Nhân viên kỹ thuật hướng dẫn sử dụng máy quét phiếu bầu của Dominion Voting System, được sử dụng tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Ảnh chụp ngày 13/11/2019. AP - John Bazemore
Dominion là công ty cung cấp máy và phần mềm phục vụ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông, dù không đưa ra bằng chứng nào, vẫn khẳng định phần mềm của Dominion đã được dùng để gian lận phiếu bầu giúp Joe Biden chiến thắng.
Đây là một trong hướng tấn công của Donald Trump và phe ủng hộ ông. Họ khăng khăng tố cáo đảng Dân Chủ đã « đánh cắp » cuộc bầu cử tổng thống. Họ chỉ thẳng phần mềm củea Dominion phục vụ bầu cử có thể đã xóa hoặc chuyển hàng triệu phiếu bầu cho Donald Trump sang cho đối thủ Joe Biden. Khẳng định trên đã được chính ông Trump tung lên Twitter và ngay lập tức đã được các trang mạng cực hữu chuyên phổ biến thuyết âm mưu loan truyền.
Phần mền của Dominion là gì ?Đó là một trong những phần mềm chính được cài đặt trong các máy bầu cử tại Mỹ, tức các máy dùng để quét và lên kết quả của phiếu bầu. Phần mềm này là sản phẩm của Dominion Voting Systems, một công ty của Canada thành lập năm 2003, chuyên sản xuất các trang thiết bị phục vụ bầu cử. Trụ sở tại Mỹ của công ty đặt ở Denver, bang Colorado.
Theo một nghiên cứu của trường thương mại Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania, thiết bị công nghệ của Dominion liên quan đến 71 triệu cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử tổng thống 2016, trong tổng số 1635 đơn vị bầu cử. Như vậy đây là nhà cung cấp thiết bị bầu cử lớn thứ 2 ở Mỹ, sau công ty Election Systems & Software.
Tại sao lại có tố cáo gian lận ?Hôm 12/11, Donald Trump chia sẻ lên trang Twitter khẳng định của kênh truyền hình Mỹ One America News Network, một cơ quan truyền thông bảo thủ, cho rằng phần mềm Dominion đã « xóa 2,7 triệu phiếu bầu cho Trump trên cả nước », và đã có 221 nghìn phiếu bầu tại Pennsylvania được chuyển từ Donald Trump sang cho Joe Biden.
Một tuần sau, ngày 19/11, ông Trump lại chia sẻ trên Twitter video của One America News Network nói về Dominion, trong đó một nữ nhà báo của kênh này nói thêm là phần mềm của Dominion bị rất nhiều lỗ hổng. Nhà báo này còn trích dẫn lời của Ron Watkins, từng quản trị một diễn đàn cực hữu, được giới thiệu là một chuyên gia về an ninh tin học, giải thích vì sao các phiếu bầu cho Donald Trump bị xóa.
Trên Twitter và Facebook, một nữ ứng viên Cộng Hòa thất cử vào Quốc Hội, Anna Paulina Luna, đã đưa tin một « người tố giác », từng làm việc cho Dominion, khẳng định là các phiếu bầu đã bị gian lận khi sử dụng phần mềm nói trên.
Về phần luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani, ngay sau đó tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News rằng Dominion là « một công ty của phe cực tả » và "một công ty nước ngoài có liên hệ chặt chẽ với Venezuela và Trung Quốc, sử dụng phân mềm của một công ty Venezuela để đánh cắp kết quả bầu cử ở nhiều nước khác ".
Lời cáo buộc này đã được nhóm luật sư của Donald Trump nhắc lại trong cuộc họp báo hôm 19/11. Tại cuộc họp báo, bà luật sư Sidney Powell đã khẳng định Dominion là một phần mềm được tạo ra từ một công ty của Venezuela. Bà nói thêm là công nghệ đó do cựu tổng thống Venezuela Hugo Chavez tạo ra để giúp ông dễ dàng thắng cử. Những lời khẳng định này sai hoàn toàn, vì Dominion Voting Systems không hề có liên hệ gì với Venezuela.
Trang mạng fact-checking Politifact nhấn mạnh đã có những vấn đề tại hai bang có kết quả bị Donald Trump phản đối và đó là hai bang sử dụng phần mềm Dominion. Tại bang Michigan, phần mềm đã không được cập nhật trong một hạt bầu cử, nên đã dẫn đến báo sai kết quả chiến thắng thuộc về Joe Biden, nhưng sai sót này đã được sửa trước khi kết quả cuối cùng của hạt này được công bố.
Ở tại hai hạt của bang Georgia, các máy bầu cử bị hỏng hóc một lúc trong ngày bỏ phiếu, nhưng sự cố đã được các nhân viên kỹ thuật của Dominion sửa chữa ngay, các phòng phiếu ở đây đã phải đóng cửa muộn mất vài giờ. Sự cố như vậy chỉ là cá biệt, không thể dựa vào đó để nghi ngờ tính xác thực của kết quả kiểm phiếu cuối cùng là Joe Biden thắng.
Cho đến giờ này, không có chi tiết nào đủ vững chắc để chứng minh Dominion gian lận. Phe Cộng Hòa không đưa ra được bằng chứng nào làm cơ sở cho các cáo buộc gian lận rộng rãi đã dẫn đến chiến thắng của Joe Biden.
Cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề an toàn bầu cử Mỹ ( CISA ) đã tuyên bố hôm 12/11 rằng không có bằng chứng gian lận bầu cử nào, đồng thời khẳng định ngược hẳn với tổng thống Donald Trump : « Cuộc bầu cử ngày 03/11 an toàn nhất lịch sử Hoa Kỳ ». Vài ngày sau ông Trump thông báo sa thải lãnh đạo cơ quan này, ông Christopher Krebs, người do chính tổng thống bổ nhiệm năm 2018.
Ngày 16/11, 59 chuyên gia về an ninh tin học đã công bố một bức thư ngỏ bày tỏ phẫn nộ về các cáo buộc gian lận bầu cử không có cơ sở, đồng thời cho biết lo ngại về việc các khẳng định như vậy vẫn được loan truyền. Ngay cả kênh truyền hình Fox News cũng đã đánh giá là những cáo buộc mà phe của ông Trump theo đuổi là không khả tín, trong đó có những tố cáo liên quan đến Dominion.
Công ty Dominion Voting Systems đã ra thông cáo khẳng định phần mềm của họ không có lỗ hổng nào, đồng thời bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc gian lận hay sai sót phần mềm liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ.
Từ kỳ bầu cử tổng thống 2016, hệ thống tin học liên quan đến bầu cử đã là mục tiêu của tin tặc được cho là thân cận với tình báo Nga, tất cả các thiết bị điện tử, phần mềm bầu cử đã được các chuyên gia an ninh tin học soi rất kỹ.
Một báo cáo được các nhà khoa học về an ninh mạng của Mỹ công bố hồi tháng 8/2019 đã chỉ ra rằng nhiều thiết bị liên quan đến bỏ phiếu vẫn dễ bị tấn công tin học, trong đó có cả các thiết bị của Dominion Voting Systems.
Những điểm yếu tồn tại, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã bị khai thác. Trước hết, các kẽ hở an toàn được xác định liên quan đến các máy hoặc các mạng cá biệt. Thay đổi hàng triệu lá phiếu bầu, như Donald Trump khẳng định, thì cần phải tổ chức một chiến dịch gian lận khổng lồ và rất đông người tham gia. Đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào theo hướng như vậy, ngoài các cáo buộc từ phe của Donald Trump.
Như các nhà nghiên cứu an ninh tin học đã viết trong một diễn đàn trên báo Mỹ hồi giữa tháng 11 : « Thay đổi tiến trình một cuộc bầu cử cần nhiều thứ, chứ không đơn giản bằng lỗi kỹ thuật » trên các máy bầu cử.
Theo AFP và Le Monde