“Bất công đầy dẫy khắp xứ sở, chúng ta đã sống trong sự sợ hãi quá lâu rồi. Chính vì sợ hãi mà chúng ta đã không thể vận động được những người trẻ cùng đứng lên cho đến hôm nay. Từ nay, chúng ta hãy không sống trong sự sơ hãi nữa vì chính phủ không thể và sẽ không bao giờ đánh bại được chúng ta!” Sinh viên Francis Bunkhueanun Paothong.
Trong hai tuần qua, hình ảnh hằng ngàn sinh viên Thái biểu tình, hô vang các khẩu hiệu đòi dân chủ, đả đảo độc tài, vang rền khuôn viên của hơn 40 trường đại học khắp nước khiến thế giới liên tưởng đến các cuộc xuống đường của sinh viên Hong Kong bắt nguồn từ phong trào đấu tranh Ô Dù “Umbrella Movement” tháng 9 năm 2014.
Trong 70 năm qua, thế giới đã liên tục chứng kiến hằng chục lần những cuộc đảo chánh chiếm chính quyền của phe quân đội tại Thái Lan. Và đây cũng không phải lần đầu tiên sinh viên Thái, những người lãnh đạo tương lai, xuống đường biểu tình tranh đấu cho một thể chế dân chủ thoát ách cai trị của chế độ quân phiệt.
Lý do của các cuộc xuống đường lần này khởi sự từ án lệnh của tòa án vào ngày 21/02/2020 buộc đảng đối lập, “Future Forward”, phải giải tán. Tòa án đã lấy lý cớ là đảng này đã nhận số tiền ủng hộ 191.2 triệu baht, tương đương $6 triệu Mỹ Kim, từ ông Thanathorn Juangroongruangkit, 1 tỉ phú trẻ 40 tuổi cũng là sáng lập viên và là cựu chủ tịch của đảng Future Forward, trong khi luật pháp hiện hành Thái quy định các đảng phái chính trị chỉ được nhận 10 triệu baht ($316,756 USD) từ đóng góp cá nhân trong thời gian tranh cử. Đảng này tại tòa đã biện hộ đây không phải là tiền ủng hộ mà là số tiền vay mượn trong đảng vì chính phủ cầm quyền trong suốt những năm qua đã liên tục quy chụp, khép tội kiện tụng họ và phạt vạ với những khoản tiền khổng lồ, nhằm đạt mục tiêu chính trị là muốn triệt hạ họ trong thời gian tiền và hậu bầu cử. Án lệnh này, ngoài việc giải tán đảng còn buộc 16 người lãnh đạo của Đảng Future Forward không được tham gia hoạt động nghị trường trong suốt 10 năm. Các nhà phân tích cho biết các đảng phái đối lâp khác không hề bị kiểm soát tương tự và phạt tội nặng phải giải tán đảng như đảng Future Forward dù đảng nào cũng đã từng nhận các ủng hộ tài chánh quá mức quy định. Quyết định này của tòa án sẽ giúp tạo lợi thế cho liên minh của đương kim Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha tại Nghị Viện.
Tưởng cũng nên nói thêm là Tướng Prayuth là người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014. Sau đó, tư cách lãnh đạo của Prayuth đã được chính thức thông qua bởi một quy trình mà giới quan sát cho là gian lận nhằm củng cố và ủng hộ giới tướng lãnh quân đội trong nghị trường Thái. Mặc dù cựu chủ tịch đảng, ông Thanathorn đã bị tòa phạt không cho phép tham gia nghị trường từ tháng 11 buộc ông phải rời khỏi vai trò đảng trưởng, thế nhưng đảng Future Forward của ông vẫn tiếp tục lớn mạnh và trở nên đảng đối lập lớn thứ hai với số phiếu 6.254.726 đa số từ cử tri trẻ trong cuộc bầu cử ngày 24 tháng 3 năm 2019, giành 81 ghế ở Quốc Hội Thái.
Bất mãn với án tòa giải tán đảng đối lập Future Forward và loại bỏ các dân biểu thành viên cốt cán của đảng này tại quốc hội, vốn là 1 đảng cấp tiến mang lại nhiều hy vọng cho những đổi thay dân chủ và được đa số giới trẻ tại Thái ủng hộ, hằng ngàn sinh viên các trường đại học đã đồng loạt xuống đường biểu tình trên toàn quốc.
Lịch sử cho thấy biểu tình tại Thái Lan chống lại chính quyền là 1 hành động bày tỏ chính kiến nguy hiểm. Ngày 6 tháng 10 năm 1976, cuộc thảm sát tại đại học Thammasat, nay vẫn được nhớ đến như ngày đen tối nhất của lịch sử Thái. Nhà cầm quyền Thái đã thẳng tay đàn áp, xả súng vào sinh viên xuống đường lúc đó vì chống lại sác xuất chế độ quân phiệt trở lại nắm quyền. Con số tử vong đã không được công bố chính xác nhưng được ước lượng hàng trăm nạn nhân trẻ đã vĩnh viễn ra đi. Tháng 5 năm 1992, một biến cố ngày nay được biết đến với tên gọi “tháng Năm đen” (Black May) với hơn hai trăm ngàn (200.000) dân Thái xuống đường cộng với nhiều ngàn sinh viên biểu tình chống lại 1 tướng lãnh quân đội lên cầm quyền bằng bạo lực vào lúc ấy. Các cuộc biểu tình này cũng đã gặp phản ứng dữ dội với hàng trăm người bị bắt thủ tiêu mất tích và ít nhất 52 người chết (theo thống kê của chính phủ). Vào năm 2010, một chuỗi các cuộc biểu tình khác cũng đã bị quân đội đàn áp với 92 người bị thảm sát.
Các cuộc biểu tình lần này có những chỉ dấu cho thấy sinh viên Thái rút tỉa kinh nghiệm từ quá khứ lịch sử cũng như những bài học từ các bạn trẻ sinh viên tại Hong Kong trong những năm gần đây. Các sinh viên Thái tại các trường đại học đã khởi sự xuống đường bắt đầu vào ngày thứ ba, 25/02/2020 tức 4 ngày sau khi tòa phán án vào hôm 21/02/2020 mà giới trẻ Thái gọi là “thứ sáu đen” (Black Friday). Mỗi cuộc biểu tình tại khắp các đại học từ Mahidol University, Kasetsart ở Bangkok, Rajabhat ở Ayutthaya, Thet Bantheoeng và các trường đại học tại Chiangmai v.v. đều do sinh viên tại mỗi trường tự phát, và không có lãnh đạo. Họ hô to những khẩu hiệu: “Độc tài hãy cút đi”, “Tôi là một trong 6 triệu cử tri. Cứ giết tôi đi”. Và trong lúc biểu tình, truyền thông quốc tế đã ghi lại hình ảnh các sinh viên Thái đã cùng nhau giơ ba ngón tay lên cao, dấu hiệu của đoàn kết và đối kháng như trong bộ phim “The Hunger Games”, cũng như cùng hát những bài nhạc đấu tranh đầy hào khí.
Tương tự như giới trẻ Hong Kong, các sinh viên Thái cùng ký tên và ghi lại cảm nghĩ, ước muốn của họ trên những dãi vải trắng kéo dài mấy trăm mét trên khuôn viên trường. Họ cũng xử dụng nhạc rap, thơ văn, kich bản đầy sáng tạo và khi có 1 dân biểu nguyên là đảng viên của đảng Future Forward bỏ đảng chạy về phe liên minh của chính phủ cầm quyền để giữ ghế ở Nghị Viện, họ đã dàn dựng 1 đám tang giả cho dân biểu phản đảng ấy và làm lễ hỏa táng quan tài giả để khuyên ngăn các dân biểu còn lại trong đảng. Mạng xã hội và Twitter được sử dụng 1 cách vui nhộn nhưng giữ vai trò quan trọng không kém trong việc nâng cao ý thức của thanh niên sinh viên qua các hashtag ý nghĩa như: “Nền tảng quốc gia không thể tiếp tục bị hủy hoại nữa”. “KU không phải là món tráng miệng” v.v. Các sinh viên cũng đã dùng đèn từ điện thoại di động của mình vào buổi tối để cùng tỏa sáng ý chí muốn mở lối cho 1 tương lai tươi sáng mới.
Các cuộc biểu tình này được cho là lớn nhất kể từ cuộc đảo chánh gần đây vào năm 2014, và một trong những gương mặt trẻ được xem là đại diện của giới sinh viên, xuất phát từ đại học Mahidol, Bangkok, Francis Bunkhueanun Paothong, 20 tuổi, đã kêu gọi các bạn đồng lứa: “Bất công đầy dẫy khắp xứ sở, chúng ta đã sống trong sự sợ hãi quá lâu rồi. Chính vì sợ hãi mà chúng ta đã không thể vận động được những người trẻ cùng đứng lên cho đến hôm nay. Từ nay, chúng ta hãy không sống trong sự sơ hãi nữa vì chính phủ không thể và sẽ không bao giờ đánh bại được chúng ta!”
Trước phản ứng mạnh mẽ của giới sinh viên nhằm ủng hộ đảng đối lập Future Forward, khoảng 1 tuần sau khi các cuộc biểu tình bùng phát khắp nước Thái, người cố vấn cho Thủ Tướng Thái và là dân biểu đảng Dân Chủ và cũng là chủ tịch của Ủy Ban Đặc Biệt Thay Đổi Hiến Pháp của Quốc Hội, ông Pirapan Salirathavibhaga đã tuyên bố sẽ dựa trên điều 50 của Quy Định Nghị Viện để mời các đại diện của phong trào sinh viên cùng tham khảo ý kiến cho các thay đổi cần thiết của Hiến Pháp mới. Khi được truyền thông Thái phỏng vấn về lời mời này của phía chính phủ, Francis Bunkueanun Paothong đã trả lời thận trọng rằng sinh viên khắp các trường cần phải xem duyệt lại tình hình và xét xem nhà cầm quyền có thực lòng muốn lắng nghe giới trẻ hay không. Anh cho biết anh mong muốn có 1 hiến pháp mới cho đất nước nhưng những người tham gia soạn thảo hiến pháp mới phải được do toàn dân bầu ra vì hiến pháp hiện hành đã là kết quả của những người do chính thành phần quân phiệt chọn lựa lúc xưa.
Dựa trên những biến chuyển liên tục trong vài ngày gần đây, các gương mặt trẻ đại diện của các trường đại học như Netiwit Chotiphatphaisal, Suphanut Anekumwong, Bunkueanun Paothong và những bạn khác nay đã đến lúc ngồi lại với nhau để có những trao đổi, đi đến đồng thuận và thống nhất những yêu sách cụ thể trước khi họ quyết định đối thoại với nhà cầm quyền. Trong hai tuần qua giới trẻ tại Thái đã hành xử dựa trên những cảm xúc thất vọng, bất mãn, giận dữ và sử dụng mạng xã hội và twitter để liên lạc, trao đổi sáng kiến, tranh luận... nhưng nay thời điểm đã đến để sinh viên Thái chủ động gặp mặt, ngồi lại với nhau hầu chuẩn bị cho những trường hợp tệ nhất có thể xẩy ra, với phương hướng đấu tranh đường dài với những chiến lược rõ ràng, đề xuất được những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và hợp nhất. Vì nhà cầm quyền Thái sẽ một là kéo dài thời gian đến khi sinh viên mỏi mệt, tự giải tán, bỏ cuộc, hai là sử dụng những ràng buộc pháp luật ngay cả nạn dịch để cấm cản những cuộc tụ họp đông người, ba là tạo nên những cuộc tham khảo đối thoại “cuội”, mang tính hình thức với thành phần đại diện sinh viên để hô hào rằng đã có những trao đổi góp ý, đồng thuận cho 1 hiến pháp mới, và bốn là trở về thói quen cố hữu: sử dụng bạo lực đàn áp nếu như kết quả diễn biến không như ý họ v.v. Nhà cầm quyền Thái sẽ không dễ dàng rời bỏ quyền lực và giới trẻ Thái cần chuẩn bị tinh thần cho 1 cuộc đấu tranh dài lâu vì họ có thể không tìm thấy kết quả trong 30 ngày hay thậm chí 1 năm trước mặt.
Sinh viên là rường cột mai sau của đất nước. Giới trẻ cần nhìn đến viễn ảnh một xã hội mà họ ao ước và phản ảnh những mơ ước ấy qua hành động. Tuy nhiên, như mọi cuộc đấu tranh bất bạo động khác trên thế giới, sự thành công của phong trào đấu tranh phụ thuộc vào ba yếu tố: Đoàn Kết, Kế Hoạch và Kỷ Luật.
Từ Hong Kong đến Thái Lan, khi nào sẽ đến Việt Nam chúng ta?
06/3/2020
Ls Đặng Thanh Chi