logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 17/09/2020 lúc 01:31:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tôi vốn không ưa thích biển vì biển đơn điệu và u buồn quá. Phong cảnh của biển mở toạc nhanh như lật một trang giấy, chẳng chút giấu diếm, chẳng chút thẹn thùng; Nhất là tiếng nói của nó. Tiếng sóng vỗ rì rào không ngừng nghỉ ấy luôn gợi trong tôi những nỗi buồn xa vắng.

Cái bản nhạc trầm trầm, nghèo nàn cung bậc đó thường làm tôi thấy cô đơn. Tôi vẫn thường ví biển với tình thương của một bà mẹ. Vì mẹ thương con vô bờ bến, tình của mẹ cho hết, chẳng giữ lại cho mình một chút nào cả cũng như biển kia có giấu chúng ta cái gì đâu. Chỉ cần một lần thoáng nhìn chúng ta đã thu nhận được hình ảnh của biển trong ký ức.

Nếu biển rộng mênh mông thì tình của mẹ cũng vô bờ bến. Nếu biển ru ta bằng tiếng sóng vỗ rì rào buồn muôn thuở thì mẹ cũng vỗ về giấc ngủ của ta bằng giọng à ơi, tha thiết.

Suy nghĩ cho cùng, tôi không thích biển cũng chỉ vì con người tôi ưa thích sự sống động mà sự sống động đó phải bao trùm lên một sự lung linh mờ ảo. Biển có lẽ chỉ thích hợp với những con người trầm mặc, không sôi nổi hoặc những người muốn sự trầm buồn, xa vắng sẽ gặm nhấm dần đi cái nỗi cô đơn của đời mình.

Biển Thương Chánh nhỏ và buồn hơn bất kỳ bãi biển nào khác. Ở đây không có những cặp tình nhân nằm sải dài trên bãi cát. Cũng không có những cặp trai gái sánh bước bên nhau. Từng lớp sóng bạc đầu lúc nào cũng tỏ ra hung dữ, đe dọa những con tàu bé nhỏ đang cưỡi lên mình nó. Xa xa Lầu Ông Hoàng không biết nằm đó tự bao giờ, trông sao điêu tàn trơ trọi. Tất cả đều vắng vẻ, quạnh hiu. Nếu như không có tiếng sóng vỗ rì rào và tiếng thở của những rặng phi lao thì phải nói biển ở đây rất cô đơn, rất buồn.

Cái tình cảm của người đi xa luôn luôn là thế. Sống mãi ở một nơi mà ta bắt đầu cảm thấy tù túng, chật chội, chúng ta thèm khát một nơi thật xa, thật hoang vắng. Càng xa, càng yên tịnh bao nhiêu càng thích thú bấy nhiêu. Nhưng một khi đã đặt chân đến nơi mà ta tưởng tượng, thì chính cái hoang vắng đó lại làm ta thấy cô đơn. Và chính nó lại lôi kéo, thúc giục ta quay trở lại nơi mà ta đã sống đã quen thuộc.

Tôi thấy nhớ làm sao các bạn bè thân yêu ở Sài Gòn. Những đêm tối tắt cả đèn nến đi mà ca hát, vì chỉ có bóng tối mới có thể chia xẻ được với những bản tình ca ướt ngọt. Chính cái bóng đêm đó làm cho cái “tỉnh” trong con người ta dịu bớt đi, giác quan của chúng ta mở rộng hơn nữa; trái tim ta sẽ đập với một nhịp mạnh, để uống hết cái rung động của lời ca tiếng hát. Giờ đây tôi cũng không thể nào quên được những lúc cùng bạn bè quây quần bên gánh phở rong. Tôi lại còn thèm chết được nếu như có giá vẽ và màu ở đây say sưa vẽ một bức tranh của bãi biển này. Tôi biết bức tranh đó sẽ không bao giờ hoàn tất. Nhưng mặc kệ, tôi thèm vẽ, tôi muốn vẽ …và chỉ có vậy thôi.

Cái thành phố biển nghèo nàn mà tôi mới đến lần đầu này đã gây cho tôi nhiều cảm giác ái ngại; ái ngại cho những con người và cuộc sống của nó. Và cái tình cảm ngộ nghĩnh đó đã dẫn dắt tôi đến một ý tưởng là khó có thể tìm thấy các cô gái xinh đẹp theo kiểu Sài Gòn ở đây.

Trong cuộc sống ta luôn luôn bị vây phủ bởi bầu không khí mà ta đang thở hít. Ta cứ đinh ninh rằng những cái đẹp, những cái đáng mến chỉ có ở nơi ta ở. Hai mươi năm sống quanh quẩn ở Thành Đô, tôi thật sự bị cái sinh hoạt của nó ám ảnh. Cái “kiểu Sài Gòn” vô tình trở thành cây thước so sánh khi ta có dịp đi tới một thành phố khác. Từ con người, từ nhà ở, từ kiểu mẫu thời trang, cách đi đứng, ăn nói, giao thiệp. Chính vì thế mà tôi đã trở thành một nhà quan sát hơn là một khách lãng du.

* * *
Chủ nhân của hãng đồ hộp Intraco này đã cho tôi một căn phòng nhỏ ở trên gác chỉ có một cái giường và một cái bàn nhỏ. Nhưng như thế cũng tạm đủ bởi dầu sao nó cũng cho tôi một bầu không khí riêng tư điều mà trước đây tôi không bao giờ có. Cái cảm giác được nằm một mình trên căn gác, không phải nằm chung với các em sao mà sung sướng thế. Ít ra tôi cũng có chút ít tự do để bày biện, làm gì thì làm trong một khoảng không gian chật hẹp. Căn gác trước đây dành cho nhân viên của hãng ở, sau một thời gian bỏ trống và hôm nay nó hân hạnh đón tiếp tôi. Cũng phải sửa sang cho nó chứ? Sau khi quét dọn bụi bậm, mạng nhện, tôi chạy sang phòng của ông quản lý xin một cái ly uống nước và tìm cho bằng được vài bông cúc vàng cắm vào đó. Thế là căn phòng đã sáng sủa hẳn lên. Thế là nơi ăn chốn ở của tôi đã chu tất và tôi có thể thoải mái nằm một mình trong yên lặng, trong cô đơn và thích thú.

Căn phòng nhỏ quay mình ra cửa biển. Dưới chân nó là xóm chài Bình Hưng. Gió biển thổi như chẳng biết ngừng nghỉ. Tôi vẫn thích đứng ở cửa sổ nhìn ra biển khơi, ngắm những cánh buồm lô nhô xa tít hay dõi nhìn những chiếc ghe quay vào bến cá. Giờ đây tôi đã dần quen với mùi vị của thành phố này. Sự nhẹ nhàng của nó làm cho trái tim tôi chùng xuống.

Buổi chiều qua mau và đêm về bằng những bước chân nhẹ nhàng. Theo tiếng gió đưa, nếu lắng tai tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào từ xa vọng lại. Nhưng có điều làm tôi ngạc nhiên không hiểu sao giờ đây biển như được choàng lên một chiếc vương miện rực sáng bởi những ánh đèn giăng đầy như sao sa. Phải chăng có một thành phố nổi xuất hiện ở đây mỗi lúc đêm về rồi lại lặn mất đi khi bình minh ló dạng? Và mãi mấy ngày hôm sau khi hỏi thăm tôi mới biết đó là ánh đèn của những đoàn ghe câu mực về đêm.

À ra thế. Tôi thật tình chẳng biết gì về cuộc sống của xóm chài này mỗi khi đêm về. Thật tệ quá! Những đoàn ghe nối nhau ra cửa biển lúc ban chiều. Mỗi chiếc đem theo một hai cái đèn măng-sông. Giữa biển cả mênh mông, tối mịt không có một chút ánh sáng, đàn mực sẽ tìm tới chỗ có ánh đèn rọi xuống. Thế là cách thợ câu tha hồ thả mồi để kéo những chú mực ham ánh đèn lên. Biển giờ đây đã lột xác thành mỹ nhân diễm lệ ngự trị lúc đêm về và hối hả trở về với hình hài bình dị muôn thuở nằm ôm lấy bờ cát vàng khi mặt trời ló dạng.

Thành phố về đêm có vẻ thanh tịnh và êm đềm. Con đường Bình Hưng chạy ra bãi biển giờ đây nằm nép mình dưới ánh đèn vàng hiu hắt. Nó trông già nua và cô đơn như một ngư ông tuổi già bóng xế không còn đủ sức ra khơi. Một lão ngư ông đang mơ màng ngồi đan lưới nhìn đám thanh niên khỏe mạnh đang lao mình vào cuộc sống, cuộc sống của chính lão trong thời niên thiếu. Tuổi già bao giờ cũng dễ bị bỏ quên. Chẳng còn ai để mà tâm sự nữa. Đám thanh niên bây giờ chẳng còn giống như ông ngày xưa. Thời gian luôn luôn kéo theo sự đổi thay dù thay đổi thụt lùi. Lão không thể trách đám trẻ không sống như lão. Đám trẻ bỏ quên ông cũng như chính ông thời niên thiếu cũng đã bỏ quên không chút lưu luyến thế hệ đi trước. Trong những buổi tối đêm về, đám trẻ không còn thích ngồi trên bãi cát để uống rượu với những lão ngư để ngắm trăng, để nghe những câu chuyện thần bí của biển cả. Chúng rủ nhau ra chợ hết cả. Con trai cũng như con gái, sau bữa cơm chiều, khi trời chạng vạng, chúng nó đóng “bộ đồ vía”vào để ra chợ ăn nhậu, xem hát và cả đi dạo phố. Chúng để lại sau lưng xóm chài và lũ trẻ con nô đùa, tiếng những bà mẹ ru con, tiếng những bà già nói chuyện cà kê với nhau có khi kéo dài tới đêm thâu. Và những lão già như ông giống như những bóng mờ trong đêm tối chỉ còn biết làm bạn với vài ba xị đế, mơ màng nhìn lớp sóng bạc đầu lung linh trên biển đen xa tít , để giải khuây và để làm chi nữa mà chính ông cũng không biết; Nhưng chắc chắn là để đánh dấu một ngày đã qua, một ngày đã mất và thêm một ngày ông lại lùi sâu vào dĩ vãng. Cuộc đời ông giờ đây nó như con đường đang nằm cô đơn dưới những ngọn đèn vàng, không còn tiếng xe chạy tấp nập như ban ngày. Thỉnh thoảng khi nào lũ con trai con gái tíu tít rủ nhau đi xem hát thì con đường cũng chỉ bừng lên trong giây lát rồi lại cũng tan loãng theo ánh đèn mờ khi tiếng của bọn nhỏ dần dần tắt khi chúng khuất nẻo ở khúc quanh dẫn ra chợ.

Và chính tôi đang đứng ở trên căn gác này, tôi nhìn thấy rõ con đường nó đang cựa mình, nó muốn thở than. Nhưng không còn ai nữa, họa chăng chỉ còn bóng của những ngôi nhà cổ đổ dài lên mình nó và đang thì thầm với nó bằng một thứ ngôn ngữ vô hình, câm nín. Rồi đột nhiên bóng dáng của vài ba con chó rượt đuổi nhau trên đường làm thành những vệt đen trải dài. Rồi thì im vắng lại trở về. Tất cả lại hoang vu, tịch mịch.

* * *

Không biết bây giờ là mấy giờ đêm? Tiếng ồn ào, tiếng máy chạy, tiếng cửa mở, tiếng người ta gọi nhau ơi ới làm tôi tỉnh giấc. Cái hãng đóng đồ hộp này có sinh hoạt gì về đêm sao lạ quá? Tiếng dao bằm trên thớt, đều một nhịp, vang động, leo lên từng gác khiến tôi liên tưởng tới một bữa cỗ vĩ đại tại đình làng trong ngày hội với cả trăm gái trai tới đây để giã giò, băm chả, thái thịt, mổ heo và tiếng dao thớt vang lên một nhịp tạo thành những âm thanh vui tai.

Già Tư, người gác-dan của hãng đứng trước cửa đếm từng gánh cả quẩy vào. Ông quản lý đang nhịp nhàng, thành thạo đẩy những nấc trên bàn cân, đè nặng bởi những giỏ cần xé đầy cá trích. Bên trong của hãng là cả một hình ảnh lạ mắt. Có lẽ đến cả mấy chục người, từ đàn bà, cô gái và cả trẻ em nữa. Trước mắt họ là những chiếc ki chất đầy áp cá với một miếng gỗ nhỏ làm thớt và một con dao phay nhỏ nhọn đầu. Đây là những người sống bằng nghề chặt đầu cá, một nghề thật bất thường và kỳ lạ.

Mùa cá ở đây thường bắt đầu vào khoảng Tháng Sáu, Tháng Bảy. Khi đó những đoàn ghe ra biển bất kể ngày đêm và cá vào bến cũng không chừng độ, có khi sáu, bảy giờ chiều, có khi cả ban đêm. Đối với những loại cá không thể đóng hộp họ thường đem phơi hay làm nước mắm, hoặc ướp nước đá để đem về bán ở các thành phố. Đối với các loại cá đặc biệt như cá nục, cá trích, cá mòi hầu như họ dành hết cho hãng đóng đồ hộp này. Và hôm nay cá về vào lúc nửa khuya. Hãng cho đi gọi những người chuyên sống bằng nghề chặt đầu cá đến để kịp đưa vào phòng lạnh. Những người này hầu như đã quá quen với lối kiếm ăn này. Bất kể lúc nào, dù đang ăn dở bữa cơm, dù họ đang say sưa trong giấc ngủ, nghe tiếng gọi họ đều tíu tít bảo nhau, mang theo một con dao của riêng của họ, đến cái hãng đồ hộp dường …như cũng đang ngái ngủ thức giấc lúc nửa đêm.

Tôi cũng đã nghe nhiều bạn chài nói không hiểu sao mấy năm gần đây, cá mòi một loại cá có nhiều dầu, xương mềm, đóng hộp ngon lắm đã mất hẳn ở vùng biển Phan Thiết. Một vài người có vẻ thành thạo hơn cho rằng biển bây giờ loang nhiều vết dầu do tàu của hải quân đi lại trên biển khiến cá mòi là loại cá sống nhờ các vi sinh vật trên mặt nước, đã rủ nhau đi những vùng biển khác trong lành hơn. Song cũng có người tin rằng có cái gì đó kỳ bí đã quyết định số phận của họ chẳng hạn như Ông Thần Biển kia. Có những mùa, cá mòi đánh được không bao nhiêu mà kể, hãng đồ hộp nhận không hết, phải đem phơi khô. Song có mùa hoàn toàn mất trắng tay. Thế thì chuyện gì cũng có Ông Thiên sắp đặt cả.

Tôi ngồi xuống, bên cạnh một cụ già mặt nhăn nheo và gầy khẳng khiu để xem bà chặt cá. Bên cạnh là một em bé còn nhỏ lắm, có lẽ khoảng tám hay chín tuổi. Tôi ngạc nhiên và thích thú với đôi bàn tay thoăn thoắt của em. Những con cá được ném ra với tốc độ đều đặn. Chỉ cần năm lát thôi. Lát thứ nhất chặt đầu, lát thứ hai moi bụng, lát thứ ba, thứ tư đánh vẩy hai mặt, lát thứ năm chặt đuôi, thế là xong. Con cá được ném vào cái ki bên cạnh. Thân hình bé nhỏ của em như muốn ngập lút vào những đống cá đầy ắp. Cả con dao dường như cũng quá to lớn với đôi tay của em, đôi bàn tay bé nhỏ, xinh xắn. Em bé chăm chú làm với dáng vẻ thật nghiêm trang. Cái vẻ thành thạo của em khiến tôi có ý nghĩ ngộ nghĩnh có lẽ em biết chặt đầu cá từ lúc còn nằm trong bụng mẹ.

Thế nhưng đầu óc của tôi chợt lan qua một ý nghĩ khác. Tại sao lại như thế? Em còn bé quá mà đã phải lao đầu vào cuộc mưu sinh. Em phải đi làm vào giữa lúc mà hàng triệu em bé khác đang say nồng trong giấc ngủ, bên nệm ấm chăn êm, bên vòng tay trìu mến của các bà mẹ. Tại sao vậy? Lòng tôi bỗng dấy lên một cảm giác se thắt.

Tiếng dao thớt vẫn vang động từng nhịp dường như đã trở thành một thứ âm thanh kích thích mọi người lao mình và say mê với công việc. Tôi đứng yên lặng và dường như bất động. Sự suy nghĩ của tôi lúc này đặc cứng lại và nó bị cuốn hút vào một nỗi buồn. Gần hai mươi năm sống quanh quẩn ở Sài Gòn, tôi đã từng chứng kiến các em nhỏ bươi những đống rác để kiếm lon đồ hộp, mảnh ve chai và các mảnh dép nhựa ny-lông dọc theo Xa Lộ Biên Hòa. Thời buổi bấy giờ người ta e ngại khi nói tới chuyện công bằng và đạo đức. Bởi lý do đơn giản, anh sẽ chỉ là kẻ đạo đức giả khi anh không làm gì hết để thay đổi thực trạng, trong khi thâm tâm anh vẫn mong mỏi có một cuộc sống giàu có và hạnh phúc hơn những người khác mà miệng anh lại nói ra toàn chuyện công bằng, bác ái. Tôi nhìn em bé một lần nữa và nở một nụ cười nhẹ nhàng. Tôi không muốn nói gì hơn, không muốn suy nghĩ thêm nữa và bước ra ngoài.

Con đường dẫn ra bến cá khuất nẻo bởi những căn nhà lụp xụp, bởi hàng rào kẽm gai và những rặng cây dại. Dưới bóng đêm và những ngọn đèn hiu hắt, những dấu chân người hỗn độn nằm trên cát, vương vãi đâu đó một vài con cá nằm im lìm. Những cô gái vai quẩy đôi quang gánh nặng chĩu và đi nhanh như chạy. Hầu như các cô đều ở vào lứa tuổi mười sáu hay mười bảy. Cô nào cũng khỏe mạnh và nhanh nhẹn như những con tôm giảo. Các cô tranh nhau gánh cho nhanh, các cô nói chuyện với nhau bằng cái giọng địa phương nghe ngộ nghĩnh.

Đêm nay bến chài Bình Hưng, cuộc sống bừng lên ở góc này. Nó âm thầm đối với những người đang mơ màng trong giấc ngủ. Nhưng nó sống động với những con người đang lăn lộn với cuộc sống cần khổ. Nó cũng ẩn chứa trong đó, vất vả có, cay đắng có, hy vọng có, hồn nhiên có và yêu đời cũng có. Không biết nó còn kéo dài bao lâu nữa. Tiếng cười trong trẻo của của một cô nào đó, dù đã khuất bóng nhưng vẫn còn lảnh lót tới đây.

Giờ đây mặt biển chan hòa với ánh trăng. Từng giải mây trắng nhè nhẹ, lững lờ bay, che khuất mảnh trăng hình lưỡi liềm nằm vắt vẻo. Gió lạnh thổi đem theo những đợt sóng thở rì rào, hiu hắt. Đám cột buồm của những ghe chài không ra khơi đêm nay nằm ngủ mơ màng. Ngắm nhìn những hàng tre, nứa, những cột chà cắm ngả nghiêng trên mặt biển, giữa màu sáng lung linh mờ ảo tôi liên tưởng tới đêm trăng trong thế giới huyền ảo của danh họa Henri Rousseau (*). Biển và đêm ở đây không chết, nó cũng không ngủ. Nó như một con trăn khổng lồ đang chuyển mình. Nó như muốn vỗ về giải cát nằm uốn lượn, hay ru cái thành phố nhỏ bé này đang êm đềm trong giấc ngủ…bằng một bản tình ca:

Gió ơi, em lạnh cho lòng ta ngây ngất.

Biển ơi, hãy hát lên đi.

Hãy bóc bỏ trái tim lồng lộng của mình để nghĩ về cái sinh hoạt đang diễn ra ở đây.

Hãy đặt trái tim nóng bỏng trên tay mình để chiêm ngưỡng những giây phút kỳ diệu của cuộc sống mà ta tưởng chừng như muôn đời kéo lê một cách vô nghĩa.

Tôi nhìn lên trời, ngắm nhìn mảnh trăng vô định. Bây giờ trái tim tôi bỏ ngỏ. Cái hãng đóng đồ hộp vẫn rộn rã. Tiếng băm trên thớt vẫn vang đều một nhịp, nhưng căn gác nhỏ bé của tôi trông sao hoang vắng. Tôi quay trở lại và gió biển thổi qua cánh cửa sổ vẫn mát rượi và con đường trước mặt vẫn im lìm dưới bóng trăng. Bóng dáng của Sài Gòn, của các bạn bè thân yêu chạy qua trong đáy mắt với chút nhớ nhung…đã ru tôi vào giấc ngủ chập chờn.

Xin cám ơn biển và xóm chài Bình Hưng đã cho tôi những cảm nghĩ thật rung động và kỳ lạ trong đời.

Đào Văn Bình
(Trích tuyển tập “Mê Cung” Ananda Viet Foundation xuất bản, Amazon phát hành)

(*) Danh họa Pháp (1844-1910) thuộc Trường Phái Hậu Ấn Tượng (Post Impressionist) nổi tiếng với tác phẩm “The Sleeping Gypsy” vẽ một con sử tử ngắm nhìn một người dân du mục đang nằm ngủ dưới bóng trăng.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.120 giây.