Bà Nguyễn Thị Kim Thanh kêu gọi Chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm trong đại dịch COVID-19. Courtesy: Facebook Lan Pham
Sức khỏe không tốtGia đình của tù nhân chính trị trẻ tuổi Nguyễn Văn Hóa nhận được lá thư số 6 của Hóa gửi về từ traị giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam vào hôm 4/4/2020.
Trong lá thư dài 12 trang giấy vở học trò, anh Nguyễn Văn Hóa cho biết đã khiếu nại với trại giam về việc trại giam không chuyển 6 lá thư trong năm 2019 cũng như lá thư số 5 trong năm 2020 của anh đang bị giữ lại, không cho gửi đi. Vào ngày 28/2/2020, anh Nguyễn Văn Hóa đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ trưởng Công an Tô Lâm về việc anh bị giam xa nhà. Đồng thời, anh cũng khiếu nại trại giam đã không đưa các văn bản liên quan thời gian biệt giam anh hồi tháng 5/2019.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa cho RFA biết thêm về thông tin này được báo qua thư:
“Phía trại giam phải gửi cho Hóa những văn bản trong thời gian Hóa bị kỷ luật, nhưng phía trại giam không trả lời. Trong thư có một đoạn Hóa cho biết đã làm việc với các cán bộ trại giam. Tuy nhiên, họ trả lời rằng các văn bản đó trại giam giữ, chứ không giao cho người tù.”
Bên cạnh đó, anh Hóa còn cho biết bắt đầu từ ngày 5/3/2020, anh bị cảm cúm, ho, sổ mũi, mỏi cơ và nhức đầu. Anh Hóa được y tế trại giam cho uống khoảng 5 loại thuốc, mỗi ngày 2 lần.
Bà Huệ cho biết gia đình không được đến trại giam thăm gặp anh Hóa, từ lúc Việt Nam công bố dịch COVID-19. Khi nhận được tin báo về tình trạng sức khỏe của em trai bị bệnh trong lúc này, thì:
“Nói chung gia đình rất lo lắng. Việc bị ốm bệnh đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Hóa rất nhiều. Phía trại giam có thể cung cấp thuốc cho các tù nhân nhưng mà liều lượng đôi lúc so với ở ngoài gửi vào thì chất lượng thuốc không được tốt bằng. Trong thư Hóa có nói là từ khi Hóa được đưa vào giam cho đến thời điểm này thì chưa có ai đến Đội 34K2 để thăm. Các cán bộ trại giam chưa thật sự quan tâm đến các vấn đề sinh hoạt hay tình trạng ốm đau của tù nhân và đưa đi khám bệnh.”
Trong khi đó, vào cùng ngày 4/4, bà Lê Thị Thập, vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh nhận được điện thoại của chồng gọi về. Bà Thập kể lại với RFA:
“Khi gọi điện thoại về thì anh Vịnh có nói là trong thời gian dịch bệnh thì mọi sự thăm gặp bị khó khăn và một số ạh em tù nhân đã lâu không có người nhà thăm gặp bị thiếu thốn nhiều. Sau đó, anh có nói đến vấn đề sức khỏe của anh. Anh nói mấy hôm trước anh bị sốt cao, dẫn đến bị tê bì nửa người. Thế mà trong khi đó anh vẫn bị biệt giam riêng một mình. Tôi hỏi thì anh bảo uống thuốc hạ sốt mà trước đó tôi đã gửi vào một hợp. Anh Vịnh tự uống thuốc đấy thôi, chứ trong trại giam không khám hay làm gì giúp cho anh ấy hết.”
Về trường hợp của tù chính trị-Ký giả Trương Minh Đức, vợ của ông là bà Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ với RFA rằng bà đang trong tình cảnh đứng ngồi không yên chờ đợi tin tức của chồng qua cuộc điện thoại trong trung tuần tháng 4 tới đây. Đã hơn một tháng không được thăm gặp, không được trực tiếp tiếp tế đồ ăn, bà Thanh lo sợ cho sức khỏe của chồng trong lúc dịch bệnh nghiêm trọng như thế này vì trong trại giam đời sống ăn uống thiếu thốn về mọi mặt, không đầy đủ chất dinh dưỡng nên chất đề kháng bị yếu và có nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 rất cao.
Lá thư số 6 trong năm 2020 của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa gửi về cho gia đình. Courtesy: Bà Nguyễn Thị Huệ. RFA edited
Kêu gọi Chính quyền Việt Nam nhân đạoThân nhân của ba tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa, Lưu Văn Vịnh, Trương Minh Đức cùng một số gia đình của các tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam, qua mạng xã hội đồng loạt kêu gọi Chính quyền Việt Nam nhân đạo trả tự do cho các tù nhân để bảo toàn sức khỏe của họ trong đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, thông qua Đài RFA, lên tiếng kêu gọi rằng:
“Chúng tôi là những người vợ, người thân của các người tù đang ở trong trại giam thì rất lo lắng và rất bất an về những vấn đề đó. Vả lại, các nước cũng đã trả tự do và ân xá cho những người tù. Bây giờ, chúng tôi cũng yêu cầu Nhà nước Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm ra khỏi trại giam để người ta về với gia đình. Tại vì tất cả mọi người trên toàn thế giới này hiện không thể biết được ai có thể sống hay ai có thể chết. Cho nên, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam cũng làm những việc nhân đạo như các nước khác là thả những tù nhân lương tâm, hoặc những người tù hay tất cả những người thân của chúng tôi ra khỏi trại giam. Đó là điều mà chúng tôi đang mong mỏi nhất.”
Thân mẫu của tù chính trị Trần Hoàng Phúc, cô giáo Huỳnh Thị Út nói với RFA rằng, qua cuộc điện thoại với con trai vào ngày 4/4, phần nào bà được yên tâm vì thùng đồ bà gửi vào trại giam gồm thức ăn và các vật dụng y tế để bảo vệ sức khỏe đã đến tay con trai của bà.
Trước đó, do không được thăm gặp trong dịch COVID-19, cô giáo Huỳnh Thị Út đã gửi thư đến trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương kiến nghị cho gửi đồ ăn qua bưu điện 2 lần trong tháng cũng như cho thêm trọng lượng thức ăn được gửi vào và tù nhân được gọi điện thoại về cho gia đình 2 lần trong tháng, thay vì 1 lần theo quy định.
Mặc dù được trại giam An Phước chấp thuận cho gửi thùng đồ ăn cân nặng 16 kg trong dịch bệnh COVID-19, giúp cho con trai của bà được đầy đủ hơn trong việc ăn uống; thế nhưng cô giáo Huỳnh Thị Út cũng rất lo ngại cho sức khỏe của các tù nhân ở trại giam An Phước. Bà Huỳnh thị Út cũng kêu gọi trả tự do cho các tù nhân trong đại dịch COVID-19:
“Tình hình dịch bệnh bây giờ rất căng. Mặc dù trại giam An Phước so với những trại giam khác có một chút thông thoáng hơn, nhưng thật sự ra môi trường ở trong đó không đảm bảo. Bởi vì buồng giam chỉ có 12 m2, chỉ có một cửa ra vào, rất nóng và rất chật chội. Thức ăn thì thiếu thốn nên sức đề kháng cho sức khỏe của con người không có. Cho nên việc yêu cầu thả các tù nhân rất hợp tình và hợp lý.”
Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders-DTD), vào ngày 4/4, ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm để tránh việc họ bị lây nhiễm Coronavirus trong lúc dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát mạnh tại Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí của Defend the Defenders ghi rõ “việc phóng thích tù nhân lương tâm sẽ giúp cho họ trở về gia đình và tránh được khả năng lây nhiễm Coronavirus tốt hơn so với việc giam giữ họ tập trung như hiện nay, và ngân sách quốc gia không cần phải tiêu tốn vào việc giam giữ họ. DTD khẳng định tù nhân lương tâm không là mối nguy hiểm cho xã hội trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm”.
Hôm 30/3, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng đã phát động chiến dịch #FreeThePress để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phóng thích vô điều kiện tất cả các nhà báo bị bỏ tù để đảm bảo an toàn cho họ trong đại dịch COVID-19, vì Tổ chức Y tế Thế giới cho biết các tù nhân dễ bị nhiễm virus do không thể tự cách ly trong tù và họ thường xuyên bị từ chối điều trị y tế.
Theo RFA