn làm tôi rung động. Chắc là họ đã co ùmột tình yêu đẹp lắm. Những điều đẹp đẽ đối với tôi vẫn là những thứ rất xa xôi, tựa như khi ta nhớ đến một thứ gì đã trôi qua, không làm sao có thể thấy lại được, chỉ lần mò về nó bằng ký ức. Những tình yêu như thế, giống như những cánh phượng đã úa màu, nhìn nó khiến ta nhớ đến một mùa hè rực rỡ.
Chẳng còn thấy đói, tôi bỗng thèm một ly cà phê đá. Hay là đi mua một ly cà phê đá rồi trở lại cửa hàng bán đồ cũ, chia xẻ bài thơ với lão già và cây kiếm gỗ? Nhưng vừa nghĩ đến chuyện này thì tôi đã gạt đi, thấy không cần thiết nữa. Bây giờ bài thơ là của riêng tôi, câu chuyện tình này cũng vậy. Khi những người bạn già của cụ Vinh mất đi, thì tôi là người sẽ giữ lại điều này cho họ. Rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ đi theo họ, tôi cũng sẽ để lại trần gian này cái dĩa nhạc Ella in Berlin với bài thơ tháng Năm trong đó. Tôi sẽ để mặc cho số phận của Ella in Berlin trôi đi, cũng như số phận của cô gái Lê Thị Ngàn Thông, của chàng trai tên Vinh và tình yêu của họ.
Vừa nghĩ đến đấy thì có điều gì chợt hiện rõ trong tôi, như ánh sáng chợt ùa vào một căn phòng tối ám. Tôi bỗng có một cái nhìn khác hơn trong chuyện của bố mẹ mình. Tôi cũng sẽ để yên cho số phận cuộc hôn nhân của họ. Tôi sẽ không tìm cách đứng về phía mẹ tôi làm khó bố, nhưng tôi sẽ thay ông dành nhiều thời gian hơn cho mẹ trong mùa hè này. Tôi hình dung gương mặt mệt mỏi của bố mình. Đã quá lâu rồi tôi không ngắm nhìn ông. Sự giận dữ đã làm tôi quên mất hạnh phúc của bố. Tôi thở dài. Cuộc đời và tình yêu, tự nó sẽ trôi đi theo hình dáng riêng của nó.
Rời khỏi quán ăn trưa, tôi rảo bước về tiệm cà phê.
Tháng Năm, trời nóng và nắng. Bây giờ thì tôi nhận ra tháng Năm nhiều hơn, không chỉ qua một tờ lịch, mà từ mùi vị, không khí, tiếng rỉ rả của côn trùng, và tôi cũng để ý đến mùi nhựa đường cháy bỏng dưới chân mình, thứ mùi vị báo hiệu một cơn giông, thấy đời sống chưa bao giờ sáng sủa và đẹp đẽ đến thế.
Như bài thơ tháng Năm tôi vừa đọc được. Rồi mọi sự sẽ được làm dịu đi bởi một cơn mưa tầm tã. Tôi đang bước trên con phố mà từ ngàn xưa, cứ mỗi độ tháng Năm đều mang trở lại thứ mùi vị này. Mùa Hạ đến rồi đi. Nhưng mùa Hạ sẽ không mất. Như tình yêu, như gặp gỡ, và như cả rạn vỡ, ly biệt. Như cái dĩa nhạc Ella in Berlin tôi đang cầm trong tay, ngày xưa trên con phố này, đã có một cô gái cầm tặng cho một chàng trai. Như tôi đang cất giữ những điều còn lại.
Ôi, mùa Hạ. Tôi thèm một ly cà phê đá và về nhà nằm dài nghe Ella in Berlin. Chẳng biết vì cớ gì mà sao tôi thấy những điều tôi vừa biết được cũng từa tựa như tiếng hát của Ella, sẽ tồn tại mãi mãi như một điều xưa cũ vẫn được giữ gìn. Một điều gì mang tính di truyền, bất diệt.
Lê Sông Văn
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.205 giây.