Tựa đề một bài ca ngợi Đảng CS của ông Nhị Lê bị cho là 'tối nghĩa'
Tựa đề một bài trên báo Việt Nam của tác giả Nhị Lê, nói Đảng Cộng sản "tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc" đã gây ra nhiều bàn tán trên mạng xã hội nước này.
Bài viết nhân 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-2020) thực ra là để nói về nhu cầu về gần với nhân dân của đảng cầm quyền.
Đoạn dẫn nhập bài có câu nói đến tính cấp bách của thời điểm hiện nay - "chưa bao giờ như bây giờ", với đảng cầm quyền, "lòng dân phải được nâng niu, chăm bẵm và tôn vinh vô bờ thì mới có thể nói về việc tiếp tục xây dựng Đảng ta đạo đức, văn minh".
Tác giả cũng coi 'lòng dân' là tiêu chí để đánh giá, "Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, Đất nước Việt Nam độc lập và hùng cường".
"
Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc."
Theo dòng 'tự phê bình', ông Nhị Lê nêu ra một số vấn đề nghiêm trọng trong Đảng CS VN mà ông quy về phạm trù đạo đức:
"Cần nhấn mạnh rằng, tham nhũng hay nói cách khác là nạn ăn cắp, chính là sự phi đạo đức khủng khiếp và tệ hại. Bé thì ăn cắp vặt, to thì đục khoét quốc khố cả ngàn tỷ đồng; táng tận lương tâm thì "đạo danh", "đạo vị", tức ăn cắp chức vụ, ăn cắp "ghế ngồi", danh vị; và nguy hiểm nhất là "đạo tâm" - ăn cắp lòng tin."
Ông cũng nêu lại nhu cầu để Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, vấn đề một số nhân sĩ ngoài đảng đã nêu:
"Đảng là tổ chức chính trị, phải lấy pháp luật là thượng tôn trong toàn bộ hoạt động của mình, dù ở bất cứ cấp nào."
Bị cho là 'tối nghĩa'
Tuy thế, tựa đề của cả bài "Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc" theo bản trên báo Đầu Tư bị một số ý kiến cho là "tối nghĩa" hoặc "sai "ngữ pháp".
Có ý kiến nói tác giả Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản, đã "hiểu sai ý của Friedrich Engels và Karl Marx trong Tuyên ngôn Cộng sản (1888).
Tác phẩm này viết về vai trò của Đảng Cộng sản là "tự vươn lên thành lực lượng chủ đạo trong dân tộc", chứ không bao giờ lại "thành dân tộc".
Dù vậy, có vẻ như bài của ông Nhị Lê cũng giải thích ý này trong phần sau, rằng cần "giữ đạo đức của một đảng cách mạng, dẫn dắt dân tộc".
Cũng có ý kiến như của Ngoc Nguyen Van trên Facebook viết rằng tựa đề này sẽ dẫn tới hai cách hiểu:
"Thứ nhất, dân tộc đang bị đảng hóa. Thứ hai: người viết chả hiểu thế nào là dân tộc, thế nào là một đảng chính trị..."
Có người thì đùa trên Facebook rằng "Trong đại gia đình các dân tộc VN, giờ Đảng tộc đông chỉ sau mỗi Kinh tộc".
Bạn Nguyễn Hiệu thì viết trên Facebbook của BBC News Tiếng Việt:
"Nói chung là không hiểu gì? Vậy người không đảng không phải dân tộc hay sao. Lại nữa, thế từ trước đến giờ Đảng là gì mà bây giờ mới ngày càng xứng đáng??? Ôi đau đầu quá."
Duclong Hoang nêu ý kiến:
"...Cho Đảng là dân tộc là việc không đúng cả về khoa học và trong thực tế. Chỉ có những người u mê do bị nhồi sọ mới có những ý kiến viển vông như thế."
Tranh biếm họa chống tham nhũng trong bộ máy quan chức ở VN
Số lượng và chất lượngHiện Đảng Cộng sản Việt Nam có 5,2 triệu đảng viên, trên dân số 96,2 triệu (2019).
Tính trung bình cứ 19 người dân Việt Nam, gồm cả trẻ em, có một đảng viên cộng sản, tổ chức sống bằng ngân sách quốc gia.
Con số chỉ riêng đảng viên CS VN đã gần bằng dân số một số quốc gia châu Âu như Slovakia, Phần Lan.
Tuy thế, tỷ lệ này ở Việt Nam ít hơn Trung Quốc nơi có 90 triệu đảng viên CS trên 1,4 tỷ dân, tức là cứ 15 người dân thì có một đảng viên.
Một bài trên trang Tuyên giáo (02/2019) thừa nhận số lượng đông không nhất thiết phản ánh chất lượng.
"Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, toàn Đảng chỉ có 310 đảng viên (theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930).
"Cũng cần nhìn nhận rõ hơn động cơ vào Đảng của một bộ phận đảng viên có phải vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì dân, vì nước hay để có chức quyền, để mưu lợi riêng."
Thống kê về con số cán bộ đảng viên bị kỷ luật trong phong trào 'Đốt lò' ở VN
Từ nhiều năm qua, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn tập trung vào ngoài các biện pháp kỷ luật 'đức trị' mang tính nội bộ.
Bài viết của ông Nhị Lê nằm trong dòng tư duy 'kêu gọi đạo đức' và mong Đảng tự chỉnh đốn.
Thế nhưng, Việt Nam hiện không có cơ chế độc lập để dân bầu chọn, quyết định việc cầm quyền của đảng viên cộng sản vốn được ưu đãi về chính trị và kinh tế.
Việt Nam cũng chưa có luật về đảng cộng sản và dư luận không được biết tổ chức này hoạt động từ nguồn thu nào và khai thuế ra sao.
Việt Nam là nước đơn đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin
Theo BBC