Nhà máy thải chất độc ngày đêm, người dân cũng như công nhân phải sống chung với chất độc. (Đỗ Cao Cường)
Tôi mới tới xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi được mệnh danh là làng ung thư của Việt Nam, nơi có Công Ty Cổ Phần Supe Phốt Phát và Hóa Chất Lâm Thao, với hơn nửa thế kỷ đầu độc môi trường.
Trong một cuộc khảo sát mà Bộ Tài Nguyên Môi Trường từng thực hiện ở Thạch Sơn, cho thấy, không khí ở đây bị đầu độc nghiêm trọng bởi các loại khí thải công nghiệp như SO2, SO3, chì, H2S, NH3, HCl, HF, NO2... với hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là ở vùng xung quanh nhà máy Supe Phốt Phát Lâm Thao.
Ngày 15/3/2016, Tổng Cục Môi Trường đã có Quyết Định số 29/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công Ty Supe Lâm Thao, với hàng loạt sai phạm như không có giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên... Theo đó, Công Ty Supe Lâm Thao bị xử phạt với tổng mức tiền là 440 triệu đồng ($19,000 Mỹ kim).
Tuy nhiên, với một đơn vị có doanh thu hàng nghìn tỷ/ năm, vô số người chết vì ung thư thì chuyện phạt mấy trăm triệu chẳng nói lên điều gì.
Bàn tay của một cư dân ở xã Thạch Sơn, Phú Thọ. (Đỗ Cao Cường)
Tôi cũng tới thăm Công Ty Giấy Bãi Bằng, tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Không hiểu vì sao vừa tới nơi, tôi đã thấy vài đối tượng đứng canh ở lối vào khu xả thải, trong nhiều tiếng đồng hồ.
Theo lời kể của những hộ dân, nước hồ nơi đây đã bị đầu độc bởi ống xả thải của nhà máy giấy Bãi Bằng, nhiều người phải bán nhà chuyển đi nơi khác vì không chịu được mùi hôi thối.
Giấy Bãi Bằng - huyền thoại kinh tế quốc doanh từng đi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò, năm 2006 Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng Công Ty Giấy Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng giấy, nhưng không hiểu sao bây giờ lại vật lộn với thua lỗ, cũng giống nhiều doanh nghiệp quốc doanh khác, chỉ trong vòng hai năm 2014-2015 Công Ty Cổ Phần Giấy Bãi Bằng thông báo lỗ 255 tỷ đồng ($11 triệu).
Năm 1990, sau 15 năm xây dựng và chuyển giao công nghệ, đoàn chuyên gia Thụy Điển rời khỏi Việt Nam. Trước khi đi, trưởng cố vấn Sveningsson có nói, "Nếu Thụy Điển để Việt Nam tự lo liệu từ nay về sau thì tương lai có thể là một canh bạc."
ĐỖ CAO CƯỜNG/Viễn Đông