Hình minh hoạ. Áp phích tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019. Reuters
Báo mạng Đại Đoàn Kết, cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi đưa tin về Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13 diễn ra vào ngày 5/10 vừa qua đã có bài viết ‘Chọn cán bộ cho Đảng cũng là chọn cán bộ cho Nước, cho Dân’.
Từ Hà Nội, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự cho rằng cần phải phân biệt thật rõ việc tuyển chọn cán bộ là cho ai. Ông nói:
“Một trong những thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi của người ta là người ta đánh đồng một nhóm người trong Đảng cộng sản Việt Nam với nhân dân, dân tộc. Trong sự đánh đồng tù mù như thế thì họ coi lựa chọn cán bộ cho Đảng cũng là lựa chọn cho nhân dân, cho dân tộc. Phải nói thật rõ ràng và rành mạch là Đảng cộng sản Việt Nam là một Đảng chính trị và họ lựa chọn cán bộ là lựa chọn cho Đảng của họ, không thể đánh đồng với nhân dân.”
Đồng quan điểm nêu trên, Tiến Sĩ - Bác Sĩ Đinh Đức Long, nguyên Trung Tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, đã từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho rằng:
“Thực ra đây là cán bộ do Đảng chọn chứ dân có chọn đâu nên trên thực tế cán bộ chọn cho Đảng chứ không phải cho dân vì dân không có quyền bầu chọn. Họ bầu cán bộ là đại hội Đảng bầu cán bộ, chủ yếu là do Đảng chọn trong số Đảng viên. Như ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước có nói ‘cương lĩnh của Đảng đặt lên trên Hiến pháp’ mặc dù lý thuyết thì Hiến pháp là cao nhất nên chọn cán bộ là chọn cho Đảng chứ không phải cho dân cả trên lý thuyết và thực tế.”
Trao đổi với RFA tối 7/10, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Đảng sống tại Sài Gòn xác nhận hiện thực này:
“Câu chuyện đó người ta nói dài dài, riêng chuyện chọn thì có 5 bước lựa chọn nhưng điều quan trọng nhất là đòi hỏi, theo tôi và những người quen biết có đòi hỏi là phải công khai, minh bạch. Cụ thể là bên Quốc hội mỗi năm, năm ngoái có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thì lãnh đạo Quốc hội bỏ phiếu hết rồi quyết định bên Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng bỏ phiếu công khai; sau đó Ban Chấp hành trung ương cũng có cuộc bỏ phiếu đó không công khai, không biết thế nào. Bây giờ cách làm dân sự cũng thế, tức nghe thì công khai nhưng làm khép kín.”
Phát biểu tại cuộc họp ngày 5/10, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Báo Đại Đoàn Kết trích dẫn cho biết công tác cán bộ được xác định là gốc của mọi vấn đề, là “then chốt của then chốt” vì "chọn cán bộ cho Đảng cũng là chọn cán bộ cho nước, cho dân".
Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng phải có con mắt tinh đời khi nhìn nhận, đánh giá, chọn lựa, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, không thể “cua cậy càng, cá cậy vây” ảnh hưởng tiêu cực đến công tác cán bộ.
Nhận xét về nội dung ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra, Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng:
“Quy trình họ nói công khai, tiêu chuẩn của họ nghe rất hay nhưng cái chính là gần 100 triệu dân nhưng họ chỉ chọn trong mấy triệu Đảng viên thì cái đấy chắc chắn không có tính đại diện. Thứ nhất Đảng không đại diện cho đất nước, cho dân tộc, nên chọn những người Đảng viên lại càng không phải đại diện người dân. Còn câu chuyện nội bộ của Đảng thật ra họ giám sát nhau chứ dân không có quyền giám sát. Nói về mặt thực tế thì tổ chức Đảng và số lượng Đảng viên không đại diện cho đất nước, dân tộc.”
Ảnh minh họa: cuộc bỏ phiếu bầu cho Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 10 năm 2018. AFP
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, phát biểu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước dù được nhiều nhận định đánh giá là khẩu hiệu chung chung, nhưng ông cho rằng có thể nó đem lại ý nghĩa nhất định cho Đảng cộng sản Việt Nam. Ông giải thích:
“Bởi vì Đảng cộng sản Việt Nam mà không chọn ra được những người tử tế để lãnh đạo đất nước dù lãnh đạo một cách độc quyền và chiếm đoạt quyền đấy của nhân dân, cán bộ hư hỏng thì uy tín của Đảng chính trị sẽ bị đó mất đi. Khi người dân có quyền thực sự lựa chọn thì trong cuộc bầu cử công bằng, minh bạch thì Đảng đó có thể bị thất bại.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay Đảng được mọi người quan tâm là làm sao có thể minh bạch thông tin để cho người dân được biết, từ đó có thể được tham gia đóng góp ý kiến bầu cử nhân sự từ lúc đầu.
Vẫn theo Luật sư Trần Quốc Thuận, bản thân là cán bộ cao cấp ở thành phố nhưng lựa chọn nhân sự cũng không để ông biết nên không thể góp ý kiến. Do đó, để thực hiện câu chọn cán bộ cho Đảng cũng là chọn cán bộ cho dân, cho đất nước được thực hiện đúng bản chất, ông đề nghị:
“Điều chưa làm tốt và rất khao khát ở Việt Nam là khao khát thông tin mà người ta (người dân) được tham gia dân sự, đường lối chủ trương. Mà muốn tham gia thì phải có qua có lại, không phải kiểu ‘đồng chí thấy người nào tốt thì giới thiệu’ thì không biết giới thiệu đi đâu, làm thế nào giới thiệu.”
Hoặc nếu phía lãnh đạo Đảng chưa thể minh bạch thông tin đến với rộng rãi người dân thì ít nhất, nội bộ Đảng cũng phải nắm được thông tin để đóng góp ý kiến, tham gia thảo luận. Đồng thời, phía lãnh đạo Đảng khi nhận được những góp ý phải hồi đáp, trả lời, giải thích công khai:
“Nói thế nào chỉ chọn trong cái lõi, cụ thể là Bộ Chính trị chọn rồi các ban của Đảng chọn, còn dưới địa phương thì cấp ủy lãnh đạo trong thường vụ, chưa chắc các thành phần được tham gia chọn. Nên việc chọn này rất dễ dẫn đến bè phái, tiêu cực. Người ta đòi hỏi dân chủ ít ra phải được thực hiện trong nội bộ Đảng thì đến giờ vẫn chưa thực hiện được thì đó là điều Đảng tiếc, rất buồn.”
Từ góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ hy vọng:
“Mong muốn của người dân là nếu người dân được tự chọn lãnh đạo cho mình thì phải có những cuộc bầu cử tự do, minh bạch và công bằng. Có nghĩa là bất kể ai đều có quyền ứng cử và quyền bầu cử, không có một thế lực duy nhất nào được quyền tước đoạt quyền đó của người dân bằng các thủ đoạn tinh vi như kiểu Đảng cử dân bầu. Và người dân có quyền lựa chọn những người theo Đảng này hay Đảng khác, hay không theo đảng phái nào. Khi người ta có quyền đó để lựa chọn thật sự trong các cuộc bầu cử định kỳ, minh bạch, công bằng thì lúc đó mới có thể nói người dân chọn lãnh đạo của mình.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng người dân Việt cũng cần phải quan tâm đến bầu cử bởi vì Đảng cộng sản Việt Nam chiếm độc quyền lãnh đạo ở đất nước này, vì vậy sự lựa chọn cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và cả đất nước.
Theo RFA