Người công giáo dân tộc thiểu số Hmong tham dự một buổi lễ Chủ nhật tại Sapa, thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam. Một bức thư chung gừi tới Tổng thống Donald Trump kêu gọi chính quyền của ông áp lực chính phủ Việt Nam ngừng đàn áp người Tin lành thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên .
Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế (ADF International) và Uỷ ban Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS) khởi xướng lời kêu gọi chung tới Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm gây áp lực lên chính quyền Hà Nội đòi họ giải quyết tình trạng “vô tổ quốc” của người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin lành trong bối cảnh Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bức thư chung do ADF International và BPSOS đồng thảo ra với sự ủng hộ của nhiều tổ chức tôn giáo hiện đang được nhóm thảo luận tự do tôn giáo quốc tế (IRF Roundtable) lan truyền để lấy thêm chữ ký.
Bức thư, với 16 cá nhân và tổ chức tôn giáo ban đầu ký tên, kêu gọi sự chú ý của Tổng thống Trump tới tình cảnh của hàng chục nghìn người Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam bị áp bức và ngược đãi vì niềm tin tôn giáo của họ.
“Dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ với Việt Nam là cơ hội quan trọng cho Chính quyền của ông để đề bạt sự bảo vệ quyền tự do cơ bản và tự do tôn giáo,” bức thư gửi Tổng thống Trump viết.
Bức thư sẽ được gửi cho Tổng thống Trump trong vòng 2 tuần tới, theo TS Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc kiêm chủ tịch BPSOS và là người cùng thảo ra bức thư, cho VOA biết.
“Chúng tôi muốn có khá nhiều chữ ký từ các tổ chức tôn giáo khác nhau để tạo ảnh hưởng và sự chú ý của Toà Bạnh Ốc,” TS Thắng nói. “Khi hai quốc gia tiến gần đến nhau (sẽ có) một số lợi ích địa chính trị hoặc kinh tế, mậu dịch thì đồng thời Hoa Kỳ vẫn phải bảo lưu những giá trị căn bản của Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo.”
TS Thắng nói rằng đây là cơ hội để Hoa Kỳ “tạo áp lực và ảnh hưởng hơn nữa lên chính phủ Việt Nam để giải quyết tình trạng mà chúng tôi gọi là vô quốc gia, tức là không có một giấy tờ gì cả, chỉ vì rất nhiều đồng bào người Hmong và Tây Nguyên theo đạo Tin lành đã không chấp nhận từ bỏ tôn giáo của mình theo yêu cầu và đòi hỏi của chính quyền tỉnh và địa phương.”
Bức thư chung mà ADF International và Boat People SOS đang lấy thêm chữ ký để gửi TT Donald Trump.
Bức thư cho biết, Việt Nam trong hàng thập kỷ qua đã liên tục ngăn cản, trừng phạt, trả thù, bắt bớ, bỏ tù rất nhiều những người Hmong, người Tây Nguyên chỉ vì họ có niềm tin tôn giáo không được sự cho phép của chính quyền.
“Bức thư nằm trong một nỗ lực dài hạn của chúng tôi khởi đầu chính thức vào tháng 3 năm ngoái cùng với bản báo cáo tình trạng vô quốc gia của trên 10.000 người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin lành mà chúng tôi đã thu thập được,” TS Thắng nói.
Tổng thống Trump hồi năm ngoái đã tiếp đón các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam, tại Nhà Trắng bên lề Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo vào giữa tháng 7/2019.
“Trong cuộc gặp đó, ông đã cho hàng nghìn tù nhân lương tâm, những người bị cầm tù chỉ vì niềm tin tôn giáo và thực hiện niềm tin của họ, một hy vọng,” bức thư viết. “Chúng tôi khiêm tốn yêu cầu ông toàn quyền sử dụng tất cả những công cụ sẵn có để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam đòi họ chấm dứt ngược đãi những người tin vào tôn giáo.”
Cách đây hơn 1 tháng, Tổng thống Trump chỉ định một người chuyên trách về vấn đề tự do tôn giáo vào Hội đồng An ninh Quốc gia và TS Thắng cho biết đây cũng là một cơ hội tốt để lưu ý chính quyền của Tổng thống Trump “quan tâm đến tình trạng của hàng chục nghìn người Hmong, người Tây Nguyên theo đạo Tin lành bị đối xử như những người không phải là công dân mặc dù họ sống ngay trên đất nước là nơi họ được sinh ra.”
Báo cáo Tình hình Tự do Tôn giáo Thế giới 2020 của Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế được công bố hôm 28/4 cho biết quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam vẫn chưa được thực sự tôn trọng. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/5 đã phản bác báo cáo này khi cho biết sự đánh giá này là “thiếu khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệnh, chưa được kiểm chứng về Việt Nam.” Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.”
VIDEO Theo VOA