Các phóng viên Việt Nam và quốc tế theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội ngày 26/02/2019.
Việt Nam vừa nâng mức phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản lên đến 200 triệu đồng, và đình chỉ 12 tháng. Giới quan sát xem đây là một nỗ lực liên tục nhằm siết chặt sự quản lý của Đảng Cộng sản và nhà nước đối với một nền báo chí vốn được quốc tế xem là không có tự do.
Nghị định 119/2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 7/10/2020 với mức phạt hành chính lên đến tối đa 200 triệu đồng, tước giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đến tối đa 12 tháng được truyền thông trong nước loan tin là một sự “thay đổi quan trọng.”
Từ Khánh Hòa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, người từng làm báo nhà nước trong nhiều năm, nên nhận định với VOA về quy định mới này:
“Mức phạt tăng lên như thế là rất nặng nề! Về mặt tài chính, nhiều tờ báo nhỏ mà bị phạt 200 triệu đồng thì coi như phá sản luôn. Việc tước giấy phép hoạt động cho đến 12 tháng là rất nặng. Tôi thấy bị đình chỉ 3 tháng là nặng lắm rồi. Đưa lên tới 12 tháng thì coi như tờ báo đó dẹp luôn!”
Quy định mới này, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, sẽ áp dụng mức phạt từ 150-200 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.” Nghị định 159/2013 trước đây không đề cập đến nội dung này.
Nghị định mới còn nêu các điều khoản được xem là khá mơ hồ như: “Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” sẽ bị phạt từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, hay “Cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân,” sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Cũng theo quy định mới, các phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp, sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Đây là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam lâu nay: luôn luôn tăng cường bóp nghẹt tự do báo chí.
“Báo chí Việt Nam không giống như ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam do độc đảng cai trị, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; không chấp nhận phản biện…
“Họ tuyên bố một cách dứt khoát và rõ ràng rằng báo chí là công cụ truyên truyền của Đảng và Nhà nước.”
Theo Nghị định mới này, những nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác cũng sẽ bị xử phạt hành chính.
Bấm vào để nghe xem
https://av.voanews.com/V...a4-8db1-3d9f713f9aad.mp4Năm 2020, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam đứng gần chót bảng về tự do báo chí, thứ 175 trong số 180 quốc gia.
Việt Nam vẫn bị xếp vào số các nước là “kẻ thù của tự do báo chí”, hay “không có tự do báo chí,” dù đứng trên hai nước cộng sản khác là Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng xếp dưới Lào.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng RSF báo cáo “sai sự thật” về tự do báo chí Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, các quốc gia phương Tây và các tổ chức quốc tế liên tục lên tiếng về việc chính quyền bắt giam và phạt tù hàng loạt các blogger và nhà báo tự do chỉ vì họ bày tỏ ý kiến ôn hòa.
Cảnh công an bắt Phạm Đoan Trang nửa đêm ngày 6/10/2020. Photo Facebook Pham Doan Trang.
Liên quan đến việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang trong tuần này, người bị khởi tố hình sự với hai tội danh “Chống Nhà nước”, ông Daniel Bastard, Giám đốc châu Á – Thái Bình Dương của RSF, nêu nhận định với VOA: “RSF bất bình trước vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, người được vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí của chúng tôi cách đây đúng một năm.”
“Những việc bà làm là cốt muốn cung cấp cho đồng bào của mình những thông tin đáng tin cậy và giúp họ thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Việc bắt giữ bà là một bước nhảy vọt khác trong quá trình đàn áp hoàn toàn theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.”
Theo VOA