Tập hợp ủng hộ các nghệ sĩ ly khai và đòi đối thoại về tự do ngôn luận. La Habana, Cuba, ngày 27/11/2020. © REUTERS - ALEXANDRE MENEGHINI
Đêm qua, 27/11/2020 là một ngày lịch sử đối với Cuba. Suốt ngày hôm qua, hơn 200 thanh niên đã tập hợp trước trụ sở bộ Văn Hóa để đòi chính quyền tôn trọng tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Đến 21 giờ, giờ địa phương, bộ Văn Hóa Cuba đã chấp nhận đối thoại với đại diện phong trào. Cuộc đối thoại diễn ra trong hơn 4 giờ.
Phong trào đã bùng lên sau khi an ninh can thiệp vào đêm hôm trước, thứ Năm 26/11, để trục xuất 14 thành viên và người ủng hộ phong trào San Isdro, đang tuyệt thực tại một cơ sở nằm tại trung tâm thủ đô La Habana. Phong trào San Isdro bao gồm các nghệ sĩ, giảng viên đại học và phóng viên, đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tác tại Cuba.
Phóng sự của thông tín viên RFI Domitille Piron từ Cuba :
« Tia lửa đã làm bùng lên phong trào - theo nhận định của một nữ đạo diễn trẻ, tham gia cuộc phản kháng cùng với gần 200 nghệ sĩ, nhà sáng tác, trước trụ sở bộ Văn Hóa – đó chính là việc tối thứ Năm, 26/11, cảnh sát trục xuất các thành viên phong trào San Isidro, tuyệt thực để đòi tự do cho một trong các thành viên phong trào, bị kết án 6 năm tù, vì tội ‘‘xúc phạm’’ chính quyền.
Tuy nhiên, các yêu sách của họ rộng lớn hơn. Sau nhiều giờ phản kháng trước trụ sở bộ Văn Hóa, khoảng 30 đại diện của giới hoạt động văn hóa độc lập đã được một thứ trưởng tiếp. Họ đã thành công trong việc thiết lập đối thoại với chính quyền, theo lời nghệ sĩ Tania Bruguera:
‘Bộ Văn Hóa không còn có thể nói không biết gì về tình hình nghệ thuật độc lập tại Cuba. Họ cũng không thể nói là không biết gì về các vụ hành hung, truy bức và đàn áp nghệ thuật độc lập tại Cuba. Họ không thể nói là họ không biết !’’.
Bên trong trụ sở bộ Văn Hóa, đối thoại diễn ra trong hơn 4 giờ đồng hồ. Trong lúc đó, ở bên ngoài, hàng trăm người trẻ tập hợp, họ ngồi lại trong không khí bình tĩnh. Những người có mặt hát vang nhiều bài ca, thảo luận và cứ 15 phút lại vỗ tay một lượt, để người bên trong trụ sở bộ Văn Hóa có thể nghe thấy những phản ứng bên ngoài.
Trên đường phố xung quanh, lực lượng an ninh được tăng cường, khu vực biểu tình bị phong tỏa, cảnh sát dùng hơi cay để đánh bật bất cứ ai có ý định tham gia vào nhóm biểu tình trước trụ sở bộ Văn Hóa. Đa số các thanh niên tham gia biểu tình lần đầu tiên trong đời. Thế rồi, trên khoảng sân trước trụ sở chính quyền, xuất hiện 30 người đại diện cho phong trào, vừa đối thoại với bộ Văn Hóa, trong đó có nhà biên kịch Yunior Garcie. Họ đi ra như những người anh hùng.
Ông Yunior Garcie nói : ‘‘Những gì diễn ra hôm nay quả là một ngày lịch sử đối với đất nước chúng ta ! Chúng ta có quyền lạc quan, bởi chúng ta đang khởi sự cho một cuộc đối thoại mới, khi các khác biệt được tôn trọng’’. Một ngày và một đêm phản kháng trong căng thẳng đã khép lại trong bầu không khí đầy tinh thần công dân ».
Một trong các mục tiêu chủ yếu của phong trào là đòi chính quyền xem xét lại nghị định 349, buộc các nghệ sĩ độc lập muốn hoạt động phải đăng ký với một tổ chức chính quyền. Phong trào San Isidro yêu cầu bộ Văn Hóa tổ chức thảo luận về nghị định này.
Theo RFI