\
Dân tộc Việt có cần Ban Tuyên giáo khai hóa văn minh?Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo.
Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam vào ngày 1/8 vừa qua đã tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng cộng sản 1/8/1930-1/8/2020.
Nhân dịp này, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11; nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài viết được báo trong nước đăng tải rộng rãi.
Cụ thể, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đưa ra luận điểm cho rằng mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Vẫn theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, khi nào các cơ quan lãnh đạo cao nhất lấy sự nghiệp khai hóa văn minh làm nhiệm vụ chính trị hàng đầu, mục tiêu cao nhất thì các mâu thuẫn giữa chính trị và khoa học sẽ không còn nhiều, thậm chí rất ít, chỉ là chuyện kỹ thuật.
Trao đổi với RFA tối 3/8, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định:
“Câu nói của Ban Tuyên giáo Trung ương đã gây bão trên mạng xã hội vừa qua. Có thể thấy rằng họ đã tự quá yêu mình. Tôi cho rằng không ai nghĩ như thế. Nó gây ra sự buồn cười sau đó là phẫn nộ khi một nhóm người đưa đất nước đến như thế này mà vẫn nhận mình có vai trò khai hóa văn minh dân tộc.”
Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, cách nói của TS. Vũ Ngọc Hoàng có thể biểu đạt ý kiến cá nhân của riêng ông, nhưng khi biên tập lại cần được chỉnh sửa, thay đổi vì ông cho rằng nhận định của TS. Vũ Ngọc Hoàng là coi thường dân tộc và trái với sự thật.
PGS. TS. Hoàng Dũng lập luận cho rằng ban tuyên giáo là tiếng nói của đảng, tiếng nói của phe đa số, phe đang chiếm thế thượng phong. Vì thế, ông cho rằng những đoạn tiên phong không thể nào ở ban tuyên giáo.
“Ngành tuyên giáo xưa nay chưa bao giờ đi đầu về trình độ, là ngành cảnh sát tư tưởng. Họ bằng mọi cách kiểm duyệt não trạng của xã hội. Nếu như có sự thay đổi trong đường lối, chủ trương của đảng thì ngành tuyên giáo là ngành thay đổi sau cùng. Khi mà lý tưởng mới mẻ đã thắng thế một cách không thể chối cãi trong lãnh đạo của đảng thì cậu tuyên giáo mới được phép nói. Như thế sao họ đóng vai trò tiên phong treong việc khai sáng văn minh cho dân tộc được, họ làm công việc ngược lại thì đúng hơn.”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng những người dân bình thường không cho rằng Ban Tuyên giáo là ban quan trọng, đưa ra những lý luận rất thừa thải, lãng phí. Tuy nhiên, cốt lõi tất cả những lý luận, huyền thoại, xây dựng, định hướng cho thông tin, báo chí đều từ Ban Tuyên giáo ra.
Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng đưa ra nguyên nhân vì sao TS. Vũ Ngọc Hoàng lại cho rằng mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc:
“Ta thấy họ đang lúng túng trước ngã rẽ con đường tình hình thế giới hiện tại. Phần còn lại thế giới đã bắt đầu nhìn thấy thật sự chủ nghĩa cộng sản xã hội chủ nghĩa. Lúc trước ông Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng có nói làm sao rõ con đường đi đến chủ nghĩa xã hội của nước ta. Có khi từ câu hỏi đó họ nghĩ rằng việc khai hóa để người dân có thể nhìn thấy con đường xã hội chủ nghĩa thế nào hay không. Tôi nghĩ họ quá tự tin hoặc quá coi thường nhân dân trong những lúc thế này.”
Trong bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương được truyền thông trong nước đăng tải cũng nhắc đến mục tiêu và khẩu hiệu “Dân tộc, dân chủ”. Theo ông, nhiệm vụ chính trị đó phù hợp lòng dân, là mong muốn chính đáng và bức xúc của cả dân tộc.
TS. Vũ Ngọc Hoàng còn cho rằng từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã có 75 năm với những tiến bộ đáng kể trên tiến trình dân chủ, dù còn ít và vẫn còn rất xa.
Ông Hoàng cũng khẳng định rằng Dân chủ là bản chất tốt đẹp của xã hội tiến bộ và chủ nghĩa xã hội nhất quyết phải là một chế độ dân chủ thật sự.
PGS. TS Hoàng Dũng cho rằng thực tế xã hội hiện nay không phản ánh những gì mà ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ra trong bài viết.
“Người ta nói chủ nghĩa xã hội nhất định tiến đến dân chủ thì chỉ là họ muốn thì họ nói. Cái chính là người dân cần họ đưa ra lý lẽ về các mặt thí dụ về thực tiễn chứng minh cho điều đó. Như tôi đây khi nghe những lời như thế cũng chỉ cười cứ không cãi, cãi sao được những chuyện như vậy.”
Còn Nhà báo Ngô Nhật Đăng lại cho rằng thực tế so với thời gian trước đây, rõ ràng chính phủ Hà Nội có tiến bộ trong quá trình dân chủ, nhưng tiến bộ đó không đáng kể.
Ông đưa dẫn chứng nếu ai đó trước đây trả lời phỏng vấn những đài hải ngoại như VOA, RFA thì phần lớn có thể sẽ bị bắt giữ, phạt tù, hoặc chuyển công tác, cắt chức. Tuy nhiên, tình trạng đó gần đây có giảm dù vẫn còn nhiều nhà báo vừa bị bắt giữ trong thời gian ngắn vừa qua.
“Chúng ta thấy họ đang kiềm hãm nền dân chủ. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có tự do ngôn luận, việc tối thiểu là một tờ báo tư nhân vẫn còn chưa có. Chính vì thế mà cả một xã hội bưng bít, không có một tiếng nói nào khác. Nhưng có thể họ vẫn tự nghĩ rằng Ban Tuyên giáo từ sau năm 1975, từ khi người cộng sản bắt đầu nắm quyền phân nửa nước và sau 75 trên cả nước thì so thời đó với thời hiện nay thì thấy có sự tiến bộ hơn. Nhờ họ ta mới có nền dân chủ, tôi nghĩ vậy.”
Trước đó, phát biểu tại hội thảo diễn ra ngày 15/7, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông đã cho rằng Ban Tuyên giáo Trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo đặc biệt quan trọng của đảng, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình đất nước.
Theo đánh giá của nhà báo Ngô Nhật Đăng, những thành quả mà Ban Tuyên giáo đạt được từ ngày ra đời cho đến nay chỉ là cho đảng, việc làm của Ban Tuyên giáo thực tế là lấn át những tiếng nói trái chiều và quyền tự do ngôn luận.
“Ban tuyên giáo là nơi tập trung lý luận, lý thuyết và xây dựng đường lối cho chính quyền cho đảng. Thật sự việc đó là kiềm hãm bước tiến của dân tộc.”
Nhiều nhà quan sát xã hội cũng đồng tình với quan điểm vừa nêu, thậm chí có người còn cho rằng ‘Tuyên giáo không những là kẻ thù của sự thật, mà còn là kẻ thù của văn minh’.
Theo RFA