Năm 1781 Hoa Kỳ đã ra đời như một liên minh của 13 tiểu bang được nối kết nhau như những quốc gia độc lập để chống lại đế quốc Anh. Nhưng sau khi đã toàn thắng quân Anh và tuyên bố độc lập năm 1783, các vị tổ phụ của quốc gia nầy đã thấy rõ nhu cầu phải có một chính phủ trung ương mạnh để duy trì sự bền vững của quốc gia son trẻ nầy. Sau hơn ba năm hội họp và ráo riết tranh luận, cuối cùng các đại biểu của 13 tiểu bang đã đồng thuận thành lập một định chế liên bang gồm có ba cơ chế Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp để có thể kiểm soát và kềm chế nhau, không cho một ngành nào mạnh hơn để có thể lấn lướt hai ngành kia. Từ ngày các tiểu bang lập quốc chính thức thông qua Hiến Pháp năm 1790 đến nay đã được 230 năm.
Nhờ tinh thần yêu nước và viễn kiến của các vị tổ phụ, Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia duy nhất trên thế giới mà dân chúng không có cùng chủng tộc và gốc gác đều là những di dân can trường từ bốn phương đến đây vì muốn thoát khỏi những bất công và đàn áp tại xứ mình. Họ đã chọn Hoa Kỳ làm quê hương vì nơi đây là một xứ tự do, dân chủ và là vùng đất hứa cho nhân tài khắp nơi đến đây để lập nghiệp, đóng góp và xây dựng tương lai. Nhờ đó, hơn một trăm năm sau Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường bậc nhất trên thế giới.
Rút kinh nghiệm của đế quốc La Mã, xưa kia đã từng trải qua thời kỳ vàng son, hùng cường nhất thế giới từ 27 năm trước Tây lịch và kéo dài hơn 500 năm, nhưng chỉ vì định chế chính trị quá xưa càng ngày càng trở nên lạc hậu và không được tu chính kịp thời để có thể đáp ứng với tình hình mới và thích nghi với sự tiến hóa của dân chúng nên cuối cùng đế quốc La Mã đã bị tan rã.
Hiện nay nước Mỹ cũng đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn về mọi mặt, nhất là sự chia rẽ trầm trọng của dân chúng vì ảnh hưởng nặng nề do đảng phái gây ra đòi hỏi ba cơ chế Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp phải được duyệt xét và tu chính trước khi quá trễ. Hiện nay ưu tiên hàng đầu phải là Tối Cao Pháp Viện vì đó là đầu não của ngành Tư Pháp liên bang và cơ chế nầy cũng đang gặp phải nhiều khó khăn nhất.
Điều 2 của Hiến Pháp hiện hành ấn định Tối Cao Pháp Viện (TCPV) gồm có 9 Thẩm Phán. Mỗi khi có ghế trống,Tổng Thống sẽ chọn ứng viên thay thế với sự tán thành của Thượng Viện và nhiệm kỳ của Thẩm Phán TCPV là trọn đời. Từ năm 1789 dưới thời Tổng Thống tiên khởi George Washington, TVPV nguyên thủy gồm có 6 Thẩm Phán. Nhưng con số đó đã được thay đổi 6 lần vì nhu cầu và lập trường của các vị Tổng Thống. Từ năm 1789, con số đó là 6, năm 1807 là 7, năm 1837 là 9, và năm 1863 là 10 rồi đến lần sau cùng năm 1869 cho đến ngày nay, Hiến Pháp đã ấn định tổng số Thẩm Phán TCPV là 9.
Trải qua 225 năm từ ngảy TCPV ra đời, thời gian đầu yếu tố chính trị chỉ có ảnh hưởng rất ít đến cơ chế nầy. Nhưng bước qua thế kỷ 20 và nhất là trong những năm gần đây, cứ mỗi lần TCPV có ghế trống thì sự chia rẽ của dân chúng lại gia tăng vì ảnh hưởng chính trị do việc Tổng Thống tuyển chọn ứng viên thay thế. Điển hình nhất là năm nay sau khi Thẩm Phán TCPV Ruth B. Ginsburg qua đời ngày 18/9/2020 Tổng Thống Donald Trump và các lãnh tụ Đảng Cộng Hòa đã lập tức quyết định sẽ chọn ứng viên thay thế ngay, mặc dù chỉ còn chưa tới hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng Thống. Tình trạng chia rẽ của hai chính đảng cũng như giữa dân chúng đã trở nên sâu đậm chưa từng thấy.
Trong một bài báo đã đăng trên Stanford Law Review online năm 2012, GS. Eric Hamilton đã từng báo động: ”Chính trị hóa Tối Cao Pháp Viện đang gây nên tình trạng dân chúng Mỹ mất tin tưởng vào Tối Cao Pháp Viện” (Policicisaton of the Supreme Court causes the American public to lose faith in the Court).
Tại vương quốc Anh, Tối Cao Pháp Viện gồm 12 thành viên đã được ra đời năm 2009 để thay thế một cơ chế cổ hũ “Law Lords” do Nữ Hoàng đề cử. Hiện nay các Thẩm Phán TCPV tại vương quốc Anh đều do một Hội Đồng độc lập đề cử và họ phải là một luật sư đã hành nghề được 15 năm và từng là chánh án hai năm.
Theo thiển ý của chúng tôi, muốn duy trì uy tín và sự độc lập của TCPV Hoa Kỳ, trước hết các Thẩm Phán không nên để Tổng Thống chọn lựa và đề cử cho Thượng Viện phê chuẩn, vì như thế các thẩm phán sẽ khó lòng giữ được tinh thần độc lập đối với Tổng Thống và Đảng đã bổ nhiệm họ. Vì vậy cách hay nhất là các ứng viên Thẩm Phán TCPV phải ra tranh cử để được cử tri trên toàn quốc bỏ phiếu tín nhiệm.
Nhân dịp nầy, chúng tôi có các đề nghị như sau:
TCPV sẽ gồm có 12 thành viên, và người đứng đầu là Chủ Tịch TCPV. Tất cả các thành viên khác đều là Thẩm Phán của TCPV.
Mọi quyết định của TCPV phải đạt được ít nhất là 7 phiếu thuận.
Các ứng viên tranh cử Thẩm Phán TCPV phải là luật sư đã hành nghề tối thiểu 4 năm và từng là Chánh Án của một tòa án liên bang trên 4 năm hoặc đã từng là Giáo Sư dạy Luật trên 4 năm.
Lúc ra tranh cử, các ứng viên phải đệ nạp hồ sơ thuế cá nhân trong 4 năm trước đó.
Nhiệm kỳ của Thẩm Phán TCPV là 6 năm và có quyền tái cử hai lần.
Các Thẩm Phán TCPV phải nghỉ hưu khi đã quá 70 tuổi.
Khi có một ghế trống tại TCPV vì bất cứ lý do gì, sẽ có hai trường hợp:
Nếu ghế trống xảy ra trước ngày 1 tháng 6 của năm bầu cử Hạ Viện, Tổng Thống sẽ đề cử một chánh án tạm thời thay thế với sự chuẩn thuận của Thượng Viện cho đến ngày vị Thẩm Phán đắc cử vào thay thế.
Nếu ghế trống xảy ra sau ngày 31 tháng 5 của năm có bầu cử Hạ Viện, TCPV sẽ đợi vị Thẩm Phán đắc cử vào thay.
Người Mỹ nào cũng hãnh diện đất nước nầy đã có những định chế hữu hiệu cho 230 năm qua. Nhưng hoàn cảnh và tình thế đổi thay không ngừng, nhất là dân trí và nền văn minh của nhân loại ngày càng tiến xa, nhu cầu và khát vọng của con người cũng đổi thay, vì vậy chúng ta không nên bảo thủ, cứ khư khư giữ mãi những gì xưa kia rất tốt nhưng nay đã lỗi thời và không còn hữu hiệu.
Chính vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng quý bậc thức giả và luật gia lỗi lạc, nhất là những nhân tài trẻ tuổi sẽ vì phúc lợi của dân tộc và tương lai của nước Mỹ nên hăng hái tham gia nỗ lực duyệt xét và tu chính toàn bộ bản Hiến Pháp càng sớm càng quý.
21/10/2020
Nguyễn Thanh Trang