Nghị sĩ châu Âu Raphael Glucksmann. trước những người ủng hộ. PASCAL PAVANI / AFP
Ngày 13/10/2020, Trung Quốc đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bất chấp chiến dịch đàn áp vô nhân đạo cả triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương khiến công luận thế giới, đặc biệt là phương Tây, hết sức phẫn nộ. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích việc Bắc Kinh được bầu, nhưng sứ quán Trung Quốc tại Pháp đả kích lại, và một cuộc khẩu chiến dữ dội đã bùng lên.
Tranh cãi đã khởi sự bằng một dòng tin nhắn Twitter ngày 14/10, từ nghị sĩ châu Âu người Pháp Raphaël Glucksmann, người sáng lập phong trào Place publique.
Rất quan tâm đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, cộng đồng Hồi Giáo đang là nạn nhân của cuộc đàn áp quy mô lớn ở tỉnh Tân Cương (Trung Quốc), nghị sĩ Glucksmann đã đả kích định chế Liên Hiệp Quốc, nói đến những « trò ma mãnh nhỏ nhoi » trước số lượng « hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại », cho rằng thảm cảnh của cả triệu con người này dường như không « làm cho họ - tức là những người bầu cho Trung Quốc - cảm thấy phiền ».
Lập trường nói trên dĩ nhiên không làm cho các cơ quan đại diện chính trị Trung Quốc hài lòng chút nào.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp là một « Chiến Lang »Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, mà người đứng đầu được xếp vào diện « Chiến Lang » của nền ngoại giao Bắc Kinh, đã tung ra một tin nhắn đáp trả với một giọng điệu thô bạo đáng ngạc nhiên : « Hãy ngừng gây rắc rối về các vấn đề liên quan đến Tân Cương vốn hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc. Không một quốc gia hay lực lượng nào có quyền xen vào, và mọi nỗ lực chống lại Trung Quốc đều sẽ thất bại ».
Nghị sĩ Raphaël Glucksmann đã đáp trả, nhắc lại nhiệm vụ của ông tại Nghị Viện Châu Âu: « Tôi được bầu ra đấu tranh cho quyền của con người. Và tôi sẽ đấu tranh đến cùng. Vì vậy, quý vị hãy thay đổi giọng điệu đi. Và trên hết: Hãy đóng cửa các trại. »
Trong một tin nhắn thứ hai, ông Glucksmann kết luận: « Hãy đóng cửa các trại, hãy giải phóng người Duy Ngô Nhĩ, hãy từ bỏ các hành vi phạm tội ác chống nhân loại của các người và tôi đảm bảo sẽ không có ai đến “để gây rắc rối” nữa. Trong khi chờ đợi, phong trào biểu lộ sự phẫn nộ và tinh thần đoàn kết (với người Duy Ngô Nhĩ) sẽ chỉ phát triển thêm. Các người sẽ không thể bịt miệng được chúng tôi ở đây ».
Kêu gọi đình chỉ đàm phán giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung QuốcCác phản ứng chính trị khác đã nhanh chóng xuất hiện trên Twitter. Nghi sĩ châu Âu người Pháp Yannick Jadot, thuộc nhóm sinh thái, đã tố cáo "áp lực" mà chính quyền Trung Quốc « đã đè nặng trong nhiều năm qua đối với các đại biểu dân cử châu Âu ». Ông kêu gọi tổng thống Emmanuel Macron « ngăn chặn các cuộc đàm phán đang diễn ra về thỏa thuận đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ».
Nghị sĩ thuộc nhóm tự do trong Nghị Viện Châu Âu, ông Pascal Durand, cũng có phản ứng, trực tiếp hỏi đại sứ quán Trung Quốc: « Quý vị nghĩ là mình đang ở đâu? Tôi biết rằng dân chủ và quyền tự do ngôn luận của một đại diện dân cử là những khái niệm khó hiểu đối với quý vị, nhưng dù muốn hay không, thì có rất nhiều người trong chúng tôi ủng hộ Raphaël Glucksmann để nói : Đúng thế, hãy đóng cửa các trại đi ! »
Nhiều phản ứng khác lần lượt được đưa ra, đặc biệt là từ hai nữ nghị sĩ châu Âu Aurore Lalucq và Leïla Chaibi, nói đến một « mưu toan đe dọa » của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, làm nổi bật « mức độ nghiêm trọng của tình hình ».
Theo RFI