Truyện ngắn Ảo ảnh cuộc đời (nguyên tác: Shinkiro) ra mắt người đọc năm 1927. Từ đầu năm, Akutagawa Ryunosuke đã suy yếu cùng cực, phải tĩnh dưỡng. 15/04, ông đến nhà bạn thân là Oana Ryuichi, tỏ ý muốn tự sát. 22/04 ông về liệu dưỡng ở nhà em vợ ở vùng bờ biển Kugenuma, vì bệnh dạ dày, mất ngủ, suy nhược thần kinh, ưu uất, … Sinh hoạt giản dị, xa cha mẹ nuôi và bà bác phiền toái, được vợ là Fumi chăm sóc ân cần, ông có được những ngày xuân trong mùa đông nghiêm trọng của cuộc đời trước khi chết.
Truyện ngắn nầy thuộc loại “truyện không có chuyện” (Hanashi no nai shosetsu), có tính cách tự thuật, ghi lại những quan sát và tâm trạng của ông trong khoảng thời gian dưỡng bệnh. Cậu O trong truyện là bạn thân Oana Ryuichi, cháu Y là Yasushi, con trai thứ ba của ông. Bệnh hoạn, bi quan, ông mẫn cảm hơn và thấy nhiều ảo giác, những ảo giác riêng của ông lồng vào trong ảo ảnh Shinkiro cùng đi xem với bạn trong một ngày trời đẹp nhưng ngắn, mà đêm thì tối tăm và bất an. Như cuộc đời ở những ngày tháng cuối cùng.
“Shinkiro” là hiện tượng khúc xạ đặc biệt khi nhiều tầng không khí gần mặt biển có nhiệt độ hay nồng độ khác nhau thái quá, khiến cho phong cảnh ở nơi xa hiện lên trên dải không khí sát mặt biển hay mặt cát, trông như kéo dài ra hoặc ngược đầu lại. Vịnh Toyama, từ xuân đến đầu hạ, những ngày nắng ấm, gió nhẹ, trời tốt thì buổi chiều thường có hiện tượng nầy. Ngày xưa, người Nhật cho đó là do con nghêu lớn nhả hơi ra mà tạo thành nên gọi là “Shinkiro – Thận khí lâu” (Thận : sò nghêu; khí : hơi; lâu : nhà lầu) hoặc là Hải Thị (chợ trên biển). “Thận khí”, tự điển Hán Việt của Thiều Chửu ghi là “ánh giả, ảo tưởng. Ánh sáng từ bể giọi lên trên không thành ra muôn hình ngàn trạng, ngày xưa cho là vì con sò thần nó hoá ra và gọi là Thận Lâu Hải Thị”.
Bản sau đây dịch từ nguyên tác tiếng Nhật công bố trên trang mạng “Aozora Bunko – Kho sách ngoài trời”
www.aozora.gr.jp ngày 09/03/2004.
1.
Một buổi trưa mùa thu, tôi rời nhà đi xem ảo ảnh Shinkiro với cậu K, người bạn sinh viên từ Tokyo đến chơi. Có thể thấy được ảo ảnh Shinkiro ở bờ biển Kugenuma là điều có lẽ ai cũng biết. Ngay cả người giúp việc trong nhà tôi cũng đã nhìn thấy hình dáng chiếc thuyền hiện ngược lên mà trầm trồ “Giống y chang bức hình đăng báo dạo trước”.
Chúng tôi rẽ bên hông quán trọ Azumaya, định rủ bạn là cậu O đi luôn thể. Vẫn mặc chiếc áo sơ-mi màu đỏ thường lệ, cậu O có vẻ đang chuẩn bị cơm trưa gì đấy, qua hàng rào thấy cậu ta chăm chỉ quay máy bơm nước bên bờ giếng. Tôi giơ cây gậy bằng gỗ tần bì [1] lên ra dấu cho cậu O.
“Mời lên nhà chơi. À, cả cậu cũng đến đấy à?”
Có vẻ cậu O tưởng tôi cùng cậu K đến chơi nhà cậu ấy.
“Chúng tớ đi xem ảo ảnh Shinkiro đây chứ. Cậu có muốn đi cùng chúng tớ không?”
“Ảo ảnh Shinkiro à”. Cậu O phát cười lớn. “Dạo nầy quả là đang có phong trào Shinkiro đấy nhỉ”.
Khoảng 5 phút sau, chúng tôi đã cùng cậu O đi trên đường ngập cát. Bên trái con đường là bãi cát rộng. Bánh xe trâu để lại hai rãnh màu đen chạy xéo trên bãi. Tôi nhìn dấu bánh xe lún sâu ấy, cảm thấy có gì như là sức ép lên ngực mình. Dấu vết hùng hồn công trình của thiên tài … cảm giác choáng ngợp như thế.
“Thế nầy thì tớ vẫn chưa thật sự khoẻ lại đâu. Chỉ nhìn thấy dấu xe thế thôi mà đã thấy choáng ngợp thế nầy”.
Cậu O vẫn nhíu mày, không nói gì đáp lại lời tôi, nhưng có lẽ cậu hiểu rõ tâm tình tôi.
Rồi chúng tôi đi xuyên qua đám cây tùng thấp, thưa thớt, đến bờ sông Hikijigawa. Biển trải dài màu xanh đậm sáng sủa phía trước bãi cát rộng. Nhưng phía Enoshima thì nhà cửa cây cối bị mây che mờ có vẻ u uất.
“Thời đại mới đấy nhỉ”.
Câu nói của cậu K vang lên đột ngột. Không những thế, còn kèm theo nụ cười mỉm. Thời đại mới à? Nhưng trong thoáng chớp, tôi đã phát hiện ra “thời đại mới” của cậu K ngay. Đó là một đôi trai gái đang ngồi ngắm biển sau dãy rào tre ngăn cát. Tuy chàng trai, áo khoác tay cụt mỏng, mũ xếp, chưa đáng gọi là “thời đại mới”, nhưng cô gái, tóc cắt ngắn là “thời đại mới” đã đành, mà ngay cả chiếc dù che nắng và đôi giày đế thấp cũng đúng là “thời đại mới” thật.
“Trông hạnh phúc quá hả?”
“Thứ cậu thì phải ghen tức với lứa đôi ấy thôi”.
Cậu O châm chọc cậu K.
Chỗ nhìn thấy ảo ảnh Shinkiro cách lứa đôi ấy một thôi đường [2]. Chúng tôi trườn bụng lên cát, trông ngóng về phía màng hơi nóng toả trên mặt bãi cát bên kia dòng sông. Một dải băng màu xanh lung linh trên mặt cát nóng. Chắc hẳn là màu biển phản chiếu lên màng hơi nóng ấy. Nhưng ngoài ra, chẳng thấy ảnh của những ghe thuyền đang đậu trên bãi hay gì khác cả.
“Chỉ có thế nầy mà gọi là ảo ảnh Shinkiro à?”
Cậu K hất hàm dính đầy cát, nói có vẻ thất vọng. Lúc ấy, từ đâu không biết, một cánh quạ bay trên bãi cát phía xa 2, 3 thôi đường, lướt qua phía trên của dải băng màu xanh, rồi đáp xuống bên kia bãi. Cùng lúc, ảnh của con quạ thoáng hiện lên, ngược chiều, trên dải băng màu xanh ấy.
“Hôm nay, xem được thế là may lắm rồi đấy”.
Cùng với lời cậu O, chúng tôi nhỏm dậy trên cát. Không biết từ lúc nào, ngay trước mặt, đôi trai gái “thời đại mới” mà chúng tôi đã bỏ lại đằng kia, đang bước về phía chúng tôi. Ngạc nhiên, tôi quay đầu lại, nhìn về hướng sau lưng. Nhưng đôi trai gái ấy vẫn còn ngồi nói chuyện gì đấy với nhau gần hàng rào tre, khoảng một thôi đường phía sau.
Chúng tôi, nhất là cậu O, chợt cười phá lên :
“Cái nầy mới đúng là ảo ảnh Shinkiro chứ nhỉ”.
Đôi trai gái trước mặt chúng tôi tất nhiên đâu phải là đôi trai gái ngồi đằng kia. Nhưng hình dáng họ, tóc ngắn của cô gái và chiếc mũ xếp của chàng trai hầu như không khác gì cặp kia cả.
“Tôi cảm thấy có gì rờn rợn”.
“Thì tôi cũng tưởng cặp kia đã đến đây lúc nào mà mình chẳng biết”.
Chúng tôi vừa trò chuyện như thế, vừa băng ngang đồi cát thấp, lần nầy không đi dọc theo bờ sông Hikijigawa như trước nữa. Chân đồi cát có thân cây tùng đặt nằm gần hàng rào tre ngăn cát. Khi đến đấy, cậu O cúi người xuống, nhặt lên vật gì đấy trên cát. Một phiến gỗ có hàng chữ Tây Âu bên trong khung đen sơn bằng dầu nhựa thông.
“Cái gì đây? Sr. H. Tsuji … Unua … Aprilo … Jaro … 1906 [3] “.
“Lại có … dua … Majesta … nữa. Còn ghi là 1926 đấy”.
“Cái nầy là … đấy, mảnh gỗ đính vào xác chết thủy táng đấy chứ gì”.
Cậu O suy đoán.
“Nhưng mà xác chết thủy táng thì phải bọc vào vải buồm gì đấy chứ?”
“Thì phiến gỗ nầy gắn vào đấy. Đây nầy, có vết đinh đóng đây. Phiến gỗ nầy hẳn là lúc đầu có hình thập-tự-giá đấy thôi”.
Lúc ấy, chúng tôi đã đi vào khoảng giữa rừng tùng và hàng rào trúc của những nhà nghỉ mát. Phiến gỗ ấy có lẽ đúng như suy đoán của cậu O thật. Tôi lại có cái cảm giác rờn rợn đáng lý không thể có trong một ngày tràn đầy ánh sáng mặt trời như thế nầy.
“Cậu lại lượm lên thứ gì như là điềm xấu ấy”.
“Có sao đâu. Tớ sẽ giữ nó lấy khước. Nhưng mà, từ 1906 đến 1926 thì người ấy đã chết khoảng 20 tuổi. Chỉ khoảng 20 năm …”.
“Người ấy là đàn ông, hay đàn bà nhỉ?”.
“Chẳng biết. Nhưng, người ta có thể là con lai đấy”.
Tôi đáp lời cậu K, vừa tưởng tượng đến người trẻ tuổi, con lai, đã chết dần mòn trên thuyền. Trong trí tưởng tượng của tôi, anh ta hẳn có mẹ là người Nhật Bản.
“Shinkiro à?”
Cậu O đột ngột nói một mình, mắt vẫn nhìn thẳng phía trước. Có thể chỉ là lời buột miệng vu vơ. Nhưng đã chạm nhẹ làm xao động lòng tôi.
“Uống tí trà rồi hẵng đi nhé?”
Tự lúc nào, chúng tôi đã đến góc đường lớn có nhiều nhà cửa. Nhiều nhà cửa … nhưng con đường lớn phủ lớp cát khô ấy hầu như chẳng có bóng người nào.
“Cậu K thì sao?”
“Tớ thì sao cũng được”.
Lúc ấy, có một con chó màu lông trắng tuyền, từ đằng kia, kéo đuôi lếch thếch, lửng thửng đi đến.
2.
Sau khi cậu K đã lên đường về Tokyo, tôi lại cùng vợ và cậu O đi qua cầu Hikijigawa. Lần nầy vào khoảng 7 giờ, vừa mới xong bữa cơm tối.
Buổi tối ấy không nhìn thấy sao trời. Chúng tôi ít trao đổi với nhau, chỉ tản bộ trên bãi cát vắng người. Trên bãi chỉ thấy một đóm lửa lung linh phía cửa sông Hikijigawa. Có vẻ là dấu hiệu của một thuyền đánh cá đã ra khơi.
Tiếng sóng vọng lại không ngừng. Càng bước lại gần rìa sóng, càng ngửi thấy mùi nồng mặn của biển. Có vẻ không phải là mùi biển cả, mà là mùi của đám hải thảo, rong biển do sóng đưa vào, dưới chân chúng tôi. Không hiểu sao tôi không chỉ ngửi thấy mùi ấy bằng mũi, mà còn cảm nhận được trên da mình.
Chúng tôi đứng ở rìa sóng một hồi, ngắm những ngọn sóng loé lên màu bạc mờ. Trên biển, đâu cũng chỉ tuyền một màu đen thẩm. Tôi vơ vẩn nhớ lại những ngày trọ ở một bờ biển vùng Kazusa đâu 10 năm về trước. Và cùng lúc, nhớ lại người bạn cũng đã ở đấy với tôi. Anh ấy ngoài việc học hành riêng, đã đọc giùm bản hiệu chính của truyện ngắn “Cháo Khoai” của tôi …
Lúc nào đấy, cậu O từ trước vẫn ngồi chồm hỗm nơi rìa sóng, đã bật lên một que diêm.
“Cậu làm gì đấy?”
“Có gì đâu. Chỉ bật lên que diêm thế nầy mà có thể nhìn thấy được đủ thứ chung quanh, phải không?”
Cậu O quay đầu ngẩng nhìn chúng tôi, nửa như nói vọng về phía vợ tôi. Quả thật, ánh lửa từ que diêm đã chiếu lên đủ loại vỏ sò ốc lẫn trong đám rong biển và hải thảo tán loạn trên bãi cát. Đóm lửa ấy vừa tắt thì cậu O lại bật lên que diêm khác, thong thả bước đi ven rìa sóng.
“Ối, ghê quá, trông cứ như là chân người chết đuối ấy”.
Một nửa chôn trong cát, nửa kia thò ra ngoài là một cái chân-vịt cho người lặn xuống nước, chỉ có một bên. Ở đấy cũng có những phiến bọt biển lớn nằm lẫn trong đám rong biển. Nhưng khi đóm lửa diêm ấy tắt đi thì chung quanh lại còn tối đen hơn trước nữa.
“Rốt cuộc, không thu hoạch được bằng lúc trưa nhỉ”.
“Thu hoạch gì? À, phiến gỗ ấy à. Thứ ấy thì không phải ở đâu cũng lượm được”.
Chúng tôi định rời khỏi bãi cát rộng, bỏ lại sau lưng tiếng sóng không ngừng nghỉ ấy. Bước chân trên cát thỉnh thoảng lại giẫm lên đám rong biển.
“Khoảng nầy hẳn cũng có đủ thứ đấy nhỉ”.
“Đánh một que diêm nữa xem sao nhé?”
“Thôi. Mà nầy, nghe như có tiếng chuông nhỏ đấy”.
Tôi nói, lắng tai nghe cho kỹ hơn. Bởi nghĩ là dạo nầy mình hay có những ảo giác như thế. Nhưng quả có tiếng chuông nhỏ đâu đó thật. Tôi lại định hỏi cậu O xem có nghe thấy không, thì nghe tiếng vợ tôi đang đi 2, 3 bước phía sau, cười nói :
“Tiếng chiếc chuông nhỏ gắn vào guốc gỗ của em đấy”.
Nhưng không quay lại tôi cũng biết là vợ tôi mang giày bện rơm mà.
“Tối nay, em làm trẻ con, mang guốc gỗ…”
“Nghe như tiếng chuông từ tay áo của chị kia mà. À, đồ chơi của cháu Y đấy chứ gì. Đồ chơi bằng nhựa có gắn cái chuông nhỏ đấy mà”.
Cậu O nói, rồi cười lớn. Vợ tôi bắt kịp chúng tôi, sắp hàng ba bước đi. Chúng tôi, từ câu đùa của vợ tôi, đã bắt đầu trò chuyện với nhau rôm rả hơn trước.
Tôi kể cho cậu O nghe chuyện giấc mộng đêm qua. Trong giấc mộng, tôi nói chuyện với người lái xe tải trước một toà nhà kiểu mới. Tôi chắc là đã có gặp người lái xe ấy đâu trước rồi, nhưng gặp ở đâu thì đến khi mở mắt dậy cũng chưa nhớ ra được.
“Vậy mà thình lình nhớ lại, hoá ra là cô ký giả báo phụ nữ đến phỏng vấn mình 3, 4 năm về trước đấy mà”.
“Thế thì người lái xe ấy là đàn bà à?”
“Không, tất nhiên là đàn ông chứ. Chỉ có khuôn mặt lại là của cô ký giả ấy thôi. Quả thật, những gì mình thấy một lần thì còn sót lại đâu đấy trong trí mình”.
“Có lẽ thế. Khuôn mặt nào gây ấn tượng mạnh …”
“Nhưng mà, tớ có quan tâm gì đến khuôn mặt người ấy đâu. Chính vì thế mới càng cảm thấy rờn rợn. Có vẻ như là bên ngoài ý thức của mình, cũng có đủ thứ sự vật …”
“Nghĩa là, thử bật diêm lên xem, thì thấy có đủ thứ chung quanh mình, chứ gì”.
Trò chuyện như thế, ngẫu nhiên tôi phát hiện ra là khuôn mặt của chúng tôi thì thấy được rõ ràng. Nhưng chung quanh vẫn không có gì thay đổi, ngay cả chút ánh sao cũng không thấy. Tôi lại cảm thấy rờn rợn sao đâu, nhiều lần ngẩng đầu lên nhìn trời. Có vẻ vợ tôi để ý, nên tôi chưa nói gì, đã trấn an tôi :
“Tại cát đấy. Phải thế không anh?”
Vợ tôi khoanh tay, luồn bàn tay vào nối hai ống tay áo với nhau, quay đầu lại nhìn tôi trên bãi cát rộng.
“Có vẻ thế”.
“Cát là thứ hay chơi ác. Ảo ảnh Shinkiro thì cũng cát nầy tạo ra chứ đâu. Chị chưa thấy ảo ảnh Shinkiro à?”
“Thấy rồi chứ. Chỉ một lần dạo trước. Nhưng chỉ thấy chút gì đấy màu xanh xanh thôi”.
“Chỉ có thế thôi đấy. Hôm nay chúng tôi cũng chỉ thấy có thế thôi”.
Chúng tôi đi qua cầu Hikijigawa, tản bộ bên cạnh tường hào Azumaya. Theo cơn gió đã nổi lên từ lúc nào, khắp các ngọn tùng, lá reo vi vu.
Dáng một người đàn ông thấp bé rảo bước về phía chúng tôi. Tôi chợt nhớ lại ảo giác của mùa hè vừa qua. Cũng một buổi tối như tối nay, mảnh giấy vướng trên cành cây dương đã trông như hình dạng cái mũ an toàn. Nhưng lúc nầy, người đàn ông nầy không phải là ảo giác. Càng đến gần càng thấy rõ cả ngực áo sơ-mi nữa.
“Cái gì thế nhỉ, trông như cái ghim trên cà-vạt kia?”
Tôi thầm thì thế xong, đã phát hiện ra ngay cái mà tôi ngỡ là ghim cà-vạt ấy thật ra là đóm lửa ở đầu điếu thuốc vấn. Vợ tôi ngậm ống tay áo, là người đầu tiên lén cười khúc khích. Nhưng người đàn ông ấy không buồn liếc mắt nhìn chúng tôi, cứ đi xăm xăm qua mặt.
“Thôi, ngủ ngon nhé”.
“Vâng, anh ngủ ngon”.
Chúng tôi vui vẻ chia tay với cậu O, rồi bước đi trong tiếng vi vu của lá tùng trong gió. Nghe như còn có tiếng côn trùng lẫn trong tiếng vi vu ấy nữa.
“Lễ mừng thọ của ông cụ là hôm nào thế anh?”
“Ông cụ” đây là bố của tôi.
“Ngày nào vậy nhỉ? … Hộp bơ làm quà từ Tokyo đã đến chưa em?”
“Hộp bơ thì chưa. Chỉ có xúc-xích thì đến rồi đấy anh”.
Rồi chúng tôi đến trước cửa nhà. Cửa chỉ đóng có một nửa.
Shinkiro
Phạm Vũ Thịnh dịch