Vào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho VOA biết rằng chính quyền Việt Nam đã thanh toán hết số nợ 145 triệu đôla phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Đây là khoản nợ mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa, một vấn đề lớn từng gây cản trở cho tiến trình bình thường hóa trong quan hệ Mỹ – Việt.
Trong một email gửi cho VOA Tiếng Việt gần đây, người phát ngôn Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết: “Việt Nam đã hoàn tất các khoản thanh toán của mình. Kể từ ngày 31/12/2019, Việt Nam không còn nợ bất kỳ khoản nợ nào đối với bất kỳ cơ quan chủ nợ nào của chính phủ Hoa Kỳ.”
Kể từ ngày 31/12/2019, Việt Nam không còn nợ bất kỳ khoản nợ nào đối với bất kỳ cơ quan chủ nợ nào của chính phủ Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Mỹ trả lời phỏng vấn VOAVào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao.
Theo thông báo ngày 7 tháng Tư, 1997 của Bộ Tài Chính Mỹ, thì Việt Nam trả ngay một khoản “downpayment” hơn $8.5 triệu tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Sau đó, Việt Nam trả đều đặng số nợ còn lại từ tháng Bảy, 1997 đến năm 2019 thì hết.
Thông cáo của Bộ Tài chánh Hoa Kỳ về ký kết thanh toán nợ của Việt Nam ngày 7/4/1997.
Hãng tin AP trích dẫn thông tin của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong số nợ 145 triệu đôla có khoảng 76 triệu đôla là nợ gốc từ các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, giao thông, nhà máy điện… mà chính quyền Sài Gòn vay của Washington từ trước khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975 và khoảng 70 triệu đôla còn lại là tiền lãi trong 24 năm. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam.
Theo báo Nhân dân, số nợ gốc của chính quyền Sài Gòn là 85 triệu đôla, phần còn là tiền lãi, và chi phí phát sinh trượt giá.
Tuyên bố khi Việt Nam đồng ý thanh toán khoản nợ này vào năm 1997, Bộ Trưởng Tài chánh Mỹ Robert Rubin nói: “Đây là một bước quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta và sự hòa nhập của Việt Nam vào hệ thống tài chính quốc tế.”
Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin và Bộ Trưởng Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, ngày 7/4/1997 tại Hà Nội.
Từ khi thiết lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995 cho đến nay, Hoa Kỳ liên tục tài trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu đôla cho các chương trình y tế, giáo dục, xử lý chất độc dioxin, người khuyết tật, biến đổi khí hậu…nhưng Washington vẫn kiên quyết buộc Hà Nội thanh toán khoản nợ của chính quyền Sài Gòn và từ chối xóa món nợ này.
“Ngay sau 1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố tịch thu vô kiều kiện các tài sản của Mỹ ở Nam Việt Nam và không thừa nhận mọi khoản nợ của chế độ cũ,” Báo Quốc tế dẫn lời Đại sứ Việt Nam Hoàng Vĩnh Thành cho biết.
Hãng tin AP viết: “Lúc đầu, Việt Nam từ chối thanh toán các khoản vay này, nhưng sau đó đã đổi ý vì muốn được Washington tạo thuận lợi để khuyến khích đầu tư nước ngoài.”
Bộ Trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Robert Rubin và Tổng Bí thư Đỗ Mười ngày 8/4/1997.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định trên Facebook: “Ngay từ sau ngày 30/04/1975, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phủ nhận nghĩa vụ thanh toán nợ vay của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, bằng cách viện dẫn học thuyết “món nợ ô nhục”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết thêm: “Sau những cuộc vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương tây, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phải từ bỏ quan điểm nêu trên và chấp nhận sự thừa kế quốc gia đối với các khoản nợ được vay bởi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.”
Sự nhượng bộ này được phía Việt Nam gọi là sự “linh hoạt trên nguyên tắc” hay “vận dụng linh hoạt có nguyên tắc luật pháp quốc tế theo đúng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”” và lúc bấy giờ phía Mỹ khuyến nghị Hà Nội “không nên giữ quan điểm cứng rắn nữa mà nên nhìn vào tương lai quan hệ hai nước để đi tới giải pháp.”
Chính phủ Mỹ cho biết trong vòng hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng hơn 1,8 tỷ đôla, riêng trong lĩnh vực y tế có hơn 706 triệu đôla.
Theo VOA