logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 29/10/2020 lúc 02:53:26(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Mẹ tôi mất sau khi về Việt Nam được khoảng ba tháng, thọ 86 tuổi. Hôm ấy, tôi đang đi làm bình thường, đột nhiên thấy một cảm giác căng thẳng kỳ lạ cứ từ từ dâng lên, từ chân tay đến óc não. Hình như có ai cầm lấy tay tôi mà kéo căng ra? Có lực nào đè nặng lên trái tim tôi? Cả cơ thể tôi như đang gồng lên, chống lại một sức ép lạ lùng, đè nén lên hệ thần kinh não của tôi khiến tôi gần như tê liệt, tôi phải xin phép chỗ làm việc cho tôi về sớm vì bị chóng mặt. Trên đường lái xe về nhà, tôi đạp ga tối đa, chỉ mong mau mở cửa nhà, chạy vào chụp lấy điện thoại, gọi về Việt Nam, xem có phải… Mẹ tôi mất không, vì tôi chợt có cảm giác là Bà vừa ra đi…


Và đúng như thế, bên đầu giây kia, giọng nức nở của Chị Hai tôi, trả lời là “Me vừa đi!”


Điều lạ lùng là cùng thời gian hồn Mẹ tôi rời khỏi xác, thì ở bên này đại dương, xa ngàn dặm, tôi biết là Mẹ mất không khác gì được đứng bên Mẹ, nhìn bà nhắm mắt! Tôi cũng biết là Mẹ đã dùng “thần giao cách cảm” để báo cho thằng con út biết là Mẹ đã không còn là một vật chất nữa, Mẹ có thể bay từ Việt Nam qua Mỹ chỉ trong giây lát để thăm thằng con “hoang đàng, du đãng” nhưng thương Mẹ thật tình từ đáy lòng.


Tuy biết là trước sau gì thì giây phút này cũng tới, nhưng từ lúc được chị tôi xác nhận là Mẹ tôi đã chết, tôi như kẻ mất hồn, ngây ngây dại dại, không biết làm gì, nói gì, chỉ ngồi yên lặng trên ghế salông, gục đầu nhớ lại bao nhiêu hình ảnh xa, gần. Nhớ nhất là lúc cùng với gia đình, họ hàng ở Mỹ, đưa Mẹ tôi đến phi trường Los Angeles để về Việt Nam, vì Bà mang theo căn bệnh ung thư gan, giai đoạn cuối. Bác Sĩ bảo là Mẹ không qua khỏi ba tháng nữa, và vì ở Mỹ, mấy đứa con đi làm cả ngày, không ai săn sóc Mẹ được, Bà phải về Saigon, nơi có cháu chắt đông lắm, sẽ thay nhau lo cho Mẹ tôi đến giờ phút cuối. Ngồi với Mẹ chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi đưa Bà theo người hướng dẫn vào phòng cách ly… Lúc thấy bóng lưng của Mẹ sắp khuất sau khung cửa, tôi chợt gào lên hai tiếng “Me ơi!” vang cả phòng chờ đợi của phi trường rồi gục xuống như bị ai chém ngang người. Tôi biết đó là lần cuối cùng nhìn thấy lưng của Mẹ, tấm lưng đã cõng tôi chạy trốn khỏi bị Việt Minh đấu tố.


Hồi tôi còn nhỏ, Mẹ kể, “Me buộc con vào lưng Me, rồi cột thật chặt nút dây đằng trước, rồi chạy dưới ruộng, chốc chốc lại với tay ra sau, sờ đầu con, xem có còn không, có bị đạn bắn mất đầu không.”


Tôi hỏi, “Thế còn Thầy đâu?” (Chúng tôi gọi Bố, Mẹ bằng Thầy, Me).


Mẹ kể, “Thầy con thì cứ đi trên đường. Thầy bảo, ‘Kệ, có bị bắn thì tôi cũng chịu, chứ không thể nào chạy dưới ruộng được!’”


“Còn các anh, chị?”


“Me thuê người gánh hai đứa chị con, con M., con Đ. trong hai cái quang gánh, mỗi đứa ngồi trong một cái thúng. Còn mấy đứa kia thì chạy đằng trước. Thằng S. thì chạy theo Thầy, làm Me cứ thỉnh thoảng lại phải nhòm chừng xem có bị Tây nó bắn chết không. Lúc đó, bị cả hai bên bắn. Tây không bắn, thì Việt Minh cũng giết. Đằng nào cũng chết. Cứ chạy thôi. May mà Chúa thương, không ai bị gì cho đến khi chạy về Hà Nội.”


“Tại sao lại chạy về Hà Nội?”


“Thầy Me vừa có nhà ở Hà Nội, vừa có nhà ở Hà Đông. Nhà Hà Nội thì cho thuê, ở thì ở Hà Đông, vì nhà Hà Đông rộng mênh mông, Thầy Me có xây một vườn nho lớn lắm, lại có chuồng ngựa, chuồng trâu bò, gà vịt không đếm xuể. Đến khi Việt Minh về, chúng nó mang nguyên một Đại Đội vào nhà, vét sạch, lấy sạch rồi gán cho Thầy Me cái bản án Nợ Máu với nhân dân, chúng đánh đập, tra khảo Thầy, định đem ra đấu tố. Thầy Me phải kéo cả nhà trốn về Hà Nội…”
“Rồi, tại sao lại bỏ Hà Nội mà về Bùi Chu?”


Mẹ tôi ngừng lời một chút rồi nói tiếp, “Thầy con hồi đó vẫn tiếp tục lang chạ với bà Mường đó. Me giận, kéo sáu đứa con, bỏ Hà Nội về Bùi Chu.”


Nghe Mẹ kể, tôi nhớ lại sáng sớm hôm ấy, mấy mẹ con ra bến sông nào đó ở Hà Nội, trời vẫn còn say ngủ. Trong không gian chuyển đi tiếng bước chân ộp oạp dẫm nước, tiếng sóng nhè nhẹ, tiếng gọi nhau khe khẽ, vài ánh sáng hắt hiu của những cây đèn dầu cô đơn, lúc lắc, chúng tôi bước lên tấm ván kê từ bờ vào thuyền, chòng chành chòng chành, rồi vào trong một cái khoang thuyền đan bằng lạt tre. Giữa lòng khoang là một cái chiếu hoa rất lớn, trải trên ván. Trên nóc khoang là một chiếc đèn dầu lạc, có nắp chụp bằng kính, chao đi chao lại theo đà sóng đánh vào mạn thuyền. Cả nhà ngồi chung quanh chiếc đèn dầu, người thì dựa vào vách khoang thuyền, người thì bó gối, người nằm vật ra chiếu. Còn tôi, thằng bé 6 tuổi hiếu động cứ muốn chui ra ngoài ngắm cảnh, bị lôi lại xềnh xệch nhưng đầu vẫn ngước ra ngoài, chăm chú nhìn bầu trời đen không sao.


Rồi thuyền trôi, trôi trong tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền “lóp... chóp... lóp... chóp..” Đến sáng hôm sau, khi mặt trời mới vừa nhô lên khỏi đường chân trời, mọi người còn say ngủ, tôi lén bò ra, trèo lên nóc khoang thuyền. Vừa ngồi yên vị trên nóc khoang, tôi bỗng choáng váng vì thiên nhiên chung quanh tôi quá đẹp, quá lạ lùng. Phía mũi thuyền đi tới là cả một vầng trời vàng nhạt đang từ từ lấn lên bầu trời xanh thăm thẳm, không một gợn mây. Vài đàn chim bay lạc lõng giữa khoảng không gian mênh mông ấy, cất lên tiếng kêu gọi đàn nghe buồn rũ rượi. Nhìn sang bên trái sông là rừng cây xanh thăm thẳm, trùng trùng điệp điệp. Bên tay phải, thì ôi chao, một dẫy núi hùng vĩ chạy dài. Dưới chân núi là bãi cát dài phẳng phiu, hun hút. Nhưng điều làm trái tim tôi như vỡ ra là cảnh một đàn ngựa hoang chạy đuổi nhau trên bãi cát vàng, những bờm ngựa, những cái đuôi bung nở như hợp với làn sóng nước dưới mạn thuyền làm cảnh trí như huyền ảo, như tranh vẽ trong chuyện thần tiên. Bất chợt, trong lúc mê man vì cảnh trí ấy, một hình ảnh lạ lùng đã làm tôi gần như mê đi, một chú ngựa bỗng đứng thẳng hai chân lên, đạp đạp trong không, và hí lên một tràng dài. Ôi! Tiếng kèn ma mị hay tiếng kèn của của thiên đường, dội vào tâm hồn non nớt của tôi, và khắc sâu trong tâm khảm tôi, cho mãi đến hôm nay, tiếng kèn hun hút ấy thỉnh thoảng lại vang lên làm tôi như chìm đắm trong một cõi mộng không bao giờ tỉnh lại.


Và thế là những kỷ niệm ấy đã chỉ còn trong trí tưởng của một cá nhân nhỏ bé như tôi, không bao giờ và không thể nào có thêm một con người thứ hai cùng chia sẻ chung môt hình ảnh như thế, trừ Mẹ tôi. Và Mẹ đã khuất, không để lại trên trần gian một dấu hiệu gì cho thấy Mẹ tôi là một nhân vật có thật, đã từng nuôi dạy tôi khôn lớn theo phương cách riêng của Mẹ, phương cách của một người thầy vĩ đại. Sau khi cả nhà chạy trốn để Thầy tôi không còn bị khảo tra, đánh đập và bị giết trong cuộc đấu tố đã được chuẩn bị bởi Việt Minh, thì Thầy tôi, vì quá đau đớn với những cuộc tra khảo của Việt Minh, đã mất. Mẹ tôi, lúc đó mới có 42 tuổi, cố đè nén niềm đau, chống lại các lời mời bước đi bước nữa của những ông nhà giầu quen biết, để chỉ với hai bàn tay trắng, nuôi 6 đứa con, nhất là tôi, vì Mẹ hay nói, “Giầu con út, khó con út.”


Mẹ dồn hết tình thương cho tôi, và cho tôi đi theo Bà trong các cuộc buôn chuyến lâu ngày, hoặc đi xe ca, loại xe đò ngày xưa, ghế gỗ, xóc tung người, hoặc đi Tàu thủy là những chiếc ca nô ọc ạch, rên rỉ, thỉnh thoảng rú lên những tiếng hú như gọi hồn người chết. Cũng có lúc đi bộ cả nhiều cây số, Mẹ nắm tay tôi dẫn đi, vừa đi vừa kể chuyện, và đọc thơ cho tôi nghe, dạy thằng bé làm thơ. Không hiểu sao mà Mẹ tôi thuộc thơ vô vàn vô số. Bà đọc Gia Huấn Ca, Cung Oán Ngâm khúc, truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, những câu ca dao dí dỏm, và những bài vè Công Giáo về các Thánh làm cho hồn thơ tôi nẩy nở từ đó để sau này, khi làm thơ, tôi luôn viết một mạch, không cần suy nghĩ, cũng vì Mẹ đã gieo vào hồn tôi, những vần điệu ngân nga khi óc của cậu bé 6 tuổi còn trắng như một tờ giấy mới.


Rồi Mẹ dạy tôi viết văn! Mẹ luôn mang theo gói hành trang của Bà những cuốn truyện của Tự lực Văn Đoàn và bảo tôi đọc cho Mẹ nghe, khi Bà ngồi trên ghế trong Tàu thủy, trên xe ca, hay tại nhà ai đó, buổi trưa, Bà nằm võng, bảo tôi ngồi ghế bên cạnh, đọc cho Mẹ nghe một đoạn rồi Mẹ ngủ. Sau khi Bà ngủ thiếp đi trong giọng đọc văn của tôi, tôi tiếp tục xem một mình, cứ như thế, mà từ hồi còn học lớp Bốn, tôi đã sống trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn, tôi mê Liên, cô hàng hoa, tôi phục nhân vật Dũng trong Đoạn Tuyệt, ghét mấy bà Phán, thương cô Mai trong Nửa Chừng Xuân, ước làm anh chàng Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên…


Cũng như thơ, văn chương đã khắc dấu ấn đậm trong tim tôi, khiến sau này, tôi viết văn cũng như khi nói chuyện, chẳng cần chuẩn bị gì. Sau này, khi trưởng thành, nếu chợt nghĩ ra một đề tài, là cúi xuống viết liên tu bất tận. Tôi có thể làm chục bài thơ trong một ngày, mỗi bài 5,10 phút, hoặc viết những bài thơ dài hàng ngàn câu rất nhanh. Khi viết một truyện ngắn, truyện dài, tôi không bao giờ chuẩn bị dàn bài, cứ ào ào viết như máy. Tôi đã viết nhiều truyện dài, phóng sự để đăng trên nhật báo theo kiểu viết hàng ngày mà khi tòa soạn hỏi “Kết luận như thế nào?” tôi chỉ cười, nói, “Cứ đăng đi, vì chính tôi cũng không biết kết ra sao!” Mấy vị chủ bút chỉ biết lắc đầu, và cho đăng ngay, vì họ tin tưởng ở tôi, không bao giờ bỏ ngang vì hết ý.


Tôi chỉ biết tất cả khả năng ấy đều do Mẹ tôi dạy. Bà đã truyền máu văn thơ vào hồn tôi từ khi tôi vẫn còn đái dầm ban đêm vì sợ ma. Đến gần 10 tuổi, tôi vẫn ngủ với Mẹ. Mỗi tối, sau khi thả mùng xuống, bà đưa tôi chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, dạy tôi cách bắt muỗi trong mùng bằng cách nhè nhẹ, từ từ nghiêng bóng đèn vào chỗ con muỗi đậu rồi bất thình lình ụp cái bóng đèn vào con muỗi… Sau khi bắt hết muỗi, Mẹ bảo tôi nằm xuống, và Bà bắt đầu kể chuyện hay đọc thơ. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu đầu của chuyện ông “A Lê Xù”, “Lá vàng đeo đẳng trên cây. Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời!”


Khi lớn lên một chút, khoảng 12, 13 tuổi, Mẹ dạy tôi thêu, khâu vá. Mẹ cầm tay tôi chỉ tôi cách xỏ từng mũi kim thêu. Mẹ dạy tôi cầm cưa, “Con đừng cưa giật lên, giật xuống, chóng mỏi mà không đi đến đâu. Con phải kéo lên thẳng một lần gần hết lưỡi cưa rồi đẩy xuống thẳng luôn, đi nhịp nhàng như thế không mỏi mà được việc.” Mẹ dạy tôi sơn nhà, “Con đừng kéo xéo qua xéo lại, mà quẹt thẳng một đường rồi trở lại cũng một đường ấy.” Rồi dạy tôi cách đóng đinh, cách lau nhà, cách làm bột sắn, làm bánh quế, dạy cả cách ăn cháo cảm, “Con cầm bát cháo, ngón trên mép, ngón đáy tô, thổi cho nguội một chỗ rồi húp từ từ từng hụm. Húp xong một hụm, thì xoay bát, húp tiếp, cứ thế mà hết tô cháo nóng…” Một môn học lạ lùng mà Bà dạy là “đánh Chắn, Cạ, Tổ Tôm.” Hai mẹ con ngồi châu đầu vào nhau, quật bài lên xuống rồi hò la, “Con ù rồi! Me thua!” Khi tôi được, thì Bà khao bánh cuốn, nếu tôi thua thì “hòa cả làng!”


Cứ thế, mà Mẹ tôi dạy tôi nên người, tưởng chừng tình Mẹ con kéo dài hết đời, ai ngờ, đến 17 tuổi, tôi bỏ nhà ra đi, bụi đời, rồi từ đó, hai Mẹ con như mặt trăng và mặt trời, lúc nào cũng có nhau, nhưng không bao giờ xích lại gần nhau. Có lẽ tại sau khi di cư vào Nam, đời sống khó khăn quá, Mẹ tôi nợ chồng chất nên đánh tôi bất tỉnh. Lần đầu tiên ở Khánh Hội, khi tôi mới hơn 11 tuổi, Bà giận một ông cảnh sát Nam Kỳ làm nhục tôi, thộp cổ tôi lúc tôi đang đi lòng vòng dòm ngó người ta ra vào bệnh viện, và bắt tôi quỳ ở trước cửa Bệnh Viện Khánh Hội về tội “bắn súng cao su làm vỡ kính bệnh viện.” Mẹ tôi lôi cây sắt nặng làm cọc giường bệnh viện mầu trắng, cầm cả hai tay quất tôi túi bụi… Tôi chỉ tỉnh dậy sau cả tuần mê man, ai cũng tưởng chết rồi! Mẹ thấy tôi tỉnh lại, thì nấu cháo gà hầm sâm, hầm cho đến khi con gà nát nhừ, thì múc cho tôi ăn.


Vài năm sau, vừa được tiền bạc thảnh thơi, thì Mẹ tôi tin người mà bị lừa, mất hết cả tài sản dành dụm bao năm, Bà suốt ngày cằn nhằn mắng chửi, nếu tôi có làm gì sai là Bà giận điên lên, đánh tôi túi bụi. Vì Mẹ cứ la mắng suốt ngày, các anh chị tôi chịu không nổi, lần lượt bỏ đi cả. Mẹ tôi đau nhất là bà chị thứ ba, lẳng lặng bỏ đi tu biệt tăm, Bà tất tả đi đến tất cả các Cha, từ Saigon ra Bảo Lộc, xuống Xuân Lộc, tất cả các nơi mà Mẹ quen để hỏi thăm cả mấy năm trời nhưng không có kết quả.


Gia đình tôi lúc đó chỉ còn tôi, nên Bà dồn hết nỗi giận đời lừa gạt, nỗi buồn bị bỏ rơi, nên đánh tôi tàn khốc, bao lần bất tỉnh nhân sự. Mấy lần tôi được khiêng cáng ra bệnh viện, có khi bác sĩ đến tận nhà cứu tỉnh. Mẹ đánh tôi bằng đủ lý do. Học võ bị lọi tay, Mẹ ném võ phục của tôi vào bếp và tát tôi ngã ngửa. Học vẽ, mang về nhà mấy bức tranh lõa thể, Mẹ đánh. Thấy bức tranh BB ở trần, Bà kêu lên; “Mày mang quỷ vào trong nhà hở?” bà cầm tay xé toạc bức tranh mà tôi cặm cụi vẽ rồi giáng cho tôi một cái tát gần gẫy răng. Thi Tú Tài rớt, Mẹ quất tôi bằng chổi lông gà. Đi chơi với bạn về nhà khuya, Mẹ dùng cây sắt gắp than, quật tôi.


Đang được cưng chiều, bỗng nhiên bị đánh tơi bời bằng những đòn thù, tôi hận đời, muốn cho Mẹ đánh cho chết luôn, nên càng chọc Bà nổi giận. Một sáng sớm, khoảng 6 giờ, biết Mẹ sắp đi lễ về và sẽ cho tôi một trận vì tối qua về muộn, tôi ở trần ra, kéo chiếc ghế gỗ không có tựa ra ngồi giữa nhà, khoanh tay trước ngực, gọi, “Me ra đánh đi!” Mẹ tôi mới đi lễ về, tay còn lần tràng hạt, miệng còn đọc kinh, thấy tôi quá mất dạy, bèn lấy cây gỗ 1 phân vuông, dài khoảng 1 thước, quất tôi túi bụi. Quất tôi một cái, tôi đếm “Một,” quất hai cái, tôi đếm “hai”… tôi chọc Mẹ tôi nổi khùng lên, Bà không còn quật vào lưng nữa, mà táng cây gỗ vào đầu, vào ót tôi… hình như đến cái thứ 10 thì tôi ngã lăn ra đất, ngất đi… Mẹ lấy dầu xoa cho tôi tỉnh lại.


Buồn quá, tôi leo lên nóc nhà hai tầng, ngồi khóc lóc một hồi rồi tính nhẩy xuống tự tử, nhưng chợt nhớ đến lời thầy võ dạy, “Thắng không kiêu, bại không nản,” tôi nghiến răng lại, trèo xuống, và bỏ học, đi kiếm việc làm. Việc đầu tiên là đi bỏ báo sáng, rồi phụ bán thịt bò gần chợ Tân Định. Làm một thời gian thì bỏ vì suốt ngày cứ nghe thấy, “Cậu cắt cho tôi cái vú kia! Kiếm cái vú nào cứng cứng nhá!”


“Bán cho tôi cái mông, cái mông nào không có lông…”


“Có dái bò không? Dái nào dài dài đấy...”


Chán quá, tôi bỏ nhà luôn, đến thằng bạn du đãng, nói, “Tao đói quá!”


Hắn nói, “Mày không có tiền phải không? Đi theo tao!”


Hắn dạy tôi đến đứng ở gần ngã tư Hiền vương, Trần Nhật Duật, Mạc Đăng Dung, chờ thằng công tử nào đeo dây chuyền, lắc vàng, bút Pilot vàng thì nhào ra, tay trái chụp lấy món đồ, tay phải đấm ngay vào mặt chàng công tử, miệng chửi to, “Đ.M. mày du đãng hả?” Trong khi tên kia chưa hoàn hồn thì món hàng đã lọt vào tay, rồi chạy biến trong mấy ngõ hẻm chằng chịt của ĐaKao, đến khi không thấy ai đuổi theo thì vào tiệm cầm đồ, thẩy cái vòng vàng, dây chuyền, bút máy vào, lấy tiền đi mua bánh mì… Cứ thế, tôi dấn thân vào chốn du đãng, trộm cắp gần hai năm, lang thang đói rét, lúc ngủ gầm xe đò, ngủ vỉa hè, ngủ trên sạp chợ, đói xỉu ngoài đường là chuyện thường.


Một hôm suýt bị xe cán chết. Tôi đang ngủ dưới gầm xe đò, thì xe nổ máy, de ra đường, tôi không kịp chui ra, đành nhắm mắt, chờ chết, nếu tài xế quẹo bánh xe. May mà ông ta de thẳng! Có lần ba ngày không có gì bỏ bụng, tôi bất tỉnh ngoài đường. Người gần đấy thấy tôi lăn ra, thì vội đến xoa dầu, cạo gió và khi tôi tỉnh lại, thấy tôi rên “đói… quá!” thì một bà đã mua cho tôi một ổ bánh mì và dúi vào tay tôi 10 đồng, đủ mua hai ổ bánh mì nữa. Tôi sống khốn khổ khốn nạn như thế nhưng nhất định không về Mẹ, và cũng không đến nhà anh chị. Dần dần, tim tôi chai đá, tôi biến thành một thằng “du đãng chân chính,” chửi thề như máy, đánh lộn máu me tùm lum, mở mồm ra là hai chữ “Đ.M” cả tiếng Bắc Kỳ lẫn Nam Kỳ.


Nhưng sau đó, Trời chưa cho tôi tận số, tôi được hai ông anh họ giúp đỡ, và dạy tôi nên người, “Mày phải biết, đời không có bằng Đại Học là đời vất đi,” “Mày muốn trả thù đời, thì chỉ có học! Mày học cao, thiên hạ nể mày! Mày không học, thì bà con họ hàng cũng coi khinh mày!” nên tôi nghiến răng học. Không tiền mua sách để học, tôi mượn sách bạn, chờ tối đến, đem ra cột đèn, ngồi dựa vào cột để học đến khi mắt gần như mù thì mới thôi, bất chấp kiến cắn, dế cắn, muỗi đốt… và rồi thi cử, đỗ đạt lai rai, cuộc đời đưa đẩy, đi làm thầy giáo tỉnh lẻ, rồi công chức.


Cuộc đời trôi nổi như lục bình trên sông, lúc mặc sơ mi ca vát, lúc ở truồng nhẩy xuống sông tắm tỉnh bơ. Vì máu du đãng đã nhập vào tôi, nên cho dù đi làm, vẫn chửi thề, đánh lộn. Trong suốt những năm ấy, Mẹ tôi vẫn theo dõi tôi, tìm cách gọi tôi về, nhưng tôi chỉ ở với bà vài ngày, cùng lắm là một tháng, Mẹ con lại cãi nhau, tôi lại xách túi ra đi, vừa đi vừa ngoái lại nhìn nhà Mẹ, mà khóc nức nở.


Một hôm, máu giang hồ nổi lên, chợt nhớ có ông anh kế làm việc ở Vũng Tàu, nên đi Vũng Tàu ở với ông anh kế, xa luôn bà Mẹ. Tưởng là sẽ ở đấy suốt đời, nào ngờ Mẹ tôi, tuy không ở gần, nhưng vẫn theo dõi tôi. Biết tôi ở Vũng Tàu, Mẹ bán nhà Saigon, lên Vũng Tàu theo tôi. Nhưng vì đã lâu, không chịu được việc ở chung với Mẹ, tôi lại bay về Saigon, bỏ Mẹ ở lại Vũng Tàu. Làm việc ở Saigon một thời gian lại chán, bỏ việc, tình nguyện đi Sĩ Quan Thủ Đức. Khi xách túi lên trình diện đi lính, chỉ có hai thằng bạn học đi theo tôi. Nhập ngũ cả gần hai tháng rồi, tôi mới báo cho Mẹ biết, bà lên trường Thủ Đức, cứ nhìn tôi mà sụt sùi, “Sao con dại thế? Hai thằng anh đã đi lính rồi, con được miễn đi lính mà? Đi để mà chết à?”


Tôi chẳng biết nói gì, chỉ nhún vai, cười, “Me đừng lo! Sống chết có số!”


Sau đó, gặp cơ hội thi tuyển, tôi lại lại tình nguyện đi học Sĩ Quan ở Mỹ trong hai năm 1967-1968, ra trường Thiếu Úy Lục Quân Hoa Kỳ. Về nước, phục vụ ở Trường Sĩ Quan Thủ Đức, biết Mẹ vẫn ở Vũng Tàu một mình, cứ cuối tuần tôi lại chạy xe Vespa về thăm Mẹ, ăn một bữa cơm do Mẹ nấu rồi lại phóng về Saigon.


Sau khi sang Mỹ, gặp Mẹ tôi đã ở đây với mấy người cháu nội, nghĩ đến tình Mẹ con, tôi cố ở chung với Mẹ, nhưng chỉ được chừng một tháng thì bất hòa, và tôi lại mang gia đình riêng của tôi đi chỗ khác. Sau đó, tôi chỉ thỉnh thoảng đến thăm Mẹ ở “share” phòng với người ta, nói chuyện vài câu, rồi dọt lẹ. Chỉ có khi nào Mẹ cần tôi chở Mẹ đi thăm họ hàng, bạn bè, thì Mẹ gọi tôi, và tôi đến đón Mẹ đi. Trên đường đi, hai Mẹ con rất ít nói chuyện với nhau, tôi chỉ trả lời “vâng, dạ” mà đôi khi chẳng để ý xem Mẹ tôi muốn nói gì. Đến nơi gặp gỡ, thì tôi đi loanh quanh trong nhà, để Mẹ tôi chuyện trò với ai đó. Rồi ra về, cũng im lặng như khi đi.


Tình Mẹ con của chúng tôi, là một “Complex,” một mâu thuẫn tình cảm, vừa xung khắc như nước với lửa, vừa như dây tầm gửi im lặng bám vào cây cổ thụ, nhưng không thể nói một lời yêu thương. Trong suốt mấy chục năm trưởng thành, tôi vẫn âm thầm theo dõi cuộc sống của Mẹ, và nếu có bất cứ ai, cho dù là anh em ruột, họ hàng thân thiết, mà đụng chạm đến Mẹ tôi, nói xấu Mẹ tôi, là tôi gầm lên, chửi tới tấp, bất kể người đó vai vế như thế nào. Hồi đó, Mẹ tôi mua đất ở Long Khánh, trồng trọt, cứ mỗi cuối tuần, tôi chạy xe về thăm Mẹ, ngồi nói chuyện với Mẹ chừng vài tiếng, ăn một bữa cơm do Mẹ nấu, món tôi thích nhất là canh rau đay với tôm, và cà pháo do Mẹ tôi làm, ăn xong, là dúi cho Mẹ ít tiền, chào Mẹ, tôi đi. Lúc quành xe ra, tôi tỉnh bơ, nhưng ra đến đường cái, là tôi gục đầu xuống tay lái, khóc nức nở, thương Mẹ tôi lui cui một mình trong căn nhà nhỏ, cạnh thửa vườn mênh mông.


Một lần xuống thăm, Mẹ kể cho tôi nghe về ông Cậu, em họ mẹ tôi, nói lời hỗn láo với Mẹ, khinh dễ Mẹ vì thấy Mẹ già cô đơn, tôi nổi máu du đãng, lái như bay về đơn vị, lấy súng Colt nhét túi, rồi phóng xuống Long Khánh, vào nhà ông cậu tôi, móc súng ra, chĩa vào mặt bà Mợ tôi và chửi như máy, “Đ.M.! Con c.! Đứa nào hỗn với mẹ tao, tao nổ một phát là chết tươi, ăn năn tội không kịp! Nói cho chúng mày biết, tao đéo sợ thằng nào con nào, cậu mợ mà cà chớn là tao thịt!”


Bà Mợ tôi sợ quá, sụp lạy tôi cuống quýt, còn ông Cậu thì trốn ra Cha sở, xin Cha giúp. Một lần tôi đi ăn cưới con của người chị, là con nuôi của Mẹ tôi ở Long Khánh, gặp lúc một nhóm người bà con, họ hàng, người cùng làng với Mẹ tôi đang hùa nhau nói xấu Mẹ tôi. Khi họ đang cười nói lung tung, tôi bước vào, nghe loáng thoáng thấy họ đang diễu cợt Mẹ, tôi nổi sung, đứng giữa phòng khách, chửi liền, “Đ.M. chúng mày! Họ hàng cái đéo gì mà vắng mặt là nói xấu! Đ.M.! Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy. Đứa nào nói xấu Mẹ tao, tao đánh chết tươi!”


Thế là họ hàng câm hết, len lén bỏ ra. Tôi quay trở ra đi về liền, bà chị tôi chạy ra, túm áo tôi năn nỉ mãi, tôi mới ở lại, nhưng hầm hầm nhìn mọi người làm bữa tiệc cưới như có đám ma.


Thật tình, mỗi khi nhớ đến thời thơ ấu, tôi thương Mẹ tôi vô cùng, nhưng tôi lại hận Mẹ cũng không kém, khi nhớ đến thời thanh niên, Mẹ không còn thương tôi nữa, mà coi tôi như cái chỗ để đánh đập, hầu giải thoát cơn buồn của Mẹ. Nhưng dần dần, sau khi có gia đình, tôi mới biết tình cha mẹ thương con như trời biển, nhưng vì đã lỡ “du đãng tính” rồi, tôi không bao giờ nói lời xin lỗi Mẹ, mà chỉ lẳng lặng lo tiền bạc, tài chánh cho Mẹ. Khi biết Mẹ tôi nợ gần 300,000 đồng để mua vườn cây trái ở Long Khánh, và phải trả lãi 2,500 đồng một tháng, (lương công chức hạng C lúc đó cũng chỉ hơn 3,000 đồng), tôi lo quá, lẳng lặng gom hết tiền dành dụm, đi trả nợ một lèo cho Mẹ và dặn những người thường cho Mẹ vay là “không bao giờ cho Mẹ tôi vay nữa nghe!” Mỗi khi Mẹ tôi từ Long Khánh lên, ở nhà bà chị, tôi lại đến dúi cho Mẹ ít tiền tiêu. (Sau khi về trường Quốc Gia Hành Chánh, tôi lén đi làm Kế Toán Trưởng cho một công ty xuất khẩu Đại Hàn, rồi vì làm việc có kết quả vượt bực, tôi được thăng lên chức Phó Giám Đốc và được hưởng 49% cổ phần của công ty.)


Cuộc đời chầm chậm trôi qua. Ngày 30 tháng 4 đến, tôi đi tù nhiều năm. Mẹ tôi, lúc đó lại mua đất ở Bảo Lộc, trồng cà phê, nên chỉ lên thăm được có một lần. Nhìn Mẹ tôi gầy như con mắm, tôi thương quá, nhất là món quà của Mẹ mang lên, Một gói khoai khô do tay Mẹ xắt và phơi khô. Hai Mẹ con chẳng nói nhiều, chỉ nhìn nhau mà chùi nước mắt.


Sau khi đi tù về, lập tức tôi tính chuyện vượt biên. Tìm được người tổ chức nhưng không ngờ tổ chức dỏm. Đưa một cây vàng cho một đầu người xong, là theo lời ban tổ chức, gia đình tôi, một vợ hai con, phải tự túc ra Vũng Tàu, chờ người liên lạc để ra ghe. Để tránh tai mắt công an, tôi nhắn Mẹ tôi lên phụ mang giùm đồ đạc cho chúng tôi ra Vũng Tàu, còn gia đình tôi đi tay không. Chúng tôi đi cùng xe nhưng làm bộ không quen. Đến Vũng Tàu, Mẹ dẫn chúng tôi vào nhà ông Cậu để tá túc hai ngày chờ ghe. Không ngờ khi dắt díu nhau vào nhà, ông Cậu, bà Mợ cùng mấy đứa em tôi, sợ bị công an bắt, nên chửi chúng tôi không tiếc lời. Thằng em họ, trước 75, coi tôi như thần tượng, ngồi chửi đổng, “Mẹ cha chúng nó! Chúng nó mang vạ vào nhà mình đấy à?”


Thằng khác đáp lời, “Đ.M. nó! Tống cổ chúng ra!”


Thấy tình hình không khá, tôi nháy Mẹ tôi đi. Mẹ đi trước, chúng tôi đi sau. Đến chợ Vũng Tàu, run rẩy, lo âu, may mà bất ngờ gặp một cô bạn gái là “giao liên” của ban tổ chức, cô này dẫn chúng tôi vào trọ một nhà kia trong hai ngày chờ tin. Suốt hai ngày đó là 48 tiếng kinh hãi. Rồi vượt biên hụt. Cả Mẹ và vợ chồng con cái đành lội đến bến xe về Saigon, nhưng đến đây thì... ôi thôi! Cầm chắc là bị bắt vì không thể nào chen vào hàng người dài dằng dặc, mà lại phải trình giấy đi đường, mới mua được vé!


Mẹ tôi quay lại nói nhỏ với chúng tôi, “Đứng yên đấy! Để tao mua vé cho!”


Mẹ tôi, mặc áo cánh trắng, quần đen nhầu nát, xông thẳng vào trước hàng người. Một tay bộ đội đứng trong hàng, thấy bà cụ tàng tàng đi lên trước, bèn giơ tay gạt Mẹ tôi và quát ầm, “Bà này! Lui ra sau! Xếp hàng!”


Mẹ tôi trừng mắt nhìn hắn, cũng quát to, “Mày câm cái miệng mày đi! Mày biết tao là ai không?”


Tên kia thấy bà cụ xung quá, tưởng là... mẹ cán bộ chi đây, nên nín khe. Mẹ vừa tiến lên đến sát quầy vé, thì một tay mặc đồ bộ đội xanh, đứng ngay ô cửa bán vé, xô Bà lùi lại, “Bà này đi đâu? Ra sau! Ra sau! Đứng xếp hàng!”


Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt hắn, gằn giọng, “Mày nói gì? Mày biết thân biết phận thì lui ra cho bà mày mua vé! Không thì tao lại vả cho cái vỡ mặt ra bây giờ!”


Tay kia thấy bà già nói giọng Bắc Kỳ 75, y hệt cối cán, thì cũng á khẩu, lùi lại. Mẹ tiến lên, đưa tiền qua ô cửa vé, nói dõng dạc, “Bán cho 5 cái vé mau lên!”


Người bán vé không dám hỏi thêm một lời, vội xé ngay 5 cái vé đưa Mẹ. Thế là chúng tôi thoát nạn. Cũng nhờ cái tính dữ dằn của Mẹ!


Cái tính dữ dằn này đã truyền sang tôi, nên khi tôi đi lính thì ba gai vô cùng. Học Quân Trường Mỹ cũng đánh lộn, vì giận một thằng Mỹ kỳ thị nói vào mặt, “I hate you guy, Vietnamese! I hate to be dead in your Vietnam country!” thế là tôi “Fuck your mother!” rồi nhào vào, đánh liền, nhưng bị thằng Mỹ này khỏe quá, nó đánh tôi bầm dập cả người, máu mồm máu mũi nhòe nhoẹt. Dù bị máu làm mờ mắt, tôi vẫn xông vào đánh tiếp, làm tên Mỹ kia sợ, phải quỳ xuống lạy tôi, “Tao lạy mày, mày dữ như cọp!”


Về nước, đang là Sĩ Quan, mà bị án tù nằm chuồng cọp 8 ngày, vì chửi Thượng Cấp “Ông ăn cứt Mỹ rồi khen cứt Mỹ thơm hả!” Khi quân cảnh lái xe đến bắt, lại rút súng dí vào mặt quân cảnh, đòi bắn. Lúc còn Thiếu Úy, đang tập đi kiếm để diễn hành ngày Quân Lực, đã rút kiếm đâm một Đại Úy suýt chết khi ông này cứ “Đ.M. mày! Mày là thằng con nít! Biết cái đéo gì!” Khi đi tù Cộng Sản, cuối năm 1975, tên Tổng Quản Giáo ở Trảng Lớn, lôi tôi vào phòng, đục cho một trận gần một tiếng đồng hồ vì tội tôi dám đề nghị, “Nếu đây là trại cải tạo, yêu cầu cho chúng tôi dự lễ Giáng Sinh!”


Sau khi chuyển qua Suối Máu, tôi đã thách thức Quản Giáo Sáu Méo, coi đội 3, K.4, khi hắn bắt anh em quỳ gối trước hắn, “Anh có thể giết tôi, nhưng không được làm nhục danh dự Sĩ Quan Quân Đội Cộng Hòa chúng tôi. Có bắn thì bắn thẳng vào mặt, đừng có bắn sau lưng, và đừng bịt mắt nghe! Đứa nào bắn sau lưng là hèn!” Cũng tại K.4, Suối Máu, đã nói thẳng vào mặt tên Chính Ủy Mặt Nám (vì mặt hắn bị chàm), “Anh muốn bắn thì bắn, giết thì giết! Không được chụp mũ tôi. Tôi chống anh thì tôi chống trong đầu này, chứ ngu gì mà viết ra giấy!” (Hôm đó, nếu không có sự can thiệp nhanh trí của G.S Trần Đức Thịnh dạy ở trường Nguyễn Bá Tòng nhảy vào can thiệp, thì tên Chính Ủy đã bộp cho một viên vào đầu tôi rồi! Với sự can thiệp của Trần Đức Thịnh và trước nhóm anh em đứng xem, tên chính ủy đành đút súng vào bao, nhưng sáng sớm hôm sau, hắn gọi mình tôi lên phòng, đục tôi gần nửa tiếng đồng hồ, người mềm ra như chuối chín!) Khi công an quản giáo vào định mượn cây đàn thì nổi sùng lên chửi, “Đ.M. Con c. Đéo cho công an mượn đàn!” Vì cái tính ba bựa như vậy, cho nên bị chúng nó đánh vỡ xương mũi, điếc một bên tai.


Tính dữ dằn của Mẹ tôi theo tôi sang Mỹ luôn. Đi làm mà chửi xếp rồi bỏ về. Đổi “dóp” như đi chợ. Hễ bất mãn là áp dụng câu, “Nhịn là nhục! Cự thì đục!” Và đến bây giờ, đã lên hàng lão rồi mà tính nóng giống Mẹ vẫn còn, đánh nhau trên mạng chí tử! Ngồi nghĩ lại, sao tôi giống Mẹ tôi như lột! Người phụ nữ hơn 30 tuổi, một tay cầm cương ngựa, một tay cầm gậy, đi vào vùng Mường Mán, thu tiền nợ, chẳng sợ Trời, không sợ ma quỷ! Người phụ nữ này lên rừng cao mua gỗ rồi thả xuống xuôi, bán lấy lời. Người phụ nữ này cho đục tay chèo thuyền, đổ đá lửa, thuốc tây vào trong ống của mái chèo, rồi cho chèo thuyền vào vùng Việt Minh, bán hàng, không sợ chết! Người phụ nữ mới hơn 40 tuổi này, đã một mình chở hàng chục kiện thuốc lào đi rao bán mấy tỉnh miền Bắc.


Cũng người phụ nữ này, sau 1975, ở Bảo Lộc, bị một lần bốn tay công an vào nhà, hoạnh họe, “Nghe nói bà này có mấy đứa con làm lính ngụy, phải không?”


Bà thản nhiên trả lời, “Không có! Tôi không có mả đẻ ra lính ngụy!”


Mấy tay kia trợn mắt, “Chúng tôi nghe báo cáo là bà có ba thằng con đi lính ngụy mà!”


Mẹ tôi đổi giọng, gầm lên, “Tao đã nói là tao không có mả đẻ ra lính ngụy. Tao có ba thằng con đều là Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa! Biết chửa? Ba đứa con tao đang đi tù đấy! Chúng mày có gan thì bắt tao đi tù với con tao đi!”


Mấy tay công an kia thấy bà già này hung dữ quá, lẳng lặng rút lui, từ đó, chúng không dám quấy nhiễu bà nữa.


Bà già đó là Mẹ tôi, người thương con nhưng không biết biểu lộ tình cảm, chỉ đến khi bà mất, bà đã bay qua Mỹ, tìm thằng con út. Đêm hôm Mẹ tôi mất, tôi đang nằm trằn trọc, ngủ lơ mơ, chợt thấy mình lạnh toát, một cơn lạnh kinh hoàng làm tay chân tôi như dúm lại, và bất thần, tôi nghe thấy rõ ràng bên tai hai tiếng nói khe khẽ, “ME VỀ!.”


Tôi ngồi bật dậy, nhìn quanh phòng. Trong bóng tối đen của căn phòng không đèn, trong cơn lạnh toát người, hình như có một bóng gì sang sáng mờ mờ ở góc phòng… Và hình như có ai đang nhìn tôi, âu yếm…


(Ngày cuối Thu, tháng 10, 2020)
*
Khóc Mẹ
Trái sầu riêng mang nhiều gai nhiều cạnh
Đời mẹ già
Chi chít nhánh sầu riêng.
Mỗi đứa con một nhánh nặng ưu phiền
Mẹ đeo mãi nên lưng còng trước tuổi.
Con tép rời sông,
Con tép lội.
Ngày Mẹ tản cư xa Hà Nội,
Rong rêu
Mẹ long đong chạy gạo mỗi chiều
Mắt muốn nhắm mà chân luôn đều bước
Đứa địu trên vai,
Đứa đeo đằng trước
Vẫn sợ “mọt chê” xé nát con trai
Nên tay mẹ dài ra
Cuốn lại sau vai
Để chắc chắn đầu con còn đó
Rồi những ngày ngược xuôi
Nhanh không kịp thở
Bùi Chu, Nam Định , Phủ Lý, Hưng Yên
Mẹ như chiếc xe “ca”,
Bụi đỏ gập gềnh
Đò ngang, đò dọc, thuyền đinh, tầu thuỷ
Mẹ qua những đoạn đường
Mìn phá tung xương tủy
Tay chân người vương vãi bụi cây
Tầu đắm, ca nô chìm, đạn rải trên mây
Mẹ vẫn dịu dàng: “Các con còn đói”
Tuy có lúc làn roi mẹ vút qua,
Bốc khói !
Con dẫu tung người,
Vẫn ôm mẹ, ăn năn
Vẫn nghe mẹ ngâm thơ , kể chuyện “Nửa chừng Xuân”
“Cô Giáo Minh”, “Gánh Hàng Hoa”, “Đôi Bạn”...
Và cuộc sống cứ trôi đi, tản mạn
Con mang hồn thơ, hồn dân Việt tang thương
Cũng giang hồ, xuôi ngược long đong
Nhìn lục bình trôi, nghe giọng hò ngọt mát
Trong vườn sầu riêng, tưởng như còn tiếng hát
Mẹ ru con những năm tháng xa mờ
Cho đến bây giờ,
Con vĩnh viễn không còn nghe tiếng mẹ
Dù mẹ mắng, mẹ la, hay dịu dàng khe khẽ
Mẹ đã thiên thu rồi !
Trong khi,
Con vẫn chưa trọn đạo làm người
Vẫn là chiếc lá khô trong dòng đời xuôi ngược
Con chỉ có vài câu thơ thấm nước
Nước mắt con, hay máu tự trái tim
Dâng mẹ già trong khói nến cuộn lên
Cầu xin cho mẹ về với Chúa bình yên
Để mai mốt con cũng về gặp mẹ.

CHU TẤT TIẾN
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.510 giây.