Nhà báo tự do Ngô Văn Dũng. Ảnh gia đình cung cấp.
Hôm 3/8, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo tự do Ngô Văn Dũng, người vừa bị kết án tù giam trong vụ xử nhóm Hiến pháp ngày 31/7.
Sau hơn 2 năm bị giam cầm, ngày 31/7 ông Ngô Văn Dũng bị xử 5 năm tù và 2 năm quản chế cùng với 7 người khác trong nhóm Hiến pháp với tổng cộng hơn 40 năm tù, với cáo buộc “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ Luật hình sự.
“Phiên tòa xét xử với chứng cứ không rõ ràng, RSF kêu gọi trả tự do cho ông Ngô Văn Dũng, một nhà báo, một thành viên của nhóm lên tiếng vì tự do báo chí Việt Nam, vừa bị tuyên án tù lâu năm với cáo buộc tổ chức biểu tình,” RSF cho biết trong một thông cáo.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của ông Dũng, cho VOA biết rằng bà và 3 người con từ Buôn Mê Thuột xuống Sài Gòn để tham dự phiên tòa vào sáng ngày 31/7 nhưng không được phép vào phòng xử.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga và ba người con trước tòa án Tp. HCM hôm 31/7/2020 nhưng không được phép vào phòng xử ông Ngô Văn Dũng và các thành viên nhóm Hiến pháp.
Bà Nga dẫn lời một luật sư bào chữa lặp lại lời ông Dũng nói:
“Ở trong đó anh ấy kêu oan. Anh nói anh không làm gì sai. Anh nói ‘Tôi chỉ phổ biến Hiến pháp. Đúng ra mấy ông phải tuyên dương tôi, chứ sao lại bắt và bỏ tù tôi? Tôi không làm gì sai!’”
Ông Daniel Bastard, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo hôm 3/8: “Lỗi duy nhất của ông Ngô Văn Dũng là đã thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại về việc họ khinh miệt đối với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
“Bản án 5 năm tù giam này dựa trên cơ sở các cáo buộc hoàn toàn giả mạo đã một lần nữa chứng minh sự kém minh mẫn của nền công lý Việt Nam. Ông Dũng lẽ ra không phải bị giam cầm sau song sắt mà phải được trả tự do”, ông Bastard nói thêm.
Bà Kim Nga cho biết ngay sau khi ông Dũng bị bắt từ đầu tháng 9/2018, tổ chức RSF đã lên tiếng bênh vực ông Dũng. RSF khi ấy nói: “Việc giam giữ một công dân một cách tùy ý và trái với mọi thủ tục pháp lý, chính phủ lại một lần nữa cho thấy sự coi thường đối với bất kỳ khái niệm nào về pháp quyền”.
Cũng theo bà Nga, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và châu Âu cũng rất quan tâm đến trường hợp của ông Dũng và các thành viên của nhóm Hiến pháp, người vừa bị chính quyền Việt Nam xét xử chỉ vì lên tiếng cho các quyền tự do căn bản của người dân đã được hiến định.
Truyền thông Việt Nam cho biết những người khác trong nhóm này bị án tù về tội “Phá rối an ninh” bao gồm: bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 8 năm tù; bà Hoàng Thị Thu Vang, 7 năm tù; ông Đỗ Thế Hóa, và Lê Quý Lộc cùng bị tuyên 5 năm tù; ông Hồ Đình Cương, 4,5 năm tù; Trần Thanh Phương 3,5 năm tù; và bà Đoàn Thị Hồng, 2,5 năm tù.
Báo Công an Tp. HCM hôm 31/7 gọi nhóm này là “nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội, chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình”.
Theo VOA