Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động Robert Destro.
Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Việt Nam hành động phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền trong Hiến pháp và trong các Công ước quốc tế đã ký kết.
Lời kêu gọi được Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động Robert Destro đưa ra ngày 14/8 trong buổi hội luận trực tuyến ‘Ngày Vận động cho Việt Nam’, một sự kiện thường niên do Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS tổ chức nhằm đánh động sự quan tâm của Hoa Kỳ và quốc tế đến hồ sơ nhân quyền của Hà Nội.
Cuộc họp hôm 14/8 là phiên thảo luận thứ 6 trong chuỗi Hội luận ‘Ngày Vận động cho Việt Nam 2020,’ quy tụ các diễn giả quốc tế đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên hiệp quốc, ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự.
Nêu lên các trường hợp gần đây khiến quốc tế quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam như vụ xử nhóm Hiến Pháp, vụ bắt giam Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cùng các thành viên, và các bản án dành cho các nhà hoạt động vì môi trường như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hóa, ông Robert Destro nhấn mạnh:
“Mọi cá nhân tại Việt Nam phải được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù.”
Các nhà hoạt động này ‘bị bắt vì thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình,’ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Destro nói.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các hành động của họ phải phù hợp với các quy định về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết,” ông tiếp lời.
Phát biểu tại buổi Hội luận, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, Tiến Sĩ Ahmed Shaheed, nhận xét tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ so với cách nay 6 năm khi ông đến Việt Nam.
“Việc thực thi Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam còn nhiều hạn chế đối với những nhóm tôn giáo chưa được đăng ký.”
Ông lưu ý việc chính quyền Việt Nam sử dụng nhiều điều luật, nhất là điều luật về an ninh quốc gia với những điều khoản rất mơ hồ, nhưng thực tế lại được sử dụng như một công cụ để đàn áp quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số trong nước.
“Tất nhiên, còn có các cuộc tấn công của các thành phần xã hội khác nhau của chính quyền nhắm vào các nhóm Tin Lành thiểu số như là một mục tiêu cụ thể, bao gồm tấn công tài sản, tấn công người, đe dọa và bắt bớ, và có thái độ, ngôn từ thù hằn với nhóm tôn giáo này,” ông Shaheed nói.
Bà Desi Hanara, Điều phối viên Khu vực Đông Nam Á cho một dự án chung giữa các Nghị Sĩ ASEAN về Nhân Quyền (APHR) và Ủy Ban Quốc tế của các Nghị sĩ về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (IPPFoRB) phát biểu ngày 14/8/2020 trong chuỗi Hội Luận Ngày Vận động cho
Bà Desi Hanara, Điều phối viên Khu vực Đông Nam Á cho một dự án chung giữa các Nghị Sĩ ASEAN về Nhân Quyền (APHR) và Ủy Ban Quốc tế của các Nghị sĩ về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (IPPFoRB), cho biết 65 nghị viên đương nhiệm và cựu nghị viên từ nhiều quốc gia đã cùng ký thư chung gửi đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/8, yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “lật đổ chính quyền.”
“Cùng nhau, chúng tôi đồng lòng đưa ra một ưu tiên. Năm nay, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng tôi xin thông báo rằng ngày hôm qua chúng tôi đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Việt Nam. Bức thư được 65 nghị viên từ 28 quốc gia trên khắp thế giới ký tên kêu gọi Thủ tướng ngay lập tức trả tự do vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển và tất cả những ai bị giam cầm chỉ vì lên tiếng cho nhân quyền một cách ôn hòa.”
Thư ngỏ cũng đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam được tự do sinh hoạt tôn giáo mà không sợ bị bắt bớ, sách nhiễu, tù đày.
Tiến sĩ Heiner Bielefld, nguyên Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do tôn giáo, từng đi thực địa đến Việt Nam và tiếp xúc với ông Truyển, nói tại buổi Hội luận rằng ông Truyển ‘thật sự là một nhà yêu nước, chứ không phải là người phản động.’
Trả lời câu hỏi VOA về khả năng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC và các biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng đối với quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động Robert Destro nói:
“Tôi không thể đưa ra bình luận về các bước diễn ra bên trong nội bộ Bộ Ngoại giao. Đó là những vấn đề rất nhạy cảm.”
Ông Robert Berschinski, Phó Giám đốc Chính sách của tổ chức Human Rights First, nguyên là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách thực thi đạo luật Magnistsky Toàn cầu, đưa ra bình luận:
“Các biện pháp trừng phạt chỉ đơn giản là một công cụ, một công cụ hữu ích, nhưng cái chúng cần phải là một phần của một chiến lược lớn hơn.”
Hà Nội lâu nay bác những chỉ trích về vi phạm nhân quyền và một mực khẳng định không bắt giam ai vì bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo VOA