Gián điệp Nga đang nhắm tới các tổ chức nỗ lực phát triển vaccine virus corona ở Anh, Mỹ và Canada, nhiều cơ quan an ninh vừa cảnh báo.
Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của Anh (NCSC) nói các hacker "gần như chắc chắn" đã hoạt động như "một phần của các cơ quan tình báo Nga".
Trung tâm này không nói cụ thể những tổ chức nào đã bị tấn công, hay liệu đã có thông tin nào bị lấy cắp hay chưa.
Nhưng họ nói nghiên cứu vaccine chưa bị cản trở bởi các hacker.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Điều hoàn toàn không chấp nhận được là cơ quan tình báo Nga đang nhắm tới nhưng ai đang làm việc để chống đại dịch virus corona.
"Trong khi có những người theo đuổi lợi ích ích kỷ của họ bằng hành vi liều lĩnh, Anh Quốc và các nước đồng minh đang tiếp tục nỗ lực tìm vaccine và bảo vệ y tế toàn cầu."
Lời cảnh báo được một nhóm các cơ quan an ninh quốc tế đưa ra, trong đó có:
Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của Anh (NCSC)
Tổ chức An ninh Liên lạc Canada (CSE)
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) Cơ quan Hạ tầng An ninh Mạng Hoa Kỳ (CISA)
Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA)
Phân tích của Gordon Corera, Phóng viên an ninh của BBC
Trong những năm gần đây, các cơ quan an ninh phương Tây ngày một sẵn sàng hơn trong việc thông báo các hacker tấn công các công ty và tổ chức ở nước họ, với hy vọng sẽ làm cản trở các hacker.
Nhưng những lời cảnh báo mới nhất này hơi bất thường vì các quan chức trực tiếp chỉ ra gián điệp Nga thay vì chỉ nói chung chung về "hacker do nhà nước hỗ trợ" hay dùng các từ ngữ cẩn trọng hơn
Họ cũng thách thức việc các hacker tấn công vào nghiên cứu mà công chúng cho rằng hết sức nhạy cảm - nghiên cứu phát triển vaccine virus corona - hơn là đơn giản chỉ tấn công một công ty hay một bộ của chính phủ.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, chúng ta cũng không quá ngạc nhiên về những lời cảnh báo.
Tìm hiểu về nghiên cứu vaccine cũng như các chi tiết khác về đại dịch đã trở thành mục tiêu hàng đầu cho các cơ quan an ninh khắp thế giới. Nhiều nước khác, trong đó có gián điệp phương Tây, nhiều khả năng cũng hoạt động tích cực trên mặt trận này.
Các cơ quan Anh, Mỹ và Canada nói các hacker đã lợi dụng lỗ hổng phần mềm để tiếp cận các hệ thống máy tính, và dùng các malware WellMess va WellMail để tải lên và tải xuống tài liệu từ các máy tính bị tấn công.
Hacker cũng được cho là đã lừa người dùng đưa cho họ chi tiết đăng nhập tài khoản, bằng các vụ tấn công phishing.
Nhưng một chuyên gia an ninh mạng nói người Nga khó có thể là những người duy nhất tham gia vào một chiến dịch như vậy.
"Họ có rất nhiều nhân viên, chúng ta cũng có nhiều nhân viên, người Mỹ còn có nhiều nhân viên hơn, cũng như người Trung Quốc," GS Ross Anderson từ Phòng lab máy tính của Đại học Cambridge nói.
"Họ luôn luôn tìm cách lấy cắp những thông tin như thế này."
Theo BBC