Trước kia, tôi từng đọc được rằng giới trẻ ở Mỹ có xu hướng rời khỏi mái nhà của cha mẹ ra ở riêng, thậm chí ngay cả khicòn đi học và chưa lập gia đình. Nhiều người bảo thanh niên bên Mỹ tự lập từ rất sớm, chứ không phải như các cậu ấm cô chiêu ở Việt Nam ta.
Nay, sau khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi tận mắt chứng kiến thực trạng đó ngay trong cộng đồng người Việt mình với những cung bậc khác nhau.Chẳng ở đâu xa, ngay trong gia đình tôi, đứa con trai của bà chị mua nhà ở riêng trước khi lấy vợ. Thế là nó đương nhiên được “dìu em qua nhà mới” sau lễ cưới. Có người đoán già đoán non anh chàng không muốn cho vợ phải chịu cảnh làm dâu. Nếu thực sự như vậy thì chàng trai quá lo xa! “Xưa rồi Diễm” chuyện làm dâu thời nay, lại còn sống ở Mỹ nữa chứ! Hai đứa anh họ của nó cũng ra ngoài ở riêng khi chưa tốt nghiệp.
Mới đây, một đứa cháu vợ tôi đòi ở ngoài khi mới bước chân vào đại học. Một đứa khác trong họ mới tốt nghiệp đã tìm thuê căn hộ đầy đủ tiện nghi để ở, với cớ gần chỗ làm, thuận tiện cho việc đi lại, nhưng nó mới quay về “mái nhà xưa” chỉ sau hơn nửa năm. Cánh người lớn bảo nhau “có lẽ cu cậu không kham nổi tiền thuê nhà nên đành phải về nhà ở với mẹ”…
Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng bọn trẻ bắt chước lối sống Mỹ nửa vời, bởi mấy chàng trai rời khỏi nhà cha mẹ nhưng vẫn thường xuyên quay về “thu gom” thực phẩm. Cậu trai mới lên đại học đượcbố mẹ đến thăm và cung cấp đồ ăn thức uống hằng tuần.
Riêng trường hợp đứa cháu mua nhà trước khi lấy vợ, sau khi có con, bà mẹ thường xuyên đến thăm cháu, mỗi tuần ngủ lại ít nhất một đêm với cháu, để mẹ nó có thể… “nướng” sáng hôm sau. Đó là chưa kể bà ngoại đến nhà phụ giúp chăm cháu suốt năm ngày cặp vợ chồng trẻ đi làm. Chưa hết, bà nội còn “có nhiệm vụ” đến với cháu mỗi tối thứ sáu để con trai và con dâu… đi chơi, hâm nóng tình yêu.
Có người bảo bà chịtôi chiều con quá mức. Bây giờ còn đi làm nhưng chị vẫn phải dành thời gian để chăm sóc bốn đứa cháu ngoại và hai đứa cháu nội. Đều đặn hai tối mỗi tuần, hai ông bà nấu ăn sẵn ở nhà và đem đến nhà đứa con gái lớn.Đây là thời điểm họp mặt cả gia đình. Thậm chí có hôm ông bà chưa kịp đến, có đứa cháu đã gọi điện cho bà than đói.
Thời Covid-19, bọn trẻ học trực tuyến, nhiều người lớn cũng làm việc trực tuyến. Ông ngoại về hưu rồi nên vẫn thường xuyên đến nhà con gái vào buổi trưa để chăm đứa cháu ngoại chưa đến tuổi đi học, với lý do “mẹ nó đi làm, bố nó không chăm sóc chu đáo, sợ thằng bé đói”…
Thế đấy, con cái có gia đình riêng và cuộc sống riêng nhưng cha mẹ vẫn chưa thể thảnh thơi an hưởng tuổi già, bởi vì con cháu thường xuyên cần đến họ. Tôi có cảm tưởng rằng một bộ phận nào đó trong giới trẻchọn lựa cách sống có lợi cho bản thân và có thể bị đánh giá là ích kỷ. Người ngoài có thể có suy nghĩ như thế nhưng các bậc cha mẹ trong cuộc thì vẫn cứ vô tư và tự nguyện cống hiến cho con cháu tất cả công sức và cũng không quản ngại chi tiêu tiền bạc của họ.
Một cô con dâu đã buột miệng nói với mẹ chồng: “Mẹ giỏi thật, con không thể làm như mẹ được”. Chẳng qua, bà mẹ đến ở nhà con trai luôn khi cháu nội ra đời. Bà chăm cháu ban ngày và ngủ với cháu ban đêm, trong khi nhà bà ở cùng thành phố. Thế là bà được con dâu “khen” đấy!
Tất cả mọi bậc cha mẹ người Việt, ở quê nhà và cả ở nước ngoài xa xôi, đều xứng đáng với lời khen ngợibởi vì họ luôn quên đi bản thân và chỉ nghĩ cho con cháu, cho dù họ đang phải chịu đựng những căn bệnh mạn tính, những cơn đau nhức do tuổi tác chồng chất. Còn các con và cháu cứ tự nhiên đón nhận tình yêu thương từ ông bà cha mẹ. Có lẽ giới trẻ cho rằng đó là quyền lợi và cũng là quyền của chúng chăng?
ĐẬU AN HẠ