Nông dân Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội kết thúc hôm 14/9/2020. VNA via Reuters
Giữa trận bão dư luận về bản án sơ thẩm vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (vụ án Đồng Tâm), Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) ban hành Hướng dẫn Công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN (1)…
Nếu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân (từ 20/10/2020 đến 10/11/2020) nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với đảng, làm cho ý đảng hợp với lòng dân… thì đảng có tập hợp ý kiến của hàng triệu người về phiên xử sơ thẩm và phán quyết sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm” để chỉnh sửa cả dự thảo văn kiện lẫn tổ chức thảo luận ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 và trả lời cho nhân dân một cách rõ ràng, rành rọt?..
Tại sao nửa đêm lại xộc vào nhà, bắn hạ một cụ ông tàn tật? Tại sao tử nạn do trượt chân lại hóa anh hùng? Tại sao điều tra như thế, xét hỏi như thế mà lại tuyên án tử hình hai người con trai của cụ Lê Đình Kình và phạt cháu cụ tù chung thân?... như Nhân Thế Hoàng (2) và hàng triệu người khác thắc mắc? “Vụ án Đồng Tâm” là trường hợp mới nhất, rõ nhất cho thấy ý đảng khác xa với lòng dân. Trong khi cơ quan ngôn luận của đảng thay đảng khẳng định, phiên xử sơ thẩm là kết hợp hài hòa giữa sự nghiêm minh và tính nhân văn (3) thì cả triệu người cho đó là một hình thức “tru di tam tộc”. Có người như bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh: Chẳng lẽ “nhân văn” là hành hình một lão nông giữa đêm tại nhà của ông? Dám thay đổi tự điển nhưng có thay đổi được lòng dân (4)?
Cũng đã có những facebooker như Thận Nhiên cho rằng: Nếu bản án sơ thẩm về “vụ án Đồng Tâm” không bị hủy bỏ hay cải sửa bằng một phiên xử công minh, từ nay về sau, nhắc đến đến dòng họ Lê Đình người ta sẽ nhớ đến hai từ “tru di” và ngược lại. Điều đó sẽ như một vết chàm trên mặt của lịch sử và trên mặt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (5). Rất nhiều người do uất hận mà dọa như Lê Hoài Anh: Những kẻ bất nhân tru di tam tộc người vô tội sẽ trả giá tới cửu tộc (6)! Bên cạnh những người làm văn tế cụ Kình, có không ít bày tỏ sự bất bình, căm giận qua các bài thơ như ông Bùi Chí Vinh với Tru di tam tộc hành (6)…
Tru di ta viết một bài hành
Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
Giúp nhà Lê mã đáo công thành
Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
Giết đời cha, con, cháu cho đành
Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
Công thần thua một lũ hư danh
Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh
Tru di ta viết một bài hành
Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh
Hai con án chết đầy oan khốc
Một cháu chung thân xử rành rành
Tam tộc một đời đi theo Đảng
Tưởng thời phong kiến mới lưu manh
Không ngờ thế kỷ 21
Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
Ba đời máu chảy vẫn còn tanh
Tru di ta viết một bài hành
Quả báo ngày nay đến rất nhanh…
***
Nếu cuộc đột kích vào Đồng Tâm hồi đầu năm nay khiến dân chúng sửng sốt về tàn bạo của hệ thống công quyền và công an Việt Nam thì bản án sơ thẩm mà tòa án vừa tuyên khi xét xử “vụ án Đồng Tâm” khiến dân chúng căm giận vì sự man rợ, càn rỡ của đảng và hệ thống chính trị Việt Nam. Lần đầu tiên, mạng xã hội và các diễn đàn điện tử Việt ngữ tràn ngập những ý kiến răn đe, giáo dục đảng và các cá nhân có liên quan về… quả báo!
Phùng Thanh Sơn lưu ý về việc cần phải tổ chức thực nghiệm điều tra – điều mà hệ thống tư pháp đã loại bỏ, nếu không, không thể ngăn ngừa được sự thù hận, ngay cả những cá nhân được giao nhiệm vụ thi hành án tử hình hai người con trai của cụ Kình cũng sẽ bị ám ảnh bởi có nhúng tay vào máu người vô tội hay không… Theo Sơn, nhân danh công lý mà không làm sáng tỏ thì không thể chứng tỏ chính nghĩa. Vấn đề không chỉ là cá nhân ông Lê Đình Công hay ông Lê Đình Chức mà vấn đề là cả xã hội sẽ nhìn vào bản án để tin tưởng hay rùng mình như Nguyễn Du từng đề cập khi viết Kiều: Nỗi niềm tưởng đến mà đau. Thấy người nằm đó, biết sau thế nào (7)?
Từ khi xảy ra vụ đột kích vào Đồng Tâm đến nay, nhân dân nhiều giới, ở nhiều nơi đã có vô số ý kiến, đề nghị. Bản án sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm” chỉ làm thiên hạ nổi giận, không “răn đe, giáo dục” được ai. Người Việt đang tiếp tục mời gọi nhau ký tên phản đối bản án sơ thẩm này (8). Khi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho đảng, Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng nên chú thích, có nhận góp ý về… “tru di” hay không?
Trân Văn (VOA)
_______________
Chú thích
(1)
https://www.tienphong.vn...iii-cua-dang-1722538.tpo(2)
https://www.facebook.com...g/posts/3249508091805410(3)
https://nhandan.com.vn/b...a-tinh-nhan-van--617193/(4)
https://www.facebook.com.../posts/10159093626726122(5)
https://www.facebook.com...0/posts/4333805543357609(6)
https://www.facebook.com...5/posts/3046629908780272(7)
https://www.facebook.com...1/posts/3442025792485791(8)
https://secure.avaaz.org...rong_phien_toa_dong_tam/