Cô H'Hen Nie với phần thi trang phục dạ hội trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 tại Bangkok vào ngày 13 tháng 12 năm 2018. AFP
Trong buổi thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn diễn ra sáng ngày 14/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đây là lĩnh vực khó và phức tạp.
Đáng chú ý, ông Hiển cũng nhận định rằng tình trạng những cuộc thi người đẹp với nhiều cấp độ đang trở nên loạn đi vì gần như không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm, tốn giấy mực trên báo chí.
Vì vậy ông cho rằng nếu không cẩn thận thì những cuộc thi nhan sắc sẽ trở thành ngành kinh doanh béo bở, vì mục tiêu lợi nhuận, không chính đáng, từ đó làm méo mó hoạt động thi người đẹp, người mẫu.
Nhận xét về phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội với kinh nghiệm nghiên cứu xã hội lâu năm, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc từ lâu đã được kinh tế hóa:
“Chẳng phải bây giờ mà cũng từ khá lâu rồi nó đã là ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận đáng kể cho những người tham gia vào cuộc thi như vậy, cả về ban tổ chức, người thi, doanh nghiệp đồng hành, doanh nghiệp trao giải… Tôi nghĩ nếu xem đấy là ngành kinh doanh nên có quy định rõ ràng để đảm bảo tính thị trường đồng thời đảm bảo không tác động xấu về mặt xã hội, văn hóa, truyền thống, đạo đức… Tôi thấy đấy là điều cần thiết nhưng chắc để đạt được cái đó thì phải còn tốn nhiều thời gian. Vì đối với Việt Nam những khả năng đưa ra luật để đảm bảo những điều chúng ta mong muốn thì còn lâu lắm.”
Trao đổi với RFA tối 14/7, Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam cho biết pháp luật hiện nay có quy định rất rõ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực giải trí, du lịch, đặc biệt các cuộc thi người đẹp. Ông nói thêm:
“Hiện nay chính phủ ban hành Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu. Đối tượng tổ chức thi phải có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật hoặc có quyết định thành lập chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với mô hình công ty mà nếu công ty nào muốn tổ chức thì phải thực hiện theo đúng Nghị định 79 ban hành năm 2012 đối với cuộc thi người đẹp thì vùng, ngành hay đoàn thể nào ở trung ương và mỗi năm không quá 3 lần.”
Ngoài ra, Luật sư Hậu cũng giải thích trong Nghị định 79 nói rõ tiêu chuẩn thí sinh dự thi, giấy tờ hợp pháp để tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người mẫu…
Theo quan điểm cá nhân, chị Quỳnh Trang hiện đang sống tại Hà Nội bày tỏ chị đồng ý một phần nội dung mà ông Phùng Quốc Hiển nêu ra:
Thiệp mời chương trình ‘Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019’. Nguồn: giadinh.net.vn
“Tổ chức nhiều cuộc thi thì bị loãng và cảm giác danh hiệu không còn cao quý như ngày xưa nữa. Ngày xưa một năm chỉ có 1, 2 lần thì mình thấy những người đoạt danh hiệu hoa hậu rất đáng ngưỡng mộ. Bây giờ thì tràn lan, quá nhiều giải nên không biết giải nào với giải nào và thấy rằng ai cũng có thể là hoa hậu hết, tiêu chuẩn hoa hậu bị giảm đi. Còn cái kêu là kinh doanh thật ra là không hẳn vì mọi người cứ bị áp đặt những vụ bắt bán dâm liên quan đến hoa hậu, người mẫu thì nghĩ đó là kiểu kinh doanh, nhưng thật ra không hẳn thế. Nếu nhiều quá mà đại trà chỉ làm giảm đi giá trị danh hiệu.”
Thời gian gần đây, báo chí trong nước nhiều lần đưa tin về những bê bối liên quan đến các cuộc thi nhan sắc khắp dải đất chữ S bao gồm việc thí sinh mua giải, ban tổ chức sắp xếp kết quả, các chương trình không có giấy phép vẫn được tổ chức… Bên cạnh đó, thông tin về những đường dây người đẹp với mác hoa hậu, người mẫu ‘đi khách’ lâu lâu lại được tung ra.
Mới đây nhất, Công an thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12/7 đã bắt giữ anh Lục Triều Vỹ, 27 tuổi, ở Đà Nẵng với lý do đã đứng ra môi giới cho các chân dài gắn mác ‘hoa hậu, người mẫu’ bán dâm giá từ 18.000-30.000 đô la Mỹ.
Nhiều nhận định đưa ra cho rằng việc tham gia các cuộc thi nhan sắc, đem về những danh hiệu sẽ giúp cho hình ảnh thí sinh được nhiều người biết đến, có thể đem lại nhiều hỗ trợ cho những mục tiêu của người đoạt giải sau này.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhận định đây là một thực tế mà có người thừa nhận và cũng có người không:
“Có người thừa nhận mục đích rõ ràng là đi thi để có danh tiếng để tạo ra hình ảnh, được nhiều người biết đến cho mục đích sau này, ví dụ cho kinh doanh chẳng hạn. Cũng có những người không thừa nhận. Trên thực tế tôi nghĩ phần đông những người tham gia đều có mục đích như vậy. Miễn là bất kỳ người nào cũng đều phải có đạo đức nghề nghiệp và có nhận thức chuyên môn đáng kể chứ không nên dùng những biện pháp mập mờ, gian lận thì bất kỳ người nào cũng không nên.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, dù chính phủ Hà Nội đã có những quy định được ban hành văn bản trong lĩnh vực nghê thuật tổ chức những cuộc thi hoa hậu, người mẫu, nhưng trong thực tế vẫn chưa được thực hiện triệt để. Do đó, ông đưa ra đề xuất:
“Tôi thấy cần phải có quy định để có những chế tài kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp. Phải có một quy định về chuẩn mực đạo đức đối với những người thi này. Nếu như họ vi phạm chuẩn mực đạo đức thì chúng ta sẽ thu hồi quyết định công nhận hoa hậu và tước quyền được công nhận đó bởi vì nếu không nó sẽ trở thành ngành kinh doanh béo bở qua những cuộc thi có người trục lợi, không đúng với ý nghĩa của nó và sẽ làm rối loạn xã hội. Hoạt động trong thời gian vừa qua mang lại rất nhiều trái ngọt nhưng cũng không thiếu những trái đắng và chúng ta phải nhìn một cách thấu đáo, quản lý thế nào để đảm bảo định hướng văn hóa Việt Nam.”
Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cần phải xử lý nghiêm, xử phạt vi phạm hành chính thật nặng và phải có hậu kiểm trong lĩnh vực biểu diễn để làm sao quản lý đối với hoạt động nghệ thuật trong lãnh vực thi hoa hậu, người mẫu hiện nay.
Theo RFA