Người biểu tình giơ biểu ngữ trong khi họ tuần hành trong một cuộc biểu tình Black Lives Matter ở London, Anh, ngày 6 tháng 6, 2020.
Hàng ngàn người đã xuống đường ở khắp Châu Âu và Úc vào ngày thứ Bảy, cũng như hàng trăm người ở Tokyo và Seoul, để ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ trong những ngày qua chống lại sự tàn bạo của cảnh sát.
Các cuộc biểu tình khắp toàn cầu phản ánh sự phẫn nộ ngày càng tăng về sự đối xử của cảnh sát đối với các sắc dân thiểu số, bùng lên sau vụ sát hại người đàn ông da đen George Floyd vào ngày 25 tháng 5 tại thành phố Minneapolis sau khi một viên cảnh sát khống chế ông này bằng cách đè đầu gối lên cổ trong gần chín phút trong khi các viên cảnh sát khác đứng nhìn.
Châu Âu đã chứng kiến một làn sóng các cuộc biểu tình chống kì thị chủng tộc chưa từng có thu hút hàng chục ngàn người xuống đường, Reuters cho biết.
Tại London, hàng ngàn người biểu tình bất chấp thời tiết ẩm ướt tụ tập tại Quảng trường Nghị viện, đeo khẩu trang đề phòng mối đe dọa từ virus corona và vẫy biểu ngữ và hô khẩu hiệu: “Không công lí, không hòa bình, không cảnh sát phân biệt chủng tộc.”
Tại Berlin, những người biểu tình tụ tập chật cứng quảng trường trung tâm Alexanderplatz, trong khi các cuộc biểu tình khác được tổ chức tại Hamburg và Warsaw.
Tại Paris, nhà chức trách cấm các cuộc biểu tình được hoạch định diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ và trên các bãi cỏ gần Tháp Eiffel.
Dù vậy hàng trăm người biểu tình, một số người cầm biểu ngữ “Black Lives Matter” (Tính mạng người da đen không phải cỏ rác), tập trung tại quảng trường Place de la Concorde, gần đại sứ quán. Cảnh sát đã dựng một rào chắn dài trên quảng trường để ngăn người biểu tình đến gần đại sứ quán, vốn cũng gần dinh tổng thống Élysée.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại hạn chế hơn vì các quy định về giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại Brisbane, một trong một số thành phố của Úc có các cuộc tập hợp, cảnh sát ước tính 10.000 người tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa vào ngày thứ Bảy, đeo mặt nạ và cầm biểu ngữ Black Lives Matter. Nhiều người khoác cờ của người bản địa, kêu gọi chấm dứt sự ngược đãi của cảnh sát đối với người Úc bản địa.
Các biểu ngữ và khẩu hiệu không chỉ tập trung vào George Floyd mà còn vào một loạt các tranh cãi khác ở từng quốc gia cụ thể cũng như sự ngược đãi các nhóm dân thiểu số nói chung.
Tại Tokyo, những người tuần hành phản đối điều mà họ nói là sự ngược đãi của cảnh sát đối với một người đàn ông người Kurd nói rằng ông ta bị dừng xe lại và bị xô xuống đất. Những người tổ chức cho biết họ cũng tuần hành ủng hộ phong trào Black Lives Matter.
Tại Seoul, hàng chục nhà hoạt động người Hàn Quốc và cư dân nước ngoài tụ tập, một số người đeo khẩu trang màu đen với dòng chữ “can’t breathe” (không thở được) bằng tiếng Hàn, lặp lại những lời cuối cùng của George Floyd khi ông nằm trên vỉa hè.
Với những hạn chế để kiểm soát đại dịch ở Bangkok, các nhà hoạt động đã lên mạng, kêu gọi đăng video và hình ảnh những người mặc đồ đen, giơ nắm đấm và biểu ngữ, và giải thích lí do tại sao họ “ủng hộ Black Lives Matter.”
Theo VOA