Mẹ không làm việc ở Tổng Nha Điền Địa nữa, không còn mỗi ngày lên xuống xe buýt sáng chiều. Mẹ chuyển về làm việc ở Ty Điền Địa cho gần nhà, chỉ cần đi bộ.
Ngày nào cũng vậy, từ nhà, mẹ đi dọc vỉa hè đường Công Lý quẹo phải ngã tư đường Yên Đỗ, quen thuộc đến nỗi nhắm mắt mẹ cũng đi tới nơi. Suốt nhiều năm làm việc, mẹ chưa bao giờ phàn nàn về phương tiện đi lại. Thời gian của mẹ như chiếc đồng hồ, chính xác lắm! Mẹ còn một cuốn sổ ghi chép đầy đủ các mục thu chi hàng ngày, dù mẹ chẳng hề học qua lớp kế toán. Tôi chưa bao giờ xem thử mẹ viết những gì trong cuốn sổ nhỏ đó, nhưng đoán là nó đã rất có ích cho cuộc sống của mẹ con chúng tôi.
Những năm 60-70, khi đi làm hoặc ra phố, mẹ luôn mặc những bộ áo dài rất lịch sự. Tóc mẹ bới gọn sau gáy, kẹp cây kẹp tăm nhỏ hai bên mái cho tóc khỏi xòa ra mặt. Mẹ còn không quên xịt tí nước hoa, thói quen lúc xưa khi đi chơi với cha. Trông mẹ thật quý phái, xinh đẹp với nụ cười có hai đồng tiền nơi khóe miệng. Nhiều lúc nhìn mẹ sửa soạn đi công chuyện tôi thấy thương mẹ quá, rồi dại dột suy nghĩ tại sao cha mất sớm để mẹ phải sống hoài phí tuổi thanh xuân với năm đứa con thơ dại.
Một ngày, đi học về tôi đã thấy mẹ trong nhà. Một điều rất lạ! Đợi đến buổi cơm chiều, mẹ bình thản kể lại chuyện bị té xỉu trên đường đi làm về lúc trưa. Cũng may mẹ ngã trước cửa nhà, là phòng mạch tư của một ông bác sỹ. Ông đã sơ cứu, cho mẹ nằm nghỉ tại phòng mạch của ông tới lúc mẹ tỉnh táo để về nhà. Đó là lần đầu tiên tôi biết mẹ bị cao huyết áp, dễ đưa đến tai biến nguy hiểm. Bác sỹ khuyên mẹ nên vào bịnh viện làm các xét nghiệm để phòng tái phát. Từ đó, mẹ thường xuyên ra vào viện Y Học Dân Tộc của bác sỹ Trương Thìn. Có lần mẹ phải nằm bịnh viện điều trị ba tuần. Mẹ ưu tư lắm! Việc làm ở sở, việc học của các con, việc thăm nuôi người bịnh, v..v... Lo lắng nhiều vậy mà mẹ không một lần xin bác sỹ cho về nhà. Tôi chưa thấy ai thích ở bịnh viện hơn ở nhà như mẹ. Mẹ là vậy, thà chịu cô đơn trong bịnh viện còn hơn để con cái phải chăm sóc mà xao lãng việc học. Có lẽ bản năng sinh tồn của mẹ là sự tồn sinh của anh em chúng tôi.
Từ ngày xảy ra tai nạn, thực đơn của mẹ bắt đầu thay đổi: cá hấp hoặc nướng với ít gia vị, rau xanh hấp hoặc luộc, v..v... thường do mẹ tự làm. Mẹ uống thuốc, đo huyết áp thường xuyên. Mẹ tôn trọng lời khuyên của bác sỹ vì đã từng nuôi cha bịnh. Thấy mẹ ngày ngày đi làm, tự chăm sóc chính mình, tôi không dám hỏi han. Tôi sợ nhìn nét mặt bình thản của mẹ. Không phải tôi sợ bị mẹ la mắng, chỉ sợ mẹ có chuyện gì buồn trong lòng mà không ai biết. Tôi sợ lời nói nghiêm khắc của mẹ làm trái tim nhỏ bé của tôi tổn thương. Tôi chẳng bao giờ tâm sự với mẹ, vì tôi tuy hiền lành nhưng tính độc lập và bướng bỉnh. Lớn lên tôi hiểu, mẹ có một cuộc sống nội tâm sâu sắc mà bà cố che dấu bằng vẻ ngoài lạnh lùng. Mẹ sống quá nguyên tắc dễ bị nhầm tưởng là khô khan.
Người mẹ nào chẳng muốn ôm con vào lòng nựng nịu lúc con nhỏ, hoặc lắng nghe con nói chuyện như một người bạn thân khi con lớn lên? Mẹ tôi cũng vậy! Nhưng tôi lại không có thói quen kể lể nỉ non với mẹ như cách của em gái tôi. (Cũng may mẹ rất hiểu tâm tính của mỗi đứa con). Cho đến khi mẹ được anh cả bảo lãnh sang Mỹ, và nhiều năm sau mẹ lâm bịnh nặng. Lúc bấy giờ Mỹ chưa lập bang giao với Việt Nam, tôi vẫn cố đem giấy tờ đi Thái Lan với niềm tin sẽ được gặp mẹ. Lần đầu bị từ chối, tôi vẫn nuôi hy vọng khi trở lại Thái Lan lần thứ nhì, và Tòa Đại Sứ Mỹ đã chấp thuận hồ sơ của tôi.
Có tôi bên cạnh, mẹ trở nên yêu đời và khỏe hơn rất nhiều, có thể cùng con cháu đi chơi mỗi cuối tuần khiến cho anh cả và em trai tôi phải ngạc nhiên. Chúng tôi không ngờ đó là khoảnh khắc vui vẻ cuối cùng của cuộc đời mẹ!
Một tháng phép do Tòa Đại Sứ Mỹ chấp thuận qua rất nhanh. Lúc chỉ còn ở chơi với mẹ vài ngày trước khi trở về Việt Nam, tôi nấu những thức ăn mẹ thích để dành trong tủ lạnh cho mẹ. Vậy mà, tôi vẫn chưa nói được một câu rất bình thường “Mẹ, con thương mẹ” để rồi ân hận khóc thầm trên chuyến bay dài xuyên Thái Bình Dương...
Hồ Thị Kim Trâm
**Trùng chủ đề