Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (người đứng giữa hình). Courtesy: quochoi.vn
Tranh luận của ĐBQH gây chú ý dư luậnNghị trường Quốc hội vào ngày 13/6 được cho là nóng lên khi nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ không đồng ý với ĐBQH Phạm Hồng Phong, hiện là Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM qua phát biểu liên quan vụ án tử tù Hồ Duy Hải đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trước vấn đề được ĐBQH nêu lên về sự hoài nghị của công luận đối với phán quyết của tòa án trong vụ Hồ Duy Hải, ông Phạm Hồng Phong tuyên bố rằng:
“Không nên chỉ qua một vài trang giấy hoặc bình luận của báo để nhận định quyết định của toà là không đúng. Hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác.”
Truyền thông trong nước tường thuật các ĐBQH đã tranh luận lại ý kiến này của ĐBQH Phạm Hồng Phong. Chẳng hạn như ĐBQH Hoàng Đức Thắng, tỉnh Quảng Trị cho rằng phát biểu của ĐBQH Phạm Hồng Phong “vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là ĐBQH nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách đại biểu". ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, thuộc cử tri đoàn TP.HCM cũng phản bác lại qua trưng dẫn câu nói của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “không phải cứ thấy đỏ mà tưởng là chín”.
Tại phiên họp Quốc hội vào chiều ngày 15/6, ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố rằng “trong hội trường Diên Hồng, thế lực thù địch chỉ tồn tại trong suy nghĩ người quy chụp”. Vị ĐBQH đến từ TP.HCM còn khẳng định “tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị, song không nên mượn bóng ma của chúng để công kính những người góp ý”. Ông Trương Trọng nghĩa nhấn mạnh:
“Mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch.”
Cựu ĐBQH Lê Văn Cuông, vào tối ngày 16/6 chia sẻ với RFA về quan điểm của ông trước những tranh luận của các ĐBQH như vừa nêu:
“Nói chung, các ĐBQH đều có trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân cả. ĐBQH cũng được Đảng cử dân bầu và cũng được rèn luyện trong cuộc sống nhưng rồi có những điều trong phát ngôn chưa được thận trọng, giữ gìn cho nên có thể xúc phạm đến người khác và cảm nhận của người khác, gây nên sự khó chịu và có những ý kiến trái chiều. Theo tôi thì đây là điều không được hay lắm.”
Tuy nhiên, cựu ĐBQH Lê Văn Cuông nhận định rằng hoạt động của Quốc hội ngày càng được hiệu quả hơn qua những cuộc tranh luận thẳng thắn của các ĐBQH:
“Tôi thấy chính hoạt động có hiệu quả của Quốc hội, nhất là qua truyền hình trực tiếp và qua các thông tin đại chúng thì có thể thấy Đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri là nói lên được tiếng nói thay cho họ ở diễn đàn Quốc hội, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Điều đó càng làm cho người dân quan tâm và gắn bó với Đại biểu để càng phản ảnh được nhiều thông tin với Đại biểu Quốc hội. Tôi thấy xã hội Việt Nam càng ngày càng được dân chủ, cởi mở và lòng tin của người dân ngày càng được nâng lên đối với Đảng và Nhà nước. Đó là thực tế chứng minh, chứ không phải tô vẽ. Nhất là qua chống dịch COVID-19 vừa rồi thì thấy từ trên xuống dưới có một tiếng nói chung và thống nhất trong hành động chung nên đạt được kết quả rất tốt.”
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, trong phiên họp Quốc hội hôm 15/6 cũng nhìn nhận khi chủ trương, đường lối của Đảng lãnh đạo phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, như qua cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 thì không có một thế lực thù địch nào có thể phá hoại.
Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan phản đối kết quả phiên giám đốc thẩm tuyên tử hình con trai bà ngày 8/5/2020. Courtesy: Facebook Trương Châu Hữu Danh
Đảng CSVN luôn cảnh giác với thế lực thù địch
Đài RFA ghi nhận các cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN như Tạp chí Cộng sản và Công an Nhân dân Online trong tháng 3 và tháng 5 đăng tải những bài viết cảnh giác, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của thế lực thù địch trước thềm Đại hội Đảng XIII.
Chúng tôi liên lạc với nhà báo Nguyễn Vũ Bình để tìm hiểu cụm từ “thế lực thù địch” với hàm ý chống đối chính quyền bằng ngôn từ phản biện ra đời từ khi nào. Cựu nhân viên của Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói với RFA:
“Tôi không biết nó có từ bao giờ, nhưng tôi nhớ từ hồi tôi vào làm cho Tạp chí Cộng sản hồi năm 1992 là đã có cái từ đó rồi để nói đến những người lên tiếng cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do dân chủ…Nếu tôi nhớ không nhầm thì nó xuất hiện từ năm 2989-1990, thời kỳ Liên Xô-Đông Âu sụp đổ. Người ta gọi là nêu cao cảnh giác, tức là việc đấy vẫn thường trực nhưng mà tùy từng thời điểm nói nhiều hay nói ít. Đại ý như vậy.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình là một cựu tù nhân lương tâm. Ông đã phải bị nhận lãnh bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế vì các bài viết kêu gọi dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Bày tỏ đồng quan điểm với cựu ĐBQH Lê Văn Cuông về xã hội Việt Nam được có dân chủ hơn, nhưng nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận xét sự quan tâm và nhận thức của người dân ngày càng nâng lên và lan rộng là do truyền thông mạng. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình lý giải thêm:
“Gần đây một trong những vấn đề tác động là truyền thông lề dân và của mạng xã hội tác động đến hệ thống rất lớn và đi vào những sự việc, tình huống cụ thể như vụ án Hồ Duy Hải hay như vụ Đồng Tâm. Tức là chủ yếu người ta đưa ra sự thật, phân tích những lý lẽ đúng sai cho nên làm cho nền tảng của nhà nước và của chế độ cũng như những hành xử của chính quyền bị lung lay. Vì thế, họ càng đẩy mạnh cảnh giác như thế.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình và một số nhà hoạt động dân chủ trong nước xác quyết rằng Chính phủ Hà Nội đang đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền về thế lực thù địch, cũng như gia tăng đàn áp và bắt giam những tiếng nói bất đồng chính kiến và cổ súy cho tự do, dân chủ ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), tính đến tháng 10 năm 2019, Việt Nam giam giữ hơn 230 tù nhân lương tâm.
Hai bạn trẻ Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ, bị tuyên án tù vì đã tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò dầu khí trái phép ở vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014. Hai thanh niên này từng khẳng khái tuyên bố sau khi mãn án tù rằng họ vẫn tiếp tục cất lên tiếng nói của một người dân trước những vấn đề của đất nước và xã hội Việt Nam, bởi vì đó là quyền được ghi trong Hiến pháp và là trách nhiệm của công dân nước Việt.
Theo RFA