Tổng giám đốc WHO Tedros trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28/1.
Nhiều người Việt cùng gần một triệu cư dân mạng trên thế giới ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ chức vì cách xử lý đại dịch Corona mà tới ngày 23/4 đã làm 2,6 triệu người nhiễm và 183 nghìn người chết trên toàn thế giới.
“Chúng tôi thực sự nghĩ rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vị trí Tổng giám đốc WHO”, thỉnh nguyện thư với gần một triệu chữ ký trên trang Change.org viết, đồng thời yêu cầu nhà lãnh đạo của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc “từ chức ngay lập tức”.
Lời kêu gọi cũng cho rằng ông Tedros “tin vào con số người chết và nhiễm bệnh mà chính phủ Trung Quốc cung cấp cho mình mà không điều tra”.
Trả lời VOA Việt Ngữ từ Sydney, Australia, ký giả Nguyễn Vy Túy, vốn ủng hộ thỉnh nguyện thư, nói rằng ông Tedros “chịu trách nhiệm rất lớn trong việc đưa toàn cầu đến thảm nạn”.
“Nếu ông ấy hành xử đúng công việc của ông ấy thì có lẽ số người tử vong cũng như tác hại của dịch có thể đã giảm bớt và được chặn đứng một cách nhanh chóng hơn”, ông Túy nói thêm.
Ông nhận định tiếp lý do vì sao nhiều người Việt ký vào lời kêu gọi nhà lãnh đạo WHO từ chức: “Đối với người Việt, có một yếu tố khác đó là liên quan tới vấn đề Trung Cộng [Trung Quốc] vì Trung Cộng cho tới nay, ai cũng đều biết rằng con virus đó xuất phát từ Vũ Hán và đó là nguyên nhân, cội rễ của vấn đề. Đối với người Việt trên toàn cầu, có một vấn đề khác, người ta nhìn Trung Cộng là một thảm họa không những riêng về vấn đề đại dịch mà còn là vấn đề tồn vong của đất nước Việt Nam trong tương lai”.
Trước khi ngừng cung cấp ngân quỹ hơn 400 trăm triệu đôla cho WHO vì điều ông nói là “thất bại” trong việc xử lý virus Corona, Tổng thống Trump gần đây nói rằng tổ chức này “nghiêng về Trung Quốc” và thúc đẩy “thông tin sai” của Bắc Kinh, dẫn tới đại dịch lan rộng.
Hồi giữa tháng Một, Twitter của Tổ chức Y tế Thế giới viết rằng “các điều tra ban đầu của chính quyền Trung Quốc không phát hiện bằng chứng rõ ràng về việc virus Corona lây từ người sang người”.
Trong một cuộc họp báo hôm 22/4, Tổng giám đốc WHO nói ông hy vọng chính quyền của ông Trump sẽ cân nhắc việc ngưng hỗ trợ tài chính, đồng thời nói rằng virus Corona “sẽ tồn tại với chúng ta trong một thời gian dài”.
Trước các chỉ trích cho rằng WHO đáng lẽ phải hành động sớm hơn nữa, ông Tedros bảo vệ quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này, vào ngày 30/1, nói thêm rằng đó là “thời điểm đúng đắn” và “thế giới có đủ thời gian để phản ứng”.
Tới ngày 23/4, WHO vẫn chưa có phản ứng chính thức nào đối với thỉnh nguyện thư mà phóng viên VOA Việt Ngữ có thể nhìn thấy không ít tên tiếng Việt.
Một người tên Trâm Lee bình luận bằng tiếng Anh: “Ông ta không làm tốt công việc của mình”. Một người khác tên Hoa Nguyễn viết: “Ông ta cần phải ra đi. Và chúng ta cần thay máu với người trẻ hơn, biết cần phải làm gì và không lẫn lộn giữa chính trị và công việc họ phải thực hiện cho thế giới”.
Ông Tedros, nhà nghiên cứu người Ethiopia, lên làm Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017 với nhiệm kỳ 5 năm. Ông là người không có chuyên môn về bác sĩ đầu tiên cũng như người gốc Phi đầu tiên lên nắm vị trí này.
Khi được hỏi trong trường hợp Tổng giám đốc Tedros lắng nghe lời kêu gọi của người dân trên thế giới và từ chức thì ông hy vọng gì vào một người lên thay thế, ký giả Nguyễn Vy Túy cho biết kỳ vọng vào một người “hữu hiệu và có trách nhiệm hơn trong tương lai”.
“Chúng ta cần một người có tài năng, nhạy bén, và phải trung lập trong mọi tổ chức của thế giới, không thể nghiêng về một đất nước nào, con người nào, nghiêng về một màu da, sắc tộc nào để hành xử quyền hạn và chức vụ của mình”, ông Túy nói.
Trên Twitter hôm 21/4, Tổng giám đốc WHO GTedros viết một từ tiếng Anh có nghĩa là “tha thứ” mà không giải thích gì thêm.
Theo VOA