Chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) mới lên tiếng nhận định về tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp ở Việt Nam, và nói rằng “chưa có chỉ dấu đó là các con số sai”.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại mới đây, khi được hỏi lý do về con số người nhiễm thấp ở Việt Nam, liệu có phải liên quan tới chuyện xét nghiệm, chuyện truy tìm nguồn gốc gây nhiễm, chuyện ngăn chặn sớm từ tháng Một hay vì Việt Nam từng có kinh nghiệm xử lý dịch SARS và H1N1 cũng như liệu có lo ngại về con số như với Trung Quốc hay không, bác sĩ Barbara Marston, người đứng đầu Nhóm Công tác Quốc tế về COVID-19 thuộc CDC, trả lời rằng bà “không nghĩ có bất kỳ ai thực sự hoàn toàn thấu hiểu lý do vì sao”.
Bà nói thêm: “Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn tới điều đó. Một phần có thể là vì sinh thái, nhưng rõ ràng liên quan tới chất lượng phản ứng và tôi nghĩ rằng Việt Nam đã có phản ứng rất mạnh mẽ”.
Trong khi đó, một đồng nghiệp của bà Marston, bác sĩ John MacArthur, Giám đốc Quốc gia của CDC tại Thái Lan, cho biết đã đi tìm hiểu từ nhóm an ninh y tế của CDC về con số người nhiễm thấp ở Việt Nam, và được cho biết rằng Việt Nam “có quyết tâm chính trị từ sớm ở cấp cao nhất và quyết tâm chính trị đó đi từ cấp trung ương xuống tới tận địa phương, với cách tiếp cận toàn diện, chứ không chỉ có Bộ Y tế”.
“Họ cũng cởi mở trước ý kiến đóng góp từ các cố vấn kỹ thuật từ CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như từ các chuyên gia từ các tổ chức khác và có cảm giác là điều đó có ích”, bác sĩ MacArthur nhận định, nói thêm rằng Việt Nam “phát triển các hướng dẫn [phòng dịch] dựa trên đề xuất của CDC và WHO, chuyển đổi các hướng dẫn mang tính toàn cầu cho phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam và dựa trên dữ liệu”.
Ông nói tiếp rằng vì CDC “có các mối quan hệ vững mạnh với các chính phủ mà Trung tâm này hiện diện nên có thể tới làm việc tại các Bộ Y tế”.
“Và qua những trao đổi tôi có với nhóm ở Việt Nam, lúc này họ chưa có chỉ dấu nào cho thấy đó là các con số sai”, bác sĩ MacArthur nói.
Tính tới ngày 3/5, Việt Nam đã ghi nhận thêm ca nhiễm thứ 271 và chính phủ cho biết chưa có ca tử vong nào. Trên mạng xã hội, cũng có ý kiến đặt dấu hỏi về con số thống kê của Việt Nam, quốc gia láng giềng phương bắc của Trung Quốc, nước xuất phát virus Corona, với gần 83 nghìn ca nhiễm và gần 4.700 người chết ở đại lục.
Trong khi đó tại Mỹ, theo thống kê của Reuters, con số nhiễm của Hoa Kỳ là gần 1,2 triệu người và gần 65 nghìn người chết.
Bác sĩ MacArthur cho rằng “hệ thống y tế cộng đồng ở Việt Nam rất mạnh” cộng với việc “chính phủ ở cấp cao nhất có cách tiếp cận toàn diện và nghiêm túc” nên đã dẫn tới “các thành công ở Việt Nam” trong cuộc chiến ngăn ngừa virus Corona.
Về mối mối bang giao Việt – Mỹ, ông nói rằng hai nước năm nay “kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ và y tế là một phần hết sức quan trọng của hoạt động song phương đang diễn ra”.
“Quan hệ giữa chính phủ Mỹ và Việt Nam vững mạnh. Mối quan hệ về y tế cũng vững mạnh”, bác sĩ MacArthur nói.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính tới ngày 16/4, Hoa Kỳ đã hỗ trợ y tế gần 4,5 triệu đôla để “giúp chính phủ [Việt Nam] chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt giám sát dựa trên sự kiện và tìm kiếm ca bệnh, hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật cho công tác chuẩn bị và ứng phó, truyền thông về rủi ro, phòng tránh, kiểm soát lây nhiễm và các hoạt động khác”. Mới đây, Mỹ cũng thông báo cung cấp thêm cho Việt Nam 5 triệu đôla nữa, đưa tổng số hỗ trợ lên 9,5 triệu đôla.
Số tiền hỗ trợ nhiều triệu đôla dành cho Việt Nam nằm trong khoản gần 508 triệu đôla mà Hoa Kỳ cam kết để giúp các nước tại khắp các châu lục đối phó với virus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Cùng ngày chính phủ Mỹ thông báo khoản viện hôm 16/4, chính phủ Việt Nam tuyên bố “hỗ trợ Hoa Kỳ 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam” và “trao tặng 50.000 khẩu trang y tế tới Văn phòng Nhà Trắng”.
Theo VOA