Nhà văn Thiên Sơn, tác giả "Đại Gia"Courtesy tinmoi.com photo Hành xử vô pháp luậtTrong khi câu chuyện luận văn của Nhã Thuyên vẫn còn âm ỉ trên cả hai lề báo chính thống và mạng xã hội thì vụ cấm cuốn tiều thuyết "Đại Gia" của nhà văn Thiên Sơn như một gáo dầu tạt vào đám lửa đang cháy. Rất nhiều câu hỏi đặt ra trước động thái này của Cục Xuất bản, nơi đang chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của mình trong việc sinh sát các tác phẩm được ấp ủ và cưu mang của nhiều nhà văn mà ý tuởng của họ là cố tìm cho ra cái mới, cái khác lạ để đóng góp vào dòng văn học nước nhà.
Văn học phê bình từ rất lâu đã tỏ ra thiếu sức sống nhưng lại thừa những cây bút rất sinh động trong ngôn ngữ tấn công. Những bài viết cao giọng kêu gọi cả hệ thống trừng phạt một phụ nữ mang nghiệp giảng dạy văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa vì chị trót tin và đặt cuợc cả sự nghiệp của mình vào một luận văn mang tính khoa học, khảo luận về tính chất bên lề của những người đi theo khuynh hướng hậu hiện đại.
Bài luận văn bị xỉ vả nặng lời vì những người viết các bài viết ấy tuởng họ đều là Thẩm phán của Tòa án Văn học, trong khi vị trí thật của họ chỉ là người chạy công văn chưa bao giờ hiểu cặn kẽ phê bình văn học là gì.
Giống như thế, tiểu thuyết "Đại Gia" của nhà văn Thiên Sơn đang nằm trong ngăn kéo của nhà xuất bản Lao Động mặc dù đã được in ra và được phép xuất bản nhưng trong khi chờ lưu chiểu thì Cục Xuất bản cấm phát hành vì cho là có vấn đề.
Tờ Thanh Niên Online loan tin: ngày 31 tháng 7 vừa qua Cục Xuất bản đã có công văn yêu cầu nhà xuất bản Lao Động, nơi in tác phẩm Đại Gia, đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết này gồm 2 tập, tập 1: Tam giác ngầm, tập 2: Quyền lực đen. Giống như tình trạng của luận văn Nhã Thuyên, Cục Xuất bản còn đề xuất lập hội đồng thẩm định và phương án xử lý với cuốn sách. Lý do: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có những nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc”.
Nhà văn Thiên Sơn tác giả Đại Gia cho biết chi tiết hơn về đứa con tinh thần chết non của ông:
-Cuốn sách này đựơc chấp nhận kế hoạch xuất bản. Nhà xuất bản Lao Động được Cục Xuất bản chấp nhận và đã in ra nhưng theo luật Việt Nam thì khi in ra cần phải có thời gian để nộp lưu chiểu cho người ta xem xét lại mới được phát hành. Quyển sách này mới ở giai đoạn vừa in ra thôi và nguời ta yêu cầu dừng lại để muốn lập một hội đồng để thẩm định lại để xem nó được phát hành hay giữ nó lại. Hiện thời nội dung nó mới dừng lại ở đấy.
Công văn này là một bằng chứng sinh động cho thấy cách hành xử vô pháp luật trong hoạt động xuất bản. Cục Xuất bản đã làm việc theo một quy trình ngược khi cho phép nhà xuất bản in trước khi nhận giấy phép phát hành tác phẩm.
Đáng lẽ bản thảo phải được nhà xuất bản xem xét nội dung và nếu cảm thấy bạn đọc thích thú thì bản thảo này sẽ đựơc gửi cho Cục Xuất bản thẩm định. Sau khi xem xét, Cục Xuất bản gửi lại cho Nhà xuất bản để biên tập và khi hoàn chỉnh sẽ gửi lại cho Cục lần thứ hai xem có sự thay đổi quan trọng nào cần phải được duyệt xét hay không. Bước thứ ba, khi Cục Xuất bản đã chấp thuận thì nhà xuất bản tiến hành in và nộp lưu chiểu cho Cục căn cứ theo bản thảo đã được duyệt xét. Nếu tác phẩm không sửa sang hay thay đổi gì quan trọng thì Cục Xuất bản không được quyền ngăn cấm quyền phát hành của nó.
Nhà văn Thiên Sơn cho biết về việc này:
-Theo luật xuất bản của Việt Nam thì không có kiểm duyệt lúc ban đầu. Việc kiểm duyệt do nhà xuất bản quyết định nhưng cuối cùng sau khi in ra thì tùy vào sự cho là có vấn đề gì thì có thể phía bên trên sẽ có ý kiến. Trong trường hợp này thì ý kiến từ Cục Xuất bản, riêng vê phía nhà xuất bản thì từ trước tới nay mọi chuyện đã xong hết và toàn bộ đều hợp pháp.
Một lần nữa chế độ tập quyền lộ rõ sự quan liêu và tùy tiện trong việc xét duyệt một tác phầm thông qua cảm tính và nhận thức mơ hồ về chính trị. Mỗi một Cục truởng có toàn quyền ban phát cho hay không cho đối với sự ra đời của cuốn sách qua một từ duy nhất là “nhạy cảm”.
Tai hoạ của quốc gia là điều "nhạy cảm"?Tiểu thuyết "Đại Gia" nhạy cảm ở chỗ nào? dâm ô, bạo lực hay chống phá cách mạng như cách mà nhà nước thường kết luận cho những tác phẩm văn học ngoài luồng? Đìêu đáng ngạc nhiên là tác phẩm này chỉ viết về những gì đang xảy ra trong xã hội cộng với những hư cấu bình thường mà bất cứ tiểu thuyết nào viết theo motif hiện thực cũng đều áp dụng.
Nhà văn Thiên Sơn viết trên bìa cuốn sách: “Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khát khao chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi con người. Để rồi cuối cùng chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế nào? Mong muốn lớn nhất của tôi là cuốn sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu, sẻ chia và chúng ta sẽ cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động chung nhằm mang lại những gì tươi sáng hơn cho tương lai”.
Cách nhìn tác phẩm của quan chức văn hóa thật sự đang tàn phá cả nền văn học. Giống như sự khủng bố đối với Nhã Thuyên, nhà văn Thiên Sơn bị dồn vào bóng tối do sự thao túng quyền lực để tính toán lại sự phí phạm thời gian, công sức của mình vào tác phẩm và cuối cùng nhận một phán xét của bà bán rau trong một phiên chợ ế.
-Tôi thấy tác phẩm văn học thì nên nhìn nó ở khía cạnh văn học. Không biết công văn đó nhận định thế nào nhưng quan điểm của tôi thì văn học cần phải nhìn ở góc độ nghệ thuật mà không nên nhìn dưới góc độ xã hội học. Tức là soi chiếu tác phẩm ấy xem tác phẩm ấy nó có bê nguyên hiện thực hay không hay nó như thế nào? Quan điểm của tôi thì đó là cách nhìn mà tôi cho là chưa sát hay hợp với cách xem xét một tác phẩm văn học.
Sự “nhạy cảm” mà công văn ghi nhận không xa lạ trong đời sống hiện nay. Bao nhiêu thứ được gọi là “nhạy cảm” đang biến khuôn mặt xã hội Việt Nam nhăn nhúm như bị đắp một lớp vữa rẻ tiền cố che những khe nứt rồng rắn trên mặt bằng chính trị. Lớp vữa kém phẩm chất ấy được quan chức sử dụng một cách phung phí để đắp lên điều mà nhà văn Thiên Sơn đã cố hết sức mình kêu gọi sự chú ý của người đọc, trong một cuộc phỏng vấn ông cho biết:
“Cuốn sách viết trong 30 tháng liên tục từ tháng 12 năm 2008 và kết thúc vào tháng 6 năm 2011. Khó khăn khi viết cuốn sách này là phải nắm được bức tranh toàn cảnh của cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước vốn là bối cảnh chính của cuốn sách. Sau đó, là tập trung vào nhận diện những mặt cơ bản nhất của cuộc khủng hoảng và những thủ đoạn thao túng của một số đại gia không chỉ làm tha hóa cán bộ mà còn gây thêm những rối ren cho nền kinh tế để mưu lợi cho riêng mình. Tôi đã làm việc miệt mài, xử lý một lượng thông tin khổng lồ và phân tích một cách sâu sắc có hệ thống toàn bộ những biến thái của cuộc khủng hoảng để cuối cùng, tìm ra những khía cạnh bản chất. Ngoài ra, những khó khăn muôn thuở của nghề văn trong việc dựng nhân vật, tạo các mối quan hệ, kịch tính, chọn chi tiết đắt… đặt ra những thách thức ngặt nghèo. Việc xuất bản cuốn này cũng là một khó khăn lớn, cuốn sách đã trôi nổi qua hơn 10 nhà xuất bản, may sao cuối cùng nó cũng đến tay bạn đọc.
Vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng là vấn đề nóng hổi, đang đặt ra đầy thách thức đối với đất nước ta. Việc các đại gia sử dụng tiền bạc, gái đẹp làm tha hóa cán bộ cũng là chuyện diễn ra hàng ngày, được nói đến trên báo chí rất nhiều, nhưng vì những khó khăn trong xuất bản, vì gai góc, vì khó thâm nhập sâu vào hệ thống tư liệu chăng, mà các nhà văn của ta ít đụng bút đến.”
Hành vi "nhơ nhớp" của lãnh đạo văn hoáNhững vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng mà tác giả muốn truyền đi chính là cái được gắn cái tên mỹ miều “nhạy cảm”. Ba mươi tháng liên tục bỏ ra cho cuốn sách đối với quan chức văn hóa chỉ đáng giá một tiệc nhậu vì người ta vẫn quen xem sự sáng tạo trong văn chương phải được phép mới có thể lưu hành. Giống như Cảnh sát giao thông, Cục Xuất bản tự cho mình quyền thổi còi bất cứ nhà văn nào vốn coi quyền sáng tác là hiển nhiên đối với người cầm bút.
Nhà văn muốn tránh sự áp đặt chính trị sẽ gặp những diễn giải đáng ngạc nhiên từ quan chức văn hóa khi viết về hiện thực cùng những nhơ nhớp của nó. Công văn ghi: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có những nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc” không khác gì một tấm chăn rách cố che sự thất bại của ngôn ngữ. Người đọc trở thành trẻ con, bệnh tật nên rất cần một cô giáo mầm non trông nom để tránh xa “cường điệu, chủ quan và không có lợi”.
-Thực ra thì không có nhà văn nào thoát khỏi hiện thực. Hiện thực bao giờ nó cũng là điểm khởi đầu và cũng là hướng đến của văn học thôi. Nhà văn nói chung khi sáng tác không ai đứng ngoài hiện thực cả. Thực ra một tác phẩm hiện thực được đưa vào văn học thì nó đưa khía cạnh bản chất của nó và nó đã đựơc hư cấu tái tạo rồi. Trong cái hiện thực xã hội nó cũng có những vấn đề như vậy. Còn người ta nói nhạy cảm thì tôi nghĩ rằng chúng là những hiện thực đã đựơc phổ biến và công khai hết rồi, mọi người đều nhìn thấy rồi.
Cái này chưa nên đặt vần đề gì vê nhà nuớc bởi vì đây có thể là một vài người nào đó đọc và họ thấy là cần phải xem xét lại chứ chưa có một kết luận nào. Tôi chỉ có ý kiến là nên xem xét tác phẩm văn học đúng như sự tồn tại của nó, tức là một tác phẩm hư cầu và không nên làm cho mọi thứ nó khác đi. Tôi nghĩ nếu nhìn văn học đối với một tác phẩm hư cấu và hãy nhìn nó với giá trị thẩm mỹ đó ở những kỹ thuật sáng tạo văn chương đó thì cuốn sách rất thoải mái. Còn nếu chúng ta nhìn nó dưới góc độ xã hội học thì nó không hay và nếu như vậy thì soi mói quá làm cho nhà văn khó khăn và làm cho sự sáng tạo văn học không được thoải mái vì bản chất của sáng tạo là tự do.
Cứ mỗi một cuốn sách bị cấm vì soi mói thì vết lăn của bánh xe văn học càng cạn cợt. Chiếc xe vốn đã nhẹ tênh nay bị vứt xuống đất những tác phẩm mang tính văn học, trong đó có "Đại Gia", đìều này cảnh báo rằng độc giả, khách đón xe cũng sẽ chọn một thái độ khác cho nhu cầu đọc sách của họ: đón chiếc xe văn học trên mạng Internet, nơi mà cánh tay cầm búa của Cục Xuất bản sẽ khó mà gõ được tiếng động có tên “nhạy cảm, cường điệu, chủ quan và không có lợi”.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 10/08/2013 lúc 10:02:32(UTC)
| Lý do: Chưa rõ