People wait in a line to buy face masks in order to protect themselves from the coronavirus disease (COVID-19), outside a pharmacy in Taipei, Taiwan, March 17, 2020. REUTERS - ANN WANG
Theo nhật báo Le Figaro, đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán vẫn đang hoành hành, nhưng Bắc Kinh vẫn không quên việc khiêu khích Đài Loan. Đó là do thành công của Đài Bắc trong cuộc chiến chống virus corona khiến Trung Quốc càng thêm bực tức.
Trong đêm đen, những chiến đấu cơ F-16 của quân đội Đài Loan đã khẩn cấp bay lên, sẵn sàng ngăn chận các đối thủ đang lao đi với vận tốc siêu thanh trên bầu trời eo biển Formose.
Lần đầu tiên, nhiều phi cơ tiêm kích J-11 của Trung Quốc cộng sản tiến sát vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, trong đêm tối mịt mùng ; gây lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh khi Tập Cận Bình năm 2019 đã từng đe dọa dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan.
Rốt cuộc các phi công Hoa lục đã đổi hướng sau khi Đài Loan phát lời cảnh cáo qua làn sóng điện. Hôm thứ Hai 16/03/2020 bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết như trên.
Nhiều sự cố tương tự đã xảy ra trong những tuần lễ vừa qua, cho thấy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc lại tăng lên, ngay trong thời điểm đại dịch virus corona.
Bị o ép, Đài Loan vẫn xoay sở được để chống dịch Vào lúc chế độ cộng sản Trung Quốc đang phải chiến đấu với nạn dịch virus Vũ Hán trong nước, Bắc Kinh vẫn gia tăng áp lực lên địch thủ truyền kiếp, khuấy động dân tộc chủ nghĩa trước một công chúng đang lo ngại. Sau chiến thắng vang dội của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hôm 11/1, nạn dịch Covid-19 bùng nổ càng làm quan hệ trở nên xấu đi giữa đôi bờ eo biển Đài Loan.
Các nhà ngoại giao trước hết tranh cãi gay gắt về việc di tản công dân Đài Loan bị kẹt lại khi ổ dịch Vũ Hán bị phong tỏa. Ngay trong đại dịch, Đài Bắc một lần nữa tố cáo việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dưới sự áp đặt của Trung Quốc, không cung cấp cho Đài Loan những thông tin quý giá để chống dịch, và đòi hỏi tư cách quan sát viên.
Hòn đảo 23 triệu dân còn đặt ra một thử thách khiến chế độ Bắc Kinh bối rối, đó là việc xử lý một cách hiệu quả cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán. Kể từ đầu nạn dịch cho đến nay, Đài Loan chỉ có khoảng 60 người bị nhiễm và một trường hợp tử vong duy nhất, cho dù có quan hệ kinh tế mật thiết với Hoa lục. Đây là thành tựu tuyệt vời, khi so sánh với 80.000 ca dương tính và 3.100 người chết chỉ riêng tại tỉnh Hồ Bắc.
Sản xuất 10 triệu khẩu trang một ngày Nhờ các biện pháp phòng chống cụ thể ngay từ đầu, Đài Bắc dường như chận đứng được nạn dịch virus corona mà không cần đến việc cách ly thô bạo toàn bộ người dân như ở Hồ Bắc, và nay thì phần lớn châu Âu cũng đã phải dùng đến biện pháp phong tỏa.
Dựa vào kinh nghiệm từ thời dịch SARS, từ đầu tháng Giêng, Đài Loan đã cho xét nghiệm các hành khách và cách ly tất cả những người nào có triệu chứng, đồng thời phổ biến việc xét nghiệm virus corona. Trong khi đó, công an Vũ Hán lại bắt giữ, o ép bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), và rốt cuộc bác sĩ Lý đã chết vài tuần sau đó vì căn bệnh mà ông cố gắng đưa ra lời cảnh báo.
Bộ trưởng Y Tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih Chung) tuyên bố : « Người dân Đài Loan không tin vào cơ chế dự phòng ở Hoa lục, và sự không minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc ». Ngay từ cuối tháng Giêng, Đài Bắc đã dự trữ được 44 triệu khẩu trang, và hiện nay sản xuất thêm 10 triệu chiếc mỗi ngày cho dân chúng có thể tự bảo vệ khi di chuyển, trong khi khẩu trang vô cùng thiếu thốn trong suốt nhiều tuần lễ tại Hoa lục.
Tin vịt tràn ngập Thực tế này khiến Bắc Kinh khó nuốt trôi, và Trung Quốc đã đẩy mạnh đợt tuyên truyền phản công trên mạng. Nhiều tài khoản đáng ngờ trên các mạng xã hội tung ra những tin đồn như nữ tổng thống Thái Anh Văn đã bị dương tính với virus corona, hoặc cáo buộc Đài Loan giấu đi tình trạng số người bị nhiễm đang tăng lên. Một dòng thác « fake news » được tin tặc Hoa lục dựng lên, cáo buộc ngành ngoại giao Đài Loan, tố cáo một cuộc chiến bóp méo thông tin.
Cùng với Hàn Quốc, Đài Loan là mô hình xử lý sớm nạn dịch virus Vũ Hán một cách dân chủ tại châu Á, trái ngược với cung cách độc đoán mà Bắc Kinh đã thành công trong việc « xuất khẩu » sang nhiều nước trên thế giới, với sự góp sức của WHO.
Từ Genève, tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi kinh nghiệm của Trung Quốc có thể được « dùng làm bài học » cho các nước khác. Ông Ghebreyesus được bầu lên nhờ sự ủng hộ của Bắc Kinh và Nhóm 77 gồm các nước đang phát triển.
Le Figaro ghi nhận, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã chận được con virus Vũ Hán mà không phải phong tỏa đất nước, buộc mọi sinh hoạt của người dân phải dừng lại.
Theo RFI