Con đường trước chợ Bến Thành, Sài Gòn.. AFP
Đặt tên đường tùy tiện, phi lý!Con đường Đinh Tiên Hoàng ở TP.HCM dài hơn 2 km, bắt đầu từ đoạn giao với đường Lê Duẩn, quận 1, chạy qua cầu Bông và điểm cuối là đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Nay một đoạn đường này từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu được đề xuất đổi thành Lê Văn Duyệt - tên gọi trước năm 1975. Đề xuất này khiến câu chuyện về tên đường và số nhà ở TP.HCM lại một lần nữa nóng lên.
PGS.TS Lê Trung Hoa, uỷ viên thường trực Hội đồng đặt tên đường TP.HCM nói với RFA về việc này:
“Ông Lê Văn Duyệt có cái đúng mà cũng có cái sai. Cái đúng là ổng đã theo Nguyễn Ánh nhưng cái sai là ổng chống lại nhà Tây Sơn. Nhưng ổng lại là người có công với đất Sài Gòn nên người ta đề nghị khôi phục lại.
Nói chung là nhân vật nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm cho nên phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như Phan Thanh Giản cũng có khuyết điểm và ưu điểm nên họ đề nghị bỏ. Có nơi đã bỏ nhưng có nơi chưa bỏ. Còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được và chưa biết bao giờ xong.”
Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội ra Nghị quyết chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh. Theo sau đó là hàng loạt con đường bị đổi tên khiến người dân Sài Gòn tiếc nuối, như đường Công Lý đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa; đường Tự Do thành đường Đồng Khởi; đường Cộng Hòa thành Nguyễn Văn Cừ…
Đặc biệt con đường mang tên Alexandre de Rhodes từ năm 1955 bị đổi thành đường Thái Văn Lung vào năm 1985, nhưng khoảng 10 năm sau đó lại được phục hồi tên Alexandre de Rhodes đến ngày nay.
Trước 1975, tên đường ở Sài Gòn được đặt theo cụm giúp người dân dễ nhớ. Ví dụ ở quận 3, tập trung tên các danh nhân văn hóa, nhà thơ như Ngô Thời Nhiệm, Lê Quý Đôn, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…
Hoặc khu Tân Định, quận 1 tập trung danh tướng nhà Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc
(Khát) Chân…
Sau 1975, các con đường được đổi tên không theo nguyên tắc nào, thậm chí viết sai cả tên các danh nhân như Lê Thánh Tông thành Lê Thánh Tôn; Đông Kinh Nghĩa Thục bị cắt ngắn thành Nghĩa Thục; Võ Duy Dương thành Nguyễn Duy Dương…
Các nhà sử học và khoa học thống kê toàn thành phố hiện có 38 tên đường viết sai tên danh nhân cần phải sửa lại.
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, hiện có nhiều cái rất vô lý nhưng chưa có điều kiện đổi lại vì còn nhiều khúc mắc trong Hội đồng đặt tên đường, ví dụ như mỗi người một ý. Người bảo có công, kẻ bảo có tội. Có khi chính những người trong hội đồng tư vấn không có khả năng, trình độ hiểu biết về những nhân vật lịch sử. Ông nói thêm:
“Có hàng ngàn con đường nên đây là vấn đề rất lớn. Thành phố đã lập ủy ban nhưng mấy chục năm nay cũng chưa xong vì còn nhiều “vấn đề” lắm. Cả tên đường và số nhà. Số nhà thì lộn xộn quá rồi. Tên đường thì còn một số trường hợp không đúng và vô lý nhưng chưa sửa được.
Vô lý nhiều cái lắm. Ví dụ như theo quy định thì chiều dài đường là 200 mét thì mới đổi. Họ lên danh sách rồi nhưng chưa có điều kiện để đổi.
Đổi thì nhanh thôi nhưng vấn đề là phải tìm tiểu sử nhân vật sẽ lấy đặt tên đường. Có nhiều nhân vật còn sống mà tưởng đã chết. Nguyên tắc thì chết rồi mới đặt được. Có khi người ta không có điều kiện điều tra.”
Trong một lần trao đổi với truyền thông trong nước về tình trạng đặt tên đường ở TP.HCM thiếu hệ thống, TS Nguyễn Khắc Thuần, ủy viên thường trực Hội đồng tên đường nói rằng, việc đặt lại toàn bộ tên đường không tốn nhiều thời gian nếu đừng bày vẽ họp lên họp xuống. Chỉ giao cho một người soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để ra quyết định là quá đủ.
Dân khổ vì tên đường và số nhà Để giải quyết hậu quả của việc đặt, đổi tên đường ‘vô tội vạ’ sau 1975, các cơ quan chức năng đau đầu đã đành, người dân cũng khổ không kém.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, TP.HCM hiện có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên ‘vô nghĩa’. Bên cạnh đó có những con đường trùng tên, chỉ khác quận. Nhà trùng số trên một con đường.
Hiện có hai con đường mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở quận 1 và quận Phú Nhuận; hai con đường mang tên Phan Văn Trị ở quận 5 và Gò Vấp. Hay những con đường mang tên tuy khác nhau nhưng chỉ là một, như đường Nguyễn Huệ ở quận 1 và đường Quang Trung ở Gò Vấp; đường Đinh Tiên Hoàng và đường Đinh Bộ Lĩnh ở quận Bình Thạnh; đường Đề Thám ở quận 1 và đường Hoàng Hoa Thám ở quận Bình Thạnh…
Anh Tâm Thái Hòa, chủ nhà sách Khai Tâm ở quận 1, TP.HCM nêu ý kiến của anh về việc đánh số nhà:
“Rất nhiều đường có số nhà đang lẻ nhảy qua chẵn rồi ngược lại. Nó loạn xà ngầu hết, nhất là những quận ở xa trung tâm thành phố như quận Gò Vấp, quận 12. Tìm số nhà rất khó. Nó cứ chồng chéo lên, làm như họ không nghĩ ra được con số hay sao đó!”
Ngoài những hạn chế trên, nhiều con đường ở TP.HCM được đặt những cái tên mà người dân không biết họ là ai. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do lấy tên các Mẹ Việt Nam anh hùng để đặt.
Nhà báo Đỗ Cao Cường nhận định rằng, tư duy lãnh đạo ở Việt Nam có hạn nên tạo ra một đất nước bát nháo về mọi mặt. Việc đặt tên đường hay đánh số nhà là hậu quả của tư duy cộng sản. Ông phân tích:
“Số nhà hay tên đường là những do con cháu sinh sau đẻ muộn của thời cộng sản ngồi nghĩ. Thích ai thì dùng đặt tên đường, tên phố. Có những ông mà lịch sử chẳng biết là ai. Làm thế là họ không tôn trọng lịch sử hoặc không nghiên cứu kỹ về lịch sử. Cần tôn trọng cả lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa thì mới hợp lý.”
Từ năm 1998, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã đưa ra những yêu cầu trong việc đặt mới và sửa đổi những tên đường bất hợp lý như tên không có ý nghĩa, sai tên danh nhân, đặt trùng tên đường.
Cách đây vài năm, TP.HCM đã giao Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao thành phố thực hiện đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”. Đề án đã quy tụ hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín cùng tham gia khảo sát và nghiên cứu công phu. Đến nay đề án vẫn chưa triển khai thực hiện
Theo RFA