Không được gặp thân chủ và sao chụp hồ sơĐã 10 ngày trôi qua kể từ khi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội ra cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án ‘giết người, chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm’, các luật sư vẫn chưa được gặp thân chủ của mình cũng như không được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Nhận thấy Tư pháp Việt Nam có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự trong xét xử vụ án này, hôm 5 tháng 7, các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân ra một bản tuyên bố với nội dung phản đối Tư pháp Việt Nam. Ngoài công bố trên mạng xã hội, bản tuyên bố còn được gửi tới chính phủ và các đại diện cơ quan tư pháp với một số yêu cầu cụ thể:
Thứ nhất là yêu cầu các ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương; Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra lệnh cho các cơ quan hữu quan nhanh chóng chuyển giao hồ sơ vụ án cho các luật sư tham gia bào chữa vụ án Đồng Tâm, cho các luật sư tiếp xúc các bị can. Không cho Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa vụ án ra xét xử khi các luật sư chưa đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ và chưa đủ thời gian tiếp xúc với các bị can.
Thứ hai là yêu cầu phiên tòa xét xử diễn ra trong sự tranh tụng công khai dân chủ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, để việc xét xử đúng theo qui định của pháp luật.
Hiến pháp cũng chà đạp, luật pháp cũng chà đạp. Bất chấp tố tụng, bất chấp thủ tục, văn hóa, văn minh nhân loại cho nên phải lên tiếng. - Giáo sư Nguyễn Khắc Mai Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, đại diện tổ chức Lập Quyền Dân, nói với RFA hôm 6 tháng 7:
“Sở dĩ có bản tuyên bố này là vì Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội công bố một bản công tố từ báo cáo của công an Hà Nội sai luật. Tức là công an một mặt đi đàn áp, một mặt đi làm báo cáo, một mặt lại đi làm điều tra rồi kết tội. Viện kiểm sát theo đó mà ra công tố. Thế thì nó chẳng có luật lệ gì hết. Hiến pháp cũng chà đạp, luật pháp cũng chà đạp. Bất chấp tố tụng, bất chấp thủ tục, văn hóa, văn minh nhân loại cho nên phải lên tiếng.
Từ lúc tố tụng cho đến bây giờ vẫn không cho các luật sư tham gia, không cho các luật sư tiếp cận hồ sơ văn bản. Đó là cái mình cần phải lên án. Một nhà nước văn minh không thể vô luật pháp được. Nửa đêm đem cả ngàn quân đến có thể nói là vừa giết người vừa cướp của.”
Luật sư Lê văn Hòa, một trong các luật sư tham gia bào chữa cho các bị can trong vụ án Đồng Tâm xác nhận với RFA tối ngày 6 tháng 7:
“Viện kiểm sát, là cơ quan truy tố, đã có cáo trạng từ ngày 25 tháng 6 năm 2020 truy tố các bị can ra Tòa án Tp. Hà Nội. Ngày 26 tháng 6 họ gửi cáo trạng đó và toàn bộ hồ sơ vụ án ra Tòa án Tp. Hà Nội. Đến hôm nay là 10 ngày rồi, chúng tôi yêu cầu được sao chụp hồ sơ mà họ không cho (yêu cầu Viện Kiểm sát từ lúc hổ sơ chưa chuyển sang tòa cho đến nay).
Sáng nay tôi cùng mấy luật sư nữa đến Tòa án Tp. Hà Nội để hỏi về đề nghị được sao chụp hồ sơ chúng tôi gửi từ ngày 2 tháng 7 nhưng họ vẫn không cho chúng tôi sao chụp hồ sơ.”
Theo vị luật sư này, ngay khi kết thúc giai đoạn điều tra và ra bản kết luận điều tra, các luật sư đã đề nghị được sao chụp hồ sơ nhưng bị từ chối. Khi vụ án được chuyển qua Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội, các luật sư tiếp tục yêu cầu được sao chụp hồ sơ nhưng cũng bị từ chối. Đến bây giờ, khi VKSND thành phố Hà Nội ban hành cáo trạng, các luật sư vẫn chưa được nghiên cứu, sao chụp hồ sơ vụ án.
Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự được ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015 quy định người bào chữa được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can; được xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; được quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra.
Cơ quan tư pháp vi phạm pháp luật?
Ông Lê Đình Công 'thú tội' trên VTV hôm 13/1/2020. Hình chụp lại từ VTV
Tư pháp Việt Nam tiếp tục bị người dân xem xét kỹ kể từ khi vụ án Hồ Duy Hải được xử theo trình tự giám đốc thẩm. Ngày 8 tháng 5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm 17 người dưới sự chủ trì của ông chánh án Nguyễn Hòa Bình giơ tay biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Những ý kiến đóng góp, phản đối cách làm việc của các cơ quan tư pháp Việt Nam liên tục xuất hiện. Đặc biệt có bản kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức được gửi đến đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, không chỉ lên tiếng cho sinh mạng Hồ Duy Hải, mà còn lên tiếng cho cả nền tư pháp Việt Nam hiện nay.
Cáo trạng mà Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội công khai ngày 25 tháng 6 năm 2020 nêu ra 29 bị can bị truy tố trong vụ án ‘giết người, chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm’. Trong đó, 25 người bị truy tố về tội giết người với khung hình phạt từ 12 năm đến tử hình, và 4 người về tội chống người thi hành công vụ với khung hình phạt theo luật Việt Nam từ 2 đến 7 năm tù. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận xét:
“Họ không dựa trên luật pháp mà họ là một cái nhà nước cậy quyền. Đúng là nhà nước chuyên chính vô sản theo tư tưởng của Lê Nin là bất chấp luật pháp, không cần luật pháp. Từ cái chủ nghĩa Mác-Lê mà nó ra thế này.
Phải nói rõ là chính nghĩa không còn ở họ mà nó là sự bất nghĩa. Nó vô thiên vô pháp, man rợ giống cái thời ăn lông ở lỗ ngày xưa. Muốn chém ai thì chém, giết ai thì giết, bỏ tù ai thì bỏ không cần luật pháp. Nó là thứ chính quyền phong kiến man rợ cổ điển, trung cổ lạc hậu nối dài.”
Rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt giữ những người dân phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp bị cho là phi pháp ở khu đồng Sênh. Họ giết chết ông Lê Đình Kình, người được xem là đại diện cho người dân thôn Hoành trong việc khiếu kiện giữ đất, và sau đó lần lượt cho bắt tổng cộng 29 người dân.
Chỉ mấy ngày sau, với gương mặt bầm tím và nhiều vết xước trên sống mũi, ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, người bị chính quyền cáo buộc là chủ mưu tấn công lực lượng chức năng ở Đồng Tâm, thừa nhận những hành động sai trái của mình trên truyền hình Việt Nam. Cùng thú tội việc chế tạo bom xăng, đổ xăng đốt công an còn có những người họ hàng gần khác của ông Lê Đình Kình.
Như vậy nếu nói về luật thì cả cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cơ quan xét xử đều sai, không tôn trọng quy định của pháp luật và không tôn trọng luật sư. - Luật sư Lê văn HòaTừ ngày bị bắt đến nay, cả 29 người không được gặp gia đình, không được gặp luật sư bào chữa. Luật sư Lê Văn Hòa kết luận:
“Như vậy nếu nói về luật thì cả cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cơ quan xét xử đều sai, không tôn trọng quy định của pháp luật và không tôn trọng luật sư.
Bây giờ anh em luật sư chúng tôi phải gửi kiến nghị tiếp đến các cơ quan chức năng để đề nghị họ giải quyết theo quy định của pháp luật. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cao hơn can thiệp. Cho đến giờ phút này, cá nhân tôi chưa hy vọng gì nhiều vào kết quả họ sẽ tạo điều kiện.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một người trong nhóm các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Đồng Tâm, viết trên facebook cá nhân của ông, mà RFA đã xin phép trích sử dụng, rằng: “Dường như số phận những người dân Đồng Tâm trong vụ án này đã được định đoạt từ trước khi phiên toà diễn ra, khi mà tới thời điểm này, luật sư không có được bất cứ thứ gì từ các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ cho họ, ngoại trừ những cáo buộc một chiều trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Là người từng tham gia nhiều vụ án chính trị được xem là nhạy cảm do Bộ Công an là cơ quan thực hiện việc điều tra nhưng trong nhiều năm qua, chưa có bất kỳ vụ án nào mà tôi không sao chụp được hồ sơ vụ án cả!”
Biện pháp ngăn chặn như thế là một vi phạm rõ ràng Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam khiến nhiều người quan tâm bức xúc, phải bày tỏ quan điểm qua việc ký tên vào Tuyên bố với nội dung vừa nêu.
Theo RFA