Một buổi lễ tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hình minh họa.
Những ngày cuối tháng 4 người dân Việt Nam thường hay bàn luận nhiều đến 2 thể chế Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong cuộc nội chiến kéo dài mấy mươi năm. Trong những câu chuyện luận bàn ấy luôn hiện hữu vấn đề màu cờ, tuy chiến tranh đã chấm dứt nhưng quan điểm về màu cờ đại diện cho 2 thể chế ấy đến nay vẫn chưa bao giờ lặng sóng.
Tôi nhớ có một lần tôi và một anh bạn tranh luận về vấn đề lá cờ nào mới thật sự đại diện cho Việt Nam. Theo bạn ấy Hoàng Kỳ (lá cờ nền vàng ba sọc đỏ) mới xứng đáng làm đại diện cho quốc gia, dân tộc.
Khi ấy tôi đã thử đặt ra một giả thuyết, nếu sau này Việt Nam có tự do dân chủ thật sự, nhưng lúc đó sau khi trưng cầu dân ý thì 51% dân chúng (hoặc thậm chí nhiều hơn) vẫn chọn Hồng Kỳ (lá cờ nền đỏ sao vàng) thì sao?
Bạn ấy đã không do dự và trả lời tôi rằng bạn và 49% còn lại sẽ tiếp tục đấu tranh cho Hoàng Kỳ, bạn ấy cũng không ngại phán rằng 51% người dân kia đầu óc đều có vấn đề và cần phải khai dân trí cho họ.
Chuyện tưởng chừng đơn giảnNhững lời của bạn ấy đã khiến tôi phải giật mình, tôi không thể hiểu sao bạn ấy lại có suy nghĩ như vậy, vì câu chuyện màu cờ tưởng chừng như đơn giản ấy lại làm rất ít người có thể hiểu đúng với bản chất dân chủ vốn dĩ của nó.
Bởi lẽ khi người dân đã có quyền làm chủ thật sự thì hãy để họ dùng lá phiếu tự quyết định những vấn đề của quốc gia theo tâm tư và nguyện vọng của họ. Sao lại có thể bảo họ có vấn đề và cần khai dân trí khi họ đã tự chọn lá cờ cho mình nhưng chỉ vì trái với ý chí của bạn kia?
Bạn ấy có thể cùng 49% người dân còn lại tiếp tục tranh đấu cho Hoàng Kỳ, vì đó là quyền và khát vọng của bạn, tôi rất luôn tôn trọng. Nhưng không vì điều đó mà bảo 51% người dân kia là đầu óc có vấn đề, khi giả thuyết mà tôi đã đặt ra trong bối cảnh như vậy.
Lá cờ cũng chỉ là một vật thể vật chất, mang tính hình thức bên ngoài, được chọn để làm đại diện cho một quốc gia, dân tộc vào một thời kỳ nào đó. Nó không thể mang tính quyết định hoàn toàn cho việc quốc gia đó thuộc thể chế gì, độc tài hay dân chủ, phong kiến hay tư bản.
Nếu Việt Nam thật sự có được tự do, dân chủ, thì lá cờ màu gì do chính người dân tự chọn lựa theo tôi đã không còn là quan trọng nữa rồi.
Màu cờ theo dòng người xuống đườngCó thể nhìn lại những dòng sự kiện đã diễn ra tại Việt Nam trong gần mười năm qua để cảm nhận phần nào về tâm tư và tình cảm của một số lượng rất lớn người dân dành cho lá cờ nền đỏ sao vàng.
Vào năm 2011, khi tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị các tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò, khoảng hơn 200 người bất bình đã xuống đường phản đối trước hành động ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc. Khi ấy rất nhiều người mặc áo đỏ, một số người trên tay còn cầm lá cờ nền đỏ sao vàng để tuần hành.
Mấy năm sau, hình ảnh chiếc áo và lá cờ đỏ ấy đã thưa dần trong các sự kiện xuống đường của người dân như: Phản đối vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014; Phản đối việc Chủ tịch của Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam và Phong trào bảo vệ cây xanh tại Hà Nội và Sài Gòn cùng năm 2015.
Đến năm 2016, khi những dòng người khổng lồ xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn, để phản đối Formosa đầu độc biển (sự kiện cá chết), thì người ta đã không còn trông thấy bóng dáng của những chiếc áo đỏ hay lá cờ đỏ ấy đâu nữa.
Cũng như hai năm sau đó, trong dòng người bất bình tiếp tục xuống đường kia, để yêu cầu nhà cầm quyền chấm dứt Luật đặc khu, với quy mô từ Bắc đến Nam chưa từng có tiền lệ, thì hình ảnh lá cờ đỏ ấy đã trở nên mất hút - tâm tư của người dân trong sự kiện hôm ấy đã định.
Nhưng không vì vậy mà có thể quơ đũa cả nắm rằng người Việt Nam hiện nay đã chán chường, không muốn nhìn nhận lá cờ đỏ nền vàng kia là quốc kỳ, bởi các con số trong những sự kiện ấy chưa thể nói lên hết tâm tư, nguyện vọng của hơn 90 triệu dân Việt Nam được.
Quyết định thuộc về số đôngTuy cái khát khao về một Việt Nam được dân chủ, hùng cường, cái mong muốn bài trừ tham nhũng, bạo quyền, xóa bỏ bất công, xã hội được thay đổi tốt đẹp vẫn luôn cháy bỏng trong lòng mỗi người đang tranh đấu.
Song, sự khập khiễng của đa số họ hiện nay là quên rằng quyền làm chủ của người dân mới thật sự là cái cốt lõi mà họ phải hướng đến, đấu tranh là để trả quyền làm chủ về cho người dân. Chứ không phải đấu tranh để lật đổ hay tiêu diệt ai, để có cơ chế chính trị gì, đưa ai lên làm lãnh đạo hay cho lá cờ màu gì.
Đấu tranh mà cuối cùng người dân phải tuân theo ý chí của một ai đó trong việc lựa chọn mọi thứ, nếu không thì những người dân đó đều có vấn đề, cần được uốn nắn lại. Như vậy thì khác nào độc tài?
Tôi là tôi, hôm nay tôi mặc áo đỏ, ngày mai tôi mặc áo vàng thì cũng là tôi, hoặc hôm nay mẹ tôi gọi tôi tên Tèo, ngày mai bạn tôi gọi tên Tí thì cũng chỉ chính tôi.
Chúng ta quan trọng chi cái hình thức bên ngoài để rồi hục hặc, tranh cãi mãi "Màu cờ gì, tên gọi gì?". Mà quên đi việc cốt yếu là làm thế nào quyền làm chủ về tay người dân, để họ tự quyết mọi vấn đề của quốc gia, và ta cũng chỉ là một trong hơn 90 triệu lá phiếu ấy để quyết định điều đó cùng với họ.
Chỉ mới từ góc nhìn của màu một lá cờ mà đã có quá nhiều tranh cãi, chụp mũ và thậm chí bài xích nhau khi ai đó khác với cái mong muốn của mình.
Đó tưởng chừng là một vấn đề nhỏ nhưng nó lại là căn nguyên lớn để hiểu về quyền làm chủ đất nước của người dân, một khi chúng ta chưa thể thấu đáo thì ắc luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Bởi từng màu cờ ấy đã được chạm khắc sâu vào cảm xúc của nhiều người, thế hệ đi trước, thế hệ đi sau, những người đàng trong, những người đàng ngoài, trong nước và cả hải ngoại.
Nếu cứ tiếp tục như thế thì đến bao giờ người Việt mới có thể nắm chặt tay lại với nhau, bước đi trên một con đường để đưa đất nước thoát cảnh bể dâu? Đến khi nào con cháu ta mới được thấy một ngày mai sáng trời tự do, khi mà hôm nay thế hệ ông, bà, cha, mẹ của chúng cứ mãi loay hoay tranh cãi nhau trong cái mâu thuẫn truyền kiếp ấy - câu chuyện màu cờ gì sẽ đại diện cho quốc gia.
Đông Phong (VOA)
(Đông Phong là bút danh của một luật sư từ Sài Gòn)