Phối cảnh cổng chào huyện Kim Sơn Nguồn: kimson.ninhbinh.gov.vn
Lãng phí ngân sáchCổng chào 6 tỷ ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có thể bị tháo dỡ bất kỳ lúc nào. Nguyên nhân được báo trong nước loan tin ngày 10/3 cho biết do cổng chào này được xây dựng trên quốc lộ 10, tuyến đường giao thương chính của các tỉnh đồng bằng ven biển, vì vậy có thể phải cải tạo và nâng cấp thường xuyên nên công trình thiếu tính bền vững.
Tình trạng các cổng chào tiêu tốn hàng tỉ đồng được xây dựng rồi tháo dỡ, thay thế không phải lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, mà đã diễn ra từ bao lâu nay. Điển hình như tại Bình Dương, vào năm 2010, chính quyền tỉnh này đã tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỉ. Đến năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ một phần công trình trong cổng chào để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỉ. Một năm sau đó, do quả cầu trên nóc cổng chào không còn nguyên hiện trạng, chính quyền tỉnh Bình Dương lại tiếp tục tháo dỡ.
Hải Phòng cũng rơi vào trường hợp tương tự khi sau khi chi 24 tỉ dựng một cổng chào nghệ thuật hồi 2015 rồi tháo dỡ chỉ 2 năm sau đó vì bị hư hỏng nặng.
Vào tháng 7 năm ngoái, một xe tải tông vào trụ giữa của cổng chào tại Thành phố Mỹ Tho. Cơ quan chức năng định giá sửa chữa cổng chào sau vụ bị tông này là chừng 1 tỷ đồng.
Nhận xét về thực trạng các cổng chào ngày càng được xây dựng rộng rãi với quy mô lớn tại các tỉnh, thành hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội nhận định:
“Thực sự nếu đi ở Việt Nam thì khắp các huyện, thậm chí các xã, các tỉnh, ở tỉnh có khi cứ đường có 5 đường vào là 5 cổng chào. Đấy là sự lãng phí, vô bổ tiền ngân sách nhà nước mà thật sự là tiền của dân. Lẽ ra họ phải dẹp hết các cổng chào ấy thì có thể xây được bao nhiêu trường học cho các cháu vùng cao, vùng xa. Đấy là một việc đáng lên án mà thực sự người dân cũng đang lên án rất nhiều nhưng chính quyền tất cả các địa phương từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, hay Lào Cai đến Cà Mau đều theo một kiểu như vậy.”
Đồng quan điểm không nên xây dựng các cổng chào như trên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ:
“Trước sau tôi vẫn phản đối về những việc lãng phí ví dụ như xây dựng cổng chào hoặc xây dựng tượng đài quá lớn nhất là vào những lúc ngân sách còn khó khăn hoặc cuộc sống chung còn chưa đầy đủ, hoặc ở những vùng khó khăn. Kể cả xây dựng trụ sở quá to không cần thiết. Tất cả những việc đó hoàn toàn không nên làm.”
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc xây dựng cổng chào dù tốn một số tiền lớn hay nhỏ thì vẫn phải tiết kiệm vì lãng phí bắt đầu từ những khoản chi phí nhỏ trở đi chứ không riêng những khoản phí lớn.
“Vào lúc này kinh tế Việt Nam thật sự đang phải đương đầu với nhiều thách thức, nhất là với dịch cúm lần này ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, chính phủ đang phải lo tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Nên bất cứ nơi nào dùng tiền ngân sách vào những việc không mang lại lợi ích kinh tế xã hội đều là việc không nên làm.”
Xây để kiếm chác!Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi lần các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, ấp xây các cổng chào với chi phí từ hàng tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng đều khiến dư luận phản đối mạnh mẽ.
Cổng chào ở Cần Thơ. Nguồn: FB Chương May Mắn
Không chỉ trên các trang mạng xã hội, báo Tuổi Trẻ - cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2017 cũng đã có bài viết ‘Chào các… cổng chào bạc tỉ!’ để nói lên sự xa hoa khi xây dựng các công trình cổng chào.
Tuy nhiên, dù bị phản đối mạnh mẽ, nhưng việc xây dựng lại không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng được nhân rộng với quy mô lớn.
Giải thích nguyên nhân vì sao lại như vậy, nhà hoạt động Lã Việt Dũng tại Hà Nội bày tỏ:
“Thực ra cái này không có gì mới, thường xuyên như vậy. Tất cả các dự án chi tiêu vào tiền ngân sách thì họ đều là công cụ để họ kiếm tiền thêm, có thể thấy như các tượng đài hay các công trình cổng chào, tất cả những dự án gì thì gần như đều đội giá lên rất nhiều. Đấy chắc chắn là công cụ để các quan chức trong các tỉnh kiếm (tiền).”
Dưới góc nhìn riêng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm những nhận định sau:
“Đây có lẽ là một chủ trương chung từ trên xuống để mỗi một nơi phải thể hiện mình ra. Có một nguyên nhân nữa đóng góp một phần là mỗi lần xây dựng như thế thì bộ phận phụ trách chủ yếu của ‘giới cảnh sát tư tưởng’ là giới tuyên huấn, tuyên giáo muốn xây dựng những cổng chào như thế để đem lại uy quyền gì đấy cho chính quyền. Họ mị dân bằng cách đây là nhân dân chào đón khách. Có một điểm nữa là người dân Việt Nam nói chung và nhất là quan chức Việt Nam càng hơn nữa là học nhau những thói hư tật xấu và tưởng đó là hay. Thấy một nơi làm một cái thì nghĩ mình phải làm theo, phải làm to hơn. Đấy là một tâm tính rất đáng trách, đáng xấu hổ trong một đất nước còn nghèo, còn phải chắt chiu từng đồng lo chuyện phát triển đất nước, lo chuyện vệ sinh, y tế, sức khỏe cho người dân, học hành cho trẻ con.”
Tăng cường phản đốiTrên Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng có nhận xét cho rằng “Không ai phủ nhận về ý nghĩa và giá trị của những cổng chào, các câu khẩu hiệu như những công cụ tuyên truyền trực quan hiệu quả nhất… Các cổng chào, ngoài ý nghĩa tuyên truyền giáo dục cũng có thể nói là đã góp phần đem lại những tình cảm thân thiết của cộng đồng dân cư.”
Tuy nhiên, trao đổi với RFA, tất cả những người trả lời phỏng vấn đều cho rằng nhận xét này hoàn toàn không đúng thực trạng hiện nay, như lời Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà nghiên cứu xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:
“Họ nghĩ ra đủ các trò từ xây dựng cổng chào, tượng đài, những khu rộng mênh mông được gọi là giao thông công cộng, tuy nhiên xây lên nhưng người dân chẳng sử dụng mấy những nơi như thế. Có rất nhiều công trình như thế chứ không phải là ít. Tôi nghĩ đấy cũng chỉ là cách người ta nghĩ ra các trò để kiếm lời ít nhiều cho bản thân.”
Do đó, dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng các địa phương nên tự chấn chỉnh và tránh việc lãng phí ngân sách nhà nước:
“Tôi nghĩ đấy là ý thức những lãnh đạo địa phương cần thấy rõ làm những việc như vậy lúc này là không nên và nhiều khi trở thành phản cảm đối với người dân.”
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người dân cần phải lên án rất mạnh mẽ, nếu cần thiết, nê yêu cầu ông Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh cấm chuyện xây dựng những cổng chào không có tính thực tiễn và gây lãng phí thuế người dân:
“Nước còn nghèo, ngân sách thâm hụt mà chi tiêu vào việc vô bổ như thế là hoàn toàn phi lý.”
Những người từng ra nước ngoài, hay người Việt sống tại nước khác cho biết tại địa phương họ sống không có những cổng chào ‘hoành tráng’ như ở Việt Nam. Đơn cử như ở Hoa Kỳ, từ bang này vào địa phận bang khác người ta chỉ thấy một bảng ghi dòng chữ chào mừng và tên của tiểu bang mà thôi.
Theo RFA