Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo tại Geneve, ngày 28/02/2020 REUTERS/Denis Balibouse
Thách thức toàn cầu đòi hỏi toàn cầu chung sức đối phó. Điều đơn giản này dường như rất khó áp dụng trên thực tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch virus corona đã trở thành « đại dịch » : Liên Hiệp Châu Âu hầu như « quên » Ý, trong lúc hệ thống y tế nước này bị quá tải với hơn 12.000 bệnh nhân nhiễm virus corona, hơn 800 người đã thiệt mạng.
Hoa Kỳ dù là đồng minh thân thiết nhất của châu Âu, nhưng không ngần ngại đóng cửa đối với các công dân của khối Schengen. Dịch Covid-19 đang thách thức liên minh chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương và ngay cả giữa các thành viên của Liên Âu.
Từ cả tuần nay, đại sứ Ý bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức kêu gọi 26 thành viên còn lại trong khối hỗ trợ, cung cấp khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ y tế. Ngoại trưởng Luigi di Maio hoài công nhắc nhở các đối tác rằng, nước Ý sẽ "không bao giờ quên những quốc gia nào sát cánh với mình trong thời điểm khó khăn này". Thế nhưng, tất cả đều im lặng, từ Paris cho đến Berlin. Cuối cùng, mãi ở tận rất xa châu Âu, chỉ có Trung Quốc hồi âm. Bắc Kinh thông báo sẵn sàng cung ứng cho Ý 1.000 máy trợ thở, 100.000 khẩu trang và 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, trong lúc Pháp và Đức cấm các công ty dược phẩm và các nhà cung cấp xuất khẩu trang thiết bị y tế để dành ưu tiên cho nhu cầu trong nước.
Ở thượng tầng quyền lực tại Bruxelles, từ chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đến chủ tịch Ủy Ban Châu Âu liên tục hô hào "đoàn kết", đề cao những biện pháp "phối hợp chặt chẽ" giữa 27 thành viên trong khối để đối phó với dịch bệnh, nhưng virus corona đang chứng minh điều ngược lại, đó là trong cơn tai biến, các thành viên châu Âu "mạnh ai nấy lo". Thái độ ích kỷ đó từng được thể hiện trong chính sách đón nhận người nhập cư của châu Âu. Giới quan sát không quên nhắc lại lại cũng chính thái độ ích kỷ đó đã đưa đảng dân túy Ligua và lãnh đạo đảng này là ông Matteo Salvini chia sẻ quyền lực với thủ tướng Giuseppe Conte.
Sức công phá về mặt chính trị của virus corona không dừng lại ở đây. Dịch Covid-19 còn thách thức luôn cả liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương sau khi tổng thống Hoa Kỳ vừa tuyên bố cấm công dân châu Âu đặt chân sang Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày. Áp lực trong nước càng lớn, Donald Trump càng phải chứng tỏ quyết liệt. Thứ nhất ông gọi virus corona là "virus của nước ngoài". Ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn khiến Bắc Kinh nổi dóa khi gọi đây là siêu vi Vũ Hán hay virus Trung Quốc. Nhưng sau khi được báo động là châu Âu đang trở thành "ổ dịch" của thế giới, Hoa Kỳ chuyển hướng tấn công, nhắm vào các đồng minh châu Âu. Thứ hai, là không thông báo trước, không phối hợp hay tham khảo các đối tác châu Âu, tổng thống Trump đơn phương quyết định tạm thời cấm cửa công dân châu Âu muốn đặt chân vào Mỹ. Biện pháp này không hơn không kém là một bức tường vô hình để nước Mỹ tự vệ.
Cách biệt với thế giới để tự vệ luôn là kim chỉ nam trong chính sách của Donald Trump. Theo phân tích của giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Pascal Boniface, liên minh Bắc Đại Tây Dương cũng đang bị dịch Covid-19 đe dọa. Trong tất cả các lĩnh vực, từ quốc phòng đến thương mại, tổng thống Trump luôn chỉ quan tâm đến quyền lợi của những người bỏ phiếu cho ông. Điều này một lần nữa đã được chứng minh với khủng hoảng về y tế lần này. Việc tổng thống Mỹ không đưa nước Anh vào danh "sách đen" là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Donald Trump không mảy may quan tâm đến sức khỏe của người dân Mỹ, nhắm mắt trước mối đe dọa nổ ra một cuộc khủng hoảng về y tế. Ông chỉ lo là dịch Covid-19 phá hoại kinh tế Hoa Kỳ vốn đang rất tươi sáng, và virus corona là một trở ngại trên con đường tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Đối với cả nội bộ 27 nước khối Liên Hiệp Châu Âu và trục Washington – Bruxelles, hơn bao giờ hết các bên cần chứng minh rằng, những cụm từ như "đoàn kết", "liên đới" không chỉ là những lời nói suông.
Theo RFI