Tình hình VN sau 45 năm “Giải phóng” và gần 34 năm sau “Đổi mới” đang biến hình đổi dạng như thế nào? Tốt lên hay xấu đi? Có phải như ông Tổng-Chủ Nguyễn Phú Trọng đã hồ hởi cao ngạo bảo là: “Dân chủ đến thế là cùng!”; “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.”?
Trước thềm Đại hội 13 tình hình thực sự của chế độ XHCN đã được chuyên viên xác nhận chính thức như sau:
“...đã xuất hiện ngày càng nhiều “nhóm lợi ích” tiêu cực, đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, như quản lý đất đai, tài chính - ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên. Thậm chí, “nhóm lợi ích” tiêu cực còn xuất hiện ở một số ngành, lĩnh vực vốn vẫn được coi là tôn nghiêm, liên quan đến an ninh quốc gia, như công tác tổ chức - cán bộ, phòng, chống tội phạm,... Một loạt vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây liên quan đến nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp cho thấy, “nhóm lợi ích” đã leo cao, luồn sâu vào trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.”
Nhận định trên đây thừa nhận rằng, chế độ XHCN do ĐCSVN thực hiện trên 70 năm để xây dựng “XÃ HỘI ĐỎ” nhưng nay đã biến dạng mọc lên các “NHÓM LỢI ÍCH” rất tồi tệ hoạt động theo cách “XÃ HỘI ĐEN”. Chuyên viên này còn liệt kê cách làm ăn của các Nhóm lợi ích theo kiểu cực kỳ gian dối, độc ác và tàn bạo giống như Mafia lũng đoạn trong mọi cấp trong đảng và nhà nước, từ trung ương tới địa phương, trong tất cả mọi lãnh vực như thế nào:
“Cần khẳng định, “nhóm lợi ích” tiêu cực ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là liên quan đến cán bộ trong bộ máy công quyền. Đó có thể là những cán bộ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thậm chí còn nằm trong cả các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, các doanh nghiệp,.. “Nhóm lợi ích” phần lớn nằm bên trong cơ cấu quyền lực, được tổ chức chặt chẽ, nên dễ tác động đến việc hoạch định và thực thi chính sách cũng như tạo nên những đặc quyền, đặc lợi. Thứ hai, “nhóm lợi ích” là sự cấu kết, móc ngoặc giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với nhau, giữa cán bộ, đảng viên với doanh nghiệp. Thứ ba, “nhóm lợi ích” hoạt động rất tinh vi, được tổ chức chặt chẽ, nên rất khó phát hiện, nhận biết. Nếu có phát hiện, nhận biết được thì cũng rất khó điểm mặt, chỉ tên, vì không có bằng chứng hoặc nếu có bằng chứng thì cũng bị nhóm vô hiệu hóa bằng quyền lực, sử dụng mọi thủ đoạn để bịt đầu mối. Đặc biệt, những người có chức vụ, quyền hạn càng cao nằm trong “nhóm lợi ích” thì càng khó phát hiện, vì được che chắn rất tinh vi, được tổ chức chặt chẽ bởi quyền lực và gây ra tác động, hệ lụy cho xã hội lại càng lớn. Thứ tư, “nhóm lợi ích” luôn gắn chặt với hành vi tham nhũng. Tham nhũng liên quan đến “nhóm lợi ích” là dạng tham nhũng lớn, có tổ chức cao, nghiêm trọng nhất, tinh vi nhất, rất khó phát hiện so với “tham nhũng vặt”. Thứ năm, hình thức liên kết của “nhóm lợi ích” rất đa dạng, phong phú, có thể lâu dài, có thể tạm thời tùy theo từng cơ hội, bối cảnh, tình hình. Thành viên của nhóm không xuất đầu lộ diện, không công khai thừa nhận “tư cách thành viên” của mình. Sự liên kết giữa các thành viên chỉ bằng và thông qua thỏa thuận ngầm.”
Những nhận định công khai trên đây không phải là của những “phần tử phá hoại hay phản động” - như cách chụp mũ và mạ lị của nhóm cầm đầu toàn trị đối với những ai tố cáo họ - nhưng đã được phổ biến ngay trên báo điện tử Tạp chí Cộng sản, “cơ quan lý luận và chính trị của Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN” dưới tựa đề “Kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay” của TS Nguyễn Văn Chung ngày 12.4.2020, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm “Giải phóng”.
I. Nguyên nhân: Thước đo đánh giá cán bộ bị “bẻ cong”
Nguyên nhân từ đâu đã dẫn tới chế độ XHCN đã biến dạng không phải là một XÃ HỘI ĐỎ mà đang là một XÃ HỘI ĐEN, tức Xã Hội Mafia? Và nguyên nhân từ đâu những người lãnh đạo chế độ XHCN không phải là “tinh hoa của Đảng”, như họ vẫn tự bốc cao, mà trong thực tế đã biến chất thành những phần tử cầm đầu các phe nhóm Mafia tranh đoạt quyền lực, giành giựt tiền bạc và tham nhũng bất trị; giữa các “đồng chí” coi nhau như kẻ thù, còn đối với nhân dân thì đàn áp trắng trợn? Câu hỏi trọng tâm này đã được giải thích khá cặn kẽ trong một loạt 3 bài ngay trên tờ Quân đội Nhân dân (QĐND), cơ quan của Tổng cục Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng vào dịp kỷ niệm 45 năm “Giải phóng”. Nguyễn Phú Trọng đã từng rao giảng nhiều lần rằng, “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Tức là thành công hay thất bại nằm ở chỗ, có biết và dám sử dụng phương pháp khoa học và thích hợp để chọn lựa được những người vừa có tài vừa có đức để lãnh đạo chế độ hay không.
Chọn cán bộ đứng đầu các cơ quan từ địa phương tới trung ương, đặc biệt chọn “tứ trụ” hay “tam trụ” như hiện nay - về nguyên tắc - đều phải kinh qua những bước cơ bản:“Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu có liên hệ mật thiết, tác động lẫn nhau như: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo-bồi dưỡng, luân chuyển-điều động, bố trí-sử dụng, quản lý, khen thưởng-kỷ luật, đãi ngộ... cán bộ. Trong đó, đánh giá cán bộ vừa là cơ sở, tiền đề quan trọng hàng đầu, vừa là mắt xích chính yếu để thực hiện các khâu khác. “Đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Có đánh giá chính xác cán bộ mới có thể quy hoạch đúng và bố trí, sử dụng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ.”
Trong khi Nguyễn Phú Trọng vẫn công khai quả quyết là rất nghiêm túc thực hiện các bước trong việc tuyển chọn cán bộ Cấp chiến lược. Nhưng tại Đại hội (ĐH) 12 (1.2016) vẫn phải xác nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”. Tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020” tổ chức ngày 10-1-2020 tại Hà Nội Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị (UVBCT), Thường trực Ban bí thư (BBT) và được Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị cho kế nghiệp đã thừa nhận: “Điều quan trọng là chúng ta từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng?”. Hai năm trước khi tổng kết “20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta” UVBCT, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Bí thư TUĐ Phạm Minh Chính -phụ trách công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ cao cấp đã nhìn nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục; chưa có cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, sàng lọc chính xác”.
Nói tóm lại, những nhận định trên của các nhân vật cao nhất và trách nhiệm lớn nhất tới công tác cán bộ ở cấp cao đã phải thẳng thắn nhìn nhận là, suốt quá trình dài trên nửa thể kỷ qua việc đánh giá, tuyển chọn, bố trí và kỷ luật các cán bộ cấp chiến lược đã hoàn toàn thất bại. Sự thất bại này lại nằm ngay ở giai đoạn đầu tiên là công tác đánh giá cán bộ! Sự thực này có thể đối chiếu ngay trong giai đoạn Nguyễn Phú Trọng có quyền lực mạnh nhất, mặc dù chính ông đã từng bao nhiêu lần rao giảng đạo đức, dạy dỗ cán bộ, kể cả đốt lò chống tham quan! Suốt 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (QH) và gần hai nhiệm kỳ (10 năm) là Tổng bí thư (TBT) rồi vài năm nay lại kiêm cả Chủ tịch nước (CTN), cho nên đúng lỳ ra - nếu ông Trọng thực tình và có phương pháp hữu hiệu - thì tệ trạng của các nhóm lợi ích phải được trị tận gốc để xã hội lành mạnh. Nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn trái lại, các nhóm lợi ích đã và đang sinh sôi nẩy nở trong mọi cơ quan Đảng và Nhà nước, ở mọi cấp từ trung ương tới địa phương, như các nhân vật trên đây đã xác nhận.
Trong bài thứ 2 trên tờ QĐND ngày 17.4, chỉ vài ngày trước khi mở Hội nghị Cán bộ Toàn quốc (HNCBTQ) chuẩn bị đề án nhân sự cấp cao cho ĐH 13, Thiện Văn đã liệt kê cách làm việc bè cánh, vô trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất ngay trong công tác đầu tiên là “đánh giá cán bộ”. Ông đã nói thẳng về các mánh khóe, thủ đoạn “bẻ cong” của những người có quyền lực khi đánh giá cán bộ để cất nhắc những người cùng vây cánh. Vì thế các nhóm lợi ích ngày càng bùng nổ: “Thực tiễn những năm qua cho thấy, trong số các khâu của công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu dễ bị “bẻ cong” nhất và được biểu hiện rất tinh vi, bị lèo lái bởi những người nắm giữ quyền lực chính trị ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và bởi nhóm lợi ích can thiệp, chi phối.”
Rất đáng chú ý là, tuy nêu đích danh Nguyễn Phú Trọng từng rất đề cao nguyên tắc “tập trung dân chủ”, coi đó như xương sống trong tổ chức sinh hoạt của ĐCS: “Cái hay của chúng ta là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng người đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì hỏi liệu có dân chủ được không?” Cùng lúc Thiện Văn lại chỉ trích gay gắt, vì trong thực tế nguyên tắc này chẳng được ai thi hành cả, ngay cả Nguyễn Phú Trọng đã ép buộc các đồng liêu phải xếp cho mình vào “trường hợp đặc biệt” để chiếm ghế TBT một nhiệm kì nữa tại ĐH 12: “Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số cấp ủy đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc bị thực hiện hình thức, đưa ra cho có, nhắc lại cho đủ; hoặc chỉ là tấm bình phong che đậy những biểu hiện, động cơ thiếu lành mạnh của người đứng đầu cấp ủy.”
Thiện Văn còn kể lại kinh nghiệm của nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Hà Hữu Đức về vai trò “thượng phong” của Bí thư cấp ủy (như TBT trong BCT, Bí thư tỉnh ủy ở cấp tỉnh, bí thư quận ủy ở cấp quận...) trong các hoạt động, đặc biệt trong việc cất nhắc cán bộ:
“Bí thư cấp ủy đồng thời là người chủ trì thường vụ, cấp ủy luôn ở vị thế “thượng phong” trong việc “trau chuốt, đánh bóng” hình ảnh nhân sự có lợi nhất cho mình. Bí thư cấp ủy có thể thiên biến vạn hóa trong vận động, thuyết phục, hướng lái các thành viên trong cấp ủy biểu quyết, bỏ phiếu cho trường hợp nhân sự do mình chủ động giới thiệu, đưa ra. Thậm chí có trường hợp bí thư cấp ủy lợi dụng vị trí công tác, quyền hạn để áp đặt, lôi kéo nhằm tạo ra “áp lực mềm” khiến nhiều thành viên trong cấp ủy phải miễn cưỡng tuân theo.”
“Ngoài ra còn có tình trạng đánh giá cán bộ cả nể, dễ người, dễ ta. Thực chất đó là hành vi móc ngoặc, dàn xếp, chia chác quyền lực trong ban thường vụ, cấp ủy... Chính sự thỏa thuận ngầm này thực chất là “bẻ cong” thước đo đánh giá cán bộ.”
Trong bài Thiên Văn còn nhắc lại lời cảnh cáo nghiêm khắc của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) về những hậu quả cực kỳ nguy hiểm cho chế độ, nếu những người có quyền lực cứ tiếp tục bẻ cong để lôi kéo vây cánh lập các nhóm lợi ích:
“Hệ lụy từ những vụ việc đánh giá cán bộ không đúng sẽ còn kéo dài nếu như chúng ta không chấn chỉnh khâu này một cách khẩn trương, nghiêm túc. Một khi khâu chính yếu đầu tiên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ mà bị coi nhẹ, buông lỏng, biến tướng sẽ dẫn đến có những cán bộ được xếp nhầm chỗ, thậm chí có cả đối tượng thoái hóa, cơ hội, sẵn sàng tìm mọi cách để “chui sâu, leo cao” vào bộ máy công quyền.”
Những chứng cớ rất rõ ràng chứng minh sự bùng nổ của các “Nhóm lợi ích” đang phá hoại Đảng, đục khoét đất nước và phá hủy kỷ cương xã hội.
- Tình hình thực tế các năm qua đang diễn ra trong Đảng và xã hội đúng như những lời cảnh cáo của một số chuyên viên. Nguyễn Phú Trọng và các đồng liêu trong tứ trụ và BCT đã đánh giá, quy hoạch, bố trí cán bộ cao cấp như thế nào để những người gần Nguyễn Phú Trọng nhất là hai Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (4T) Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn lại cấu kết với đại gia Phạm Nhật Vũ trong việc dùng tiền nhà nước mua bán Mobifone-AVG để đút túi riêng mấy triệu USD. Vụ mua bán nhà đất của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) với sự tiếp tay của nhiều tướng Công an. Vụ tranh chấp đất đai ở Thủ Thiêm đã kéo dài trên cả trên 10 năm. Một số lãnh đạo thành phố HCM như Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải và Phó Bí thư thành ủy Lê Hoàng Quân đã lạm dụng quyền lực toa rập với nhau chiếm khu đất 160ha được dành để xây dựng nơi tái định cư cho người dân, nhưng họ đã biến thành khu kinh doanh làm giàu riêng, trong khi đó hàng chục ngàn dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất! Vài năm trước cũng đã diễn ra các vụ tham nhũng cực lớn như Tập đoàn dầu khí Petro VN, Vinashin, PMU 18... Trong đó có những vụ dính líu tới các thân nhân TBT Nông Đức Mạnh, vây cánh cựu TT Nguyễn Tấn Dũng, cựu UVBCT Đinh La Thăng...
- Những vụ làm ăn Mafia tầy trời như trên của cán bộ trong những năm qua khiến lòng dân chưa yên, giải quyết chưa xong, nay lại đang bùng nổ ra nhiều vụ làm ăn cực kỳ bất chính của các nhóm lợi ích trong các bộ, các cơ quan trong đảng và nhà nước. Như vụ xuất khẩu 400.000 tấn gạo sang Trung quốc (TQ) đang gây ra những phẫn nộ và bàng hoàng trong nhiều giới từ nông dân, chuyên viên và những ai quan tâm tới đời sống cơ cực của bao nhiêu triệu nông dân. Mặc dù Thủ tướng (TT) Nguyễn Xuân Phúc đã mấy lần gởi văn thư hỏa tốc ra lệnh cho các bộ Công thương, Tài chính giải quyết sớm và rõ ràng việc này. Thế nhưng các bộ này chống lẫn nhau, làm ngơ lệnh của ông Phúc. Tiếp đến Tổng cục hải quan lại giữa đêm Chủ nhật 12.4.2020 đột suất cho một số công ty lương thực sân sau được ghi tên xuất khẩu gạo. Dư luận rất bất bình nên cuối cùng Nguyễn Xuân Phúc lại phải ra lệnh cho Tổng Thanh tra Chính phủ điều tra đột xuất. Tất cả những việc làm mập mờ, giành giật, tranh chấp, trên bảo dưới không nghe đã chứng minh cho thấy tình trạng hầu như vô luật pháp, vô chính phủ... Các nhóm lợi ích đã lũng đoạn biến các cơ quan nhà nước thành các sân sau phục vụ các quyền lợi đen tối của họ!
- Trong những tuần lễ vừa qua vụ làm ăn Mafia của đại gia bất động sản “Đường Nhuệ” cùng vợ ở tỉnh Thái Bình cũng đang gây chấn động ở trong nước. Mượn tiếng làm “doanh nhân”, nhưng hoạt động chính là lập băng đảng để ép buộc độc quyền đầu cơ bất động sản, trốn thuế ở Thái Bình trên 10 năm qua; cưỡng bách nhiều gia đình có người thân mất phải nộp một số tiền lớn trong các vụ hỏa táng; đánh đập gây thương tích cho một số người ngay tại trụ sở công an một phường ở Thái Bình 11.14, nhưng Giám đốc công an Thái Bình đã không điều tra. Mãi tới đầu tháng 4. 2020 vợ chồng Đường-Dương mới bị tạm giam. Nay báo chí lề đảng đã kết tội nhóm này là “lưu manh”. Trong khi đó vợ của Đường Nhuệ đã từng được cựu CTN Trương Tấn Sang và TT Nguyễn Xuân Phúc hân hoan chụp hình kỷ niệm vì các hoạt động rất đình đám về ca nhạc và “làm từ thiện”! “Băng nhóm Đường ‘Nhuệ’ còn khoe ‘cha đỡ đầu’ là anh trai của cố CTN Trần Đại Quang”. “Cặp vợ chồng này còn mô tả rằng nhờ “tình cảm” của ông Vinh (anh của Trần Đại Quang) mà họ “luôn vững tin trên bước đường đời.” Ngay cả một số báo chí lề Đảng đã nêu ra câu hỏi, có nhân vật nào “bảo kê”, chống lưng cho cặp đại gia này?
Mãi tới sau khi “băng nhóm giang hồ khét tiếng còn tàn bạo hơn cả Năm Cam” bị bắt tạm giam, Phó Bí thư thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thái Bình Đặng Trọng Thăng mới lên tiếng, nhưng đã đổ lỗi cho Công an Thái bình phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn của báo chí tân Giám đốc Công an Thái Bình Thượng tá Nguyễn Thanh Trường tuy vẫn nói là “không có vùng cấm”, nhưng liền đó đã lên tiếng đe dọa và tìm cách bịt miệng các nhà báo: “Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành điều tra vụ án, là người đứng đầu lực lượng Công an tỉnh Thái Bình, tôi cũng đề nghị mạng xã hội, cũng như một số cơ quan báo chí không nên tự nhận định, suy diễn, dẫn dắt dư luận khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Có những việc các bạn mới chỉ biết thông tin chưa đầy đủ, còn việc điều tra, xác định tội phạm phải dựa trên các chứng cứ cụ thể, khách quan, đúng quy định pháp luật và các quy trình tố tụng...”.
Hiện nay dư luận rất đang quan tâm về vai trò và trách nhiệm của Trần Cẩm Tú khi làm Bí thư tỉnh ủy Thái Bình từ tháng 8.2011 tới tháng 1.2015 như thế nào. Vì chính trong thời gian này băng đảng Đường Nhuệ đã cướp ép giật tiền của nhiều nạn nhân trong hoạt động đầu cơ mua bán bất động sản và đánh người gây thương tích ngay tai trụ sở Công an Phường ở Thái Bình. Hiện nay Trần Cẩm Tú đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bí thư Trung ương đang, trở thành người đắc lực của Nguyễn Phú Trọng trong việc “đốt lò” chống tham nhũng. Nhưng cho tới nay từ Nguyễn Phú Trọng tới các nhân vật khác trong BCT vẫn không dám động tới Trần Cẩm Tú. Ai đã đề bạt và giao phó cho ông Tú những chức vụ quan trọng? Từ đó giải thích khả năng đánh giá và cất nhắc cán bộ cao cấp cũng như sự nghiêm túc của Nguyễn Phú Trọng và BCT như thế nào!
- Mới đây báo chí lề đảng lại lên tiếng về cuộc sống đế vương của nhiều cán bộ cao cấp. Trong khi Nguyễn Phú Trọng vẫn rao giảng, cán bộ cao cấp phải sống thanh liêm, chống lãng phí. Nhà nước quy định là xe công cho cán bộ “chỉ giới hạn ở mức 1,1 tỉ đồng nhưng sao ra đường thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường lên tới 8-10 tỉ đồng thế? Tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện ĐH 13, ông Trọng khuyên các cán bộ cao cấp trong Ban phải viết thế nào để trở thành “Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau” noi theo! Thế nhưng không hiểu làm sao GSTS Nguyễn Quang Thuấn được ông Trọng chọn làm Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và tham gia trong Tiểu ban Văn kiện, sau vụ cùng đi với phái đoàn của Bộ trưởng Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Chí Dũng đi Ấn độ và Anh tham quan để viết Văn kiện ĐH 13 trở về không may bị dịch Covid-19 và báo chí đã đưa tin ông này có một cuộc sống cá nhân rất phong lưu xa xỉ, đi máy bay vé hạng sang, trả phí tổn chơi Golf cả 3 tỉ đồng/năm! Có lẽ những tin này do hàng loạt báo đảng đăng lên không chỉ gây mất uy tín cho các quan lớn, mà ngay cả Nguyễn Phú Trọng cũng thấy rất nhột nhạt. Vì ông muốn Văn kiện ĐH 13 phải trở thành “Văn bia”! Nhưng thật trớ trêu, dư luận đang có “Văn miệng” diễu cợt! Nên mới đây những người có quyền lực đã vội vàng đưa ra Nghị định 47 không được đưa đời tư của các nhân vật lên báo. Nhưng ông Trọng nên biết rằng, những nhân vật này đang giữ những chức vụ quan trọng nên họ là những người của công luận, nên dư luận có quyền biết cuộc sống của họ có phù hợp với những qui định của luật pháp và đạo đức xã hội không!