Dưới các bài viết hay trên trang Facebook của mình, cựu tổng thống Barack Obama vẫn thường để là "Người chồng, người cha, cựu tổng thống, một công dân". Hàng chữ đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa trong cuộc đời của một trong những vị tổng thống tài đức của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Thật vậy, cứ tìm hiểu về cuộc đời ông bạn sẽ thấy. Ông là người một chồng tốt, thủy chung. Một người cha hết mực yêu thương con cái. Một vị tổng thống tài ba, anh minh và đức độ. Và hơn hết, là một người công dân mang đầy tinh thần phụng vụ và trách nhiệm với quốc gia.
Như nhiều người khác, sự quý mến và ngưỡng mộ ông của tôi có lý do. Xem phim và đọc về ông, thỉnh thoảng lại dịch các bài viết xuất sắc của ông vốn dễ bắt gặp thì chúng thường là các bài nói chuyện sâu sắc, ý nghĩa, lan truyền niềm cảm hứng đến giới trẻ, người dân. Đặc biệt là những diễn từ với giới trẻ, tại các lễ ra trường đại học vào mỗi mùa bãi trường hàng năm. Chúng truyền cho giới trẻ một niềm lạc quan hy vọng, hướng họ đến với tâm thức bác ái cùng tinh thần phụng vụ xã hội, tha nhân. Chúng đem đến người trưởng thành cái nhìn khơi mở về vấn đề quốc gia, dân chủ.
Tôi chẳng quá lời cho dù tôi chưa bao giờ xem ông là "Chúa chọn", là "vị cứu tinh" hay bất cứ ngoa ngôn, ngoa dụ nào như lắm người dành cho lãnh tụ của họ. Mà tôi xem ông đúng nghĩa là "một người chồng, người cha, cựu tổng thống, một công dân" mẫu mực, như ông khiêm cung hãnh diện nhận về mình.
Nếu bạn chưa tin, hãy đọc những gì viết về ông, nghe ông nói chuyện, xem các thước phim về cuộc đời của ông và đọc các cuốn sách, bài viết của ông thì bạn sẽ hiểu hơn sự "quá lời" của tôi, nếu quả thật có là như vậy. Nhưng tôi đoan chắc bạn không biết gì về ông ngoài dăm tấm hình gác chân và câu chuyện đi cửa sau phi cơ mà bạn thường lặp lại.
Hãy tự hỏi cái gác chân lên bàn có bằng cái gác chân lên cả một nền dân chủ và công lý lâu đời của nước Mỹ như hiện tại? Và nếu theo dõi thời cuộc, bạn đã biết rằng chuyện vặt cửa sau chỉ là sự trả thù nhỏ mọn vốn thường thấy ở một "nước lớn" Trung Cộng.
Tổng thống Obama lên án và cảnh cáo Trung Cộng về vấn đề biển Đông trong cuộc trả lời phỏng vấn với ký giả Fareed Zakaria trên CNN, chỉ vài ngày trước khi ông sang tham dự hội nghị G20 tại Hàng Châu vào đầu tháng 9 năm 2016. Đó là lý do tại sao xảy ra vụ cầu thang có thảm đỏ đón ông "bị trục trặc" và nhóm cận vệ TT Obama từ chối sử dụng, theo như lời giải thích láo toét của Trung Cộng, bất chấp những nguyên tắc ngoại giao tối thiểu.
Trung Cộng đã từng để phi cơ của Ngoại trưởng Hillary Clinton chờ ngoài phi đạo vài tiếng đồng hồ cũng với lý do "trục trặc kỹ thuật", sau khi bà lên tiếng chỉ trích Tập Cận Bình về vấn đề nữ quyền, nhân quyền cũng ngay tại Bắc Kinh vào năm 2015. Có lạ gì với sự nhỏ nhen, hèn mọn của Trung Cộng.
Rồi cũng ngay tại cuộc gặp gỡ riêng với Tập Cận Bình trong hội nghị G20 tại Hàng Châu đó, ông thẳng thắn nêu vấn đề nhân quyền với họ Tập. Ông tái xác nhận mạnh mẽ về "sự ủng hộ kiên định của Hoa Kỳ cho vấn đề nhân quyền" cùng "vấn đề tự do hàng hải và bảo vệ đồng minh tại biển Đông", theo như thông cáo báo chí của Bạch Ốc ghi lại biên bản cuộc họp giữa tổng thống Obama và Tập Cận Bình vào ngày 03/09/2016 mà bạn có thể tìm đọc.
Chỉ còn vài tháng trước khi rời nhiệm sở, Obama vẫn cương quyết giữ vững chính sách nước Mỹ và nội các của ông. Nếu muốn được trải thảm đỏ, được bắn đại bác cung nghinh, muốn đại yến ngay Tử Cấm Thành thì cứ tung hô một điều "Tập chủ tịch vĩ đại", hai điều "thay mặt nhân dân Mỹ, tôi muốn được cảm ơn Tập Chủ Tịch". Cứ mời họ Tập sang đánh golf và đừng nhắc gì đến nhân quyền, biển đảo thì sẽ được đón tiếp trọng hậu.
Quay lại câu chuyện Obama, tôi chẳng nhắc lại ông như một cậu bé da màu, thiếu cha mà vươn lên trở thành một luật sư Harvard, một giáo sư đại học, một tác giả rồi thượng nghị sĩ và cuối cùng là một tổng thống quyền lực nhất thế giới mà bạn đã biết.
Với riêng tôi, việc Obama trở thành chủ bút tờ báo luật khoa Harvard Law Review là điều vô cùng đặc biệt và rất đáng ngưỡng mộ. Bởi để nắm giữ vai trò này, người chủ bút của tờ báo giá trị có hơn trăm tuổi này phải là người tài ba nhất trong những luật sư tương lai tài ba nhất của Harvard. Phải là người xuất sắc trong học vấn, hùng biện và phải qua cuộc tranh tài, rồi được bạn đồng môn cùng các giáo sư ủng hộ và bầu chọn.
Những sinh viên chủ bút tờ báo luật khoa này khi tốt nghiệp thì sẽ đương nhiên được vào làm luật sư tại Tối Cao Pháp Viện, con đường trải đầy cơ hội để trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao. Trên thực tế, không cần đến vai trò chủ bút hay chủ tịch như Obama, đã có bảy cựu thành viên ban biên tập tờ báo này trở thành những thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cùng vài chục người đã trở thành các thẩm phán liên bang cho đến bộ trưởng, thượng nghị sĩ, thống đốc hay viện trưởng đại học, chủ tịch tập đoàn...
Nhưng thay vì vào pháp viện hay làm cho những hãng luật danh tiếng đã mời gọi với khoản lương kếch xù, chàng luật sư trẻ tuổi mang đầy lý tưởng đã chọn trở về Chicago. Chọn sống trong căn phòng chung cư nhỏ bé, bình dị để phục vụ cho những người cùng khổ mà ông đã từng giúp đỡ trước khi đến với Harvard. Ông không về để nhắm và nghĩ đến chức vụ tổng thống từ những khu chung cư ổ chuột. Có sự hy sinh và lý tưởng nào đẹp hơn vậy?
Tài ba nhất trong những người tài ba, ông trở thành tổng thống như con đường đã định sẳn, nếu như không trở thành những thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hay liên bang như các bạn đồng môn tài ba khác. Có gì đâu để ngạc nhiên?
Vô tri bất mộ, không hiểu biết nên chẳng mến mộ. Nước Mỹ tìm ra người như ông cũng đã hiếm, đừng nói đến các quốc gia nhược tiểu.
Người xuất chúng mà khiêm cung, bình dị. Người tài ba lại đức độ, chân thành. Người quyền lực lại thương người, yêu nước. Bạn hãy mong cho quốc gia mình có được dăm người lãnh đạo như vậy đi, bạn sẽ hiểu tại sao vô số người dân Mỹ và thế giới còn quý mến, ngưỡng mộ Obama cho đến nay.
Và bạn cũng sẽ nghĩ lại khi dùng đủ ngôn từ đáng xấu hổ khi nói về ông. Chúng không làm giảm giá trị của ông, chúng chỉ phô bày tri thức và nhân cách của bạn. Cái nhân cách và nền tảng đạo đức hủy hoại bất cứ một dân tộc nào.
Là một công dân đầy trách nhiệm của nước Mỹ, bây giờ ông cũng bình đẳng như tôi, mỗi người chỉ một lá phiếu cử tri. Nhưng tôi tin lời kêu gọi của ông sẽ là sức mạnh, là sự cần thiết để tái lập một nước Mỹ mà tôi từng sống, từng hãnh diện và trân trọng mỗi phút giây.
Xin cảm ơn và chúc mừng sinh nhật Tổng Thống Obama, người công dân mà tôi đã và sẽ còn kính mến và ngưỡng mộ.
08/04/2020
Nhã Duy