Sổ hộ khẩu Việt Nam. Courtesy of luatvietphong.vn
Trong phiên làm việc chiều 22/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, Bộ trưởng Công an Tô Lâm có trình bày về việc chuyển hình thức quản lý cư trú từ thủ công với sổ hộ khẩu sang quản lý bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể, chính phủ Hà Nội sẽ dùng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu được bãi bỏ.
Trao đổi với RFA tối 24/4, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định:
“Thật ra 20, 30, 40 năm nay rồi có rất nhiều chương trình vận động giảm bớt ảnh hưởng của sổ hộ khẩu lên đời sống nhân dân, tức những dịch vụ đời sống không căn cứ vào sô hộ khẩu nữa. Chẳng hạn như trẻ em đi học, đi khám bệnh, mua đất, mua nhà… không cần sổ hộ khẩu, rất nhiều thủ tục dịch vụ đời sống công hay hành chính công sẽ phải giảm bớt đi. Đó là việc rất tốt để tạo thuận lợi cho người dân.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng hiện nay còn khá nhiều hoạt động vẫn dựa rất nhiều trên sổ hộ khẩu. Đây mới chính là vấn đề người dân quan tâm, còn cách quản lý thế nào, chuyển hình thức từ sổ sang thẻ chỉ là đơn giản hơn, tiện hơn:
“Thực ra họ không sử dụng sổ bằng giấy nữa mà chuyển sang quản lý nhân khẩu bằng thẻ điện tử. Vẫn có những quản lý nhân khẩu theo một số tiêu chí bên công an nội vụ đưa ra. Không hẳn là bỏ, dùng từ bỏ chưa được chính xác lắm.”
Bạn trẻ Ngọc Trang, có gia đình ở Tây Ninh và đang sinh sống tại Sài Gòn cho rằng việc quản lý cư trú bằng công nghệ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân.
“Mỗi lần cầm sổ lên làm giấy tờ ở nhà nước Việt Nam là lề mề, chậm chạp và không chuyên nghiệp. Vấn đề mình bị mất sổ hộ khẩu hay sai thông tin, em bị sai thông tin trên chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu xong đi đâu cũng không chịu chứng. Ngoài ra, mỗi lần mượn sổ hộ khẩu làm giấy tờ, đi công chứng thì ba (em) rất sợ vấn đề đi tới đi lui bị mất sổ hộ khẩu làm lại rất khó. Đó là những bất cập. Bây giờ cập nhật thông tin chính xác trên mạng thì đi đâu chỉ cần nói người ta bấm trên mạng, update cho mình. Hôm bữa công an ấp em ở đi vô từng nhà khai báo trong hộ của mình bao nhiêu người, chắc là vì việc này.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Blogger Nguyễn Ngọc Già tại Sài Gòn đưa ra nghi vấn về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tại Việt Nam hiện nay:
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Hà Nội AFP
“Nói qua vấn đề điện tử, tức phần hiện nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hay phô trương là ‘cách mạng 4.0’ thì tôi không tin rằng họ có đủ khả năng, kỹ thuật, cơ sở vật chất để thực hiện chính quyền điện tử trong lĩnh vực hộ khẩu điện tử bởi vì thiếu thốn quá nhiều. Đó là nói về mặt vật chất, còn về lãnh vực an ninh mạng của họ có thể nói là rất kém cỏi, bao nhiêu việc bị hacker xâm nhập lộ tài liệu cũng như các chi tiết khác ví dụ như cách đây nhiều năm hacker còn đánh sập an ninh mạng của sân bay Tân Sơn Nhất.”
Theo nội dung phiên họp ngày 22/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng lưu ý rằng hình thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt khi tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, theo số liệu của Chính phủ, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay chỉ có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân của Bộ Công an.
Vì vậy, nhiều người bày tỏ lo ngại liệu có thể cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực vào năm 2021 hay không? Từ đó mới có thể xét đến tính khả thi cho công tác quản lý cư trú công dân bằng công nghệ thông tin.
Không phủ nhận tính tiện lợi mà hình thức quản lý cư trú mới đem lại cho cả người dân và cả cơ quan quản lý, nhưng Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương vẫn đưa ra góp ý mà chính phủ Hà Nội cần thay đổi:
“Quản lý của Việt Nam vẫn nặng về theo dõi những thông tin ngoài thông tin cơ bản cá nhân. Ví dụ như ngoài giới tính, tuổi, năm sinh thì người ta quan tâm rất kỹ đến những cái như cha mẹ, anh chị em, tức những cái vượt quá về phần cá nhân. Lần này họ có đưa vào hay không thì tôi cũng chưa rõ.”
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam tính đến chuyện bỏ số hộ khẩu. Trước đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112 vào ngày 30 tháng 10 năm 2017 có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu”. Tuy nhiên Nghị quyết này vẫn chưa thể thực hiện được vì phải chờ tới khi Bộ Công An thu thập xong cơ sở dữ liệu dân cư.
Tính đến hiện tại, trên thế giới chỉ còn ba nước duy trì chế độ hộ khẩu là Việt Nam, Bắc Hàn và Trung Quốc. Cả ba đều là những nước theo Chủ nghĩa Cộng sản.
Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng đề xuất không sử dụng sổ hộ khẩu giấy lần này của Việt Nam sẽ không đem đến thay đổi nào mang lại tự do cho công dân Việt như quyền tự do đi lại, tự do cư trú của người dân.
Theo RFA