Một câu hỏi khác mà người ta thường hỏi tôi là, “Người Trung Quốc sống như thế nào dưới sự cai trị của cộng sản?”, và tôi lại nói một lần nữa rằng dân chúng ở Trung Cộng sống hoàn toàn giống như dân chúng ở Nga, Ba Lan, Hungary, hay Đông Đức sống. Hàng hoá có sẵn có thể khác nhau ở mỗi nước, nhưng động cơ và không có tự do thì giống nhau. Đại đa số dân chúng không còn chút thời gian hay sức lực nào để quan tâm đến chuyện gì khác ngoại trừ cuộc đấu tranh sinh tồn cá nhân. Vậy thì: “Sức mạnh của cộng sản tồn tại ở đâu?”.
Giống như nước Nga thời Sa hoàng, nơi giới tư sản thượng lưu vì quyền lợi của mình (theo Lê nin là được “hối lộ”) mà ủng hộ tầng lớp quý tộc cai trị, tương tự như vậy động cơ của giới đặc quyền ở tất cả các nước cộng sản cũng đều nhắm vào việc ủng hộ quyền lực mà có thể phân phát tuỳ ý những thành quả của lao động nô lệ. Trong mỗi nước đều có những người, đặc biệt những người trẻ đầy hứa hẹn, mà muốn “ thành công” và đặc quyền, muốn cho con cái họ học trường tốt hơn, cho vợ kỳ nghỉ tốt hơn. Cũng có những người không muốn dính dáng gì đến chính trị và giá như chính trị để cho họ yên thì họ cũng chẳng đụng chạm gì đến chính trị. Những người sau này, mặc dù thờ ơ chính trị, vẫn ủng hộ tiêu cực chính quyền cộng sản nhưng chính những người tham vọng mà quyết tâm vươn lên bằng mọi cách mới chính là những người tạo ra sức mạnh cho chính quyền cộng sản.
Minivan Djilas, trong cuốn sách của ông, Giai cấp mới, phân tích về chủ đề này và kết luận rằng sự thăng tiến vào “giai cấp thống trị ” của những người bị tham vọng thôi thúc này là tất yếu.
Ta có thể hỏi làm thế nào một người tham vọng, trong những người tham vọng, biết cách thăng tiến và thành công? Bước đầu tiên là phải trở thành đảng viên mang thẻ đảng. Nhưng đó cũng chưa đủ. Ta phải được nhận xét trong hồ sơ đảng viên là một đảng viên “tích cực”. Làm thế nào ta trở thành đảng viên “tích cực”? Tham dự thường lệ tất cả các sinh hoạt Đảng và các cuộc họp nhóm cũng không đủ. Ta không được im lặng. Khi một người bạn đáng thương bị đấu tố (tức là" bị đánh" và bị phê bình, bị vạch mặt và bị phỉ báng và bị lên án), thì đảng viên tham vọng ấy phải nói to hơn ai hết; y phải nói với sự thể hiện xác tín và với những lời lẽ cộng sản rập khuôn. Đấu tố sẽ thất bại nếu các buổi đấu tố quá im lặng và chẳng có ai bị lên án. Phải tìm cho ra người để lên án. Phải tìm cho ra người để tố cáo. Nếu những kẻ quyết tâm thành đạt này không có người quen để y có thể đả kích, thì y có bạn bè; nếu không bạn bè, thì có cha mẹ của y hay anh chị em của y. hay anh chị em họ hàng của y. Y cứ tiếp tục làm như thế mãi. Đến lúc này y đã thuyết phục được chính ủy rằng y xứng đáng với danh hiệu đảng viên "tích cực". Y được tin tưởng; y được thăng chức, được giao phụ trách một phòng ban; y trên đà thành đạt. Đây là câu chuyện phổ quát ở tất cả các nước cộng sản về sự thăng tiến của những người trẻ đầy mưu mẹo, tham vọng, "xảo quyệt" hơn nhiều mà tạo thành sức mạnh của Đảng cai trị. Các cuộc thanh trừng định kỳ đưa ra kỷ luật nhằm loại bỏ những kẻ kém nhiệt tình và ít vô lương tâm hơn và ràng buộc chặt chẽ hơn những đồng chí trung thành, qua đó đạt được sự gắn bó càng lớn hơn nữa trong thành phần cai trị. Chế độ cứ thế tồn tại mãi mãi.
Lâm Ngữ Đường
Lâm Ngữ Đường (1895-1976) là nhà văn, nhà ngôn ngữ học, dịch giả người Trung Hoa.
23/09/2020
Trần Quốc Việt dịch
Tựa đề tiếng Việt của người dịch
Nguồn: Trích dịch từ lời đề tựa của Lâm Ngữ Đường cho tác phẩm Anh ngữ "Mười năm giông bão-câu chuyện thật sự của chế độ cộng sản ở Trung Quốc" của tác giả Chu Kinh Văn, nhà xuất bản Holt, Rinehart and Winston, New York, 1960.