Phiếu bầu sớm.
“Ở nước ông có gian lận bầu cử bao giờ không?” Ông Tập Cận Bình trả lời ngay: “Không bao giờ có chuyện nhơ bẩn đó!” Ông Nguyễn Phú Trọng gật gù đồng ý.
“Làm cách nào các ông đã ngăn chặn được gian lận bầu cử?” “Rất dễ!” “Bằng cách nào?” Tập Cận Bình để cho Nguyễn Phú Trọng góp ý kiến: “Đảng cử dân bầu!”
Ở nước Mỹ, ông Neal Kelley, người phụ trách Ủy ban Ghi danh Cử tri của Quận Cam, California trong 17 năm qua, thú nhận rằng không thể nào bảo đảm 100% không có gian lận bầu cử. Nhưng ông vẫn xác định, “Tôi không nghĩ có người gian lận khi bỏ phiếu tức là tất cả hệ thống bầu cử hỏng hết.” Ông so sánh: “Có bao nhiêu người gian lận trong hệ thống ngân hàng, nhưng không có nghĩa là cả hệ thống ngân hàng hư hỏng hết!”
Vậy người ta gian lận bầu cử như thế nào? Trong cuộc phỏng vấn của báo Register vào tháng Chín năm nay, ông Kelley đưa ra nhiều thí dụ. Ở California ai cũng nhận được lá phiếu để bầu bằng thư, hàng tháng trước ngày bỏ phiếu. Ủy ban kiểm phiếu coi lại tên và chữ ký trên những bao thư này, ghi nhận người nào đã bầu rồi mà không mở bao thư ra coi lá phiếu. Nhiều người đã bỏ phiếu bằng thư, nhưng trong ngày bầu cử lại đến phòng phiếu, muốn thi hành phận sự công dân lần nữa. Ông Kelley bảo, phần lớn đó là các cụ đã bỏ phiếu rồi quên bẵng luôn! Không ai truy tố các cụ! Ông nói mỗi lần có độ một trăm vụ như thế, trong 1.7 triệu cử tri Quận Cam.
Thế còn vụ những người đã chết vẫn đi bầu thì sao? Ông Kelley cho biết cũng có hàng chục vụ xảy ra mỗi lần bầu cử. Có người còn khoe khoang trên mạng xã hội rằng họ đã bầu thay cho người chết, thế là bị truy tố! Những người đã chết thường không bao giờ về báo mộng yêu cầu rút tên khỏi danh sách cử tri. Nhưng ủy ban bầu cử vẫn theo dõi tên người chết từ các bệnh viện, nhà quàn; cũng như hồ sơ của Experian, một công ty tiếp thị chuyên gửi quảng cáo đến từng nhà, và Lorton Data, một công ty cung cấp tin tiếp thị, cũng như tài liệu của các cơ quan tín dụng để biết ai đã đổi địa chỉ, ai đã qua đời. Mỗi năm danh sách cử tri được cập nhật hóa nhiều lần. Ông Kelley thú nhận, tất cả những danh sách cử tri trên thế giới ở nước nào cũng còn tên những người đã chết. Nhưng con số gian lận rất nhỏ. Trong năm 2014, người ta đã bắt được 26 lá phiếu bầu nhân danh 14 người đã chết ở Quận San Diego.
Dù con số nhỏ, nhưng rất quan trọng, vì trong nhiều cuộc bầu cử địa phương người thắng có thể hơn người thua rất ít phiếu. Năm 2008, ở Yorba Linda có người đắc cử vào hội đồng thị xã chỉ thắng có đúng một phiếu. Phải đếm lại hết, nhưng kết quả không thay đổi, không có phiếu nào gian lận! Ông Kelley chưa bao giờ thấy có đến hàng trăm phiếu bầu gian lận. Còn chuyện có người mạo danh người khác để bỏ phiếu, hay đánh tráo phiếu bầu, ông Kelley chưa bao giờ thấy kể từ năm 2005 đến nay.
Năm nay Quận Cam là nơi chưa thấy ai tố cáo bầu cử gian lận đáng chú ý. Nhưng ủy ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã khiếu nại ở các tiểu bang Georgia, Michigan, Nevada và Pennsylvania. Nhiều phiên tòa đã xét xử và thấy không đủ bằng chứng. Thống đốc Doug Ducey ở Arizona, thuộc đảng Cộng Hòa, cam đoan rằng tiểu bang đã “theo đúng từng chữ” những thủ tục kiểm phiếu.
Cũng như Arizona, tiểu bang Georgia chưa bao giờ bầu cho một ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ từ 30 năm nay. Hai nghị sĩ Cộng Hòa David Perdue và Kelly Loeffler đang chờ cuộc bỏ phiếu khác vào đầu năm 2021 để coi còn tại chức hay không. Hai ông đã tố cáo có bầu cử gian lận.
Ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở Georgia với khoảng 12,000 phiếu — bằng 0.25% các phiếu đã đếm. Như thế tức là phải đếm lại. Ông Gabriel Sterling, người phụ trách việc kiểm phiếu, thuộc đảng Cộng Hòa, đã lên tiếng bác bỏ ý kiến có gian lận bầu cử. Hai vị nghị sĩ đã phản công, yêu cầu ông bộ trưởng nội vụ tiểu bang (Secretary of State) phải từ chức vì để cho gian lận xảy ra. Ông Brad Raffensperger, bộ trưởng nội vụ phải lên tiếng, bảo đảm không có chuyện gian lận.
Ông Raffensperger, cũng thuộc đảng Cộng Hòa, nói rằng, “Dân chúng Georgia bầu tôi lên làm công việc này, chỉ có họ mới có thể cách chức tôi.” Ông đặt câu hỏi: “Liệu có phiếu bầu bất hợp pháp hay không?” Và tự trả lời: “Chắc chắn có. Chúng tôi đang điều tra tất cả các vụ gian lận. Nhưng số phiếu đó có thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Georgia hay không? Chắc là không” vì nếu có cũng rất ít. Đến lượt ông Brian Kemp, thống đốc Georgia can thiệp, cam kết không bao giờ để chuyện gian lận xảy ra mà không truy tố. “Dân Georgia có quyền giữ niềm tin vào việc bầu cử!” Ông Kemp cũng thuộc đảng Cộng Hòa.
Chuyện dài bầu cử 2020 sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Người ta đang theo dõi khắp hoàn cầu, giống như coi trận chung kết giải Bóng tròn Thế giới. Các ông Vladimir Putin, Tập Cận Bình đang vỗ bụng vui mừng vì các báo, đài của Trung Cộng cũng như Nga đang mô tả cảnh “dân chủ giả hiệu” ở một cường quốc vẫn lên mặt dạy dỗ các nước khác về ưu điểm của thể chế dân chủ tự do.
Nhưng người Mỹ có thể hãnh diện về tấn kịch đang diễn ra. Năm nay có đến 159 triệu cử tri đi bầu - so với 138 triệu hồi bốn năm trước. Vì người dân tin tưởng vào hệ thống dân chủ. Tổng thống Trump đã thêm được hơn một triệu phiếu so với năm 2016. Phó Tổng thống Biden được hai triệu phiếu cao hơn bà Hillary Clinton. Có 95 triệu người đã bỏ phiếu trước ngày chính thức đi bầu, 3 tháng 11.
Cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi một phần cũng vì phương pháp bầu tổng thống bằng Cử Tri Đoàn (Electoral College). Nhiều người than phiền rằng lối bầu gián tiếp này khiến cho vị tổng thống đắc cử có khi kém người thất cử, khi đếm tất cả số phiếu đã nhận được. Nhưng đó là điều đã được hiến pháp Mỹ quy định, ai ra ứng cử đều biết trước. Họ phải vận động tranh cử trong khuôn khổ đó. Luật bầu cử cũng giống như luật lệ thể thao, ai không chấp nhận thì không chơi! Hơn nữa, thay đổi lối bầu cử qua Cử Tri Đoàn cần phải tu chính hiến pháp Mỹ, một việc không thể nào thực hiện trong hàng trăm năm tới!
Còn một lý do quan trọng khác khiến lòng người bất an khi theo dõi kết quả cuộc kiểm phiếu trên toàn quốc, là, theo hiến pháp Mỹ, các tiểu bang nắm quyền quyết định về thủ tục bầu cử. Và mỗi tiểu bang đặt ra các thủ tục, quy tắc khác nhau. Lá phiếu của một người ở California bỏ qua thùng thư được kiểm soát và mở ra, đem đếm, khác với một lá phiếu ở Pennsylvania. Dân ở chỗ này không hiểu được tại sao ở chỗ khác lại chậm trễ, vì thế nên sinh lòng nghi ngờ!
Nếu như tất cả các tiểu bang cùng theo những thủ tục bỏ phiếu, kiểm phiếu giống nhau, thì chắc những tin đồn về gian lận sẽ giảm xuống, lòng người bớt chia rẽ hơn. Nhưng giới lãnh đạo liên bang không có quyền bắt các tiểu bang phải thay đổi!
Một điều tối thiểu mà chính phủ và quốc hội liên bang có thể làm là triệu tập một ủy ban gồm đại diện các tiểu bang để thảo luận việc thống nhất những thủ tục bầu cử. Đem những thủ tục kiểm phiếu khác nhau giữa các tiểu bang ra so sánh để đồng ý về những thủ tục chung, nếu có thể. Những lá phiếu gửi qua bưu điện sẽ được kiểm tra trước, hay đợi đến ngày bỏ phiếu chính thức mới làm? Giới hạn ngày sau chót nhận những lá phiếu gửi thư là bao nhiêu ngày? Tất cả những thứ đó phải được nghị viện các tiểu bang thông qua. Hiện nay tại Hạ viện Mỹ đã có một dự luật nhằm thống nhất các thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu trên toàn quốc, nhưng chưa được Thượng viện cứu xét. Hy vọng trong vài năm tới người ta sẽ đồng ý với nhau.
Chính phủ và Quốc hội liên bang cũng có thể giúp các tiểu bang trang bị những hệ thống kiểm phiếu bằng máy vi tính giống nhau; cung cấp ngân sách trả thêm lương cho các nhân viên phụ trách. Khi mọi nơi đều sử dụng cùng một loại máy và cùng nột chương trình điện toán, thì mối nghi ngờ về gian lận chắc chắn phải giảm bớt.
Cả thế giới đang chờ nước Mỹ chỉnh đốn các kỹ thuật bỏ phiếu, kiểm phiếu. Vì từ hàng trăm năm qua nước Mỹ vẫn đóng vai cổ võ, “dạy dỗ” các nước khác về tiến trình dân chủ hóa. Nước Mỹ phải tiếp tục đóng vai ngọn hải đăng của tinh thần dân chủ.
Ngô Nhân Dụng (VOA)