Mấy tháng vừa rồi trong bối cảnh xã hội điêu đứng vì bệnh dịch thì gia đình tôi vẫn có những niềm vui nho nhỏ. Ấy là việc con gái chúng tôi, cháu Vi Khánh vừa được giải bạc trong một cuộc thi piano quốc tế mang tên Rising Stars 2020. Tuy giải thưởng này rất khiêm tốn trong thứ hạng các cuộc thi piano trên thế giới, nhưng chúng tôi rất vui. Vui vì nhận được nhiều lời khen và động viên của quý vị gần xa. Vui vì cảm thấy tự hào là tuy còn khó khăn, nhưng đã giúp con mình bước đầu đặt những bước chân vững chắc vào hành trình khám phá cuộc đời này.
Nhân chuyện này, tôi muốn chia sẻ với quý vị gần xa một vài kinh nghiệm mà chúng tôi có được khi cho con học đàn.
Học đàn cũng như học chữ. Tôi thấy rất nhiều phụ huynh từng cho con đi học đàn rồi kêu ca là con mình không có năng khiếu, rồi lấy lý do đó để dừng lại. Xin thưa rằng nếu đứa trẻ không có khiếm khuyết gì đặc biệt về thân thể, về giác quan thì đứa nào cũng có thể học âm nhạc. Chẳng qua âm nhạc không phải là thứ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh tồn hay kiếm sống của một đứa trẻ trong tương lai, nên nhiều bố mẹ đã bỏ cuộc trước cả con, khi thấy những khó khăn lúc mới tập đàn. Nếu quý vị nào cũng coi việc học đàn của con như học chữ thì tôi chắc chắn nhiều đứa trẻ sẽ không bỏ cuộc.
Học đàn không chỉ là việc học đàn. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra một núi tiền mua đàn rất đắt, thuê thầy rất tiếng tăm về cho con... nhưng chỉ dừng lại ở đó mà không đôn đốc, không sát sao, không động viên con hàng ngày. Xin thưa rằng với một đứa trẻ, nếu không có kỷ luật, không có theo dõi, không có khuyến khích động viên... đứa trẻ sẽ buông xuôi tất cả mọi thứ chứ không chỉ riêng việc học đàn. Học đàn ở mức phổ thông thôi mà còn không học được thì nó sẽ quen với việc lùi bước trong lúc học những thứ khác. Cuộc đời nó sẽ ra sao?
Học là một chuyện, nhưng phải có thi thố thì mới thành tài được. Nếu chỉ đi học đàn được vài bài, rồi về nhà bố mẹ khen hay, ông bà khen giỏi, mà không có sự đọ sức với các bạn khác thì không bao giờ đứa trẻ khá hơn được. Con tôi có một đặc điểm là từ bé nó rất sợ thi thố, rất ngại phải làm gì đó trong không khí cạnh tranh. Thực ra đó là tâm lý sợ bị đánh giá, sợ không còn được yêu thương khi là người thua cuộc. Vì thế từ lâu chúng tôi luôn nhấn mạnh với nó là bố mẹ luôn yêu thương con. Dù thế nào bố mẹ cũng yêu thương con. Nhưng bố mẹ sẽ vui hơn nếu con có thành tích. Rồi chúng tôi luôn tìm cách tạo ra môi trường cho nó buộc phải cạnh tranh. Không cạnh tranh là không có phần thưởng. Không cạnh tranh là bị bắt nạt. Bố mẹ không bao giờ đứng ra can thiệp hay bênh vực gì nó trong cuộc vui với bạn bè. Khi không còn đường lùi trong các cuộc chơi, tự nó sẽ vùng lên chiến đấu, và nó sẽ sẵn sàng tham gia mọi cuộc thi khác chứ đừng nói là chuyện thi đàn.
Thế hệ chúng tôi lớn lên từ thời bao cấp khó khăn. Rất hiếm những đứa trẻ thời chúng tôi được tiếp cận với âm nhạc, hội hoạ... thậm chí là sách truyện. Thế nên chúng tôi thấu hiểu những thiệt thòi, những cằn cỗi trong tâm trí mình vì thiếu hụt những giá trị tinh thần đó. Với nhận thức như vậy nên chúng tôi luôn tìm mọi cách, cố hết sức để cho con đi học đủ thứ. Từ tiếng Anh, hội hoạ, múa, nhảy, bơi, trượt patin, võ thuật cho đến việc tập piano. Tất cả những chuyện đó, chúng tôi khuyến khích con tham gia như một cuộc chơi, nhưng không phán xét nó. Và nó đã trở thành một chiến binh nhí, sẵn sàng tham gia mọi thử thách.
Có những lúc con tôi cũng nản chí. Tôi không quở mắng gì nó mà bắt đầu hỏi những thứ nó quan tâm. Sau này lớn lên con sẽ làm gì? Con thích thành một người như thế nào? Con có muốn trở thành một người có nhiều bạn bè yêu quý con không? Con có biết là người ta sẽ yêu quý những ai tài giỏi không? Vẽ này. Múa hát này. Đánh đàn này... nhiều thứ lắm. Thế là cứ từ từ tôi vẽ ra một viễn cảnh, mà nó bắt đầu tưởng tượng chính mình trong đó. Khi viễn cảnh đã trở thành mục tiêu mong ước, bất cứ ai chứ đừng nói là một đứa trẻ sẽ chiến đấu hết mình vì mục tiêu đó.
Người ta hay soi xét xem một người từ đâu đến. Nhưng theo tôi điều quan trọng là người ấy sẽ đi đâu. Mấy chuyện về việc cho con học đàn của tôi thực ra cũng chỉ là để gợi mở cho quý vị ý này. Tất nhiên là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Xã hội chúng ta đang sống còn muôn vàn khó khăn. Chuyện của gia đình tôi sẽ không thể giống y như gia đình quý vị. Nhưng nếu chúng ta cố gắng hơn, đất nước sẽ có nhiều đứa trẻ thành công và hạnh phúc hơn, đất nước ấy nhất định sẽ có tương lai.
John Lennon có một câu mà tôi rất thích: “Count your age by friends, not years. Count your life by smiles, not tears.” - dịch ý là: Đừng đếm số tuổi, hãy đếm bạn bè. Đừng đếm nước mắt, hãy đếm nụ cười. Đừng đếm nỗi đau, hãy đếm hạnh phúc.
Xin được chờ đón những niềm hạnh phúc sẽ nảy nở trên đất nước này.
Yêu thương tất cả!
nguyenlanthang's blog (RFA)