Ảnh cho thấy thông tin đã được chỉnh sửa so với lúc đầu.
Trang Facebook chuyên đánh bóng tên tuổi cho công an Hà Nội hôm 18/8 có bài viết thu được hơn một vạn phản ứng khác nhau trong đó có hơn 4.000 bình luận và khoảng 1.600 lượt chia sẻ. Nhưng bài viết này, giờ đã được sửa qua loa, chịu nhiều chỉ trích vì công an bị tố đã cướp công của người dân địa phương.
Đây là nguyên văn bài đăng ban đầu trên trang Công an thành phố Hà Nội tối 18/8 và hai câu được người viết in đậm sau này đã được chỉnh sửa:
“GIẢI CỨU BÉ TRAI SƠ SINH BỊ BỎ RƠI GIỮA KHE TƯỜNG
“Tối ngày 18-8, Công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong khe tường giữa 02 ngôi nhà.
“Khoảng 17h50’ cùng ngày, người dân phát hiện một cháu bé bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.
“Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Công an huyện Gia Lâm cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tìm cách giải cứu cháu bé.
“Do khe tường quá hẹp, lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa cháu ra ngoài với nỗ lực bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho cháu.
“Đến 18h cùng ngày, Công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công và đưa cháu bé đến trạm y tế thị trấn để chăm sóc sức khỏe.
“Hiện lực lượng chức năng đang xác minh, giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
#conganhanoi #vinhandanphucvu”
Bản tin kèm ảnh lỗ thủng trên tường được khoan ra để cứu cháu bé, ảnh công an và lực lượng cứu hoả chụp cùng cháu và ảnh y tá đang chăm sóc cháu.
Chỉ có điều lỗ thủng đó không phải do “lực lượng chức năng” nào đục cả mà là do hai thanh niên trong khu nhà đã nhanh tay khoan để cứu cháu bé ra. Chính người dân cũng đưa cháu bé tới bệnh viện như trong một video quay lại chiều tối hôm 18/8. Công an thực ra chỉ tới đứng nhìn người dân cứu cháu rồi tới bệnh viện chụp ảnh tranh công.
Một trong những người khoan tường cứu em bé sơ sinh, anh Nguyễn Lương Bằng, nói với Tuổi Trẻ: “Sau khi giải cứu cháu bé xong tối em lên Facebook em thấy các page [trang] lớn đăng là lực lượng và công an giải cứu cháu bé thì em thấy khá là bất bình vì lúc đấy chỉ có bọn em, mấy anh em xung quanh này thôi, là giải cứu cháu bé.
“Bọn em cũng chẳng phải kể công gì cả nhưng mà em muốn các báo đài phải đăng đúng sự thật.”
“Công an đến hai ba phút sau là bọn em lôi [bé sơ sinh] ra rồi.”
Trước sức ép của dư luận, trang fanpage của công an Hà Nội đành phải sửa bài nhưng cũng chỉ sửa cho có. Bài được chỉnh sửa để thêm câu “cùng người dân” vào câu đầu và câu nói về đục tường thay vì chỉ có “công an Gia Lâm” và “lực lượng chức năng”. Nhưng họ vẫn giữ câu: “Đến 18h cùng ngày, Công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công và đưa cháu bé đến trạm y tế thị trấn để chăm sóc sức khỏe.” Câu này nên thêm mấy chữ “ngắm người dân” vào trước đoạn “giải cứu thành công” sẽ phản ánh đúng những gì diễn ra.
Thực tế công an Gia Lâm cũng thừa nhận là công của dân cả khi họ đề nghị khen thưởng năm người tham gia cứu em bé trong đó có người phát hiện ra bé, hai người khoan tường và hai người đưa em tới bệnh viện, vẫn theo Tuổi Trẻ.
Báo này thuật lại diễn biến tối 18/8: “Theo công an, vào khoảng 17h50 ngày 18-8, Chị Giáp Thị Nam Phương xuống tầng 1 để lấy xe đi ra ngoài, thì có nghe thấy tiếng khóc giống tiếng khóc của trẻ sơ sinh ở trong khu vực nhà trọ.
“Chị Phương đi tìm xung quanh khu vực nhà trọ và phát hiện 1 cháu bé sơ sinh bị kẹt trong khe tường giữa hai nhà trọ. Chị Phương đã chạy ra đường nhờ người giúp đỡ cứu cháu bé.
“Lúc đó có anh Nguyễn Lương Bằng, tạm trú gần khu vực nhà trọ, đã chạy đến, phát hiện cháu bé bị bỏ rơi trong khe tường giữa 2 dãy nhà trọ. Tuy nhiên, do khe tường quá hẹp, không thể dùng tay để đưa cháu bé ra ngoài được nên anh Bằng và anh Tuấn đã dùng khoan và búa để phá tường đưa cháu bé ra ngoài an toàn.
“Sau khi đưa cháu bé ra ngoài, lúc này, lực lượng Công an huyện và Công an thị trấn đã có mặt để làm công tác cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo an ninh trật tự xung quanh khu vực hiện trường sự việc.
“Lực lượng Công an huyện đã phối hợp với chị Phạm Thị Quỳnh Thư và anh Vũ Văn Thê đưa cháu bé đến Trung tâm Y tế Trâu Quỳ để sơ cứu.
“Sau đó, anh Thê tiếp tục lái ôtô để đưa cháu bé đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, chuyển viện đa khoa St Paul để cấp cứu, điều trị và theo dõi tiếp.”
Cho tới ngày 24/8, hơn năm ngày sau khi sự việc diễn ra, hình ảnh của người dân vẫn không hề xuất hiện trong bản tin trên trang fanpage công an. Các chi tiết có trên Tuổi Trẻ và nhiều báo khác cũng không được cập nhật. Nếu ai chỉ đọc bài trên trang fanpage sẽ có cảm giác lực lượng công an và phòng cháy chữa cháy đã cứu em bé là chính còn người dân chỉ phụ giúp không đáng kể.
Nhiều người đã chỉ trích hay châm biếm lực lượng công an trên chính trang fanpage.
Hoàng Thành viết: “Người vứt bỏ cháu xuống là tội ác, còn cái bọn cướp công còn ác hơn.”
“Ghi rõ ràng thế còn gì. Công an nhân dân là dân làm công an hưởng. Rõ vậy còn kêu ca,” Nguyễn Nhi Quỳnh bình luận.
Nhiều người khác cũng bình luận trong các bài viết được đăng tải trên các nhóm khác nhau gồm cả nhóm Góc nhìn Báo chí – Công dân:
Binh Dao viết: “Không thể hiểu nổi một việc rõ ràng như thế, dân địa phương biết cả mà công an không biết? Nói lực lượng cứu hộ đến thì người dân đã đục tường đưa được cháu bé ra thì càng làm dân tin yêu công an chứ sao đâu mà phải tranh công?”
Còn Thao Trần bình luận: “Cách đỡ mất thể diện nhất là chuyển hai anh Công và Bằng [hai người khoan tường] thành cán bộ công an!”
Trên một nhóm Facebook khác, Phương Dương viết:
“[Cuộc đời] thật lắm bất công
Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều.”
Và trang fanpage Công an Hà Nội vẫn quyết để công an làm Lý Thông thay vì nói lại cho đúng những gì diễn ra. Khi viết dòng cuối này tôi nhớ một chuyện cười đang được phát tán trên mạng: “Cảnh sát Belarussia bắt được tên trộm ở Minsk. Tên trộm nói: “Nhưng tôi bỏ phiếu cho Lukashenko!” Cảnh sát liền cảnh cáo tên trộm: “Đừng dối trá. Chẳng ai bầu cho Lukashenko cả!” Hoá ra cảnh sát biết cả đấy. Chỉ có điều họ ưa nói dối thôi.
Nguyễn Hùng (VOA)