Biểu tình phản đối chính phủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/10/2020. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Từ nhiều ngày qua, ngày càng có nhiều người dân Thái, nhất là sinh viên, xuống đường để đòi chính phủ của thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha từ chức, đòi sửa đổi Hiến Pháp và đòi cải tổ Hoàng gia. Phong trào biểu tình tiếp diễn tại Thái Lan hôm nay, khiến thủ tướng phải triệu tập một phiên họp bất thường của Quốc Hội.
Trước làn sóng phản kháng đó, thứ Năm tuần trước, chính phủ Thái Lan đã ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp này, những ai đăng các bức ảnh selfie (tự chụp) về biểu tình sẽ bị phạt 2 năm tù. Biện pháp này cho thấy chính phủ Bangkok lo ngại tác động của Internet và các mạng xã hội đối với phong trào đấu tranh dân chủ ở Thái Lan. Vấn đề đặt ra là mạng xã hội có đủ để giúp cho phong trào đạt được thắng lợi chính trị hay không ?
Thực tế đúng là phong trào biểu tình hiện nay ở Thái Lan đã xuất phát từ mạng thông tin toàn cầu, mà tiêu biểu là nhóm Facebook « Royalist Marketplace », do Pavin Chachavalpongpun, một giáo sư chính trị học Thái Lan sống ở Nhật, lập ra từ tháng 4/2020. Đây là một kênh trào phúng, trên đó giáo sư Pavin và những người trong nhóm này chuyên đăng những quảng cáo giả có liên quan đến hoàng gia Thái. Nhưng « Royalist Marketplace » còn là một diễn đàn chính trị nghiêm chỉnh và chỉ trong vài tuần đã thu hút được hơn 1 triệu thành viên, trở thành một trong 20 nhóm Facebook có đông thành viên nhất thế giới.
Từ trên mạng, nhóm này coi như cũng đã xuống đường, vì trong các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ mùa hè, tại một số nơi người ta thấy logo của « Royalist Marketplace » xuất hiện giữa những người biểu tình.
Bản thân các tập đoàn mạng xã hội coi như cũng bị lôi kéo vào phong trào phản kháng ở Thái Lan. Vào cuối tháng 8 vừa qua, theo lệnh của chính phủ Thái Lan, Facebook đã buộc phải đóng trang « Royalist Marketplace ». Nhưng do bị quốc tế phản đối, sau đó Facebook thông báo sẽ kháng cáo quyết định này của chính phủ Thái. Dầu sao thì giáo sư Pavin cũng đã lập một trang Facebook khác với tên tương tự và chỉ sau 4 tuần cũng đã thu nhận được hơn 1 triệu thành viên. Về phần mình, Twitter vào đầu tháng 10 cũng đã đóng gần 1.000 tài khoản được cho là của quân đội Thái, chuyên tuyên truyền cho chính quyền và phao tin giả.
Vào tháng 5, chính phủ Bangkok đã chặn trang web change.org sau khi trang này đăng một kiến nghị đòi tuyên bố Quốc vương Thái Lan Rama X là « persona non grata » ở Đức. Trong những năm gần đây, quốc vương Thái chủ yếu ở tại Đức, khiến ông bị chỉ trích là chỉ thích sống xa hoa ở nước ngoài chứ không màn gì đến số phận của người dân Thái đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế.
Tuy có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào biểu tình đòi chính phủ từ chức và đòi cải tổ chế độ quân chủ, nhưng thật sự mạng xã hội có thể chuyển hóa phong trào thành một thắng lợi chính trị hay không ? Về điểm này, các nhà phân tích, do đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) hôm qua trích dẫn, tỏ vẻ hoài nghi. Họ so sánh phong trào hiện nay ở Thái Lan với phong trào « Mùa Xuân Ả Rập ». Vào lúc đó, ban đầu ai cũng tin tưởng vào thành công của làn sóng dân chủ hóa dưới tác động của các mạng xã hội. Nhưng rốt cuộc, toàn bộ các nước có liên quan lại quay trở lại sống dưới các chế độ chuyên chế hoặc rơi vào nội chiến triền miên.
Như nhận định của giáo sư Martin Emmer (Đại học Tự do Berlin), các cuộc cách mạng hay những thay đổi sâu rộng xã hội đòi hỏi những yếu tố tiền đề về chính trị và xã hội, chứ không chỉ nhờ tác động của các mạng xã hội.
Theo RFI