Anh Y phic Hdok gặp Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink hôm 19/02/2020 tại trường Coastline Community College, Garden Grove, California. Facebook Y phic Hdok
Anh Y phic Hdok, một nhà hoạt động cho tự do tôn giáo người Montagnard (người dân tộc Tây Nguyên), vừa trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Trong cuộc gặp gỡ giữa ông Kritenbrink với cộng đồng gốc Việt tại Nam Calafornia hôm 19/02, anh Y phic lên tiếng với nhà ngoại giao Hoa Kỳ về việc các hội nhóm tôn giáo của người Thượng ở Tây Nguyên không được phép nhóm họp và sinh hoạt.
Anh Y phic Hdok, 26 tuổi, hiện đang ở Hoa Kỳ vận động cho tự do tôn giáo, nói với VOA:
“Tôi có nêu câu hỏi với Đại sứ Kritenbrink rằng hiện tại họ đang làm gì để thúc đẩy vấn đề tự do tôn giáo cũng như vấn đề nhân quyền, đặc biệt cho người dân tộc thiểu số tại vùng Tây Nguyên vì hiện tại còn rất nhiều hội thánh, nhà thờ tư gia đang bị sách nhiễu.”
“Trên khắp khu vực Tây Nguyên, các hội thánh như Hội thánh Tin lành Đấng Christ, Tin lành Dega, Truyền giảng Phúc âm, và các hội thánh tư giá khác hiện tại không được chính quyền cấp phép sinh hoạt.
“Gần đây là tại Đak Lak, hội thánh của Mục sư Y Khen Bdap ở Buôn Ea khit, huyện Cư Kuiñ, đã làm đơn cho chính quyền ba lần để xin được cấp phép hoạt động, nhưng chính quyền và công an nói thẳng rằng không bao giờ cho.”
Đáp lại câu hỏi của anh Y phic, Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink, nói tại buổi gặp hôm 19/02:
“Trên cương vị của tôi, tôi muốn bảo đảm rằng mọi người dân Việt Nam đều có quyền tự do sinh hoạt tôn giáo vì đó là quyền phổ quát của con người. Tôi vẫn phải tiếp tục công việc này để tạo áp lực cho phía Việt Nam, đặc biệt là vì tự do tôn giáo cho người thiểu số ở Tây Nguyên.”
Anh Y phic cũng trao đổi với nhà ngoại giao Hoa Kỳ về việc làm cách nào để hỗ trợ cho người theo đạo Tin Lành đang lánh nạn ở Thái Lan, và tìm công lý cho cái chết đáng nghi ngờ của cha anh vào tháng 12/2016, ông Y Ku Knul, một tín hữu Tin Lành Montagnard ở tỉnh Đak Lak.
“Khi bố đang làm trong rẫy thì họ thường xuyên tới sách nhiễu. Khi mẹ từ nhà trở lại rẫy vào ngày 28/12 thì bố đã mất tích. Tìm mãi không thấy, cho đến ngày 29 khi mẹ vào thung lũng thì thấy bố bị treo cổ trên cây tre. Ngay lúc ấy, tự nhiên có khoảng 20 công an bao vây xung quanh. Khi được tháo xuống thì thấy trong người bố bầm dập hết, vết roi điện, bên trong tử thi thì nát hết.”
Vào tháng 12/2018, trong một báo cáo của Uỷ ban Chống tra tấn của LHQ (CAT) có đoạn viết: “Người Thượng theo Ki tô Giáo Y Ku Knul đã chết trong thời gian bị câu lưu và cơ thể có dấu hiệu bị điện giật.”
Riêng về bản thân mình, khi còn là học sinh cấp ba, anh Y phic đã bị chính quyền đe dọa bắt bớ chỉ vì nghe nhạc tiếng mẹ đẻ của anh, buộc anh phải lánh nạn tại Campuchia và sau đó đến Thái Lan tìm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, anh cho biết chính quyền Việt Nam nhiều lần tìm cách gây áp lực gia đình để buộc anh phải quay về nước.
Anh Y phic kể lại:
“Vào năm 2012-2013, tôi từng bị chính quyền bắt vì nghe nhạc tiếng mẹ đẻ của mình, họ cáo buộc rằng mình lấy nhạc đó từ Mỹ, làm việc với các tổ chức của Mỹ để chống phá nhà nước, và tuyên truyền những bài hát đó. Họ hăm dọa bỏ mình vào tù lúc đó khoảng 16-17 tuổi.
“Công an nói rằng họ nhớ cái mặt mình đến suốt đời. Khi trở về và đi học lại thì cảm thấy bị kỳ thị. Mình không hát được quốc ca thì nhà trường báo lên công an để họ hạch hỏi. Tôi không cảm thấy sống được bên đó.”
Việt Nam cho rằng các báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo “không khách quan” và bày tỏ mong muốn hợp tác cũng như đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề này để “thu hẹp khác biệt.”
Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 6/2019 nêu rõ “những vụ sách nhiễu nghiêm trọng” của các chính quyền ở Tây Nguyên đối với các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những thành viên của Hội thánh Tin lành, các Kitô hữu và người H’Mong.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Những nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không được công nhận hoặc không có giấy phép đăng ký, đã báo cáo về nhiều hình thức quấy rối của chính quyền – bao gồm tấn công thân thể, bắt giữ, truy tố, theo dõi, hạn chế đi lại, và thu giữ hoặc gây hại tới tài sản – cũng như việc phủ nhận hoặc không phản hồi những yêu cầu đăng ký và/hoặc các giấy phép khác.”
Theo VOA