VINH (NV) .- Chim tuy bị nhốt trong lồng nhưng vẫn được chăm sóc. Chó dù bị xích cũng được cho ăn và không bị ngược đãi. Tù nhân trong nhà tù CSVN vẫn bị đối xử như trước: thua cả chim, chó.
[color=green]Cô Trần Hoài Tô, đại diện sinh viên Nghệ An tặng hoa cho ông Nguyễn Xuân Anh khi ông hết hạn tù trở về nhà. (Hình: VRNs)
Đó là một trong những nhận định của cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Anh. Ông Nguyễn Xuân Anh là một trong 14 thanh niên, Công giáo, Tin Lành, bị cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cuối năm ngoái, trong phiên xử sơ thẩm, ông Anh bị Tòa án Nghệ An tuyên phạt ba năm tù. Cuối tháng 5 vừa qua, tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao quyết định giảm cho ông Anh sáu tháng tù. Ông Anh vừa mãn hạn tù và mới tiết lộ một số thông tin về nhà tù cộng sản.
Trong 30 tháng ở tù, ông Anh bị chuyển qua ba trại giam. Đầu tiên là trại tạm giam của Bộ Công an. Kế dó là trại giam Nghi Kim của Công an Nghệ An và trại giam số 6 của Bộ Công an, đặt tại tỉnh Thanh Hóa.
Trừ trại tam giam của Bộ Công an Việt Nam, phòng giam ở hai trại còn lại đều chật chội, đông đúc, thiếu khí trời. Nước sinh hoạt thì bị ô nhiễm nặng nề nhưng vẫn phải dùng nên rất nhiều tù nhân mắc các bệnh ngoài da. Thực phẩm thiếu và mất vệ sinh nên sức khỏe tù nhân suy kiệt rất nhanh. Điều kiện ăn, ở tồi tệ, trái hoàn toàn với các qui định pháp luật liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm cho người tù, nên tù chính trị thường xuyên tranh đấu bằng nhiều hình thức để đòi cải thiện chế độ lao tù.
Giống như nhiều người tù chính trị, trong tù, ông Anh đã nhiều lần gửi đơn tố cáo, khiếu nại, đòi giải quyết những bất hợp lý. Cho tới khi ông được trả tự do, các giám thị trại giam vẫn chưa trả lời và họ hứa sẽ gửi thư trả lời về… nhà.
Đánh đập tù nhân là chuyện xảy ra thường xuyên tại các trại giam. Xâm phạm thân thể người tù để ép cung là chuyện không hiếm nên ông Anh thường xuyên được chứng kiến.
O ép người tù là một cách để các giám thị trại giam kiếm tiền. Chẳng hạn, theo lời ông Anh, các phòng giam ở trại giam Nghi Kim, tỉnh Nghệ An được chia làm bốn loại. Phòng loại một gọi là “sĩ quan”. Phòng loại một có giường, ti vi, quạt máy, nhà vệ sinh riêng nhưng muốn được giam ở phòng loại một phải nộp mỗi tháng 5 triệu đồng.
Phòng loại hai được gọi là “vệ sinh”, người ở những phòng này có thể ra vào tự do, để được giam ở phòng loại này, mỗi tháng phải đóng 3 triệu đồng. Những người được giam trong các phòng “vệ sinh” có thể gỡ lại những khoản đã đóng bằng cách lấy thù lao khi đi mua đồ ở canteen giúp cho những tù nhân khác hay “xin đểu”.
Phòng loại ba gọi là “thường dân”, đi lại tuy bị hạn chế, không có ti vi nhưng có quạt máy, để được giam ở phòng loại này, mỗi tháng phải đóng 2 triệu đồng. Phòng loại bốn là loại phòng phổ biến, giam những tù nhân không có khả năng đóng tiền phòng và đó là nơi mà người tù bị đối xử tệ hơn cách người ta đối xử với một con vật.
Theo ông Anh, phải ở trong tù thì mới hiểu được cảm giác của một người bị giam trong nhà tù cộng sản. Ông kêu gọi mọi người cầu nguyện cho những người tù có thể trở về bình an. Những người yêu chuộng công lý và hòa bình sẽ hỗ trợ cho những người tù và những người tranh đấu cho tự do, dân chủ đang bị giam cầm.
Theo ông, nhờ những ngày tháng bị giam cầm trong tù, ông có thời gian chiêm nghiệm về những điều ông đã làm và những gì mọi người đã làm cho ông. Trước khi ở tù, ông là một người dân bình thường, một người con của đất nước và của Giáo hội Công giáo nhưng bây giờ thì ông đã nhận ra mình là ai và cần làm những gì trong thời gian sắp tới.
Theo báo Người Việt