Chính ủy Tùng cùng các ông Dương Văn Minh trên đường từ sân Dinh Độc Lập ra hai chiếc xe jeep để đến đài phát thanh
45 năm sau sự kiện 30/4/1975, con gái của vị Đại tá, cựu chính ủy, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam từng tham gia 'tiếp quản' chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ nội các Tổng thống Dương Văn Minh nói với BBC bà muốn ngày này được gọi là 'Ngày Tưởng niệm' của đất nước.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 30/4/2020 từ California, Hoa Kỳ, bác sỹ Bùi Thị Quỳnh Hoa, con gái của Đại tá Bùi Văn Tùng nói:
"Ngày 30/4, phía Việt Nam Cộng hòa ở quốc ngoại thì gọi là 'ngày Quốc hận', phía kia gọi là ngày Thống nhất, ngày Chiến thắng…
"Thế nhưng ở Mỹ người ta có 'ngày Tưởng nhớ' (Memorial Day), tôi nghĩ câu đấy là câu vô cùng chính xác cho người Việt mình. Cần tưởng nhớ mấy triệu người, con dân Việt Nam, chiến sỹ hai miền đều chiến đấu thật là dũng cảm, và con dân Việt Nam hai miền đều đã nằm xuống mảnh đất này."
Chính uỷ Bùi Văn Tùng và Đại tướng VNCH Dương Văn Minh tại Đài Phát thanh Sài Gòn
Sài Gòn tháng Năm 1975
"Những bà mẹ, có những bức ảnh bà mẹ ngồi mà chờ cơm tám đứa con, tôi không thể cầm được nước mắt, nếu mà xem xét lại quá khứ, mà dân tộc mình như vậy, thì quá là đau khổ.
"Cho nên tôi cũng muốn đề nghị cho nhân dân Việt Nam, cũng như là với chính phủ Việt Nam, mình nên gọi cái ngày đấy là 'ngày Tưởng nhớ' hay là 'ngày Tưởng niệm'.
"Mình không phải là bắt chước, nhưng mà cái gì hay của thế giới thì mình nên học.
"Và có những vấn đề gì mà liên quan giữa hai bên, những khúc mắc gì, thì bên chính phủ có thể gặp gỡ những tổ chức mà có những khúc mắc gì cần giải đáp," bác sỹ Bùi Thị Quỳnh Hoa nói với chương trình thảo luận về 30/4 của BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm.
Chính ủy Bùi Văn Tùng (phải) cùng bạn chiến đấu Lữ trưởng lữ thiết giáp 203 Nguyễn Tất Tài, Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975
'Đồng ý và cùng hướng tới tương lai'Về phần mình, cũng tại hội luận này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng nội các Việt Nam Cộng hòa, hiện là Giáo sư chuyên gia chính trị học và bang giao quốc tế thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nói:
"Trước hết, tôi thấy đề nghị của chị Quỳnh Hoa là 'ngày Tưởng nhớ' là rất hay, cái chữ của nó là rất hay, tôi thấy là tôi thích cái đó.
"Còn về hướng tương lai, tôi thấy là cái hòa hợp, hòa giải vẫn đặt ra. Hòa hợp, hòa giải dân tộc là nhiệm vụ lịch sử, nó sẽ phải xảy ra.
"Nhưng làm gì thì điều quan trọng nhất một quốc gia, một dân tộc phải cùng một lịch sử với nhau, cùng chia sẻ lịch sử với nhau.
Vũ khí Mỹ trên phố Sài Gòn ngày 27/5/1975
"Mà lịch sử hiện nay vẫn là lịch sử có tính cách hoàn toàn xuyên tạc. Tôi nhớ một đồng nghiệp của tôi ngày xưa ông Douglas Pike có nói một cách chua chát rằng là "lịch sử là môt cuộc nói dối tập thể - a lie agreed upon", một cuộc nói dối mà mọi người đều đồng ý, tức là những người chiến thắng đồng ý.
"Thành ra, người dân một dân tộc mà không cùng một lịch sử, thì không thể là một dân tộc gắn bó với nhau được.
"Cho nên việc xét lại lịch sử để bỏ đi những sự việc hoàn toàn xuyên tạc là việc rất là quan trọng, việc lâu dài, việc chắc chắn sẽ xảy ra.
Việt Nam đã thay đổi nhiều từ 1975
"45 năm xảy ra rồi, những người sinh ra sau năm 1975 chưa hề biết những sự hận thù, hay là không biết di sản của chiến tranh gì cả, thường thường họ dễ quên hơn.
"Thứ hai là họ đi ra ngoại quốc nhiều lắm, họ cũng tiếp cận với nhiều người ở ngoại quốc và họ tiếp cận với nhiều tin tức, thành ra họ cũng đã hiểu nhiều hơn về sự thật lịch sử.
"Cho nên tôi nghĩ là có chiều hướng tích cực hơn đối với việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.
"Để cuối cùng, các dân tộc Việt Nam có thể chung sống với nhau, một dân tộc có cùng một quá khứ, cùng chia sẻ hiện tại và cùng hướng tới tương lai," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC News Tiếng Việt từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Theo BBC