Mỗi lần có việc đi ngang qua tượng Đức Trần Hưng Đạo dựng ở Bolsa, người yêu quý lịch sử Việt Nam lại rưng rung nhớ đến bài Hịch của Ngài:
“... Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui-đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu-khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến-luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn-bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát.
“Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo-giáp; mẹo cờ-bạc sao cho dùng nổi được quân-mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền-của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia-quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia-thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui-vẻ, phỏng có được hay không?...”
Những lời khẳng khái của Đức Thánh Trần đã được viết từ thế kỷ thứ 13, đến nay đã gần 800 năm mà sao tình hình dân chúng, lính tráng hồi đó với thời đại này không khác gì mấy. Sự so sánh này không ám chỉ đến người Việt Nam ở trên đất nước Việt Nam đang bị sự cai trị độc tài của Đảng Cộng Sản, nơi dân chúng chỉ còn biết vâng phục luật lệ sắt thép của Đảng ấn trên đầu cổ người dân, nếu không muốn bị án tù, bị cướp nhà, bị bắn chết, mổ bụng, moi ruột hay bị treo cổ trong đồn công an, mà chỉ so sánh với người hải ngoại mà thôi.
Nếu đi một vòng các tiểu bang nơi có nhiều người Việt cư ngụ thì sẽ thấy ngay tình hình xã hội cộng đồng Việt cũng gần như tương tự như sinh hoạt thời đại của Đức Thánh Trần. Tuy không có chọi gà, săn bắn, nhưng tinh thần Quốc Gia thì đã dần dần tàn lụi. Bên cạnh các cuộc lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen rầm rộ, với cờ vàng lộng lẫy là những sinh hoạt đấu đá nhau dành ngôi vị Chủ Tịch, Trưởng Ban, Trưởng Nhóm.
Tại nơi gọi là Thủ Đô Tị Nạn Cộng Sản với các cuộc diễn hành rực rỡ với những cựu quân nhân mặc quân phục oai nghiêm, nhưng chỉ có thế rồi thôi. Sau khi Lễ lạc chấm dứt, thì những sĩ quan từng hiên ngang trước lá quốc kỳ, vội vã thay đổi y phục dân sự để đi đến nhà hàng, để nghe nhạc và nhảy đầm. Một số đông vội vã ra sân bay quốc tế để về “thăm quê hương,” thực chất là để thăm bồ nhí, đào nhí, hoặc để làm thương mại với nhà nước.
Tệ hơn nữa là một số Việt Kiều ra mặt thần phục Đảng, trong số này, có những kẻ từng là tù nhân của Cộng Sản. Một cựu tù nhân lương tâm, sau khi được tha, trở lại Mỹ, chiếm lòng tin của cộng đồng và ứng cử vào một chức vụ dân cử để sau đó thì công khai vai trò đầy tớ của Đảng, đã trở về nước, quỳ mọp dưới chân viên chức Đảng, hai tay kính cẩn dâng lên món quà “với chút lòng thành, xin được thờ lạy tổ tiên của Cộng Sản.”
Hình tượng quỳ mọp này không khác gì phim chưởng Tầu với các tên hoạn quan quỳ lạy Hoàng đế không dám ngửng mặt lên. Nhiều vị khác, cũng từng viết báo chống Cộng nay khóc lóc ân hận đã bỏ phí mấy chục năm không về phục vụ Đảng. Điều nhục nhã nhất là có nhiều cựu sĩ quan nổi tiếng với vai trò chống Cộng nay cũng công khai làm đầy tớ cho nghị quyết 36 chỉ để được bố thí cho ít tiền tiêu. Những tên trở cờ, đón gió này tung hoành trên TV, hoặc trên Youtube, phổ biến cờ máu công khai, trong khi cộng đồng chống Cộng im re.
Nếu được nhắc nhở việc phải vạch mặt chỉ tên những tên nằm vùng nguy hiểm này, thì các nhân sĩ từng chống Cộng dữ dội đều kiếu với lý do đã không còn sức khỏe, đã bị lãng tai, mắt có cườm, đầu gối bị đau nhức kinh niên… Những người này đang phải vất vả tập vật lý trị liệu tại những tụ điểm có nhảy đầm, chứ không còn sức để hoạt động đòi Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền cho Việt Nam nữa.
Nhục hơn nữa là có một nhóm cựu quân nhân, lợi dụng thành phố cho lập tượng đài Tưởng Niệm Tử Sĩ, đã ẵm trọn số tiền đồng hương đóng góp để nặn ra một “quái thai,” đúng ra là “ăn cắp trí tuệ” của một Logo Quân Tiếp Vụ hồi trước, nguyên là hình hai bao thuốc lá, để biến thành một tượng hình nham nhở, xúc phạm đến Lịch Sử và giang sơn chữ S của Tổ quốc mà không ai làm được gì với nhóm tạo ra sản phẩm ăn cắp này.
Thời đại này là thời đại của Vô Cảm, của Tuổi Già ráng tận hưởng thú vui vật chất trước khi qua đời, của “Show Off.” Đa số người ta không thèm để ý đến những công tác quan trọng đến sinh mệnh của đất nước như các nỗ lực đòi áp dụng luật Magnetski với các nhà cầm quyền độc tài, đòi Liên Âu cương quyết với vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam trước khi ký những giao kèo thương mại, đòi Quốc Tế buộc Việt Nam phải áp dụng những quy tắc ứng xử với dân chúng như đã đề ra trong kế hoạch WTO hay buộc nhà cầm quyền Cộng Sản này phải tuân theo luật về Nhân quyền khi đã là thành viên của Tổ Chức Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Rất tiếc, những như cầu cấp thiết này không được cộng đồng thích thú, vì phải tốn công sức, trí não, thời gian, trong khi họ cần tri thức để tấn công lẫn nhau kịch liệt trên mạng chỉ vì nhóm chữ “Cộng Hòa hay Dân Chủ” của nước Mỹ. Xem ra, quê hương thứ hai này của họ nặng ký hơn nơi họ chôn rau, cắt rốn, nơi họ được giáo dục và trưởng thành.
Ôi! Thời đại của chúng ta! Không còn ai còn hơi để ngâm bài “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trạc:
“Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường. Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương. Trời nam nghìn dặm thẳm. Non nước một mầu sương. Chí chưa thành, danh chưa đạt. Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc. Trăm năm thân thế bóng tà dương. Vỗ gươm mà hát. Nghiêng bầu mà hỏi. Trời đất mang mang ai người tri kỷ. Lại đây cùng ta cạn một hồ trường. Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
“Rót về Đông phương, nước biển Đông chẳy xiết sinh cuồng loạn. Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan. Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương. Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng. Nào ai tỉnh, nào ai say. Lòng ta ta biết, chí ta ta hay. Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ. Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.”
Những người yêu nước chỉ còn biết ngồi bên ly cà phê sữa mà lặp lại câu “sinh bất phùng thời!” mà thôi.
CHU TẤT TIẾN