“Lá diêu bông” là một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm, tên là Bùi Tằng Việt (1922-2010). Bài thơ kể rằng lúc nhỏ, Hoàng Cầm yêu một cô gái trẻ đẹp, lớn tuổi hơn ông. Một hôm, cô thách thức “Đứa nào tìm được lá diêu bông / Từ nay ta gọi là chồng...” Hoàng Cầm đi tìm lá diêu bông, nhưng những chiếc lá ông tìm được, đều bị chị lắc đầu, kể cả khi chị đã có ba con. Cuối cùng ông thất vọng than rằng: “Từ thuở ấy / Em cầm chiếc lá / đi đầu non cuối bể / Gió quê vi vút gọi / Diêu bông hời.../ ...ới diêu bông...!”
Cho đến nay, không ai biết được lá diêu bông là lá gì? Người ta kết luận rằng lá diêu bông là một thứ lá tưởng tượng, không có thực, nên cũng chẳng ai biết Hoàng Cầm dùng chuyện lá diêu bông để ám chỉ điều gì? Ở đây, chỉ xin chú ý là, theo lời Hoàng Cầm, ông sáng tác bài thơ nầy vào cuối năm 1959 ở Hà Nội, tức là sau thời kỳ nhà cầm quyền cộng sản (CS) Bắc Việt Nam (BVN) đàn áp vụ Nhân Văn - Giai Phẩm năm 1956, và sau khi Hoàng Cầm bị Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật BVN lên án trong nghị quyết ngày 4-6-1958, và bị khai trừ ra khỏi ban chấp hành Hội Nhà văn BVN ngày 5-6-1958. Cũng xin thêm, Hoàng Cầm sinh năm 1922. Thời kỳ ông lớn lên là thời kỳ đảng CS phát triển mạnh ở Việt Bắc.
Phải chăng Hoàng Cầm muốn ám chỉ lá diêu bông là một thứ gì chẳng ai biết, nhưng lại tưởng là báu vật có thật, bỏ công tìm kiếm? Hay Hoàng Cầm muốn nói đến những ước vọng thôi thúc người Việt lên đường năm 1946, nhưng cuối cùng mộng không thành, như người đi tìm lá diêu bông. Vậy phải chăng lá diêu bông là biểu tượng của một chủ nghĩa hay một tổ chức, hứa hẹn cho người Việt một tương lai tươi sáng, để rồi cuối cùng chỉ là ảo vọng, không tưởng. Cái tổ chức và cái chủ nghĩa làm cho nhiều người một thời say mê, kể cả những trí thức đỉnh cao, đối chiếu với lịch sử, chính là đảng CS, du nhập từ Âu Châu.
1.- Người du nhập Lá Diêu Bông
Đảng CS Việt Nam do Hồ Chí Minh (HCM) thành lập. Hồ Chí Minh tên là Nguyễn Sinh Cung, đang học lớp nhứt niên (lớp 6) trưởng Quốc Học (Huế), thì bỏ học tháng 4-1908, vào Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn, làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville, ra nước ngoài. Đến Pháp năm 1911, HCM xin vào học trường Thuộc Địa Paris, nhưng bị từ chối. Hồ Chí Minh gia nhập đảng CS Pháp cuối năm 1920, được Đệ tam Quốc tế CS (ĐTQTCS) tuyển qua Moscow, vào học Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông năm 1923khoảng hơn 6 tháng, đến Trung Hoa năm 1924, làm tình báo cho Liên Xô. Tại đây, HCM đào tạo cán bộ CS, gởi về Việt Nam hoạt động. Thành tích đầu tiên của HCM là bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu ngày 1-7-1925 ở Thượng Hải. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Paris, 1962, tr. 38). Hồ Chí Minh thay đổi tên họ nhiều lần. Bài nầy chỉ viết tên HCM.
Theo lệnh ĐTQTCS, HCM lập đảng CSVN năm 1930 tại Hồng Kông. Đầu năm 1941, HCM trở về Việt Nam đặt căn cứ ở Pắc Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng. tỉnh Cao Bằng. Thay mặt QTCS, HCM tổ chức hội nghị Trung ương đảng CSĐD lần thứ 8, từ 10-5 đến 19-5-1941 tại Pắc Bó. Từ đây HCM trực tiếp lãnh đạo, điều khiển đảng CSĐD. Hồ Chí Minh và đảng CSĐD cướp chính quyền tháng 8-1945, thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tại Hà Nội ngày 2-9-1945.
Như thế, HCM chính là người du nhập chủ nghĩa CS vào Việt Nam. Do trình độ lớp 6, HCM chỉ học được những thủ đoan CS hơn là lý thuyết CS, nên lúc đó qua HCM người Việt cũng chỉ hiểu đại khái chủ nghĩa CS, và tưởng rằng đây là một giải pháp chính trị sẽ giúp Việt Nam giành độc lập. Thêm nữa, những chiêu bài CS do HCM học được ở Liên Xô, rất hấp dẫn, chẳng khác gì lá diêu bông của Hoàng Cầm.
2.- Lá Diêu Bông Ngọn Cờ Độc Lập Dân Tộc
Đầu tiên. để giành lấy chính nghĩa, HCM và đảng CS nêu cao chiêu bài ngọn cờ độc lập dân tộc là khát vọng nóng bỏng của toàn dân sau hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ. Trong tuyên ngôn trình bày nhân lễ ra mắt chính phủ VNDCCH tại Hà Nội ngày 2-9-1945, HCM nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy...”
Suốt trong bản tuyên ngôn, HCM khai thác triệt để tình tự dân tộc, làm cho dân chúng càng sôi sục. Cuối bản tuyên ngôn, HCM thề rằng: “Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.” Tuy nhiên, khi chiến hạm Pháp xuất hiện ở Hải Phòng, HCM sợ Pháp dẹp bỏ nhà nước CS, vội vã mời đại diện Pháp đến Hà Nội ký hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, gồm 2 điều, hợp thức hóa việc Pháp trở lại Việt Nam, nhằm duy trì chính phủ CS. Thì ra tuyên ngôn và “bốn không” chỉ là một quả bong bóng nước!
Sau hiệp định Sơ bộ, quân Pháp đến Hà Nội càng ngày càng đông, đụng độ với tự vệ CS. Tình hình lộn xộn, Pháp đòi kiểm soát an ninh Hà Nội. Nếu vậy thì sinh mệnh của chính phủ HCM, lãnh đạo CSĐD đang ở Hà Nội bị đe dọa. Đảng CS và HCM quyết định mở cuộc tấn công quân Pháp tối 19-12-1946, tạo cơ hội để lãnh đạo đảng CS thoát thân một cách hợp lý khỏi Ha Nội. Vậy là kháng chiến để cho đảng CS bỏ chạy an toàn, trốn lên mật khu, còn xúi giục dân chúng kháng chiến để đi tìm lá diêu bông giả tưởng.
3.- Lá Diêu Bông Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa
Tháng 8-1945, vừa tuyên truyền chính trị, vừa võ trang áp đảo, HCM và đảng CS gọi là sử dụng bạo lực cách mạng, cướp chính quyền từ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim. Tuy hô hào tự do dân chủ, nhưng chỉ 9 ngày sau khi ra mắt chính phủVNDCCH (2-9-1945), HCM và đảng CS đưa ra nguyên tắc căn bản ngày 11-9-1945 là nắm độc quyền chính trị và một mình thực hiện cách mạng. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 143.) Đây là mào đầu nguyên tắc chuyên chính vô sản, hợp thức hóa quyền lực độc tài của đảng CS. Đảng CS còn chủ trương tiêu diệt tiểm lực, mở cuộc đại khủng bố trong các năm từ sau khi cướp chính quyền, nhằm loại bỏ những người có khả năng, nhưng không theo CS, có tiềm lực có thể chống đảng CS trong tương lai. Trong một cuộc họp báo ở Paris ngày 25-6-1946, HCM tuyên bố: “Tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy.” (Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Nxb. Penguin Books, Harmondsworth, 1969, tr. 130.)
Ngày nay, đảng CS nắm độc quyền lãnh đạo qua điều 4 hiến pháp hiện thời. Nguyên tắc căn bản của nhà nước CS là “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý”. Nhà nước CS hoạt động theo nghị quyết của Bộ chính trị và Ủy ban Trung ương đảng CS. Bộ chính trị là một tổ chức vô hình, không có trong luật pháp, gồm giới lãnh đạo đầy quyền lực, điều khiển guồng máy nhà nước và sinh hoạt xã hội. Mỗi địa phương, mỗi cơ quan đều do cấp ủy đảng CS (đảng ủy) chỉ huy. Chẳng ai bầu chọn, mà bộ chính trị đảng CS lại có độc quyền điều khiển việc nước? Đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu CS.
Về kinh tế, bản Tuyên ngôn độc lập tố cáo rằng: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều.Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng... Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên...” Tưởng rằng CS chủ trương kinh tế CS hay hơn thực dân, ai ngờ CS thi hành chính sách kinh tế chỉ huy. Tại thành phố, CS quốc hữu hóa toàn bộ công ty, xí nghiệp tư nhân. Ở nông thôn, CS tổ chức cải cách ruộng đất, lùa dân vào hợp tác xã nông nghiệp, theo chủ trương “đất dai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý”. Thực dân Pháp “giữ độc quyền in giấy bạc...”, còn CS chỉ tổ chức “Ngân hàng nhà nước” (In rõ ràng trên các tờ giấy bạc.) Thực dân Pháp “không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên...”, còn CS thì tổ chức đánh tư sản nhiều đợt, chiếm dụng hết nhà cửa, của cải vật chất của toàn dân. Ảo thuật diêu bông CS không ăn cướp, nhưng cưỡng ép người dân theo đường lối CS.
Bản tuyên ngôn ngày 2-9-1945 không đề cập đến vấn đề văn hóa giáo dục. Ở đây xin thêm khi cầm quyền ở Hà Nội sau năm 1954 và trên toàn quốc sau năm 1975, đảng CS thi hành chính sách văn hóa phục vụ chính trị, phục vụ chế độ, kiểm soát tất cả các sinh hoạt văn hóa, sách báo, thơ nhạc, kịch nghệ, điện ảnh, thông tin, và CS thủ tiêu, đốt hay tịch thu tất cả những văn hóa phẩm không do CS ấn hành.
Chủ trương giáo dục CS dựa tên nền tảng hồng hơn chuyên, tức tính đảng cần hơn chuyên môn. Sách giáo khoa là pháp lệnh, giáo viên giảng dạy không được ra ngoài giáo khoa. Môn chủ nghĩa Mác-xít có tinh bắt buộc trong các kỳ thi. Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được...” (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, California: Nxb. Tuổi Xanh, 2001, tr. 63.)
4.- Lá Diêu Bông Giải Phóng Dân Tộc
Một trong những chiêu bài có tính “diêu bông” nữa là “giải phóng dân tộc”, rõ nhứt trong cuộc chiến với NVN. Tại đại hội III ở Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, đảng Lao Động (tức đảng CS) đưa ra hai mục tiêu lớn của đảng Lao Động là xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và giải phóng NVN bằng võ lực.
Để giải phóng miền Nam, CS đưa ra khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước”. Tuy nhiên, bí thư thứ nhứt đảng CS là Lê Duẩn thú nhận rằng CSVN đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Cộng. (Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991-2000, trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 24-1-2013). Chuyện đánh cho Nga, cho Tàu, chẳng phải để cứu nước, vì CS vay nợ để xâm lăng NVN. Vay càng nhiều, nợ càng lắm, thì phải ngoan ngoãn vâng lời. Thề là CS sẵn sảng “tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả”. (Phùng Quán).
Chuyện tiêu máu của dân, chính hung thủ cũng bị ám ảnh. Vào năm 1984, tại trại sáng tác Quảng Bá, Hồ Tây, Hà Nội, tổng bí thư đảng CS là Lê Duẩn ghé thăm các văn nghệ sĩ đang tập trung ở đây vào chiều tối. Nhà văn Xuân Thiều (đại tá bộ đội), đã nói với Lê Duẩn rằng: “Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều.” Mới nghe có thế, tổng bí thư đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: “Ngu! Ngu! Đại tá mà ngu!...”, rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn. Thực chất của Tết Mậu Thân 1968 là vậy. Đến người chủ mưu khởi xướng ra chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 cũng co cẳng chạy trốn khi nghe nhắc đến Mậu Thân 1968 thì hằng năm có nên tưng bừng kỉ niệm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 không nhỉ?” (Đoạn nầy trích nguyên văn từ bài “Về Với Dân” viết ngày 30-10-2013 của Phạm Đình Trọng, một nhà văn trong nước hiện còn sống. Vào Google, chữ khóa: “Phạm Đình Trọng: Về Với Dân”.
Kết quả cuộc chiến là: Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) 224, 000 chết, trên 1 triệu bị thương. (Webter's New World Dictionary of the Vietnam War, New York: 1999, tr. 58.) Hoa Kỳ 58, 175 chết (Số liệu bức tường đá đen ở Washington D.C.), 304, 000 bị thương (Webter's New World Dictionary sđd., tr. 58.). Cộng sản cả Bắc và Nam 1,100, 000 chết, 600, 000 bị thương.(Hà Nội công bố ngày 4-4-1995 với A.F.P.)
Sau khi chiếm Nam VN, việc đầu tiên là CS kêu gọi sĩ quan và công chức cao cấp VNCH trình diện và chuẩn bị lương thực, để học tập chính sách của “chính phủ cách mạng” trong 3 ngày, hay một tuần, hay một tháng tùy cấp bậc và tùy địa phương. Khi sĩ quan, công chức VNCH trình diện, thì bị đưa đi giam trong các trại tù gọi là trại học tập cải tạo trên rừng thiêng nước độc, không tuyên án và không thời hạn. Quân dân miền Nam đã thất thế, mà còn bị lá diêu bông phỉnh gạt.
Theo bộ Encyclopedia of the Vietnam War, sau biến cố năm 1975, số lượng sĩ quan, công chức VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1,000,000 người trên tổng dân số NVN lúc đó khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam. (Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. two, Santa Barbara, California: 1998, tr. 602.) Trong số trên 1,000,000 người bị tù sau năm 1975, theo những cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khoảng 165,000 nạn nhân đã từ trần trong các trại tù cải tạo. (Anh Do & Hieu Tran Phan, “Millions of lives changed forever with Saigon's fall”, nhật báo Orange County Register, Chủ Nhật, 29-4-2001.)
Sau năm 1975, ngoài chuyện tù học tập cải tạo, dân chúng miền Nam mới biết mùi xã hội chủ nghĩa, kinh tế mới, ngăn sông cấm chợ, hợp tác xã, công tư hợp doanh, đánh tư sản các cấp, đổi tiền ba lần, cướp sạch hết từ trên xuống dưới...
Chẳng những quân dân NVN bị khổ nhục nặng nề sau năm 1975, mà chính phủ Cách mạng Giải phóng miền Nam Việt Nam, bù nhìn tay sai của BVN, cũng bị tiêu tùng năm 1976. Đúng là được chim bẻ ná,
Như thế, giải phóng dân tộc theo kiểu là diêu bông CS chính là dủng bạo lực cách mạng để thiết lập chính quyền cách mạng CS, mà chính quyền đó lại độc tài tàn bạo hơn cả chính quyền bị lật đổ, kể cả thực dân.
5.- Lá Diêu Bông Tư Tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh chết tại Hà Nội ngày 2-9-1969. Nhà cầm quyền CS xây ngôi mộ đồ sộ mà CS gọi là lăng, để vinh danh HCM, nhằm mục đích ăn theo, vinh danh đảng CS do HCM thành lập. Sau khi Liên Xô và khối CS Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa Mác-Lê không còn ăn khách. Đảng CSVN lúng túng, không biết làm sao tiếp tục tuyên truyền, liền quay qua cầu cứu HCM, đưa thêm "tư tưởng Hồ Chí Minh" tiếp theo sau chủ nghĩa Mác-Lê, hợp thực hóa công khai "tư tưởng Hồ Chí Minh” bằng điều 4 Hiến pháp năm 1992. Từ nay, nền tảng ý thức hệ CS Hà Nội là chủ nghĩa Mác-Lê và "tư tưởng Hồ Chí Minh".
Trong khi đó, tại đại hội 2 của đảng CS (2-1951) ở Tuyên Quang, HCM phát biểu: "Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin...lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam." Khi đó, đại biểu miền Nam là Nguyễn Văn Trấn trình bày với HCM rằng: "Có đồng chí còn nói: hay là ta viết "tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh". Hồ Chí Minh trả lời: "Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lê nin." (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tt. 150-152.) Đương sự tự nhận không có tư tưởng. Đã có lá diêu bông. Khỏi bàn.
Đảng CS còn mở những cuộc học tập đạo đức HCM. Trong thời đại Internet, dân Việt quá biết chuyện HCM giết vợ là bà Nông Thị Xuân và giao con cho người khác nuôi. Thế mà cũng “...ới diêu bông...!”
Kết luận
Tóm lại, quá khứ cho thấy chủ nghĩa CS chỉ là chiếc lá diêu bông đầy hứa hẹn, nhưng thực chất là chiếc bánh vẽ. Vì Việt Nam bị vướng mắc cái chủ nghĩa CS quái quỷ nầy, và bị “mắc lừa bọn du côn”, nên Việt Nam bị suy sụp một thời gian dài. (Nhóm chữ “mắc lừa bọn du côn” do cựu hoàng Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim về HCM và đồng đảng, Một cơn gió bụi, Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969, tr. 146.)
Hiện nay, trên thế giới, chủ nghĩa CS đã bị quăng vào sọt rác. Cộng sản Việt Nam cố gắng cải tổ để tồn tại, nhưng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” theo cơ chế độc tài toàn trị quá lỗi thời. Những tuyên truyền thời lá diêu bông không còn hấp dẫn nữa. Chiếc bánh vẽ xã hội chủ nghĩa hết mỵ được dân. Nay CS lại bày ra cái hỏa lò chỉ để đốt những tranh chấp phe phái nội bộ, chẳng đi tới đâu.
Chỉ khi nào dân chúng Việt Nam nổi lửa đốt hết tàn tích CS, đốt luôn cái chủ nghĩa CS, cái đảng tham ô, cái bộ xương khô Ba Đình, thì khi đó hy vọng Việt Nam mới khá lên được.
03/2/2020
Trần Gia Phụng