Thanh niên "lướt web" tại một quán cà phê ở Hà Nội. An ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ Việt Nam, theo khảo sát của Hội đồng Anh.
Một khảo sát vừa công bố của Hội Đồng Anh cho thấy thanh niên Việt Nam quan tâm nhiều nhất đến an ninh lương thực, công ăn việc làm ổn định và ít quan tâm đến các vấn đề thời sự, ngay cả vấn đề được xem là “nóng bỏng” hiện nay tại Việt Nam là tham nhũng.
Kết quả cuộc khảo sát được Hội đồng Anh tại Việt Nam thực hiện trên 1.200 thanh niên cho thấy 70% giới trẻ Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 chọn an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của họ, kế đó là điều kiện sống đầy đủ, nước sạch và vệ sinh (58%).
44% số người được hỏi quan tâm đến khả năng tiếp cận giáo dục đại học, 39% quan tâm đến bình đẳng giới và 37% quan tâm đến chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, các vấn đề thời sự trong nước có vẻ như không thu hút nhiều hứng thú của giới trẻ.
Khảo sát cho thấy chỉ có 26% thanh niên tỏ ra quan tâm đến chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Chiến dịch này đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao chính phủ, tướng tá quân đội và doanh nhân bị bắt và bỏ tù trong những năm gần đây vì các tội danh từ rửa tiền cho đến quản lý yếu kém gây hậu quả nghiêm trọng. Chiến dịch thu hút sự chú ý của công luận này cũng gây nhiều tranh cãi vì những nghi ngờ đấu đá nội bộ trong bộ máy cầm quyền tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù không quan tâm nhiều nhưng 67% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên ưu tiên hàng đầu việc trấn áp tham nhũng.
Khi được yêu cầu liệt kê các vấn đề xã hội gây bức xúc, sau khi đưa ra các nhu cầu vật chất cơ bản như an toàn thực phẩm và an ninh, việc làm, điều kiện sống chất lượng và tiếp cận nước sạch, 39% số người tham gia khảo sát đề cập đến bình đẳng giới, 19% nói về bình đẳng cho người thiểu số và chỉ có 14% lựa chọn “hòa bình, công lý và thể chế mạnh mẽ”.
Tổ chức của Anh lý giải rằng mặc dù giới trẻ Việt Nam cảm nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng địa phương, nhưng hầu hết cảm thấy bị tách rời khỏi các vấn đề quốc gia hay những vấn đề lớn.
“Gần như tất cả những người được hỏi ý kiến đều thấy rằng tiếng nói của họ nói chung không được xã hội lắng nghe”, báo cáo của Hội đồng Anh nói.
Những người trẻ tham gia khảo sát cho biết rằng “để được xã hội lắng nghe, người ta cần phải có chức tước, quyền hạn, uy tín hay tiền bạc”. Trong khi đó, bản thân giới trẻ cảm thấy mình có rất ít quyền lực để gây ảnh hướng lên xã hội, ngoại trừ thông qua mạng xã hội hay bạn bè thân thiết.
73% thanh niên tham gia khảo sát xem mạng xã hội là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất cho các vấn đề thời sự, tiếp theo là internet và các trang web (69%), truyền hình (59%) và truyền thông (43%).
Theo VOA